Những kỷ niệm trong Cuộc Hành Trình

Chủ nhật - 11/07/2021 22:28 | Tác giả bài viết: Hoàng Mạnh Tường |   524
Anh Hoàng Mạnh Tường lớp Vô Nhiễm sau thời gian lưu lạc nơi xứ người đã tìm đường trở về và nối kết liên lạc với anh em LBT.
Hoàng mạnh Tường
Hoàng mạnh Tường

(Lts) Xin giới thiệu với bà con nhà Lê một khuôn mặt mới hiện cư ngụ tại xứ sở lá Phong. Anh Hoàng Mạnh Tường lớp Vô Nhiễm sau thời gian lưu lạc nơi xứ người đã tìm đường trở về và nối kết liên lạc với anh em LBT. “Le Mur” là biệt danh của anh khi còn ở chủng viện, một người cứng như tường đá. Những ai được xếp cặp song đấu Vovinam với Le Mur đều sưng tay vì đấm phải tường thành vững chắc. Những kỷ niệm trong cuộc hành trình tìm tự do của anh sẽ được lần lượt kể ra...

Những kỷ niệm trong Cuộc Hành Trình

Trong đời sống chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui, tin buồn nhiều hơn tin vui, nay chia buồn, mai phân ưu… để vơi đi nỗi buồn và mất mát. Tường xin chia sẻ một vài câu chuyện vui có thật xảy ra cách đây gần 40 năm về trước. Trôi dạt vào đảo Paulo Bidong (Malaysia mở Google map sẽ thấy vị trí) Hảo, Đăng, Đoài, Phi Hùng (Ba Làng) đều ở đó. Chuyện dài dòng lúc nào kể cho nghe! Ở trên đảo, Tường vô tình trở thành một ông cha xứ bất đắc dĩ, mặc dầu đi dép râu, đội nón cối, cái mark nhà tu vẫn bị phát giác. Bất đắc dĩ vì cha xứ chưa được chịu chức bao giờ!!! Sau khi làm giấy tờ nhập trại tị nạn, mấy anh thanh niên công giáo đưa Tường lên ở nhà thờ, ở đó chỉ còn một mình thầy Đào (Mỹ Tho?). Một vài tuần sau thầy Đào rời trại đi định cư ở Pháp rồi giao toàn bộ công việc nhà thờ cho Tường. Giáo dân trên dưới khoảng 3000, dân số ở trại khoảng 5000 - 6000 có khi lên tới 7000, 8000. Có các đoàn thể như ca đoàn, thanh niên, thiếu nhi Thánh Thể, Legio, lớp giáo lý tân tòng, hội đồng mục vụ (ban hành giáo)… Sáng sớm lo đọc kinh, suy tôn lời Chúa, chia sẻ lời Chúa và cho rước lễ. Mỗi Chúa Nhật có cha Bill người Anh dòng Tên lo dạy tiếng Anh thuộc về Cao ủy Liên hiệp quốc đến nhà thờ làm lễ, dĩ nhiên là làm lễ bằng tiếng Anh. Mình đọc Thánh thư và Phúc âm bằng tiếng Việt. Sau khi cha giảng xong, mình phải lo thông dịch lại bài giảng tóm tắt. Cứ mỗi 2 tuần có cha Surmon người Pháp (MEP) ở đất liền (Malaysia) theo tàu Cao ủy vào mang theo đồ áo, thơ và tiền của người thân định cư ở nước ngoài gởi về cho thân nhân ở trại, mình phải theo cha xuống hội trường để thông dịch cho cha người Pháp, thừa sai Paris, nhưng thông thạo và nói tiếng Anh, thỉnh thoảng nói tiếng Pháp. Cha ở một tuần rồi về lại đất liền.

Mỗi tuần, mình và một cô trong đoàn thanh niên phải lo soạn bài cho chương trình phát thanh công giáo mỗi tối thứ Bảy. Khoảng 3 - 4 tháng sau có thầy Hùng (Vân) Châu Sơn lên, mừng hết lớn vì đã quen biết ở VN và có người phụ giúp công việc. Sau này có thầy Khâm, Phan, cha Chính, cha Thạnh - thư ký phụ tá cho ĐC Thuận, Nha Trang. Có 2 cha và các thầy lên chia sẻ công việc chỉ còn đảm trách 2 việc: thông dịch cho cha Surmon và chương trình phát thanh công giáo hàng tuần và lớp dạy giáo lý Tân tòng. Tường và thầy Khâm (Giáo Hoàng học viện, giáo phận Huế) xuống hội trường (anh em thường nói là xuống núi) làm thông dịch. Tường làm thông dịch cho phái đoàn Canada, thầy Khâm thông dịch viên cho phái đoàn Australia. Trước khi vào phỏng vấn để được nhận đi định cư mọi người phải lo học tiếng Anh, văn hoá, địa lý, phong tục tập quán… của nước mình muốn đi. Một hôm T. Khâm bị đau nên Tường thay thế thông dịch cho phái đoàn Úc, hôm đó thông dịch cho nhiều cases, tới phiên 2 cô trong ca đoàn, bà trưởng phái đoàn Úc hỏi nhiều câu: dân số Úc bao nhiêu, diện tích, ngôn ngữ chính, phong tục tập quán… và hỏi hai chị em con gì nổi tiếng và tượng trưng cho nước Úc? Cô em nhanh nhẹn trả lời “Kangaroo”, bà hỏi tiếp: thế thì tiếng Việt của các anh gọi làm sao? Hai chị em ú ớ không trả lời được, bà ta mới quay sang hỏi mình: tiếng việt gọi con Kangaroo làm sao? Mình cũng lính quýnh vì không thấy trong tự điển rồi xoay xở trả lời: Oh!  tiếng việt gọi là con cu ga răng, bà ta gật gù khoái chí cười và giơ ngón tay cái lên nói: phát âm na ná gần giống như bên tiếng Anh! Tay kia với lấy con mộc đóng vào hồ sơ “Accepted”.

Hết giờ ra về hai chị em đứng phía ngoài đợi, mình vừa đi ra cô chị nói: “cám ơn thầy thật nhiều, nhưng em không thấy từ này trong tự điển VN. Mình mới trả lời: từ này không có trong tự điển, mới có sau này, sau 75 mới có!!!.  Từ đó con cu ga răng được nhiều em biết đến, nhất là những cô đi Úc!!!. Trong nghề thông dịch có nhiều câu hóc búa kinh nghiệm cho thấy phải biết xoay xở, tráo trở dịch đúng chứ không sai. Còn 3 câu chuyện vui khác nữa: cái máy may, cha con cãi nhau, cha làm khúc đầu con làm khúc sau… sẽ kể sau!!

Hoàng Mạnh Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây