Ai là anh em tôi?

Thứ ba - 17/03/2020 06:06 |   967
Để khởi động cho tập Kết nối IV, chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ 2012. Theo sự phân công của anh em trong cuộc họp đầu năm mới 09/02/2012 với chủ đề “Ai là anh em tôi”.
Ai là anh em tôi?
Bài thơ xướng - họa: AI LÀ ANH EM TÔI?
[21.02.2012 07:42]

Kính thưa Quý cha giáo, Quý cha và anh em,

Để khởi động cho tập Kết nối IV, chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ 2012. Theo sự phân công của anh em trong cuộc họp đầu năm mới 09/02/2012 với chủ đề “Ai là anh em tôi”. Con xin phép được nhấn nút khởi động qua bài xướng theo chủ đề của Ban đại diện đưa ra.

Vì đây là một đề tài quá đơn giản, quá bình thường không cần phải đề cập tới những phạm trù cao xa, vì thế lựa chữ để viết bài xướng quả là khó khăn. Từ hôm Vũ Đình Bình đăng bài “Phiên họp đầu năm” tới nay đúng là lòng dạ không yên khi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Phải loại trừ những cầu kỳ của chữ nghĩa để giản đơn trong những câu từ. Tuy nhiên bài xướng chỉ đưa ra những khái niệm chung của giới luật yêu thương minh họa cho chủ đề. Hy vọng các bài họa sẽ triển khai chủ đề theo nhiều khía cạnh khác nhau và làm cho chủ đề trở nên phong phú hơn. Anh Lương và Điệp sẽ tổng hợp và đôn đốc để tập Kết nối 2012 đạt kết quả mỹ mãn.

Ai là anh em tôi 
Anh em của tôi là những ai
Câu hỏi cho người mỗi sớm mai
Chưa đủ yêu thương còn hơn nữa
Đong đầy nhân ái lắm chông gai
Tha nhân hướng tới lòng rộng mở
Chính mình quay lại nặng bờ vai
Đức ái tuôn trào trong cuộc sống
Yêu thương xây đắp giữa muôn loài
Hoàng Công Nga

Tiến mỗ xin họa lại bài thơ xướng của bác Nga: “Ai là anh em tôi?”       

Ai nhớ chăng, có nhớ chăng ai?
Nhớ ngày tạm biệt, một sớm mai!
Mỗi người một ngả, đường muôn nẻo, 
Trăm nhà trăm cảnh, mật cùng gai.
Trang vở, giọng thầy còn canh cánh, 
Áo cơm, tiếng vợ chất đầy vai. 
Giật mình, bốn mươi năm tỉnh giấc:  
Tình yêu trỗi dậy với muôn loài.

Xin các vị cao minh chỉ bảo, đồng thời cùng họa cho vui nhà vui cửa.     
NGUYỄN ĐỨC TIẾN

Ai là anh em tôi?

Chẳng có ai cả, nếu tôi sống ích kỷ, ky bo cho riêng bản thân mình.

Như câu chuyện “Hai biển hồ”: Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác nhờ đó nước của nó luôn trong sạch, mang lại sức sống cho cây cỏ, muông thú cũng như con người.

Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho mình do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.

Xin mượn tâm tình đó họa bài thơ: “Ai là anh em tôi?” của bác Nga qua hình ảnh Người ích kỷ sau đây:
 
Người ích kỷ
Tối lửa tắt đèn chẳng có ai,
Năm canh vò võ chờ đến mai.
Anh em cách trở, ngăn sông núi
Hàng xóm cận kề, vướng kẽm gai.
Thương thân cơ cực, đầy một gánh
Trách phận khốn cùng, trĩu hai vai.
Sống trên đời xin đừng ích kỷ
Kẻo nay mai thành kẻ vô loài.

Em vốn dốt thơ, mong các bác thẳng tay sửa lỗi.
                                                  Vũ Đình Bình

Mùa chay cũng là lúc mọi người nhìn lại chính mình. Vinh Sơn mặc dầu không đi chủ đề chính trong cuộc xướng hoạ “Ai là anh em tôi”, nhưng đã nói lên góc cạnh sâu kín trong mỗi con người, đó là tính ích kỷ, hám danh, hám lợi. Để trải lòng ra với mọi người và đến với tha nhân cần phải loại trừ những tính cách trên. Xin giới thiệu bài thơ “Tôi” như một làn gió thổi tung lớp áo bọc bên ngoài, như để thức tỉnh mỗi người trở về với chính mình và tha nhân.

Tôi...
Lắm lúc trong tôi..., không phải tôi!
Chua cay hờn giận thiệt là tồi.
Bon chen tính toán phần hơn thiệt,
Thù hận so bì chẳng được nguôi.
Làm ơn cứ muốn người trả nghĩa,
Phúc đức phơi bày, dạ mới thôi.
Tỉnh giấc trong tôi bao giờ nhỉ?

Đức ái cho người hả thằng tôi?
Vinh Sơn

Chào anh em,
 
Nhân ghé trang nhà xem phiên bản giao diện mới do Bình giới thiệu thế nào, tình cờ đọc được chùm thơ xướng họa do Tiến Địa đề xướng từ bài thơ Ai Là Anh Em Tôi của Hoàng Công Nga. 
Bị lây cái "điên" của Tiến Địa và Vũ Bình nên "ngứa tay" gõ ngay một bài thơ [thảm] họa với anh em cho vui. 
 
Anh em ở bên nhà có điều kiện lúc nào cũng có thể gặp gỡ nhau dễ dàng. Hú một tiếng là có mặt. Một cốc cà phê ngon, một chén trà thơm, một ly rượu nồng, một chai bia lạnh... thế là có ngay "tri kỷ" để tán dóc thế sự gần xa, để chia sẻ niềm vui nỗi buồn thật thỏa chí... không như ở bên này chẳng tìm đâu ra "tri kỷ" để cùng vọng tưởng quê nhà, ôn chuyện ngày xưa... bởi khoảng cách Đông Tây Nam Bắc thật xa mà lại "thưa thớt" người.
 
Tri K là điều rất chân thật khi có những người bạn thân như Đỗ Kim Châu đã ngã xuống, mà tuổi đời mình ngày càng xa thời niên thiếu... 
 
Xin tiếp bút với Hoàng Công Nga, Nguyễn Đức Tiến, Vũ Đình Bình và Nguyễn Vinh Sơn.
 

Tri Kỷ

Anh em bằng hữu mất, còn ai
Vò võ một thân tối với mai
Bốn phía tựa như toàn khách lạ
Lòng này ví thể lắm chông gai
Đôi khi muốn được ngồi chung chiếu
Thỉnh thoảng ước gì ghé sát vai
Tri kỷ tìm đâu người đối ẩm
Hoàng hôn lẻ bóng giữa muôn loài.


Khôi Nguyên

Chúc anh em luôn được bình an và khỏe mạnh giữa cơn đại dịch Vũ Hán.
 Tags: anh em

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây