Buông

Chủ nhật - 07/07/2024 09:12 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   168
Buông là cách sống khôn ngoan để biết cách giữ cho ta cái đáng giữ, cái đáng trân trọng và nhẹ nhàng tiến bước.
Buông
Buông



 Trong khi cuộc sống luôn luôn đầy ắp những cái đau khổ quay quắt, con người phần lớn vẫn tự ôm vào mình những thứ làm cuộc đời thêm đau khổ. Làm sao có thể ra khỏi vòng đau khổ của kiếp nhân sinh? Buông!

Buông “cái tôi” ích kỷ của mình đi. Nói có vẻ dễ, thế nhưng nó lại là bài học khó nhất trong đời. Khi Chúa mời gọi “Hãy từ bỏ mình” nghĩa là bỏ “cái tôi”, một cách triệt để ra khỏi những ty tiện hằng ngày theo chỉ dẫn của Thánh Phaolô: “không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác” (1 Cor 13,4 - 5). Đó là những thứ phát sinh từ ích kỷ của “cái tôi”.

Buông “cái tôi” chiếm hữu. Trong cuộc sống thường ngày, cái tôi chiếm hữu là cái tôi dễ sinh ra lòng oán ghét và đố kỵ nhất. Thường người ta hay dựa vào cái tôi chiếm hữu để khoe khoang, tự đắc: cái nhà, cái xe, cái áo, cái quần, tiện nghi… hàng siêu đắt, siêu sang, siêu độc. Đó là những thứ ngoài thân để che cái mục rỗng bên trong. Bởi cái tôi chiếm hữu không mang lại hạnh phúc cho người khác mà chỉ là khoe khoang việc “chiếm lấy hạnh phúc của người khác mặc vào cho chính mình”.

Buông “cái tôi” dục vọng. Dục vọng ở đây nói tới nhằm nghĩa xấu xa, ước muốn tham lam về cho chính mình. Thánh Phaolô liệt kê: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gal 5,19-21). Dục vọng khống chế sự thiện ngay trong tâm hồn mỗi người.
Buông cái “bệnh sĩ” tự làm khổ mình bằng những gượng ép, sống ảo, thiếu thực tế về chính mình. Tự khoe khoang mà làm khổ thân.

Buông cái sợ không đáng sợ để tự tin đón nhận ngay cả khi thiếu sót, thất bại. Vì thất bại là mẹ thành công, thua keo này bày keo khác.

Buông cái giận hờn, ghen ghét, lo âu, buồn phiền để sống vui, tâm thanh thản. Buông cái bụi trần để sống điều thanh cao, buông cái ty tiện để sống điều rộng mở.

Buông là cách sống khôn ngoan để biết cách giữ cho ta cái đáng giữ, cái đáng trân trọng và nhẹ nhàng tiến bước.
 
L.m Giuse Hoàng kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây