Nhân đức khiêm nhường

Thứ ba - 02/07/2024 07:56 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   165
Nhân đức khiêm nhường là nhân đức cội rễ, là cội rễ nên nhân đức ấy ở sâu, như chân móng cho toà nhà, như rễ cây bám chặt sâu dưới lòng đất.
unnamed (10)
unnamed (10)
Nhân đức khiêm nhường



 Chúa Giêsu, Ngài đã sống tự hạ (Kenose) : “ Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa"[1].

Nhân đức khiêm nhường là nhân đức cội rễ, là cội rễ nên nhân đức ấy ở sâu, như chân móng cho toà nhà, như rễ cây bám chặt sâu dưới lòng đất. Toà nhà có đẹp nhưng vững nhờ móng, cây có nhiều hoa trái là nhờ gốc.

Đức khiêm nhường cần thiết cho được rỗi linh hồn: “Cậy mình” gặp nhiều nguy hiểm bởi bão tố. Nên có quyền cao thì hãy luyện tập biết khiêm nhường, ví như cây lau cây sậy, biết mềm mình trước gió nên không bật gốc. Nghe lời siểm nịnh mà không ngã lòng, nhận tiếng khen mà không tự đắc, đón lời chê mà không mặc cảm. Người khiêm nhường ở bậc cao hãy nên giống như Chúa Giêsu, đón nhận tất cả và yêu thương như Ngài.

Khiêm nhường là đức khi thấy mình vẫn chỉ là một con người thọ ơn giữa trời và đất và với những người anh chị em. Không gì có mà không do bởi Thiên Chúa ban cho, đó là tâm niệm của đức khiêm nhường. Có nhưng không hãy cho nhưng không.

Biết mình là cội rễ của đức khiêm nhường. Điều nhận biết sâu xa nhất là biết mình “Thân là bụi tro và sẽ trở về tro bụi”, sự nhận biết đó làm cho cuộc đời giữa đến và đi, ý thức rằng người sống với người cần nhất là có tấm lòng.

Nhận ra mình là tội nhân để gặp được lòng thương xót, đó là lối đi của đức khiêm nhường. Đức khiêm nhường giúp con người biết cúi xuống không để ban ơn nhưng biết cúi xuống để chia sẻ phận người mỏng dòn đầy yếu đuối. Đức khiêm nhường dạy cho các bậc thánh nhân biết nhận ra mình được Thiên Chúa giữ gìn khỏi những tội trọng mà giúp các tội nhân gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa. Khiêm nhường giữ cho lòng mến tồn tại, như Thánh Phaolô cảm nghiệm: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”[2].

Khiêm nhường để giữ được đức cậy. Đời người sao khỏi lúc thăng trầm, những cuộc hóan đổi “lên voi xuống chó”, không có khiêm nhường lòng cậy trông cũng héo. Lúc ngã mới biết ai nâng, cuộc đời xô nhau như sóng xô bờ, đầy chán nản. Thân phận là thế. Cho nên, biết khiêm nhường là biết niềm cậy trông để đứng dậy sau khi ngã, có sao đâu miễn được cuộc sau cùng.

Khiêm nhường mang lại sự bằng an, khác với sự bằng an của một kẻ sĩ chán cảnh đời rút lui về ẩn sĩ. Sự bằng an vì biết mình có hơn ai là nhờ Thiên Chúa, có thua ai là một điều dĩ nhiên. Giống như Nguyễn Du ví von “Cái tài là cái quý, không ai là không có tài”. Mỗi người là một nụ hoa Thiên Chúa dùng để điểm tô trái đất, không có nụ hoa nào là phế bỏ. Hãy vui mừng luôn trong mọi hoàn cảnh của minh để từ ấy có thể bằng an vui bước.

Đức Khiêm nhường không làm cho người ta sợ mình, cũng không làm cho người ta khinh mình nhưng làm cho người ta yêu mến mình.

Khiêm nhường còn là biết thán phục trước những điều hay, tốt đẹp của người khác làm, dẫu cho mình có không làm được.
Khiêm nhường là đón nhận mình để tự tin vững bước, làm chủ được mình để không rơi vào cạm bẫy của cám dỗ. Gióp có lần cảm nghiệm: “Phàm nhân là gì để tự cho mình là thanh sạch, và đứa con do người phụ nữ sinh ra là gì, để tự cho mình là công chính?”[3]
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan


 
 
[1] Pl 5, 6 - 11
[2] 1cor 13, 1 –4.
[3] Giop 15, 14.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây