Không thành kiến – không vấp ngã...

Thứ sáu - 05/07/2024 20:04 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   165
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”

Chúa Nhật XIV – TN – B
Không thành kiến – không vấp ngã...

tbd 060724a

 

Sau ba mươi năm sống tại quê nhà Na-da-rét, Đức Giê-su rời bỏ quê hương ra đi loan báo Tin Mừng. Nơi đầu tiên Ngài đến, đó là miền Ga-li-lê.

Có gì để nói về Ga-li-lê chăng? Thưa, có đấy! Điều để nói chính là Ca-phác-na-um. Ca-phác-na-um là một ngôi làng chài nằm trên bờ bắc của Biển hồ Ga-li-lê. Và, quan trọng hơn, nơi đây chính là trung tâm truyền giáo của Đức Giê-su.

Đức Giê-su đã đến đây. Lời rao giảng đầu tiên của Ngài chính là lời kêu gọi: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Đức Giê-su đã ở đây. Và, lời giảng dạy của Ngài đã làm “Thiên hạ sửng sốt.” Thiên hạ sửng sốt vì “Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”

Ngoài những lời giảng dạy, Đức Giê-su còn làm nhiều phép lạ. Người dân Ca-phác-na-um không thể nào quên, rằng có một ông Giê-su người Na-da-rét, ông ta đã có thể “ra lệnh cho cả thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.”

Chuyện là thế này: hôm ấy, đúng ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường, “trong hội đường, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (x.Mc 1, 24).

Tiếng la… tiếng la hét của thần ô uế làm rúng động cả hội đường. Thế nhưng, Đức Giê-su đã không quan ngại trước tiếng la hét của thần ô uế.

Và, đúng là một-Đấng-có-thẩm-quyền, Ngài đã quát mắng nó, rằng: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Ngay lập tức: “thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.”

Chứng kiến trước một ông Giê-su người Na-da-rét “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ”, dân thành Ca-phác-na-um đã phải “kinh ngạc”. Và, ngay lập tức “danh tiếng Ngài đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.”

Thế mà, trớ trêu thay! một lần nọ, khi Đức Giê-su về thăm quê nhà Na-da-rét, sự hiện diện của Ngài, lại làm “thốn mắt” những người đồng hương. Đôi mắt họ dính đầy bụi bặm của thành kiến. Và, vì thành kiến, họ… “họ vấp ngã vì Người”.

Sự kiện đáng tiếc này, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 6, 1-6).

**
Tin Mừng thánh Mác-cô thuật lại rằng: Sau những ngày đi qua đi lại giữa hai bên bờ Biển Hồ rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su “ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.” (Mc 6, 1).

Vâng, về-nơi-quê-quán, đó là niềm vui của bất cứ ai xa quê lâu ngày. Điều này, cứ hỏi những bạn trẻ rời bỏ quê mình, lên Hà Nội hay vào Saigon, làm công nhân trong những khu công nghiệp, hẳn sẽ rõ.

Thế nên, chúng ta có thể nghĩ rằng, chắc hẳn Đức Giê-su vui lắm. Và, mẹ Ngài là Đức Maria sẽ còn vui nhiều hơn nữa, khi con mình về thăm gia đình.

Thế nhưng, tiếc thay! khi Ngài về đến quê quán thì lại gặp chuyện buồn. Buồn vì những người đồng hương đã nhìn Ngài với một cặp mắt “hình viên đạn”. Và, vì là “viên đạn” nên họ đã “bắn” không thương tiếc vào thân thế của Đức Giê-su.

Câu chuyện buồn này xảy ra vào một ngày sa-bát. Ngày hôm ấy, theo đúng luật Mô-sê, Đức Giê-su đến hội đường.

Tưởng chúng ta cũng nên biết qua về chương trình một buổi thờ phượng của người Do Thái. Vâng, buổi thờ phượng ở hội đường, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh.

Kinh Thánh được đọc bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram. Kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này.

Hôm đó, người vinh dự được đón nhận công việc này, chính là Đức Giêsu. Khi tất cả cử tọa đã an vị. Ngài bắt đầu giảng dạy.

Đức Giê-su đã “giảng dạy” điều gì? Thưa, thánh sử Mác-cô không nhắc đến. Ngài thánh sử chỉ cho biết, rằng: “Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên.”

Có người nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?” Một người khác thắc mắc hỏi: “Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?”

Lại có người mỉa mai rằng: “Ông ta không phải bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”

Với chừng ấy lý do, và họ cho là chính đáng… rất chính đáng đi chứ! Vì ông Giê-su đâu đã theo học với các thầy ráp-bi nổi tiếng, mà chỉ là “con ông Giu-se làm nghề thợ mộc” thì có gì để mà nói, mà nghe. Nói theo cách nói hôm nay, Đức Giê-su đâu có xuất thân từ “Giáo Hoàng Học Viện Pio X - Đà Lạt, thế nên: “Họ vấp ngã vì Người.”

Đức Giê-su, hôm ấy, đã không tranh biện với những người đồng hương của mình. Ngài từ tốn bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”

Vâng, Đức Giê-su thật sự bị “rẻ rúng”. Những người đồng hương đã coi khinh, coi thường thân thế Ngài. Và thật kinh khủng, khi họ, theo lời kể của thánh sử Luca, đã “lôi Người ra khỏi thành… kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”. Thế nhưng, ác ý của họ không thành. Chuyện kể rằng: “Người băng qua giữa họ mà đi.” (x. Lc 4, 29-30).

Có một ai đó đã nói: Con mắt thành kiến là con mắt mù lòa, trái tim chứa đầy kết luận là một trái tim chết.” (nguồn: internet).

Đức Giê-su, hôm “trở về mái nhà xưa”, Ngài đã được những người đồng hương đón tiếp bằng con-mắt-thành-kiến, với một trái-tim-chết, kết quả là, “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó.”

Vâng, chúng ta có thể tưởng tượng, hôm ấy, Đức Giê-su đã phải… phải ngậm ngùi thốt lên rằng: “Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn. Ôi! thoáng nghe dây lòng tiếc đờn”. (Come Back To Sorrento).

Đúng vậy, Ngài tiếc! Tiếc và “lấy làm lạ vì họ không tin.” (Mc 6, 6).

***
Hôm nay, nghe lại câu chuyện “Đức Giê-su về thăm Na-da-rét”, chúng ta nhận được sự dạy dỗ gì?

Lm.Charles E.Miller, qua tác phẩm Sunday Preaching, có lời “dạy” rằng: “Sự thật là Chúa Giê-su vẫn ở cùng chúng ta. ‘Người’ nói với cộng đoàn khi lời Kinh Thánh được đọc lên trong phụng vụ, và dạy dỗ ta bằng những giáo huấn khác của Giáo Hội”.

Tiếp đến, ngài Lm. “dỗ” rằng: “Liệu ta đôi lúc không muốn nghe vì sợ phải đổi thay cách suy nghĩ, cũng như cách hành xử của mình? Liệu ta có xu hướng ln tránh các giáo huấn khó hiểu (khó nghe), chống chế rằng đây là vấn đề gây tranh cãi hay quá phức tạp? Hay ta có nhận ra mình đang hậu thuẫn các quan điểm thế tục hơn các giáo huấn của Đức Thánh Cha và các Giám Mục?”

Nói một cách “gần gũi” hơn về những lời dạy dỗ của Lm. Charles, rằng: ngày nay, Đức Giê-su “vẫn” về thăm Na-da-rét. Na-da-rét ngày nay, chính là ngôi nhà thờ. Và, như Lm. Charles đã nói ở trên, Chúa Giê-su, qua các linh mục, vẫn đứng trên tòa giảng, giảng dạy cho chúng ta.

Như Đức Giê-su ngày xưa, các vị linh mục (hay giám mục) ngày nay, thân thế của các ngài cũng rất dễ bị “rẻ rúng”. Có vị, đã một thời là “bác phu cyclo”, hoặc là “chú bán cà-rem” hay xuất thân là con cái trong những gia đình nghèo, v.v…

Đây là điều có thật, sau biến cố 30.04.1975, có không ít các Lm, khi đó chỉ mới là Thầy, đã phải đạp cyclo, hoặc bán cà-rem, để mưu sinh. Chúng ta có cái nhìn về những vị linh mục (hay giám mục) này, như thế nào?

Chớ… chớ có thành kiến, mà cho rằng, mấy ông ấy đi tu chỉ là để “xóa đói giảm nghèo”! Mà, cần biết rằng, để trở thành một linh mục, đó là một quá trình không dễ dàng chút nào. Khoảng năm bảy năm học hành (triết học, thần học). Trước 1975, còn phải học trong tiểu chủng viện bảy năm trung học, đấy! Rồi còn một hoặc hai năm giúp xứ nữa nha! Đó là chưa nói đến, lãnh chức “thầy sáu” rồi, cũng không chắc là sẽ trở thành linh mục.

Nói đến điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta, (nói theo cách nói của ngôn sứ Ê-dê-ki-en), rằng, đừng có “mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá” khư khư giữ chặt lòng thành kiến trong tâm hồn mình.

Phải vất bỏ nó. Phải phá vỡ lòng thành kiến trong tâm hồn ta. Bằng cách nào! Thưa, thánh Phao-lô có lời chỉ bảo: “Nhờ đức tin…” – “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô… Không còn chuyên phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (x.2Cor 3, 26…28).

Đúng vậy, tất cả chúng ta chỉ là một trong Đức Ki-tô. Bởi vì, chúng ta “chỉ có một Chúa, một Đức Tin, một phép rửa” Do vậy, chúng ta phải cương quyết không để con quái vật thành kiến chi phối đời sống đức tin của chúng ta.

Không để con quái vật thành kiến chi phối, mảnh đất đức tin của chúng ta mới có thể nảy nở “hoa trái của Thần Khí”, đó là những hoa trái: “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, hiền hòa, tiết độ”.

Một khi hoa trái của Thần Khí nảy nở trong tâm hồn chúng ta, hãy tin, con quái vật thành kiến sẽ không thể làm cho chúng ta “vấp ngã” - vấp ngã trước những cám dỗ của một “nền văn hóa sự chết”, một nền văn hóa cổ võ cho quyền thụ thai theo ý muốn phải được coi trọng hơn quyền được sống, cũng như quyền tự do hôn nhân đồng tính, v.v…

Nói tắt một lời: “không thành kiến – không vấp ngã”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây