Danh Cha cả sáng

Thứ ba - 28/03/2023 00:42 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   295
Lời tạ ơn đúng nghĩa nhất đó là phải ý thức rõ ơn đã nhận là ơn gì, đâu là nguồn ơn mình lãnh nhận và đồng thời biết sử dụng ân ban cách hữu hiệu đúng đẹp ý người trao ban.

DANH CHA CẢ SÁNG

tbd 280323a

 

Đi dâng lễ đồng tế mừng Ngân khánh linh mục muộn của một ông cha bạn (lễ chính thức thì đã qua hơn ba tháng) do các anh em bạn cựu chủng sinh cùng lớp tu ngày xưa tổ chức. Thành phần tham dự Thánh lễ chỉ gói gọn non 50 người thuộc nhóm bạn bè thân thích cùng thân quyến. Trước Thánh Lễ ông cha bạn nhờ chia sẻ đôi điều với anh em. Hỏi ông cha bạn câu Lời Chúa ngài chọn làm kim chỉ nam đời linh mục của ngài. Ngài nói đó là một câu trong lời Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy: “Nguyện Danh Cha cả sáng” (x.Mt 6, 9).

Lời tạ ơn đúng nghĩa nhất đó là phải ý thức rõ ơn đã nhận là ơn gì, đâu là nguồn ơn mình lãnh nhận và đồng thời biết sử dụng ân ban cách hữu hiệu đúng đẹp ý người trao ban. Hiệp ý với các linh mục dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân thiên chức linh mục đã lãnh nhận trong các dịp quan trọng như Ngân khánh, Kim khánh... thì chắc hẳn chúng ta hiểu rõ ơn ban chính là chức tư tế thừa tác, thiên chức linh mục. Nói theo ngôn ngữ bình dân, chúng ta hiệp với ông cha bạn đây tạ ơn Chúa vì đã được “làm cha” cách đây 25 năm.

“Làm cha”. Một hạn từ vốn quen thuộc của nhà đạo (Công giáo) và xem ra dễ đón nhận của một thời khá lâu. Thế mà nay nó lại gây sóng gió và trở thành một chủ đề gây tranh luận với nhiều ý kiến khác chiều lẫn trái chiều. Lý do thì có nhiều. Nhưng chủ yếu đó là tệ nạn “giáo sĩ trị”, cung cách hành xử kiểu “cha chú” cùng với một vài hình thái “gương xấu” đáng tiếc và cả đáng trách của các đấng bậc được gọi là “làm cha” trong giáo hội Công giáo.

Ý kiến khác chiều cũng như trái chiều thường viện dẫn lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (x.Mt 23, 9). Khi diễn giải lời Chúa Giêsu dạy đừng gọi ai dưới đất này là cha, là thầy hay là người lãnh đạo thì nhiều vị đã biện bạch rằng Chúa cố ý nói quá đi hầu để chúng ta canh phòng sự kiêu ngạo. Điều này dẫu không sai, tuy nhiên theo nhãn quan thần học Thánh Kinh thì những lời của Chúa Giêsu cần được hiểu theo nghĩa chặt hơn nhiều.

Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, khi nói đến cha theo nghĩa là cội nguồn của mọi hiện hữu, mọi sự thiện hảo, mọi phúc lành thì chỉ có một Cha là Cha trên trời. Nếu chúng ta là người bố gia đình hay là mục tử trong giáo hội thì chúng ta chỉ thông dự phần nào đó vai vị “người cha” của Đấng ngự trên trời. Những gì chúng ta truyền lại cho con cái hay cho đoàn chiên không phải là ban mà chỉ là chuyển trao, vì chính chúng ta vốn là người đã lãnh nhận sự sống, ơn lành từ tiên tổ, nhất là từ trên cao. Đã từng mời gọi Hội Đồng giáo xứ thay đổi nội dung băng rôn ngày Lễ Thêm Sức. Thay vì dùng cụm từ “Đức Giám Mục ban Bí tích Thêm Sức” thì dùng cụm từ “Đức Giám Mục cử hành Bí tích Thêm Sức”. Cụm từ “ban Bí tích” hay “ban Thánh Lễ” xem ra dễ gây ngộ nhận. Các thừa tác viên thánh không phải là chủ nhân mà chỉ là những tác nhân trung gian chuyển trao ân lộc thánh thiêng của Thiên Chúa.

Cũng tương tự như thế, nếu xét thầy là người giảng dạy chân lý không thể sai lầm và xét người lãnh đạo là vị dẫn đường không hề lạc lối thì duy chỉ có mình Chúa Kitô mới đích thực là Thầy và là Người Lãnh đạo đúng nghĩa. Trong thân phận thụ tạo thì bất cứ ai dù là đấng bậc cao cả thảy đều có sai lầm trong lời giảng dạy cũng như trong cách thế dẫn đường, đưa lối.

Xin cho Danh Cha trên trời cả sáng. Xin đừng làm vinh danh “ông cha này, ông cha kia, đức cha này, đức cha nọ” cách quá lố. Thánh giáo phụ Irênê nói rằng Danh Thiên Chúa cả sáng khi con người được sống, được sống dồi dào trong bình an và hạnh phúc thật. Chúa Cha đích thực là Cha vì Người đã trao ban tất cả cho Chúa Con. Đấng ngự trên trời thực sự là Cha vì Người đã ban cho nhân loại chúng ta chính Người Con Một. Danh người cha toả sáng qua chính miệng của người cha nhân hậu trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể: “Mọi sự của cha cũng là của con” (Lc 15, 31).

Chính khi sống hết tình với đàn chiên được trao ban, chiên trong đàn lẫn ngoài đàn, chính khi sẵn sàng trao ban những ơn lành mình lãnh nhận cho tha nhân cách hết lòng và không tính toán thì các mục tử mới thực sự thông phần vào tính cha của Đấng ngự trên trời. Nếu như đoàn tín hữu thật lòng nói với mục tử của mình: “Mọi sự của cha đã là của chúng con” thì cách nào đó các mục tử trong Công giáo sẽ được gọi là “làm cha” mà chắc hẳn ít có ai phàn nàn hay đàm tiếu, và nếu có thì cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây