Để Chiên Được Sống (Ga 10, 1-10)

Thứ ba - 25/04/2023 04:48 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   407
Đức Giêsu là vị Mục tử nhân lành, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay Ngài còn ví mình là cửa chuồng chiên. Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên thì đều là những tên trộm cướp.

ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG
Chúa Nhật 4 Phục Sinh năm A: Ga 10, 1-10

LmTN 250423a

 

Suy niệm

Chúng ta đang ở trong mùa Phục Sinh, mùa của thiên nhiên lan tràn sự sống, với những đồng cỏ xanh tươi bát ngát trên các nương đồi, mặc sức cho đàn chiên no thỏa dưới sự chăn dắt của một chủ chiên tốt lành. Đó là bức tranh biểu tượng cho một thực tại sâu nhiệm trong đời sống tinh thần của con người. Điều này được diễn tả qua hình ảnh người Mục tử nhân lành, là chính Đức Giêsu Kitô. Ngài là vị mục tử tối cao từ Thiên Chúa mà đến, vị mục tử đích thực mà dân Chúa hằng luôn mong đợi từ ngàn xưa. Ngài đến để đem lại sự sống mới cho con người.

Đức Giêsu là vị Mục tử nhân lành, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay Ngài còn ví mình là cửa chuồng chiên. Ai không qua cửa mà vào chuồng chiên thì đều là những tên trộm cướp. Đó là những mục tử giả hiệu, vì trèo qua những ngõ khác mà đột nhập vào. Đàn chiên sẽ nhận ra ngay kẻ lạ mặt, chúng hoảng sợ và chạy trốn chứ không nghe theo. Vì họ đến chỉ để giết hại và phá hủy đàn chiên. Còn người mục tử chân chính thì đi qua cửa mà vào. Với lời nói và giọng điệu riêng biệt, chiên nhận ra ngay tiếng của người chủ và cất bước theo sau.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã giải thích dụ ngôn này như sau: “Khi Ngài đưa ta đến với Cha, Ngài nhận mình là Cửa. Khi Ngài săn sóc ta, Ngài nhận mình là Mục Tử”. Cửa chuồng chiên là cổng duy nhất để chiên nhận ra người chủ đích thật, và cũng là lối đi duy nhất để chiên vào trong tìm được sự an toàn, cũng như để chiên ra ngoài tìm đến đồng cỏ xanh tươi. Đức Giêsu là Cửa duy nhất đem lại sự sống thật cho nhân loại, vì Ngài đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Chỉ những ai ra vào Cửa Giêsu mới tìm thấy được niềm vui ơn cứu độ.

Đức Giêsu là gương mẫu tuyệt đối cho mọi mục tử khác trong vai trò lãnh đạo dân Chúa. Giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết:

“Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi”. Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài, đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng. Với tâm tình và tính cách đó,
Ngài là mô mẫu để giúp phân biệt mục tử thật và mục tử giả. Mục tử giả sẽ không dám sống như Ngài, càng không dám hy sinh để bảo vệ đàn chiên, mà chỉ nhằm vào những con chiên béo bở để no thỏa cho mình. Mục tử thật cũng khác với kẻ chăn thuê, là kẻ không quan tâm gì đến sự sống của đàn chiên, mà chỉ nhằm đến quyền lợi và bổng lộc cho mình.


Người mục tử lý tưởng theo gương Đức Kitô qua lời dẫn giải của Đức Thánh Cha Phanxicô: là “người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót; là người yêu sự khó nghèo, không tham vọng tìm địa vị cao… là người săn sóc canh giữ đoàn chiên hiệp nhất, chú ý các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên, làm cho niềm hy vọng của đoàn chiên lớn lên; là người có khả năng củng cố bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn: ở đàng trước đoàn chiên để chỉ đường, ở giữa đoàn chiên để duy trì đoàn chiên hiệp nhất, ở đàng sau đoàn chiên để tránh cho ai đó khỏi phải ở lại phía sau…”.

Giáo Hội dành Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Làm sao có được những mục tử như lòng Chúa mong ước, và những tu sĩ dám tận hiến trọn vẹn đời mình? Về điều này, thánh Gioan Phaolô II đã kêu gọi mọi tín hữu hãy chăm lo cho mảnh đất nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm và lớn lên. Mảnh đất đó là cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, với những nét phát họa cơ bản như: một cộng đoàn biết lắng nghe Lời Chúa, nhờ đó người trẻ sẽ dễ nghe được tiếng Chúa mời gọi vang lên từ trái tim mình; một cộng đoàn biết chuyên tâm cầu nguyện, dành ưu tiên cho đời sống tâm linh, nhờ đó người trẻ mới dám đáp lại tiếng Chúa kêu mời, quên mình để phục vụ vô vị lợi và hiến thân vô điều kiện; một cộng đoàn biết hăng say làm việc tông đồ, khao khát làm cho Chúa được mọi người nhận biết và yêu mến; một cộng đoàn quan tâm phục vụ và sống cho người nghèo.

Gia đình là một Hội Thánh tại gia. Chính từ những gia đình đạo đức thánh thiện, mới có những con người trẻ tốt lành, dám quảng đại hiến dâng cuộc đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Giáo Hội lúc nào cũng cần đến sự hướng dẫn của các mục tử để chăm sóc đoàn chiên Chúa, cũng như hiện diện của các tu sĩ sống đời thánh hiến, để thế giới hiểu được thế nào là tình yêu, thấy được thế nào là những thực tại vô hình. Ước chi mỗi người chúng ta luôn cầu nguyện và canh tân cuộc sống mình, gia đình mình, để tạo điều kiện cho ơn gọi phát triển nơi các bạn trẻ, góp phần xây dựng Giáo Hội của chính Đức Kitô.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành,
đã hy sinh đời mình vì nhân thế,
không như kẻ chăn thuê chỉ yên bề,
không kể gì sống chết của đàn chiên.


Là Mục Tử Đấng chăn chiên nhân từ,
Chúa dẫn con đến đồng xanh suối mát,
đem lại bình an sự sống cho xác hồn,
chẳng bao giờ chúng con sợ thiếu thốn.


Chúa chính là nơi chốn để tựa nương,
cho cả những ai phải sa cơ lỡ bước,
để vượt qua tăm tối của đêm trường,
đón nhận được tình thương và ân sủng.


Xin cho đoàn chúng con trong mọi lúc,
biết nhận ra ân phúc của đời mình,
để luôn sống trong ân tình của Chúa,
biết nghe theo tiếng Chúa ở mọi nơi,
biết bước theo chân Chúa ở mọi thời,
đừng để con xa rời tình thương Chúa.


Trong kế hoạch yêu thương và cứu độ,
Chúa vẫn chọn một số trong chúng con,
để nên như mục tử giữa gian trần,
đại diện Chúa để phục vụ tha nhân,
để chăm lo dẫn dắt đoàn dân Chúa,
và đưa về những ai đang sa lạc.


Xin cho các bạn trẻ biết mở lòng,
nghe được tiếng Chúa đang vang vọng,
biết đáp lại tình Chúa vẫn ước mong,
và góp phần với Chúa cho cuộc sống.


Xin cho con có tâm tình của Chúa,
biết quan tâm đến người đang khốn khó,
biết chăm lo cho kẻ bị bỏ rơi,
để tình Chúa sáng lên trong cuộc đời. Amen

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây