Đi nào… chúng ta cùng đi

Thứ sáu - 31/12/2021 18:33 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   624
“Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem” (x.Mt 2, 1-2).
Đi nào… chúng ta cùng đi

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

Đi nào… chúng ta cùng đi

Tin Mừng thánh Mát-thêu có hai câu chuyện, cứ đến mùa Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe đến. Hai câu chuyện này đều được ngài ghi tại chương thứ 2. (Mt 2, 1-18).

Một câu chuyện nói về cuộc thảm sát con trẻ tại Belem, do Hê-rô-đê phát động. Hê-rô-đê là vua cai trị miền bắc Galilê, chỉ vì “thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, (ông ta) đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Belem và toàn vùng phụ cận”.

Vâng, câu chuyện rất thương tâm, thương tâm khi cả một đạo quân của tên bạo chúa này, võ trang tận răng, đã tàn sát những con trẻ “từ hai tuổi trở xuống”, là những con trẻ chẳng hiểu vì sao, mình phải chết.

Một câu chuyện khác, và chính câu chuyện này, khơi nguồn cho việc bạo chúa He-rô-đê gây ra cuộc tàn sát nêu trên. Đó là câu chuyện: “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”.

**

Vâng, chi tiết câu chuyện với những diễn biến của nó, đã được thánh Mát-thêu kể lại như sau: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem” (x.Mt 2, 1-2).

Rồi khi đã đến Giê-ru-sa-lem, quý ông chiêm tinh lớn tiếng hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?”. Tiếp theo câu hỏi gây hoang mang cho không ít người, là lời loan báo đầy chấn động: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Lời loan báo đầy chấn động đã làm cho “vua Hê-rô-đê bối rối”. Còn Giê-ru-sa-lem thì sao, nhỉ! Thưa: “Cả thành cũng xôn xao”.

Trong cơn bối rối, chuyện kể tiếp, rằng: “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu?”

Rất nhanh chóng, nhanh hơn một cú click chuột trên computer, quý ngài thượng tế và kinh sư, trả lời: “Tại Belem, miền Giu-đê”. Vâng, quý ngài thượng tế và kinh sư công bố như thế là dựa vào “sách ngôn sứ, có chép, rằng: Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Qua lời công bố của các thượng tế và kinh sư, mấy nhà chiêm tinh đã biết được nơi mình sẽ phải đến. Đó là Belem miền Giu-đa.

Belem miền Giu-đa… Let’s go – Đi nào… Từng đoàn lạc đà cùng mấy nhà chiêm tinh tiếp tục cuộc hành trình.

Cùng đi với mấy nhà chiêm tinh, không phải là quý ngài kinh sư và biệt phái, càng không phải là Hê-rô-đê, nhưng là “một ngôi sao” - “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ…” Ngôi sao đã “dẫn đường cho họ, đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.” (x.Mt 2, …9).

Kỳ lạ thật! Phải chăng đây là “dấu lạ” đầu tiên được Hài Nhi Giê-su thực hiện! Vâng, người viết đã nghĩ như thế. Này nhé, cùng thời điểm trên, tại Belem, chẳng lẽ chỉ có mình Hài Nhi Giê-su sinh ra, sao!

Bao nhiêu con trẻ đã sinh ra! Muốn biết, chúng ta hãy cùng nhau tham khảo tài liệu được đăng trên trang mạng conggiao.info (http://conggiao.info/co-bao-nhieu-thanh-anh-hai-da-bi-giet-boi-vua-herode-d-43753).

Vâng, chúng ta cùng đọc nhé. “Theo Bách Khoa Công Giáo thì ‘Lễ điển Hy Lạp khẳng định Hêrôđê đã giết 14.000 hài nhi, Syria thì nói rằng 64.000, trong khi nhiều nguồn khác thời trung cổ cho là con số lên đến 144.000”.

Tuy nhiên, những con số này đã phóng đại quá mức dân số Bêlem và các vùng lân cận thời Chúa Giêsu.

Chuyên gia Willim F. Albright ước tính tổng dân số toàn Bêlem thời Chúa Giêsu sinh ra là khoảng 300 người. Số các trẻ nam sơ sinh từ hai tuổi trở xuống vì thế chắc chắn chỉ vào khoảng 6 đến 7 mà thôi. Như vậy, cả Bêlem và các vùng lân cận chỉ có tối đa 20 bé trai dưới hai tuổi vào lúc đó, tức là con số các Thánh Anh hài ở mức 10-20 vị”.

Sáu đến bảy. Hoặc mười đến hai mươi. Vậy mà, “ngôi sao” lại chỉ dừng chính nơi “Lãnh tụ chăn dắt Israel ra đời” tên là Giê-su, “thân mẫu là bà Maria”, thánh Mát-thêu ghi rõ như thế, thế nên không gọi là “dấu lạ” sao được, nhỉ!

Vâng, hôm ấy khi ngôi sao “dừng lại” nơi Hài Nhi Giê-su sinh ra, chuyện kể rằng: “(Các nhà chiêm tinh) vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (x.Mt 2, 13).

***

Các nhà chiêm tinh, đã “đi đến nơi”. Thế họ có “về đến chốn”? Thưa có. Nhưng, hành trình “trở về mái nhà xưa” của quý ngài chiêm tinh cũng là một bài toán khó giải. Khó giải vì lời “dặn dò dễ thương” của vua Hê-rô-đê.

Vâng, ông kẹ Hê-rô-đê, hôm gặp các nhà chiêm tinh ở Giê-ru-sa-lem, đã “bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.” Hỏi xong, ông ta dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”.

“Để tôi cũng đến bái lạy Người”. Vâng, lời dặn khôi hài quá, phải không, thưa quý vị?

Trên thế gian này, từ cổ chí kim, có vị lãnh tụ nào “phấn khởi” khi nghe tin có thằng nhóc nào vừa mới sinh ra, sau này sẽ trở thành lãnh tụ… một nguy cơ cướp chiếc ghế quyền lực muôn năm của mình, có vị vua nào “hồ hởi” khi nghe tin có chú bé nào vừa mới sinh ra, sau này sẽ là vua, một nguy cơ truất phế ngai vàng muôn năm của mình, thế mà mình vẫn muốn đến “bái lạy” thằng nhóc đó, không! Đúng là chuyện tề thiên đại thánh...

Không thấy thánh sử Mát-thêu nói gì, nhưng chúng ta có thể tin rằng, các nhà chiêm tinh đã cảm thấy “sao sao đó” về lời dặn dò của Hê-rô-đê. Có thể là vậy.

Hôm ấy, bài toán khó giải của các nhà chiêm tinh đã có lời giải. Lời giải quý ngài chiêm tinh nhận được qua một giấc mộng. Qua giấc mộng, các ông “được báo mộng là đừng trở lại gặp Hê-rô-đê nữa”. Vâng theo lời báo mộng, các nhà chiêm tinh “đã đi lối khác mà về xứ mình”.

****

Các nhà chiêm tinh, nói theo cách nói của các đồng chí nhà ta hôm nay, đã có một cuộc hành trình “thành công tốt đẹp”.

Vâng, rất thành công. Chỉ cần “một mùa đông giá, hang Belem Chúa sinh ra đời”, chỉ cần “một mùa” thôi… các nhà chiêm tinh đã gặp Hài Nhi Giê-su. Các ông đã “sấp mình thờ lạy Người”, đó là điều đáng để chúng ta ghi nhớ.

Ghi nhớ để tự hỏi mình rằng: Nay, qua biết bao “mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời”… vâng, đã qua “rất nhiều mùa sao sáng” trong cuộc đời của mỗi chúng ta, chúng ta cũng đã gặp được “Giê-su Cứu Chúa đời ta”?

Hả! Chưa gặp được sao? Chưa… chưa gặp được, đó là do bởi chúng ta chưa có “lòng khao khát” như các nhà chiêm tinh xưa đã có “lòng khao khát”.

Xưa, chính nhờ lòng khao khát, các nhà chiêm tinh đã không quản ngại đường xá xa xôi, (theo tính toán của những nhà nghiên cứu là khoảng 2.000km), các ông đã “từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem…” để hỏi cho bằng được “Đức Vua dân Do Thái mới sinh ở đâu”. Cuối cùng, các ông đã gặp.

Nay, nếu chúng ta cũng có lòng khao khát… Nếu chúng ta có lòng khao khát đi tìm Giê-su Cứu Chúa, Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi, có phán hứa rằng: “Các ngươi sẽ thấy… Ta sẽ cho các ngươi được gặp” (Gr 29, 13-14).

Vâng, chúng ta phải có lòng khao khát. Chúng ta phải “hết lòng kiếm”, lời Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi, nói như thế.

Chưa… còn nữa. Ngoài lòng khao khát, các nhà chiêm tinh còn nhờ vào “ơn phước” Chúa ban. Ơn phước Chúa ban, chính là “ngôi sao dẫn đường”.

Ngôi sao dẫn đường cho chúng ta hôm nay chính là quyển Kinh Thánh (Lời Chúa). Thật vậy, vua David xưa đã chẳng từng nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi”, đó sao!

Là-ánh-sáng-chỉ-đường có khác nào ngôi-sao-dẫn-đường! Như đã nói ở trên, đây là ơn phước. Có bao giờ chúng ta nguyện xin Chúa cho mình “ơn phước” yêu mến việc “đọc – học” Kinh Thánh?

Hôm nay, hành trình tìm để gặp Chúa Giê-su không còn là tại “Belem, miền đất Giu-đa” năm xưa, nhưng là tại “Bàn Tiệc Thánh Thể”, chính nơi đây, ta sẽ gặp được “Giê-su Cứu Chúa”, một Đức Giê-su luôn lớn tiếng mời gọi: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 2, 20).

Không còn là chuyện phải cưỡi lạc đà đi trên 2.000km. Chỉ cần năm, mười phút “lội bộ”, nếu nhà gần thánh đường. Chỉ cần ba mươi phút trên chiếc “Future 125 Fi”, nếu nhà xa, là chúng ta có thể đến tham dự “Bàn Tiệc Thánh”

Sao! “Cô-vi 19” ngăn cản hả! Thì “Rước Lễ Thiêng Liêng”. Ai cản được!

Không gì có thể ngăn cản chúng ta tìm và gặp Chúa, nếu chúng ta có lòng khao khát. Không gì có thể làm “giảm” lòng khao khát của chúng ta, nếu chúng ta có Lời Chúa “làm ánh sáng chỉ đường ta đi”.

Bạn có tràn đầy lòng khao khát! Bạn có Lời Chúa làm ánh sáng chỉ đường! Nếu có, vậy thì chúng ta cùng đi. Cùng đi gặp Giê-su nơi Bàn Tiệc Thánh Thể. Vâng, “Đi nào… chúng ta cùng đi.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây