Tại sao Chúa để nhiều người lầm đường lạc lối? 

Thứ bảy - 01/01/2022 09:52 |   526
Tại sao Chúa để nhiều người lầm đường lạc lối? Giải thích của Lm. Giáo sư Kinh Thánh Charles Pope
Tại sao Chúa để nhiều người lầm đường lạc lối? 

Tại sao Chúa để nhiều người lầm đường lạc lối? Giải thích của Lm. Giáo sư Kinh Thánh Charles Pope

Thế Giới Nhìn Từ Vatican
 

Đứng trước một thực tế đáng âu lo là mỗi năm có hàng trăm ngàn tín hữu Công Giáo chính thức làm đơn lên tòa án tuyên bố bỏ đạo, để khỏi phải đóng thuế 9% thu nhập cho Giáo Hội, các Giám Mục tại Đức đã quyết định tiến hành cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc”. Mục tiêu của tiến trình này là xét lại hàng loạt các vấn đề về đạo lý và kỷ cương của Giáo Hội như luật độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ, thay đổi giáo huấn về tính dục để chúc lành cho các kết hiệp đồng tính. Ít nhất 12 Giám Mục Đức không đồng ý với đường hướng này trong phiên họp toàn thể kéo dài từ 23 đến 25 tháng Chín vừa qua. Tuy nhiên, các ngài chỉ là một thiểu số so với 51 Giám Mục còn lại, và một vị không có ý kiến.

Trước tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” này, nhiều tiếng nói âu lo đã nổi lên. Chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em ý kiến của Đức Ông Charles Pope được đăng trên Catholic Standard. Ngài là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: “What Can Remnant Theology Teach Us about the Church Today?” - “Thần học về tàn dư có thể dạy chúng ta điều gì về Giáo Hội ngày nay?”. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


What Can Remnant Theology Teach Us about the Church Today?
Charles Pope
Thần học về tàn dư có thể dạy chúng ta điều gì về Giáo Hội ngày nay?

Trong Bài Đọc thứ nhất ngày thứ Tư tuần thứ 25 Mùa Quanh Năm, tiên tri Ezra than thở về tội lỗi của dân đã dẫn đến cuộc lưu đày tại Babylon, nhưng ông cũng biết ơn Thiên Chúa giờ đây đã mở ra một cánh cửa cho dân trở về Đất Hứa và cho “tàn dư” trong dân tái thiết lại. Có một cái gì đó chúng ta cần phải học trong thần học Kinh Thánh về tàn dư.

Là một người Công Giáo và là một linh mục, tôi sững sờ trước sự suy giảm trong việc tham dự thánh lễ đã xảy ra trong suốt cuộc đời tôi. Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi nhớ các Thánh lễ đầy chật người: nếu bạn không đến đó sớm, bạn sẽ phải đứng. Vào những ngày đó (những năm 1960) nếu bạn dựng lên bốn bức tường, người Công Giáo sẽ tuôn đến lấp đầy bốn bức tường ấy. Có những danh sách chờ đợi dài xin học các trường học giáo xứ. Có rất nhiều nữ tu. Không chỉ có một cha phó hoặc một cha phụ tá; có hai, ba hoặc thậm chí bốn vị trong một giáo xứ.

Những ngày đó phần lớn không còn nữa. Mặc dù vẫn còn một số giáo xứ lớn ở khu vực ngoại ô, một số thậm chí vẫn còn phát triển, số người Công Giáo tham dự thánh lễ hàng tuần đã giảm từ khoảng 75 phần trăm xuống dưới 25 phần trăm kể từ thập niên 1950. Và mặc dù các ơn gọi đang bắt đầu hồi phục, nhưng tình hình ngày nay chủ yếu vẫn là những chủng viện và dòng tu trống rỗng. Nhiều nơi, người ta chưa từng được nghe nói đến danh từ cha phó, và ở một số vùng của đất nước này thậm chí không có cả một linh mục thường trú trong mỗi giáo xứ.

Không có cách nào để mô tả sự suy giảm này khác hơn là sững sờ. Tôi có thể nghe thấy tất cả những tranh luận thông thường về lý do tại sao quay cuồng trong trí của mình: phải chăng vì chúng ta đã từ bỏ truyền thống; phải chăng vì chúng ta không cấp tiến đủ; phải chăng vì chúng ta có quá nhiều quy tắc; hay phải chăng vì chúng ta đã từ bỏ tất cả các quy tắc. Mọi người đều có một lối giải thích riêng của mình, và có rất nhiều bất đồng.

Chúa có thể làm gì? Ngài có thể cho phép điều gì? Tôi biết rằng tôi đang trượt trên lớp băng mỏng khi cố gắng xem xét câu hỏi này, nhưng xin hãy yên tâm rằng tôi chỉ đang cân nhắc về điều đó, chứ không đề xuất một câu trả lời dứt khoát. Tôi thường hỏi Chúa, “Chuyện gì đang xảy ra với Giáo Hội? Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Tôi không cho rằng tôi đã nhận được một then chốt từ thiên đàng cho câu trả lời này, trái lại tôi dần dần đi đến một kết luận rằng những gì chúng ta đang trải qua thực sự không có gì mới. Có một tiền lệ trong Kinh Thánh rằng Thiên Chúa thường thấy phù hợp để làm mỏng hàng ngũ của Ngài, để cắt tỉa và thanh tẩy dân Ngài. Các nhà thần học gọi đây là “remnant theology” - “thần học tàn dư”.

Thần học tàn dư được thấy cả trong Cựu Ước và Tân Ước. Trong những thời kỳ quan trọng, nhiều người theo Chúa (nếu không phải hầu hết) đã bỏ đi chỉ còn lại một phần những người trung tín đến cùng bắt đầu lại. Đây chỉ là một vài trong cơ man những ví dụ có thể tìm thấy trong Kinh thánh:

Các chi tộc Giuđa và Lêvi - Có mười hai chi tộc trong dân Israel, nhưng mười chi tộc trong số này (Mười Chi Tộc Lầm Lạc) đã lầm đường lạc lối trong cuộc chinh phạt của người Assyriô ở phía Bắc Israel vào năm 721 trước Chúa Giáng Sinh. Các tiên tri đã cảnh cáo những người phương Bắc này nhưng họ đã từ chối ăn năn và sự hủy diệt đã được báo trước. Những người không chết trong chiến tranh đã bị lưu đầy và bị đồng hóa vào các dân tộc xung quanh họ. Chỉ còn lại các chi tộc Giuđa và Lêvi, sống sót ở miền Nam.

Tàn dư của chi tộc Giuđa – Chi tộc Giuđa cũng trở nên độc ác và các tiên tri đã cảnh báo về sự hủy diệt của chi tộc này. Người Babylon sau đó đã tiêu diệt dân Giuđê và san bằng Giêrusalem, vào năm 587 trước Chúa Giáng Sinh, họ đã lưu đầy những người sống sót đến Babylon. Tám mươi năm sau, người Ba Tư đã chinh phục người Babylon và cho phép người Do Thái trở về Đất Hứa. Tuy nhiên, chỉ còn lại chút tàn dư; hầu hết đã chọn ở lại vùng đất lưu đầy, họ thích Babylon hơn vùng đất được Chúa hứa ban.

Quân đội của Giđêon - Giđêon có một đội quân 30,000 người và phải đối mặt với đội quân Mêđian tới 60,000 người, nhưng Chúa nói với ông rằng quân đội của ông đông quá, và ông nên cho về nhà những người lính nhát đảm. Vì thế, ông Giđêon nói với những người lính rằng nếu họ không nghĩ rằng họ sẵn sàng cho trận chiến này thì họ có thể bỏ đi; 20,000 người đã bỏ về. Đội quân của ông Giđêon chỉ còn có 10,000, nhưng Chúa nói với ông Giđêon rằng quân đội của ông vẫn còn đông quá và ông nên quan sát những người lính khi họ uống nước từ một con suối gần đó. Ba trăm trong số họ liếm nước bằng lưỡi như chó! Chúa bảo ông Giđêon hãy cho tất cả những người khác về nhà. Ông Giđêon đã chiến thắng trong ngày hôm đó với 300 người mà Chúa đã chọn. Đức Chúa Trời làm mỏng hàng ngũ của Ngài và chỉ chọn một tàn dư là những người lính thực sự của Ngài (xem Thẩm phán chương 6 và 7).

Chúa Giêsu và đám đông dân chúng - Một số câu nói khó nghe nhất của Chúa Giêsu đã xảy ra trước một đám đông dân chúng: Ngài đã dạy dân phải chống lại ly dị (Mt chương 5 và 19, Mc chương 10); Ngài tuyên bố rằng không ai có thể là môn đệ của Ngài trừ khi người ấy từ bỏ tài sản của mình, vác thập giá của mình và theo Ngài (chẳng hạn Lc chương 14); Ngài dạy về Bí tích Thánh Thể, khiến nhiều người bỏ đi và không đồng hành với Ngài nữa (Ga chương 6).

Con đường hẹp dẫn đến ơn cứu độ - Chúa Giêsu than thở rằng con đường hủy diệt thì rộng thênh thang và nhiều người đổ xô vào đó, trong khi con đường đến với ơn cứu rỗi thì hẹp và chỉ một số ít người tìm thấy con đường đó (x. Mt 7: 13-14). Vâng, chỉ một số ít, một tàn dư.

Tôi muốn trích dẫn một đoạn cuối từ sách Đacaria vì nó đi đến gốc rễ của những gì Chúa có thể làm trong thời đại của chúng ta, nếu linh cảm của tôi là chính xác.

Này gươm, hãy đứng dậy mà đánh mục tử của Ta, đánh đồng bào của Ta.
Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh.
Hãy đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác.
Cả những con bé nhỏ, Ta cũng trở tay đánh phạt.
Bấy giờ, trên toàn xứ, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA,
hai phần ba sẽ bị huỷ diệt, bị tiêu vong,
còn một phần ba sẽ được để lại.
Ta sẽ đưa một phần ba này qua lửa,
sẽ luyện chúng như người ta luyện bạc,
và thử chúng như thử vàng.
Chính chúng sẽ kêu cầu danh Ta, và Ta, Ta sẽ đáp lời chúng;
Ta sẽ nói: “Chúng là dân của Ta”,
chúng thưa lại: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của chúng tôi.”

(Đacaria 13: 7-9).

Đó là một đoạn chắc chắn gây choáng váng, nhưng nó cho thấy mục đích của Thiên Chúa trong việc làm giảm hàng ngũ của Ngài. Mặc dù chúng ta luôn có tự do ở lại hoặc bỏ đi, nhưng có một điều rất bí ẩn về lý do tại sao Chúa lại để cho nhiều người lầm đường lạc lối. Dường như có những thời trong đó Thiên Chúa cho phép nhiều người bỏ đi, thậm chí còn “khiến” họ ra đi, như đoạn Kinh Thánh này mô tả. Đó là một mầu nhiệm khó nuốt, nhưng tôi hiểu một khía cạnh của điều này khi tôi xem xét các bụi hoa hồng của tôi.

Tháng 11 là thời gian cắt tỉa ở vùng Đông Bắc. Những bụi hoa hồng hùng vĩ của tôi, một số cao tới tám feet [2.4 m], sẽ được cắt tỉa trở lại chỉ còn cách mặt đất một foot [0.3 m] và tôi cố tình làm điều đó! Nếu muốn cho hoa hồng của tôi phát triển mạnh vào năm tới, việc cắt tỉa phải được thực hiện. Những bông hồng không hiểu những gì tôi làm, nhưng tôi biết tại sao tôi làm điều đó. Mặc dù là đau đớn, nhưng cần thiết. Chúa cũng vậy, Ngài biết những gì Ngài đang làm và tại sao. Chúng ta không thể hiểu nhiều hơn những bụi hoa hồng của tôi có thể hiểu tại sao tôi cắt tỉa chúng. Trong đoạn văn trên, một phần ba còn lại cũng phải được thanh lọc, tinh luyện trong lửa. Khi điều đó được thực hiện, họ sẽ là vàng nguyên chất. Những người còn lại và chấp nhận thanh tẩy sẽ kêu cầu danh Chúa. Họ sẽ là một dân tộc, một Giáo Hội, theo đuổi trái tim của chính Ngài.

Đối với tôi có vẻ rõ ràng rằng Chúa đang cắt tỉa Giáo Hội của Ngài. Ngài đang chuẩn bị cho chúng ta một mùa xuân mới. Chúng ta đang thực sự chịu đựng một mùa đông khó khăn, nhưng chúng ta đang được thanh lọc, được thanh tẩy. Đây là những ngày khó khăn cho Giáo Hội, nhưng tôi đã có thể thấy những dấu hiệu của một mùa xuân tuyệt vời phía trước. Có nhiều phong trào giáo dân và nhiều lãnh vực tăng trưởng tuyệt vời trong Giáo Hội. Tôi rất có ấn tượng với những người nam đầy tài năng bước vào chức tư tế; họ yêu mến Chúa và Giáo Hội của Ngài và khao khát sâu sắc nói lên sự thật trong tình yêu. Trong tu viện của tôi, chúng tôi có hơn 25 nữ tu những Nữ Tì của Chúa, một dòng truyền giáo tương đối mới. Họ cũng yêu mến Chúa và Giáo Hội của Ngài và muốn truyền bá Tin mừng của Ngài.

Mặc dù số lượng người Công Giáo thực hành đạo đã giảm đi, tôi thấy sự nhiệt thành hơn ở những người còn lại. Trong giáo xứ của tôi có nhiều người hết lòng cầu nguyện, nghiên cứu Kinh Thánh và ngợi khen Chúa. Lòng đạo đức tôn sùng Thánh Thể mạnh mẽ hơn trong Giáo Hội ngày nay qua việc chầu Thánh Thể và Thánh lễ hàng ngày. Trên Internet có nhiều dấu hiệu phấn khởi và sốt sắng đối với đức tin. Nhiều blog và trang web tuyệt vời đang nổi lên để củng cố người Công Giáo. EWTN đang làm công việc tuyệt vời và nhiều đài phát thanh Công Giáo cũng đã bắt đầu.

Tôi có thể tiếp tục, nhưng tôi nghĩ rằng bạn đã nắm được. Thiên Chúa đã cắt tỉa chúng ta và đang thanh tẩy chúng ta. Tôi không nghi ngờ rằng phía trước vẫn còn một số ngày mùa đông khó khăn trước khi một mùa xuân trọn vẹn đến, nhưng Chúa không bao giờ thất bại. Ngài đang canh tân Giáo Hội của Ngài và chuẩn bị cho chúng ta những gì nằm ở phía trước.

Sẽ cần phải có một Giáo Hội mạnh mẽ và thuần khiết hơn để chịu đựng cơn sóng thần văn hóa đang diễn ra. Những đợt sóng đầu tiên xảy ra vào cuối những năm 1960 và những đợt tiếp theo sẽ còn tàn phá hơn nữa. Văn hóa phương Tây như chúng ta đã biết đang dần bị cuốn đi. Giáo Hội sẽ phải mạnh mẽ và trong sạch để chịu đựng những ngày sắp tới, để giải cứu những người chúng ta có thể giải cứu, và để giúp xây dựng lại sau khi những con sóng khủng khiếp đã gây ra những thiệt hại.

 
Source:Catholic Standard What Can Remnant Theology Teach Us about the Church Today?

Vietcatholic News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây