20/07/2025
chúa nhật tuần XVI THƯỜNG NIÊN -C
Lc 10,38-42
cầu nguyện hay hoạt động?
“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,38-42)
Suy niệm: Khi đọc đoạn Phúc Âm này, chúng ta thường đối lập Ma-ri-a và Mác-ta. Tùy theo khuynh hướng nội tâm, người thích cầu nguyện thì chọn Ma-ri-a, còn người thích hoạt động lại chọn Mác-ta. Nhưng đó không phải là ý Chúa muốn dạy chúng ta hôm nay. Ngài không thiên vị ai: không bênh Ma-ri-a, cũng chẳng chê Mác-ta. Ngài đã nhiều lần mời gọi chúng ta hành động, chứ không phải chỉ thưa thốt suông ngoài môi miệng, chẳng hạn: “Không phải cứ nói: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời” (Mt 7,21). Thế nhưng, Mác-ta bị Chúa ‘sửa lưng’ vì lăng xăng: chị đã ‘náo động’ chứ không phải ‘hoạt động’. Cầu nguyện và hoạt động đều cần thiết, và phải nhịp nhàng với nhau. Vì thế, mới có câu châm ngôn: “Ora et labora” (= cầu nguyện và lao động) của đời sống tu trì theo tu luật thánh Biển Đức. Theo đó, việc chiêm niệm gắn liền với việc lao động. Không cầu nguyện, việc làm của ta trở thành náo động. Không được nuôi dưỡng bởi cầu nguyện, tất cả những việc chúng ta làm sẽ trở thành máy móc, theo một lập trình khô khan.
Mời Bạn: Đời sống thánh thiện của các vị thánh -chẳng hạn: cha Gio-an Via-nê, cha Pi-ô Năm Dấu- có sức lôi cuốn con người cách đặc biệt. Theo bạn, sự thánh thiện ấy đến từ đâu? Từ hoạt động hay cầu nguyện? Hay cả hai?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu ngày mới bằng lời kinh ngắn gọn: “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm…”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con luôn biết hướng lòng về Chúa mọi nơi mọi lúc, để tất cả mọi việc làm của chúng con sinh hoa trái đích thực. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm C
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta hai hình ảnh: Matta và Maria. Hình ảnh bận rộn, lo lắng của Matta cũng chính là của mỗi người chúng ta. Suốt một ngày sống từ lúc thức giấc cho đến khi lên giường ngủ, thậm chí cả trong giấc ngủ, mỗi người chúng ta cũng đang lo lắng, băn khoăn về nhiều chuyện. Do đó, có thể nói, lời cảnh tình của Đức Giêsu đối với Matta, cũng chính là đang nói với mỗi người chúng ta: “con lo lắng bốì rối về nhiều chuyện, chỉ có mội sự cần mà thôi”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hồi tâm để nhìn lại cuộc sống của mình. Thiên Chúa không bảo chúng ta đừng suy nghĩ, lo lắng, nhưng Ngài mời gọi chúng ta đặt lại bậc thang giá trị. Chúng ta cần ưu tiên chỗ việc lắng nghe và gặp gỡ Chúa, để dễ dàng giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống, và nhất là tâm hồn chúng ta sẽ luôn được bình an một sự bình an không ai lấy mất được. Vậy chúng ta hãy loại ra khỏi lòng trí những lo lắng trần thế, và xin lỗi Chúa vì sự bất trung, bất hiếu của chúng ta, để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.
Ca nhập lễ
Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: St 18, 1-10a
“Ðối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Ðấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Ðấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Ðấng đã ghé vào nhà con”. Các Ðấng ấy nói: “Như ông đã ngỏ, xin cứ làm”.
Abraham liền vào lều, và bảo Sara rằng: “Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng”. Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Ðấng. Chính ông đứng hầu các Ðấng dưới bóng cây.
Ăn xong, các Ðấng hỏi Abraham rằng: “Sara bạn ông đâu?” Ông trả lời: “Kìa, bạn con ở trong lều”. Một Ðấng nói tiếp: “Ðộ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5
Ðáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa? (c. 1a)
Xướng: Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.
Xướng: Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.
Xướng: Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.
Bài Ðọc II: Cl 1, 24-28
“Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Ðấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 38-42
“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là tình yêu và Ngài không ngừng bày tỏ tình yêu đó với con người. Tin tưởng sẽ được Chúa đoái thương nâng đỡ đồng hành trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:
1. “Thưa Ngài, xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài”. Chúng ta cùng cầu xin cho các Đấng bậc trong Hội Thánh, luôn nuôi dưỡng lòng khao khát Thiên Chúa, để được Ngài đồng hành và nâng đỡ trong sứ vụ mục tử của mình.
2. “Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trên thế giới, biết nhận ra Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau, để tất cả nên một trong gia đình của Thiên Chúa.
3. “Cô Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những ai đang tất bật lo cho cuộc sống mưu sinh, biết dành thời gian cầu nguyện với Chúa, để Ngài tiếp thêm nghị lực cho tâm hồn.
4. “Rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, có lòng hiếu khách như tổ phụ Áp-ra-ham, để luôn sẵn sàng đón tiếp Chúa nơi tha nhân.
Chủ tế: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dành lời khen ngợi cho Ma-ri-a khi cô ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Xin cho chúng con cũng biết siêng năng lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng phục vụ Chúa nơi anh em. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.
Hoặc đọc:
Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Phần tuyệt hảo
Có một thời người ta đã dựa vào đoạn Tin Mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm, như là phần tối hảo mà Maria đã khôn ngoan giành lấy cho mình. Còn đời sống bôn chôn hoạt động của Martha là phần ít giá trị hơn. Thực ra Chúa Giêsu không thể bênh vực cho thứ chiêm niệm lười lĩnh cũng như thứ hành động múa may. Điều Ngài đòi hỏi là lắng nghe và thực thi lời Chúa.
Ngày kia, có lẽ bất ngờ, Chúa Giêsu đến thăm viếng gia đình ba chị em Martha, Maria và Lagiarô. Đối với người Do Thái, thì được tiếp đón một người khách đến thăm là một ơn huệ Chúa ban và cũng là dịp để tưởng niệm cuộc xuất hành của dân Chúa trên đường tiến tới miền đất Hứa. Việc đón tiếp khách được tổ chức một cách tỉ mỉ và ân cần. Khách vào nhà được rửa chân vì đi đường bụi bậm. Thường thì người nhỏ nhất trong nhà có phận sự rửa chân cho khách.
Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có một vài dấu hiệu cho biết Maria là người được phân công rửa chân cho khách. Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu và xem ra Maria cũng đóng vai trò tiếp chuyện khách. Bà ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Trong khi đó Martha nắm giữ địa vị của một người nội trợ bận rộn với công việc bếp núc. Bà muốn cho việc tiếp đón phải thật chu đáo. Nhưng Chúa Giêsu thì lại nghĩ khác. Việc đón tiếp chu đáo và đúng nghĩa nhất đối với Ngài là đón nghe lời Ngài. Còn tất cả chỉ là phụ thuộc. Martha đã bị Chúa quở trách vì bà đã quá chú trọng vào những cái phụ thuộc, để mình chìm nghỉm trong mọi thứ công việc khiến không còn thời giờ và sức lực để nghe và đón nhận lời Ngài. Người khách như Chúa Giêsu đến với gia đình Bêtania, hẳn không phải là để được hạ, tiếp rước, mà là để ban phát, để thiết tiệc lời hằng sống. Do đó ưu tiên số một không phải là việc cho Ngài ăn gì, uống gì mà là lắng nghe lời Ngài vì của ăn đích thực của Ngài là rao giảng Tin Mừng Nước Trời.
Chúng ta còn nhớ một lần kia bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã xác quyết: Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta. Và ý của Đấng đã sai Ngài chính là việc rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Vì thế, những ai muốn theo Ngài, cũng phải lắng nghe và thực hiện những lời Ngài truyền dạy.
Vào một dịp lễ trọng như lễ Chúa Giêsu chẳng hạn, cả giáo xứ để hết tâm trí vào việc dọn dẹp và trang trí nhà thờ, làm hang đá, treo đèn kết hoa, khiến cho không còn thời giờ, không còn lòng trí để tìm hiểu và đào sâu ý nghĩa của việc Con Thiên Chúa làm người. Giáo xứ ấy đã đi theo vết chân của Martha và bỏ mất phần tối hảo.
Bởi đó chúng ta đã kiểm điểm đời sống xem chúng ta đã thực sự đầu tư một cách đầy đủ cho điều chính yếu, là lắng nghe và thực thi lời Chúa, hay vẫn còn đang lẩn quẩn ở những vòng ngoài, ở những cái phụ thuộc.
Phục vụ trong trật tự
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Thoạt nghe bài Tin mừng hôm nay, có người đã trách móc: Sao Chúa quá mâu thuẫn. Mới tuần trước, Chúa kể truyện người xứ Samaria nhân hậu để dạy phải phục vụ. Vậy mà hôm nay, Chúa lại trách móc, tuy có nhẹ nhàng, nhưng vẫn đau đau, bà Martha đã lăng xăng phục vụ đón tiếp Chúa. Tại sao thế?
Nếu đọc kỹ bài tường thuật hôm nay cũng như toàn bộ Tin mừng, ta sẽ thấy phục vụ tuy được Chúa đề cao, nhưng vẫn phải nằm trong một trật tự toàn bộ của đời sống đạo.
Trật tự thứ nhất: Phục vụ phải biết quên mình.
Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến khoe khoang tự mãn. Ta hãy nhớ lại chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Ông Biệt phái đứng giữa đền thờ, lớn tiếng kể công: “Lạy Chúa, con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12). Thái độ khoe mình của ông không được Thiên Chúa chấp nhận vì ông phục vụ mà không biết quên mình.
Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến ganh ghét, dòm ngó, lườm nguýt, loại trừ người khác. Về điểm này, Đức cha Bùi Tuần có đưa ra một hình ảnh rất ý nhị. Trên bàn thờ có ngọn nến và bông hoa. Cả hai cùng phục vụ bàn thờ. Nhưng nếu ngọn nến đốt cháy bông hoa thì thật đau lòng. Phục vụ mà không quên mình sẽ đưa đến loại trừ lẫn nhau. Điều Chúa muốn là phục vụ quên mình. Phục vụ quên mình là phục vụ kín đáo: “Tay trái không biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Phục vụ quên mình chỉ cố ý làm vui lòng Chúa chứ không so sánh hơn thua với anh em. Vì thế phục vụ quên mình sẽ rất khiêm tốn. “Sau khi đã làm tất cả thì hãy nói: Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
Trật tự thứ hai: Phục vụ phải biết lắng nghe.
Trước hết phải biết lắng nghe lòng mình xem có đức bác ái không. Nếu không có đức bác ái thì mọi việc phục vụ dù có lớn lao cũng trở thành vô ích như lời thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nếu tôi không có đức bác ái, cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3).
Thứ đến phải biết lắng nghe đối tượng phục vụ. Một phục vụ tốt phải đúng lúc, đúng nơi, đúng cách, đúng nhu cầu. Nhưng trên hết phục vụ phải biết lắng nghe Lời Chúa. Việc phục vụ của ta chỉ tốt và có ý nghĩa khi ta làm đúng ý Chúa muốn. Muốn biết ý Chúa, phải lắng nghe tiếng Chúa trong Tin mừng, qua cầu nguyện và tiếp xúc tâm sự với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Lời Chúa là đèn soi bước chân ta, là ánh sáng hướng dẫn ta trong mọi hoạt động. Lắng nghe Lời Chúa làm cho hoạt động được vững vàng. Đó là xây nhà trên đá (cf. Lc 6, 47).
Trật tự cuối cùng: Phục vụ phải biết nghỉ ngơi.
Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con người vào cơn lốc hoạt động đến ngộp thở. Người ta không còn thời giờ cho gia đình, cho bạn bè, và nhất là cho đời sống tâm linh. Tại các nước phương Tây, con người đang biến thành những cỗ máy làm việc, làm việc không ngừng. Đó là một đời sống mất quân bình, rất nguy hiểm.
Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc nhở chúng ta: “Đừng quá băn khoăn lo lắng”. Hôm nay Chúa nhắc lại với bà Martha một lần nữa: “Đừng băn khoăn lo lắng quá”. Chúa không chê trách công việc bà làm, nhưng Chúa chê trách thái độ lăng xăng, lo lắng thái quá. Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi, biết giữ bình an nội tâm trong một đời sống quân bình bằng cách biết cầu nguyện. Cầu nguyện là nghỉ ngơi bên Chúa. Cầu nguyện tạo cho ta một khoảng không gian và thời gian, nhờ đó đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giây phút cầu nguyện bên Chúa mà sinh lực ta được phục hồi. Và ta có thể phục vụ tốt hơn.
Lời Chúa kêu gọi bà Martha, Chúa cũng muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Con đừng quá băn khoăn lo lắng cho cuộc sống. Hãy biết đến bên Cha mà nghỉ ngơi. Cha sẽ bổ sức cho con. Hãy chọn lấy phần tốt nhất như Maria. Đó là một kho tàng bền vững mãi mãi”.
Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, hãy đến bên Chúa nghỉ ngơi. Để nhờ Chúa hướng dẫn, việc phục vụ của chúng ta sẽ theo đúng ý Chúa muốn và để đời sống tâm linh ta được phát triển toàn diện trong một nếp sống quân bình. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Cầu nguyện là lắng nghe Chúa nói với mình, là gặp gỡ Chúa trong tình con thảo. Hiện nay bạn cầu nguyện thế nào? Có sốt sắng không? Có nhiều thời gian cầu nguyện không?
2- Bạn đọc kinh nhiều, nhưng bạn có cầm trí không, hay chỉ đọc như máy?
3- Khi phục vụ, bạn có thực sự quên mình, hay phục vụ để được tiếng là người đạo đức, để hơn người?
4- Muốn việc phục vụ thực sự tốt đẹp, ta cần có thái độ nào?
ĐÓN CHÚA VÀO NHÀ
(CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN NĂM C)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 16 Thường Niên, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa, và rộng tay ban phát mọi ơn lành, để chúng ta thêm lòng tin cậy mến, mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy.
Tin cậy mến, tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, đón nhận những gian nan thử thách, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô: Lời kinh tạ ơn giữa bao thử thách. Thánh nhân có phải gian nan là để anh em của người trong đức tin được an ủi… Lạy Chúa, tình thương Ngài đã nâng đỡ con. Lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng. Cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi.
Tin cậy mến, tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, sống xứng danh Kitô hữu, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Không phải chỉ cần mang danh, mà phải thật sự là Kitô hữu… Anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch. Làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy. Hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh.
Tin cậy mến, tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, đón tiếp Chúa vào trong cuộc đời mình, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Sáng Thế, ông Ápraham nói: Thưa Ngài, xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 14, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa? Kẻ nào sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. Trong bài Tin Mừng, cô Mácta đón Đức Giêsu vào nhà, cô Maria đã chọn phần tốt nhất. Thành tâm thiện chí, ấp ủ lời Chúa trong lòng, như cô Mácta đón tiếp Chúa, như cô Maria ngồi dưới chân Chúa lắng nghe lời Chúa. Ông Ápraham đã mở lòng ra đón tiếp những vị khách lạ; Ai sống vẹn toàn, bụng nghĩ sao nói vậy, làm những điều ngay thẳng sẽ được ngụ trong nhà Chúa, mầu nhiệm được giấu kín nay đã được tỏ lộ cho chúng ta: Chính Đức Kitô đang ở giữa chúng ta, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang, vì thế, chúng ta được kết hợp với thân thể và tinh thần của Đức Giêsu Kitô là sự sống đời đời của chúng ta. Vì được kết hợp với Đức Kitô, nên, chúng ta cũng phải hợp nhất với nhau trong đức tin và đức mến, lại nữa, chúng ta được kết hợp với Chúa Cha và Đức Giêsu, trong Người, sau khi đã chịu đựng và lướt thắng mọi cuộc tấn công của thủ lãnh thế gian này, chúng ta đạt tới Thiên Chúa. Người thế gian mang hình ảnh thế gian này, còn người tín hữu sống trong đức ái thì mang hình ảnh Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô. Nếu chúng ta không sẵn sàng chết để thông phần Cuộc Thương Khó của Người, thì sự sống của Người không ở trong chúng ta. Ước gì chúng ta luôn khao khát được Người ghé thăm, để chúng ta có cơ hội đón tiếp Người như cô Mácta, giữ Người ở lại mãi trong cõi lòng ta như Ápraham, và nhờ kiên nhẫn lắng nghe như cô Maria, mà ta sẽ sinh những hoa trái dồi dào như lòng Người mong ước. Chúa tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa, và rộng tay ban phát mọi ơn lành, ước gì chúng ta thêm lòng tin cậy mến, mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Ước gì được như thế!
Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm C
“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”. (Lc 10, 38-42)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm C
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm
CHỌN ĐIỀU TỐT NHẤT
(Chúa Nhật XVI TN C) Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa -Ban Mê Thuột
Cứ mỗi lần nghe trích đọc bài Tin Mừng thánh sử Luca kể chuyện hai chị em nhà Bêtania, thì người ta dễ liên tưởng đến việc so sánh hơn kém giữa đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động. Mọi sự thường có nguyên do. Đã một thời các nhà tu đức căn cứ vào đoạn Tin Mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm. Không riêng gì Kitô hữu mà anh chị em lương dân và bà con khác đạo vốn kính trọng những con người như là “xuất thế” trong các đan viện. Chính vì thế ít có ai thắc mắc khi hình ảnh cô Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Người tâm sự được ví với đời sống chiêm niệm thì được đề cao hơn đời sống hoạt động qua hình ảnh cô Matta bận rộn với chuyện nấu nướng.
Thế nhưng nếu đọc kỹ lời Chúa Giêsu nói với Matta thì chúng ta sẽ thấy lối so sánh và áp dụng ở trên có phần khập khiễng và khiên cưỡng cách nào đó. “Matta! Matta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42). Khi khẳng định rằng Maria đã chọn phần tốt nhất thì Chúa Giêsu cũng hàm ý rằng cô chị Matta cũng chọn phần tốt nhưng chưa tốt nhất, mà nói nôm na là tốt nhì, tốt ba hay tốt tư…
Chị em nhà Bêtania chọn điều tốt để cho mình hay để dâng? Câu hỏi dường như đã có câu trả lời cụ thể qua hành vi của cô chị Matta. Matta chọn điều tốt không phải cho mình mà để dâng cho Chúa Giêsu. Đó là các món thức ăn mà chị đang tất bật nấu nướng. Và có thể nói rằng đó không chỉ là món ngon mà còn nhiều đến nỗi cô chị phải cầu cứu Chúa Giêsu biểu cô em phụ giúp một tay. Chọn các món ăn để kính dâng Chúa là một hành vi tốt đẹp. Dâng trao cho ai đó cái mà chúng ta có, tuy tốt đẹp nhưng vẫn còn hạn chế, vì những cái chúng ta có, nếu làm bản liệt kê thì quá nhiều không sao kể xiết và có lẽ chúng ta không thể dâng tất cả được. Trái lại khi dâng trao cái chúng ta là, thì chúng ta đã dâng trao trọn vẹn con người chúng ta.
Matta dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không thể kính dâng tất cả những gì cô có cho Chúa Giêsu. Bằng chứng là mới chỉ có chuyện cơm nước, cô đã tất bật đủ bề mà vẫn như chẳng xuể. Một nhận định thực tế, đó là những gì Matta chọn để dâng cho Chúa Giêsu thì “sẽ bị những ai đó lấy mất”, nghĩa là Chúa Giêsu không thể tự mình dùng tất cả những thức ăn Matta dâng. Xin đừng quên sự hiện diện của các tông đồ. Trái lại phần của Maria dâng cho Chúa Giêsu thì sẽ không bị ai lấy mất vì Maria đã dâng cho Thầy Chí thánh cái mình là, đó là con người của chị. Khi ta thật tình chăm chú lắng nghe một ai đó tâm sự, thì một cách nào đó ta đã dâng trao trọn tấm lòng của mình cho người ấy.
Một nghịch lý của tình yêu: Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận và có thể lãnh nhận lại gấp bội so với phần đã hiến dâng. Bài đọc thứ nhất trích Sách Sáng Thế tường thuật tấm lòng hiếu khách của Abraham dành cho ba sứ thần của Thiên Chúa đã được đền đáp. Một chút nước để các vị rửa chân, một ít bánh, chút thịt bê cũng như chút sữa chua kính dâng các vị ấy dùng có thấm vào đâu với phần mà Abraham lãnh nhận lại. “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai” (St 18,10). Chắc hẳn Abraham và bà Sara phải rất đỗi kinh ngạc trước phần mình sẽ lãnh nhận. Có được một đứa con trai làm người thừa tự trong cảnh hai ông bà đã cao niên mà còn son sẻ quả là một hạnh phúc vượt quá mọi niềm mơ ước.
Khi Maria dâng trao cho Thầy Giêsu tấm lòng của mình như là một người môn đệ ngồi dưới chân Người mà lắng nghe thì Maria đâu có ngờ rằng cô không chỉ được đón nhận một vị Thầy, một Vị Chúa mà còn đón nhận được một người bạn. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,15). Chúng ta có thể đoán chắc rằng trong cuộc nói chuyện hôm ấy, Chúa Giêsu ít nhiều đã tỏ cho cô Maria biết về hành trình lên Giêrusalem của Người cũng như cuộc khổ nạn Người sắp chịu. Tin Mừng thánh Gioan tường thuật sự kiện cô Maria đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà nức mùi thơm khiến cho ông Giuđa Iscariô phải chép miệng tiếc rẻ. Và chính Chúa Giêsu đã phân minh cho cô Maria rằng cô ấy đã dùng số dầu thơm hảo hạng ấy để làm trước việc mai táng mình (x.Ga 12,1-8).
Chuyện kể rằng có một vị vua thuộc hàng “minh quân lẫn thánh quân” trong một lần kia đi thị sát vương quốc mình bỗng gặp một ông lão hành khất ngồi bên vệ đường. Xuống xa giá, vua đến bên người hành khất. Người hành khất kia khấp khởi mừng, chìa bàn tay ra trong im lặng và chờ đợi ân lộc vua ban. Nhưng người hành khất kinh ngạc vì đức vua không ban gì mà lại ngửa bàn tay trước mặt mình. Hai bên nhìn nhau một lúc, người hành khất cho tay vào bị lấy ra ba hạt lúa bỏ vào bàn tay đức vua. Đức vua nắm tay lại, cám ơn, rồi lên xa giá tiếp tục hành trình. Dù lẩm bẩm kêu trách “sự keo kiệt” của vị vua vốn được dân tôn xưng là minh quân, thánh quân”, người hành khất vẫn tiếp tục việc ăn xin. Ngày hôm ấy cũng có nhiều người hảo tâm đổ vào bị ông ta nhiều bát lúa. Tối đến, người ăn xin đổ bị lúa ăn xin ra để đong đếm thành quả. Bỗng nhiên ông thấy lấp lánh ba hạt lúa bằng vàng to bằng đầu ngón tay ở giữa nhúm lúa ăn xin hôm ấy. Nhớ lại chuyện gặp đức vua hôm nay, ông lão hành khất đoán ra sự việc và cười sung sướng. Bỗng nhiên ông ta lại khóc to tiếng với lời rủa thầm trong lòng: tiếc quá, giá như sáng nay mình dâng cho đức vua hết cả bị lúa này.
“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).
Biết lấy gì để dâng lên Thiên Chúa, vì mọi sự đều là của Người. Thiên Chúa không cần chúng ta dâng gì cho Người, nhưng Người lại muốn chúng ta trao dâng cho nhau, nhất là cho những người anh em bé mọn những gì tốt nhất của mình. Chắc hẳn cái tốt nhất của chúng ta, cái mà không ai có thể lấy mất được đó chính là con người chúng ta, tấm lòng của chúng ta, một tấm lòng huynh đệ như thủ túc, một tấm lòng bằng hữu nghĩa thiết. Và dù nhiều khi chúng ta không biết thì Thiên Chúa vẫn nhận đó là đã làm cho chính Người (x.Mt 25,31-46).
Tin Mừng Chúa nhật 16 thường niên -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 10, 38-42)
Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất”.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm C
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Suy niệm
Khi những khuynh hướng thực dụng của xã hội len lỏi vào đời sống đức tin của người tín hữu Kitô, đã thay đổi mục đích giữ đạo và sống đạo của các tín hữu. Các hình thức bên ngoài như tổ chức thật hoành tráng, rước xách thật long trọng, các nghi thức mang vẻ lễ hội chen vào, cách nào đó, ý nghĩa của niềm tin, mục đích của việc nghe Lời Chúa đang mất dần chỗ nhất trong phụng vụ, đặc biệt là trong Thánh lễ, trong việc nghe và giữ Lời Chúa. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật 16 thường niên nhắc lại câu chuyện Đức Giêsu gợi ý cho hai chị em khi Ngài ghé thăm gia đình chị em nhà Mattha và Maria. Chọn nghe và sống Lời Thiên Chúa vẫn mãi là nền tảng căn bản của đời sống người tín hữu Kitô, thế nhưng, những hình thức bên ngoài đang làm phai nhạt dần giá trị thiêng liêng đó, tạo ra những cung cách giữ và sống đạo xa dần ước mong của Thiên Chúa, và đó là một thách đố cần phải thay đổi từ nhận thức đến việc làm.
Nhắc đến tổ phụ Abraham là nhắc đến vị cha của những kẻ tin, ông đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, dù trong hoàn cảnh nào, ông và gia đình luôn chọn phần tốt nhất là thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Câu chuyện Thiên sứ Thiên Chúa ghé thăm gia đình và gợi ý về tương lai của ông mà sách Sáng Thế kể lại trong Bài đọc 1, chắc sẽ là một câu trả lời thật ý nghĩa dành cho những ai biết lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa: “Ngày ấy, Đức Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!” Khách trả lời: “Xin cứ làm như ông vừa nói!”. Người được gọi là cha của kẻ tin đã trao phó cuộc đời mình, gia đình mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa, cùng với lời hứa của Ngài, tổ phụ của mọi dân tộc đã được Thiên Chúa viếng thăm và nâng đỡ tinh thần, nhắc lại lời hứa để ông vững tin hơn trong cuộc sống.
Sự bình an đích thực luôn là niềm mong ước của con người, thánh Phaolo người được Đức Giêsu phục sinh chinh phục, đã được nhận sự bình an đó từ nơi Thiên Chúa, khi thánh nhân sống ơn gọi của mình theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sự bình an đó là động lực giúp ngài luôn tiến lên phía trước, đối diện với mọi thách đố, tất cả để cho Tin mừng được lan tỏa, niềm vui cứu độ được tuôn chảy tới mọi tâm hồn: “Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Ðấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người”. Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan luôn là người biết dành chỗ nhất trong tâm hồn cho Thiên Chúa, biết lắng nghe và sống theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa, dẫu có trải qua bao thăng trầm, cuộc đời họ vẫn luôn bình an và nhẹ nhàng, bởi Thiên Chúa luôn cất bớt những âu lo, những khó khăn trong đời họ.
Đón tiếp khách quý chu đáo là dấu hiệu của một người trọng chữ tình, tiếp đãi khách với những cách thức tốt nhất là người trọng chữ tín, cô Mattha đã đón tiếp Chúa với những tâm thái thật ấm chữ tình và đầy chữ tín, từ bên ngoài nhìn vào, đó là một người thông minh và đầy bản lĩnh, nhưng với cái nhìn của Đức Giêsu thì đó chưa phải là điều cần thiết cho giá trị của một con người, chổ đứng tốt nhất của một con người là biết nghe lời chỉ giáo của Thiên Chúa và thực hành theo sự hướng dẫn của Ngài, cô em gái đã làm điều đó và được Thiên Chúa khen: “Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”. Dáng vẻ bên ngoài, hình thức cuộc sống rồi cũng chóng qua, chỉ còn lại những giá trị tinh thần, đó là điều Thiên Chúa muốn người môn đệ của Ngài phải lưu tâm, từ đây, cuộc sống của họ không chôn chặt nơi thế gian, nhưng sẽ hướng về tương lai, nơi Thiên Chúa đang chờ đón để thưởng công cho người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết sống theo ý chủ nhân của mình.
Nghe Lời Chúa cần có một sự khiêm tốn về tinh thần, cần có một thái độ nhận thức đơn sơ và biết lắng nghe sự chỉ dạy của Thánh Thần. Đọc Kinh Thánh luôn được Mẹ Giáo hội mời gọi bởi từ nơi Kinh Thánh, con người có thể tìm thấy chiếc chìa khóa mở ra những cánh cửa mới cho cuộc đời, bế tắc trong cuộc sống, ảm đạm trong gia đình, khủng hoảng trong niềm tin và dao động khi đau ốm, con người như bước tới ngõ cụt cuộc đời, họ chỉ thấy một màn đen phía trước, nếu lúc đó, con người biết dừng lại, ngồi xuống và đọc Kinh Thánh, nghe được tâm tình của Thiên Chúa gởi trao, họ sẽ can đảm đứng lên, dám vượt qua những giới hạn của bản thân, vượt qua những thách đố của bệnh tật và hoàn cảnh, đối diện với tương lai chưa thực sự đầy hy vọng, họ sẽ bước từng bước chậm chạp trong niềm tin và ngẩng cao đầu trong lòng mến, bởi Thiên Chúa đã và đang nắm tay họ, đưa họ tiến về phía trước trong bình an của Ngài.
Từng câu chuyện cuộc đời, từng biến cố trong cuộc sống luôn có những dấu hiệu Thiên Chúa gởi đến, nhiều lúc con người vì tính thực dụng, vì sự nôn nóng nên chưa thể nhận ra những dấu hiệu đó. Họ luôn đối diện với sự hoang mang, trăn trở, nhưng nếu biết im lặng, biết lắng nghe tiếng thì thầm trong im lặng, họ sẽ nhìn thấy cuối đường hầm có những tia sáng lóe lên, đưa họ đi về phía trước trong vui mừng, an bình. Chính lúc họ được bước đi trong vui mừng và an bình, họ phải sắp xếp lại cuộc đời để có những phút giây nghỉ ngơi, dọn dẹp lại tâm hồn, sắp xếp lại mọi toan tính trong suy nghĩ, có dám mạnh dạn thực hiện những điều đó, họ mới có thể nhận ra những dấu hiệu Thiên Chúa muốn tôi làm gì, muốn tôi sống làm sao trong hoàn cảnh hiện tại. Nghỉ ngơi chính là lúc con người tách mình ra khỏi không gian ồn ào của cuộc sống, tách mình ra khỏi thế giới hình thức, để tìm lại chính mình, tìm lại những dấu đi đường mà Thiên Chúa đã đặt đâu đó trong cuộc đời, từ đây, ánh sáng Lời Chúa sẽ là ngọn đèn dẫn con người tiến về phía trước sau khi vấp ngã, tiến về phía trước sau khi thất bại giữa dòng đời.
Lạy Chúa, phần thưởng tốt nhất Thiên Chúa dành cho con người là biết lắng nghe Thiên Chúa chỉ dạy trong cuộc đời, xin giúp chúng con luôn biết thao thức học hỏi Lời Chúa, trăn trở khi thiếu ánh sáng Lời Chúa và khao khát khi chưa tìm được cơ hội để đào sâu ý nghĩa của Lời Chúa. Ngọn đèn sáng sẽ giúp con người bớt sợ hãi và lạc đường, xin giúp chúng con biết dựa vào sức mạnh của Lời Chúa để vững niềm tin và không bao giờ lạc lối giữa biển đời dù có sóng to gió lớn. Xin Chúa nâng đỡ chúng con khi yếu đuối, che chở chúng con khi gặp thử thách và bảo vệ chúng con khi phải đối diện với những cám dỗ trong cuộc đời. Amen.
Bài giảng Chúa nhật 16 TN C - Lm. Giuse Hạt bụi tro
Nếu hôm nay Chúa gõ cửa: Bạn sẽ tiếp Ngài như thế nào?
Anh chị em thân mến, tôi muốn mời anh chị em bắt đầu bài chia sẻ hôm nay bằng một hình dung: Nếu chiều nay, Chúa Giêsu bất ngờ gõ cửa nhà bạn, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn, hay bạn sẽ dám dừng lại, mở cửa và ngồi xuống bên Người, lắng nghe Người nói?
Có lần tôi đến thăm một cụ già trong giáo xứ. Cụ sống một mình, nhà cửa đơn sơ, chẳng có gì sang trọng. Nhưng khi tôi vừa đến, cụ không vội vã đi lấy nước, cũng không loay hoay dọn dẹp, mà chỉ kéo ghế mời tôi ngồi, nhìn tôi thật lâu, rồi nói: “Cha đến, con chỉ muốn ngồi nghe cha kể chuyện thôi.”
Tôi rời nhà cụ hôm ấy với một cảm giác bình an lạ lùng. Tôi nhận ra: Đôi khi, điều quý giá nhất ta có thể trao cho nhau không phải là vật chất, mà là sự hiện diện, là lắng nghe, là trái tim mở ra cho nhau.
Hình ảnh ông Ápraham trong bài đọc thứ nhất là mẫu gương của lòng hiếu khách trọn vẹn. Ông không chỉ mở cửa lều, mà còn dốc hết lòng, hết sức để phục vụ những vị khách lạ. Ông đâu ngờ rằng ba vị khách xa lạ đó lại chính là Thiên Chúa ghé thăm ông. Ông không nghĩ đến mình, không so đo, không tính toán, chỉ mong khách được an vui. Và chính trong sự quảng đại ấy, ông đã gặp được Thiên Chúa, và nhận được một phép lạ lớn lao – lời hứa về một đứa con nối dõi dù tuổi đã già.
Sang bài Tin Mừng, chúng ta gặp hai chị em Matta và Maria. Matta tất bật lo tiếp đón, chuẩn bị bữa ăn, còn Maria thì ngồi dưới chân Chúa, lắng nghe từng lời Người dạy. Chúa nhật tuần trước, chúng ta được nghe Chúa Giêsu dạy về người Samari nhân hậu, và làm thế nào để trở nên người thân cận tốt lành của người khác. Nếu dựa trên bài Tin Mừng về người Samari tốt lành, hẳn chị Matta phải nhận được một lời ca ngợi, vì chị đã phục vụ Ðức Giêsu và các môn đệ. Thế nhưng, trong bài tin mừng hôm nay, có vẻ như Ngài không đánh giá cao sự phục vụ đó. Ðức Giêsu có đối xử bất công không? Hay có điều gì chưa đúng mà chúng ta cần khám phá và học hỏi?
Matta phục vụ với cả tấm lòng, nhưng trong lòng lại đầy lo lắng, bối rối, và thậm chí có chút trách móc Chúa Giêsu và em mình. Maria thì chọn dừng lại, chọn lắng nghe – chọn “phần tốt nhất” mà Chúa Giêsu nói sẽ không ai lấy đi được. Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị của phục vụ. Như ba vị khách lạ đã từng khen ngợi lòng quảng đại của Ápraham, Chúa Giêsu cũng trân trọng sự hiếu khách của Matta. Nhưng Người nhắc: Đừng để mình chìm trong những lo toan, đến mức đánh mất điều cốt lõi – đó là sự hiện diện, là lắng nghe, là để Chúa nói với mình, biến đổi mình từ bên trong. Có những lúc, điều Chúa cần nhất không phải là một bàn tiệc thịnh soạn, mà là một trái tim biết lắng nghe, một tâm hồn sẵn sàng mở ra cho Lời Chúa. Khi ta biết dừng lại, biết lắng nghe, mọi hành động phục vụ của ta sẽ không còn là gánh nặng, mà trở thành hoa trái của tình yêu và bình an.
Trong một thế giới thực dụng, coi trọng hiệu quả, Hội Thánh có khá nhiều Mácta và rất ít Maria. Lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện bị coi là điều xa xỉ, là những điều vô ích, mất thì giờ, ù lì, thụ động. Nhưng thử hỏi: có hành động nào hiệu quả bằng ngồi nghe Chúa? Gặp Ðấng Toàn Năng cho ta sức mạnh để làm mọi sự. Một Hội Thánh quân bình khi có cả Mácta và Maria. Một Kitô hữu quân bình khi coi trọng việc ngồi bên Chúa. Không chỉ là làm việc cho Chúa, mà còn sống với Chúa trong một tương quan mật thiết bền chặt.
Ðừng đợi lúc rảnh, lúc lắng mới đến gặp Chúa. Lúc cần gặp Chúa hơn cả là lúc bận bịu, lo âu. Con người hiệu năng là con người cầu nguyện. Khi được hỏi về bí quyết của mình, Mẹ Têrêsa đáp: “Bí quyết của tôi rất đơn giản: tôi cầu nguyện.” Các nữ tu trong dòng của mẹ Têrêsa phục vụ người nghèo khổ từ sáng đến tối, rất bận bịu. Tuy nhiên, có một điều họ không bao giờ bỏ, đó là cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh thể 1 tiếng mỗi ngày. Đó là nguồn sức mạnh, nguồn ủi an, là động lực để họ có thể làm những việc phi thường với một tình yêu phi thường cho mọi người nghèo khổ bệnh tật.
Có bao giờ bạn phục vụ nhưng lại cảm thấy mệt mỏi và cô đơn? Có khi nào bạn ở giữa gia đình mà lại thấy mình lạc lõng? Có bao giờ bạn làm việc thiện chỉ vì thói quen, mà quên mất ý nghĩa thực sự của nó? Trong tuần này, hãy thử:
Dành 5 phút mỗi ngày để thật sự lắng nghe một người than, không vội vàng, không xét đoán.
Trong bữa cơm gia đình, hãy tắt TV, tắt điện thoại, chỉ nhìn vào nhau, hỏi han nhau thật lòng.
Mỗi sáng, trước khi bắt đầu ngày mới, hãy đọc một câu Lời Chúa, để câu ấy dẫn lối cho mọi quyết định, mọi phục vụ trong ngày. Trong ngày đó hãy chỉ nói với Chúa một lời nguyện tắt duy nhất thôi, chẳng hạn: Lạy Chúa, mọi việc làm hôm nay, con dâng lên Chúa vì phần rỗi của một linh hồn; hoặc: con xin dâng những hy sinh con thực hiện trong ngày hôm nay để cầu nguyện cho một người thân của con đang bị khó khăn thử thách…
Anh chị em thân mến, đừng để cuộc sống bận rộn đánh cắp “phần tốt nhất” của bạn. Đừng để những điều “phải làm” che khuất điều “nên sống”. Hãy chọn phần tốt nhất – lắng nghe Chúa, lắng nghe nhau, lắng nghe tâm hồn chính mình. Hãy để mỗi ngày là một cuộc gặp gỡ mới với Chúa, để bình an và niềm vui không chỉ là ước mơ, mà là thực tại trong đời bạn. Hãy ra về hôm nay với một quyết tâm: Dành cho Chúa và cho nhau một chỗ ưu tiên trong tâm hồn. Đó là phần tốt nhất, là kho tàng không ai lấy mất được.
“Lạy Chúa, xin cho con biết dừng lại để lắng nghe, biết chọn phần tốt nhất, để con được biến đổi và trở nên chứng nhân yêu thương giữa đời thường. Amen.”
Những tin cũ hơn