Lễ Cung hiến Thánh Đường Latêranô

Thứ bảy - 06/11/2021 06:37 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   683
“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.
Lễ Cung hiến Thánh Đường Latêranô

LỄ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ

(Ga 2,13-22)

Nói đến việc xây nhà thờ dường như Kitô hữu cách riêng khá nhạy cảm về nhiều chuyện. Đó đây qua mạng lưới thông tin người ta biết không ít chuyện tích cực lẫn chuyện tiêu cực liên quan đến việc xây dựng nhà thờ. Người ta phấn khởi vui mừng vì những nơi quê nghèo, xa xôi, vùng dân tộc thiểu số có được một cái nhà hay ít là một cái “gì đó” gọi là nhà để làm nơi thờ phượng, nơi sinh hoạt tôn giáo chung. Người ta cũng có thể thấy khó chịu khi chứng kiến các ngôi nhà thờ uy nghi lộng lẫy sừng sững giữa trời xanh, bên cạnh biết bao căn nhà thấp bé, liêu xiêu của đám đông dân chúng. Chưa kể đến chuyện xứ xứ tranh đua phá nhà thờ cũ để xây nhà thờ mới cho hoành tráng hơn xứ người. Ngoài ra còn phải kể đến chuyện “có xây thì có cất”, chuyện vốn bình thường ngoài xã hội đang lây nhiễm vào Hội Thánh nơi này nơi kia, dù có thể chỉ là thiểu số rất nhỏ.

Hôm nay ngày 09/11 Lễ Cung hiến Thánh Đường Latêranô, một Đại thánh đường được gọi là “mẹ các nhà thờ”. Đây là nhà thờ chính tòa của địa phận Rôma, nơi có ngai tòa của Đức Giáo Hoàng. “Lạy Cha, Cha đã chọn chúng con như những viên đá sống động để xây nên một ngôi đền thánh nơi Cha ngự muôn đời. Xin cho Giáo hội là dân Cha ngày càng thêm đông và dồi dào ân sủng để trở nên thành thánh Giêrusalem trên trời”. Giáo hội được thánh Công Đồng Vatican II trình bày bằng nhiều hình ảnh như “Dân Thiên Chúa; Hiền thê Chúa Kitô, Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, Đền thờ Thiên Chúa, Thành Giêrusalem trên trời… (x.LG số 5-9)”. Qua lời nguyện tổng lễ, xin cùng xét suy đôi điều về Hội Thánh như là Đền thờ của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng Giáo hội cho trích đọc trong thánh lễ kính việc cung hiến Thánh đường Latêranô tường thuật việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem (Ga 2,13-22). Sau khi phẫn nộ dùng dây thừng làm roi đánh đuổi người bán chiên bò ra khỏi đền thờ và lật tung bàn ghế những người đổi tiền thì Chúa Giêsu đã nói: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Các Tin Mừng Nhất Lãm lại ghi lời của Người có khác: “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguỵện của mọi dân tộc mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp” (x.Mt 21,23; Mc 11,17, Lc 20,46).

Xây nhà thờ theo nhãn quan Kitô giáo là xây dựng một cái nhà, dù lớn hay bé, hoành tráng hay đơn sơ để làm nơi thờ phượng Thiên Chúa cách công khai và chính thức. Và nhà thờ cũng là nơi đoàn dân Thiên Chúa sống tình liên đới hiệp thông với nhau. Tuy nhiên bài Tin Mừng hôm nay cho ta hay rằng cái nhà thờ vật chất ấy có thể biến thành “nơi buôn bán” hay là “hang trộm cướp” do bởi tấm lòng vụ lợi của tín hữu và cũng có thể của các Đấng bậc Tư tế, cách này, kiểu kia. Đến nhà thờ mà chỉ mong được cái này, được điều kia cho bản thân cho gia đình mà thôi thì chưa phải là sống đức thờ phượng. Đức thờ phượng mà ta phải có đối với Thiên Chúa là nhìn nhận mọi sự ta có, ta là, đều do bởi quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Sự nhìn nhận này được biểu hiện rõ nét bằng việc tạ ơn và sẵn sàng dâng lại cho Thiên Chúa những gì mình đang là, đang có để phụng sự Thiên Chúa, thực thi thánh ý Người, làm vinh danh Người.

Trong nhiều ngôn ngữ như La tinh, Anh, Pháp thì từ nhà thờ cũng là Giáo hội chỉ khác nhau chữ cái đầu viết thường hay viết hoa (ecclesia-Ecclesia, church-Church, église-Eglise). Chắc chắn khi thanh tẩy đền thờ Giêrusalem thì điều Chúa Giêsu muốn đó là thanh tẩy tâm hồn, lối sống đạo của người Do Thái giáo thời bấy giờ mà nhất là những người đang có vai vị cao trong đạo. Để cho Giáo hội xứng là bí tích của Chúa Kitô, là nơi mà nhân loại dễ dàng đến với Thiên Chúa và để cho Giáo hội xứng là bí tích của sự hiệp nhất của nhân loại, là nơi mà mọi người dễ dàng sống tình huynh đệ trong tình Cha trên trời thì thiết tưởng rằng việc thanh tẩy luôn còn đó (x.LG số 1).

Điều gì làm cho Giáo hội có thể trở thành nơi buôn bán? Đã là buôn bán thì luôn nhắm đến lợi nhuận. Và chúng ta có thể thấy được điều này qua tinh thần vụ lợi trong kiểu cách sống đức tin. Với tín hữu giáo dân thì sự vụ lợi thường mang tính thánh thiêng đó là giữ đạo để được rỗi linh hồn cho riêng mình mà nhiều khi thiếu sự liên đới với phần rỗi của tha nhân. Với một số đấng bậc thì thì sự vụ lợi đôi khi có thể lan qua cả lãnh vực vật chất, của tiền như nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời Chúa Giêsu.

Điều gì làm cho Giáo hội có thể trở thành hang trộm cướp? Đã là trộm cướp thì có đó sự tranh giành cách bất công, phi pháp cái gì đó. Trong hàng tín hữu giáo dân thì đã từng có đó tình trạng phe phái tranh giành chức phận “làm trùm”, “làm chánh trương”. Còn với hàng giáo sĩ thì sao? Dù không phổ biến nhưng tình trạng “phủ nâng phủ”, “huyện nâng huyện”, “con ông cháu cố”, phe phái vùng miền vẫn tồn tại nơi này nơi kia. Theo cách nói của Đức ông Giuse Maria Nguyễn Thế Thoại: “Giáo hội đi trong nhân loại”, thì chuyện luồn lách, xu nịnh, quà cáp xem ra ít nhiều vẫn còn đó, nếu thực tâm thú nhận.

Phải thanh tẩy Giáo hội liên lỷ và nhiều khi cần có những người can đảm bày tỏ sự phẫn nộ công khai. Và điều như tất nhiên, người nhiệt thành vì nhà Chúa, vì Giáo Hội đều phải gánh lấy sự bách hại như Thầy chí thánh Giêsu. Lịch sử Giáo hội cho ta thấy hiện thực này. Cuộc đời các thánh, nhất là các thánh có công thanh tẩy, canh tân Giáo hội chẳng hạn như Đaminh, Phanxicô khó khăn, Tôma Aquinô, Têrêxa Avila, Gioan Thánh Giá… thường bị bách hại do bởi người trong nhà. Và gần đây, các thần học gia có công lớn góp phần cho Công Đồng Vaticanô II canh tân Giáo hội như Yves Congar, Marie-Dominique Chenu… cũng lao đao khốn khổ tư bề. Chuyện thật dễ hiểu: việc lớn thì sức nhiều, chuyện càng hệ trọng thì công khó càng cao.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây