Nghệ thuật lắng nghe

Chủ nhật - 05/09/2021 04:38 | Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện |   1130
Cuộc sống của chúng ta dường như ngày càng bận rộn và có nhiều bận tâm, đến nỗi không mấy người đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau nói.
Nghệ thuật lắng nghe

Nghệ thuật lắng nghe


Cuộc sống của chúng ta dường như ngày càng bận rộn và có nhiều bận tâm, đến nỗi không mấy người đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau nói. Có những người đặt câu hỏi nhưng không phải để muốn nghe người kia nói mà chỉ là hỏi cho có chuyện và hỏi để mà hỏi, cho nên khi người kia vừa mới nói được vài lời thì họ đã lái câu chuyện qua một hướng khác, họ chỉ muốn nói mà không muốn nghe, họ luôn miệng nói “biết rồi, biết rồi"!

Tại sao lại như vậy? – Thưa, là do lòng ích kỷ và lòng tự tôn tự phụ. Kiểu nói chuyện như vậy vừa vô duyên vừa vô ích. Khi mình đã đặt câu hỏi thì buộc người kia nợ mình câu trả lời, họ đang sẵn sàng trao ban cho mình một thông tin bổ ích, nhưng rồi mình lại không thèm nghe cho thật tình nên chẳng bao giờ mở mang kiến thức được – nên dốt vẫn hoàn dốt. Kiểu nói chuyện ‘đầu ngô mình sở’ như vậy dễ gây bực dọc tâm lý cho người kia, chứng tỏ mình là kẻ nói chuyện vô duyên.

Ông Dale Carnegie trong tác phẩm ‘Đắc Nhân Tâm’ có kể một câu chuyện: có một người kia, vào một buổi tối, đến thăm một gia đình bạn bè, ông nói rất nhiều chuyện với các thành viên trong gia đình ấy. Lúc ra về, ông khen một cháu nhỏ nói chuyện rất có duyên, dù rằng cậu bé ấy không hề mở miệng nói gì mà chỉ biết chăm chú lắng nghe vị khách nói chuyện.

Tôi cứ ấn tượng mãi về cha cố Phaolô Nguyễn Công Minh: cha cứ chăm chú lắng nghe và nhìn thẳng vào người đang nói chuyện với mình, không ngắt lời cho đến khi họ nói hết ý, sau đó ngài mới nói lên điều muốn biết thêm. Thánh Giacôbê khuyên chúng ta: hãy mau nghe nhưng chậm nói và chậm giận (Gc 1,19).


Trong bài ‘Cái tôi của người Việt’ của Từ Thức có một câu thật hay: “Có ai đã gặp một người Nhật vỗ ngực: tôi, tôi, tôi?. Nói chuyện với người Nhật, chưa gì họ đã mang giấy bút ra ghi chép. Làm như những điều bạn nói là khuôn vàng, thước ngọc. Hỏi những người khác, mới biết cái ông ngồi trịnh trọng ghi chép đó là bực thầy”.

Cái mặc cảm tự ti của người Việt mình quá lớn, dẫn đến việc chúng ta không muốn nghe người khác nói vì không muốn ai làm thầy mình và không muốn nhìn nhận cái dốt của mình, cách sống và cách làm của mình là số một. Đúng như lời Chúa nói: rượu cũ thì ngon hơn. Ai đó đã nói: “Yêu là biết cho đi và đón nhận”. Muốn yêu cho đúng nghĩa, con người phải có lòng vị tha và khiêm tốn. Hãy học cách thể hiện tình yêu trong từng cuộc gặp gỡ nhau: biết nói với nhau những điều hữu ích và biết chân tình lắng nghe nhau cho trọn vẹn: nghe bằng tai và bằng tấm lòng.

Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây