Phúc Thật (Mt 5, 1-12)

Thứ sáu - 27/01/2023 08:16 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   415
Hạnh phúc luôn là niềm khao khát lớn nhất của con người, nhưng lại có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc.

PHÚC THẬT
Chúa nhật 4 Thường Niên Năm A: Mt 5, 1-12


Suy niệm

Hạnh phúc luôn là niềm khao khát lớn nhất của con người, nhưng lại có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Nếu hỏi hạnh phúc là gì, thì phần lớn mọi người sẽ lúng túng, hoặc diễn tả rất mơ hồ. Cũng như tình yêu, hạnh phúc không thể định nghĩa được, mà là sự cảm nhận tự thâm tâm. Tuy nhiên, ta đừng lầm lẫn giữa hạnh phúc và sự thỏa mãn cảm xúc hay thỏa mãn ý chí. Cảm xúc đến rồi đi, luôn biến đổi không ngừng theo tâm thức và sự chi phối của hoàn cảnh. Còn thỏa mãn ý chí là muốn thực hiện cho bằng được điều mình đã quyết. Cảm nhận hạnh phúc này cao hơn và bền vững hơn sự thỏa mãn cảm xúc. Tuy nhiên, sự thỏa mãn nào cũng là nhằm phục vụ cái tôi.

Trong bài giảng đầu tiên trên núi, Ðức Giêsu chỉ cho ta bí quyết để có hạnh phúc. Hạnh phúc đích thật là quà tặng của Thiên Chúa, để đón nhận con người cần phải thay đổi quan niệm sống của mình. Đức Giêsu nêu lên tám mối phúc. Mỗi mỗi phúc là một thái độ sống hay một tâm tình sống rất thanh thoát từ chính tình trạng của mình. Đó không phải là những hy vọng thỏa thích về điều sẽ đến, không phải là lời tiên báo mơ hồ về tương lai, nhưng là sự vui mừng về hiện trạng của nó ngay trong cuộc sống này, và chỉ trọn vẹn khi đến ngày ta gặp được Chúa.

Chữ “phúc” Đức Giêsu dùng là một từ đặc biệt. Tiếng Hy Lạp là “makorios”. Makorios diễn tả niềm vui nhiệm mầu, là sự vui mừng hoàn toàn tự bên trong mình. Còn hạnh phúc thường tình của loài người tùy thuộc vào những cơ may, vào những điều kiện mà cuộc đời có thể ban cho hay hủy đi. Hạnh phúc khi được sống chung với người mình yêu thường không còn nguyên vẹn sau vài ba năm. Hạnh phúc khi mua được căn nhà đẹp không kéo dài quá đôi ba tháng. Hạnh phúc được thăng chức thường bị lãng quên sau đôi ba tuần. Hạnh phúc được khen ngợi thường tan thành mây khói sau đôi ba tiếng. Hạnh phúc thật ngắn ngủi, mất rồi lại đi tìm, và cứ thế cả một đời rong ruổi cho đến lúc xuôi tay, mà chẳng gặp được hạnh phúc ở nơi đâu.   

Còn hạnh phúc Chúa ban cho thì không gì có thể hủy hoại hay mất đi được. Đức Giêsu đã nói: “Niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16, 22). Vì đó là hạnh phúc gắn liền với nguồn cội là chính Thiên Chúa. Đấng là suối nguồn hạnh phúc của toàn thể thụ tạo. Chỉ khi sống thân tình và gắn bó với Chúa, ta mới có hạnh phúc sâu xa và vững bền. Đó là hạnh phúc do sự bằng lòng chấp nhận tất cả, chứ không lệ thuộc vào những hoàn cảnh thuận tiện bên ngoài. Đó là một thứ hạnh phúc ngay trong đau khổ, một hạnh phúc mở ra với mọi người và mọi tình cảnh, mà vẫn ung dung không hề nao núng, vì hạnh phúc đã lắng sâu tận thâm tâm.   

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó…” người không ham hố, không tham lam, không cậy dựa vào tiền của hay quyền thế mà cậy dựa vào Thiên Chúa. Phúc thay ai hiền lành…” là người đã kiềm chế được mọi bản năng, mọi xung động và mọi dục vọng, vì người đó đã được Chúa làm chủ mình, nên luôn sống hiền lành, nhân từ. Phúc thay ai sầu khổ…” là người biết đón nhận mọi đắng cay cuộc đời, để đền tội, để phục vụ, để triển nở đời sống thiêng liêng. “Phúc thay ai khát khao nên người công chính…” là người mong nên thánh, mong trở nên giống Chúa, một sự khát khao mãnh liệt để hoàn thiện đời mình. “Phúc thay ai xót thương người…” là người sống bằng tình thương xót như Chúa đã xót thương mình, nên chia sẻ tận tình. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch…” là người sống ngay thẳng thật thà, luôn hành động với ý hướng trong sáng. “Phúc thay ai xây dựng hòa bình…” là người tạo sự an hòa, gieo rắc an bình, đem lại an vui cho mọi người mọi nơi mình có mặt. “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính…” là người dám chịu mọi sự khốn khó vì Đức Giêsu để trung thành cho đến cùng.

Tám mối phúc Đức Giêsu nêu lên dạy cho ta hiểu rằng: ngọc chỉ có trong đá, và sen chỉ mọc lên từ dưới bùn. Ngọc được kết tinh từ sỏi đá, và sen được kết tinh từ bùn nhơ. Không thể nào tìm kiếm ngọc ở ngoài đá, hay tìm kiếm sen ở ngoài bùn. Cũng vậy, hạnh phúc chỉ có trong con người biết đón nhận tất cả và sống cho tất cả bằng tình yêu mến. Có thể nói tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận hạnh phúc như thế ấy. Vì thế, cuộc đời Kitô hữu là đào luyện trái tim mình nên giống trái tim Chúa: một trái tim không khép lại cho hạnh phúc của riêng mình, nhưng luôn mở ra để hiến trao cho mọi người không trừ ai. Hạnh phúc này đã bắt đầu từ hôm nay và triển nở mãi đến cuộc sống muôn đời.

Cầu nguyện   

Lạy Chúa!
Con vẫn luôn đi tìm hạnh phúc,
bằng cách sở hữu cho thật nhiều,
có được những điều mà con muốn,
thỏa mãn những cái mà con ham,
nhưng rồi đâu phải như con tưởng.


Hạnh phúc không phải những gì con có,
như sức khỏe tiền tài hay danh lợi,
mà có thể những gì con không có,
và cũng chẳng bao giờ cần phải có.


Hạnh phúc đích thực nằm ở trong tâm,
rất sâu xa và bền vững thâm trầm,
nhưng bị ngăn chặn qua nhiều tầng lớp,
của ham muốn tham lam và ích kỷ... 


Nhìn ngắm Chúa cho con niềm xác tín:
hạnh phúc là tâm thái biết cho đi,
chứ không phải những gì con chiếm đoạt,
là buông ra không khư khư nắm giữ;
là bằng lòng chứ không cứ so đo;
là sống cho giây phút hiện tại này.


Xin cho con trở về với lòng mình,
để khơi nguồn hạnh phúc tự thâm tâm,
trong cách sống giản dị không cầu kỳ,
không than trách không so bì ai khác.


Hạnh phúc khi con sống luôn bên Chúa,
không buồn thương hay lo sợ điều gì,
chẳng mong cầu hay mê mẩn điều chi,
chỉ biết luôn thực thi theo Thánh ý.


Xin cho con giữ tâm hồn trong sạch,
để hạnh phúc luôn tươi mới trong lành,
để cuối cùng không ai ngoài chính Chúa,
là suối nguồn hạnh phúc của đời con. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây