Lời có Sức Mạnh

Thứ sáu - 27/01/2023 04:22 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   394
Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” (Mc 1, 21 – 22).
B04Vs
B04Vs

Lời có Sức Mạnh

 

“Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” (Mc 1, 21 – 22). Theo từ điển (Biểu tượng văn hoá thế giới – NXB Đà Nẵng) một ít chia sẻ về Lời.

 

Người Dogon phân biệt hai lời, họ gọi lời khô và lời ẩm. Lời khô là lời của Amma, trước khi sáng tạo, lời đã có và là nguyên thuỷ. Lời ẩm là lời sáng tạo, có mầm mống như quả trứng vũ trụ, là nguyên lý sự sống. Đối với người Bambara, các kiến thức về thần bí bao hàm hai mươi bốn con số đầu, số Một biểu trưng sự đơn nhất, chủ tể đơn nhất ấy có Lời nguyên thuỷ, Lời làm nên mọi sự, cũng theo đó lời của tù trưởng là lời có sức mạnh, lời từ quyền làm đầu đủ mọi năng lực để chi phối, lời mang tính thuyết phục nhất.

Thưở hồng hoang lịch sử, khi chưa có thời gian bắt đầu, lịch sử chưa hình thành, Lời đã là hằng hữu, Lời phát nguyên mọi sự. Trong Lời có Hơi Thở Thần Linh, Hơi Thở mang Lời Sáng Tạo. Với Léon Cadogan: “Lời đã tự mang sức sống, theo người Dogon, người thổ dân Guaram, Thượng Đế đã làm nên Lời trước khi có nước, lửa, mặt trời, sương mù, các sinh khí, trái đất”.

Thánh Gioan trong Phúc âm của ngài trình bày: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành” (Ga 1, 1 – 3)

Alfred Metraux, bản chất của Lời là bất tử, lời không bao giờ bị mai một, lời xuyên suốt các dòng lịch sử, nhất là trong lịch sử của sắc tộc Tailipang, con người có năm linh hồn chỉ có một hồn mang tiếng nói đi vào bất tử.

Lời nói là một hành vi khởi đầu theo nhận xét của Maurice Leenhardt trong văn hoá người Canaque xứ Tân Calédonie. Lời khởi đầu có sức mạnh nguyền rủa và tiêu diệt người bị nguyền rủa.

Trong các kinh nghiệm của các linh mục cao niên thuật lại, lời nguyền của một cha xứ có hậu quả nhãn tiền cho người bị nguyền rủa; cho nên, vài cha cao niên đã căn dặn các linh mục trẻ, dùng lời nói lành thì tốt hơn hết để tránh các hậu quả của lời nguyền làm tổn hại đến những người mình có trách nhiệm.  Đó cũng là đức ái trong lời nói, khi lời nói ấy có sức mạnh.

Theo quan niệm từ bi Việt Nam, người ta thường căn dặn:

“Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa Lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Lời nói được ban cho con người cách nhưng không, đừng để lời đó trở thành án hoạ cho người khác. Bí nhiệm của lời mang một sức mạnh ghê gớm, nó như con dao trong tay kẻ mạnh tuỳ theo cách dùng nó mà trở nên hữu hiệu hay mang hậu quả.

Người Việt Nam rất sợ “Lời ong tiếng ve” nhưng lại cũng hay làm nên những tổ ong tổ ve khắp làng khắp xóm. Ong và là loài châm chích làm cho người bị chích nhức nhối, đau điếng, ve là loài mang tiếng sầu thảm não khiến người nghe cũng buồn lây theo cảnh. Lời ong tiếng ve có sức mạnh huỷ diệt đối phương còn mạnh hơn cả vũ khí mà người ta hay dùng nhất mà đánh mất đi ý thức đó là một lỗi trong điều răn thứ năm.

Quan trọng trong luân lý người xưa hay dậy đầu tiên và quan hệ mật thiết đến cả đời người là “Học ăn, học nói, học gói, học mở” Học được để điều khiển cái lưỡi là một cái học rất khó nhưng cũng rất được đề cao trong phẩm hạnh của một người.

Cần có Lời của Chúa thấm nhuần vào con người chngs ta, để lời nói ra được sinh hoa kết trái là khiêm nhường, bác ái, yêu thương.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây