Sự gì – Sự này hay sự kia

Thứ năm - 24/02/2022 05:41 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   421
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly?”

SỰ GÌ – SỰ NÀY HAY SỰ KIA


(Mt 19,1-9; Mc 10,1-12) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Đã từng hỏi các em thiếu nhi trong một thánh lễ có cử hành bí tích hôn phối rằng: “Có phải Thiên Chúa “bắt” hai anh chị này cưới nhau không?”. Các em đồng thanh trả lời: “Dạ - Không”. Quan niệm dân gian một thời nghĩ rằng duyên phận đôi lứa là do ông trời, “ông tơ – bà nguyệt” xe định. Dĩ nhiên ngày nay chẳng còn ai nghĩ như vậy và nhất là dưới cái nhìn Kitô giáo thì hôn nhân là do chính hai người nam nữ trưởng thành trong ý thức và tự do quyết định “trao thân gửi phận” cho nhau. Vậy chúng ta hiểu thế nào về câu nói của Chúa Giêsu: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly?”

Khi nói câu này thì Chúa Giêsu tuyên bố rằng hôn nhân là định chế Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ đầu lúc tạo dựng nên con người có phái tính. Định chế này có tính vĩnh viễn cho đến lúc một trong hai người qua đời. Tất cả những ai ý thức và tự do bước vào đời sống hôn nhân thì phải tuân giữ định chế này, nghĩa là phải giữ sự thủy chung với nhau trọn đời trong mọi cảnh huống của cuộc sống, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh tật cũng như lúc mạnh khỏe. Dù rằng nội hàm của sự thủy chung là trước sau như một, nhưng chung thủy với nhau không có nghĩa là không bao giờ sai lỗi mà là không được phép ly dị để tái hôn hay chia đàn xẻ nghé.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là có nhiều “sự này” hay “sự kia” không đúng  ý Thiên Chúa thì sao đây? Vấn đề thật là nhiêu khê cho các nhà thần học luân lý cũng như các chuyên gia Giáo luật Công giáo. Có thể nói Công giáo là tôn giáo rất chặt chẽ và cũng rất khắt khe về vấn đề ly dị tái hôn. Đã từng một thời người ta nhìn nhận thực tiễn rằng nhờ sự chặt chẽ trong luật lệ hôn nhân nên chuyện ly dị tái hôn trong Công giáo rất ít so với bà con lương dân hay anh chị em ngoài Công giáo. Tuy nhiên thời gian gần đây tỷ lệ % vụ ly dị tái hôn trong Công giáo có vẻ tăng nhiều, thậm chí có nơi gần bằng bà con khác tôn giáo và anh em lương dân.

Giáo hội đã nỗ lực tìm cách tuyên bố nhiều nố hôn nhân không thành sự vì nhiều nguyên nhân, cách riêng về lãnh vực ý thức và sự tự do khi kết hôn trước đây. Tuy nhiên có đó tình trạng nhiều Giáo hội địa phương lại ngần ngại việc này, vì thế nhiều tín hữu Công giáo phải sống trong sự mặc cảm đáng tiếc. Có đó nhiều đấng bậc tuyên bố rằng sự bền vững của hôn nhân là luật của Thiên Chúa nên “không có luật trừ”. Thiển nghĩ rằng cái nhìn này có phần vừa bất cập vừa thái quá. Phải chăng “đặc ân Phaolô” và “đặc ân Phêrô” không là luật trừ?

Luật tôn trọng sự sống (cấm giết người) là luật của Thiên Chúa và xem ra trọng hơn luật hôn nhân bền vững. Thế mà luật này vẫn có luật trừ chẳng hạn trong trường hợp tự vệ chính đáng hoặc khi phải bảo vệ tổ quốc. Xin có chút thiển ý về câu nói như là “luật trừ” của Chúa Giêsu. “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẩy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9). Rất nhiều bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp về đoạn Mt 19,9 về nội dung trường hợp ngoại trừ là “except it be for fornication”; “except for sexual immorality”; “unless his wife has been unfaithful”; “sauf pour cause d’infidélité”; “non pour motif de fornication”. Đa số các bản dịch đều nói về sự thiếu thủy chung trong nghĩa tình phu phụ.

Nhiều người vì tiên thiên cho rằng luật bền vững hôn nhân là tuyệt đối nên dịch trường hợp “ngoại trừ” mà Chúa Giêsu đưa ra là “hôn nhân bất hợp pháp”. Nếu xét “hôn nhân bất bất hợp pháp” là không thành sự thì không ai dùng chữ “ngoại trừ”. Khi dùng hạn từ “ngoại trừ” để loại ra cái gì đó trong một tập thể thì cái bị loại ra phải đồng bản chất với những cái còn lại trong tập thể. Chẳng hạn nói rằng các em học sinh đều được đến trường học trực tiếp ngoại trừ những em đang dính virus corona, thì các em đang dương tính (positive) ở đây đích thực là học sinh. Hoặc nói những ai đến tuổi trưởng thành đều có quyền kết hôn ngoại trừ người mắc bệnh tâm thần thì “người mắc bệnh tâm thần” ở đây được hiểu là những người đã đủ tuổi trưởng thành. Như thế khi hiểu và dịch lời Chúa Giêsu nói về trường hợp ngoại trừ mà áp dụng vào trường hợp hôn nhân không thành sự thì xem ra không ổn và có phần khiên cưỡng.

Ai trong chúng ta cũng mong và đều muốn rằng đã kết hôn là “trăm năm hạnh phúc”. Sự vững bền của hôn nhân không chỉ liên hệ đến hạnh phúc của hai người phối ngẫu, đến con cái mà còn liên hệ đến xã hội vì gia đình luôn được xem là tế bào của xã hội. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy lý tưởng ấy không dễ thành hiện thực với nhiều trường hợp cụ thể. Có đó nhiều trường hợp hôn nhân mà bản thân không tin là “thành sự” vì thực tế đời sống chung “như là hỏa ngục trần gian”, thế nhưng để giải gỡ theo luật thì thật quá khó. Dù rằng không phù hợp với thần học bí tích hiện nay, nhưng vẫn có đó lời phiền trách rằng Giáo hội dễ dàng giải gỡ sự ràng buộc “hàng giáo sĩ”, “lời khấn trọn đời” của tu sĩ mà lại quá khắt khe về dây hôn phối! Hy vọng rằng dưới tác động của Chúa Thánh Thần và theo sự góp ý của các chuyên gia “đạo – đời”, Giáo hội Công giáo sẽ có phương thế thích hợp để vừa bảo vệ định chế hôn nhân đồng thời vừa giải quyết nhiều trường hợp hôn nhân không đúng và chẳng đẹp ý Thiên Chúa chút nào.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây