Thanh tẩy Đền Thờ

Thứ năm - 29/02/2024 09:13 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   316
Thanh tẩy bằng nước, bằng lửa và bằng máu. Chúa đã thực hiện tất cả trên Thập giá vì chỉ muốn yêu thương con người và được yêu thương con người.
B A3Vs
B A3Vs
Thanh tẩy Đền Thờ




Nhơ uế làm ô nhiễm môi trường vật chất và tâm hồn. Tẩy uế nhằm làm sạch vật chất, rửa sạch tâm hồn đưa lại trạng thái thanh khiết, dứt bỏ tội lỗi do những quyến luyến trần tục, khơi lại nguồn cội của sự sống. Đền thờ phản chiếu của đời sống thiêng liêng lại bị trần tục hóa bằng cảnh mua bán, đổi chác... Chúa Giêsu đến thanh tẩy Đền Thờ, hành vi và ý nghĩa việc Chúa làm liên quan đến thanh tẩy gồm có nước, lửa và máu.

Đền thờ nội tâm
Chúa Giêsu đi vào Đền Thờ với một tư cách chủ nhân mới của Đền Thờ. Đền thờ do các Thượng tế dâng lễ vật sẽ không còn nữa: “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi. Còn Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời.” (Dt 10, 11 – 12).

Chúa Giêsu là Thượng tế mới, Người cai quản Đền thờ đích thật, mọi hy lễ chiên, bò đều không còn cần thiết nữa, chỉ cần thiết một hiến lễ mới là “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”: “Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 8 – 9). Như vậy, Việc thanh tẩy Đền thờ mang một ý nghĩa trọng đại, không chỉ là việc Chúa xô đổ bàn đổi chác, người buôn bán ra khỏi Đền thờ, mà trong hy lễ mới, một hy lễ bằng máu, chính Người thiết lập, mỗi người hãy dâng hiến chính thân mình làm của lễ, tháp nhập cùng Chúa Giêsu trong hiến lễ của Người dâng lên Chúa Cha.

Tẩy uế Đền thờ, theo một nghĩa khác, Chúa Giêsu mời gọi: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." ( Mt 22, 21). “Đừng biến nhà Thiên Chúa thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). Tục hóa đi vào thánh thiêng qua lối mua bán, rơi vào lãnh vực tài chánh. Ân sủng trở nên món hàng mua bán. Đền thờ thành nơi rửa tiền để lương tâm được nhẹ bớt. Các thượng tế trở thành kẻ rao bán, mỵ dân, thu về lợi nhuận. Điều chính yếu là sám hối, từ bỏ tội lỗi thì làm cho chiếu lệ. Tâm hồn càng ngày càng vẩn đục bởi khối lượng vật chất, lối sống hưởng thụ, ăn nói kiêu căng: “Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa.” (Ed 34, 10).

Tẩy uế Đền thờ, còn là thanh tẩy các mối tương quan giữa con người với nhau. Không phải là tương quan giữa trao đổi, đổi chác vật chất, mua bán, tranh giành mà bằng tương quan “nhân từ và khoan dung, tha thứ”, “hãy có lòng nhân từ” (Lc 6, 36).

Lấy quyền nào thanh tẩy Đền thờ tâm hồn?
“Thân xác là Đền thờ Thiên Chúa” (1Cor 6, 19), bởi thế tâm hồn không là nơi chứa đựng tội lỗi, thân xác không là nơi hưởng thụ. Thanh tẩy Đền thờ thân xác là con đường từ bỏ tội lỗi, dọn dẹp tâm hồn. Cái xấu ở bên trong con người mà ra: "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7, 20).

Lửa trong tâm hồn con người đã thiêu cháy bằng ngọn lửa dục vọng của thân xác, ngọn lửa thần linh từ ấy cũng tắt dần đi. Ai có thể thắp lại ngọn lửa khát khao điều công chính và ngọn lửa yêu mến Chúa. "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 49). Như vậy, sự chết trên Thập giá của Chúa Giêsu cũng là lửa để thanh luyện, thắp lại cho tâm hồn con người đã nguội lạnh.

Ai có thể thanh tẩy tâm hồn con người chúng ta, nếu không phải là Thiên Chúa. Nếu vậy, việc Chúa đến xua đuổi quân buôn bán trong Đền thờ con người, là một ân ban đặc biệt vì Người còn để tâm đến.

“Chướng ngại trong tối thường dai dẳng, nhưng khi rắp tâm đập tan tôi lại thấy lòng dạ nhói đau. Tôi chỉ thèm có tự do giải thoát, nhưng lại thấy hổ thẹn khi mong đợi ngóng chờ. Tôi chắc kho tàng vô giá ấy ở trong anh và anh là người bạn thân tôi nhất, song tôi nào dám quét khỏi phòng mình lớp ngân tuyến phủ che. Vải liệm bao thân tôi là khăn liệm bụi bậm và chết chóc; tôi ghét vô cùng, ấy thế mà vẫn cứ yêu thương ôm vào lòng. Tôi nợ nần nhiều lắm, tôi thất bại lớn lao, tôi xấu hổ âm thầm và ê chề sạn mặt, tuy nhiên khi tới hỏi xin lạc phúc, tôi lại run rẩy sợ lo, những e lời nguyện cầu được chấp nhận.” (Lời dâng, bài 28, R. Tagore).
Con người tự mình không thể chiến thắng tội lỗi, bởi thế, Chúa Giêsu nói đến sự phá hủy đền thờ thân xác, Người sẽ xây dựng lại Đền thờ thân xác mới trong ba ngày. Người muốn nói đến chính Người chiến thắng sự chết là hậu quả nghiêm trọng của tội lỗi. Mang lấy thân xác mới của Chúa Giêsu để chiến thắng tội lỗi nơi mình. Chúng ta chiến thắng được tội lỗi là nhờ Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.

Thanh tẩy bằng nước, bằng lửa và bằng máu. Chúa đã thực hiện tất cả trên Thập giá vì chỉ muốn yêu thương con người và được yêu thương con người. Xin Chúa hãy đến thanh tẩy chúng con.
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây