Thề nguyện

Thứ hai - 07/11/2022 10:33 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   423
Bước đi, trao phó mọi sự trong tay Chúa, họ biết chắc, họ không thất vọng bao giờ
Thề nguyện

Thề nguyện

 
 
 
 
 
 
Xưa kia việc nhờ thần linh chứng giám hay can thiệp vào những sự kiện đời thường là một điều bình thường. Nhưng đưa vào sự kiện của một quốc gia và lập thành một nghi thức trọng thể của vua quan trước dân thì điều ấy thật hiếm hoi. Thời nhà Lý, nghi thức ấy đã khởi đầu và được ghi chép trong sử sách để ngàn năm trông theo.

Hội Thề lần đầu tiên mang tính chất quốc gia được tổ chức tại Đền Thờ núi Đồng Cổ. Người xưa tin rằng tại núi này có vị thần linh đã từng giúp vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) đánh thắng quân Chiêm năm 1020; vị thần đã mộng báo cho Lý Thái Tông loạn tam vương, (tức là việc Vũ Đức Vương, Đông chính Vương và Dực thánh vương giành ngôi vua với thái tử Lý Phật Mã vào tháng 2 - 1027). Hội thề Đồng Cổ được tổ chức khá đều trong triêu Lý. Đến thời Trần, năm Đinh Hợi, Trần Thái Tông ra các khoản minh thệ cho nội dung lời thề. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại như sau:
“Hằng năm, vào ngày mùng 4 tháng 4, tể tướng và trăm quan đến chực ở ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, đến tờ mờ sáng thì tiến vào triêu. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục, lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đứng thành đội ngũ, sắp nghi trượng mà theo hầu ra cửa Tây Thành, vào đền thờ núi Đồng Cổ, họp nhau uống máu ăn thề. Quan trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này xin thần minh giết chết”. Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa để điểm danh, người vắng mặt phải phải năm quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như một ngày hội lớn”[1].
Hội thề có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống sứ vụ của một người lãnh đạo, ở nơi đó người ta học cách vựơt qua những cám dỗ sử dụng quyền được trao thành lợi thế để trục lợi. Cám dỗ này thường xuyên chi phối người nắm quyền. Không có lời thề nhắc nhở, hoặc có một lý tưởng dấn thân, người ấy sẽ dễ rơi vào tình trạng lạm dụng quyền hành.
Tuy nhiên, để thắng cám dỗ thường ngày cần có một kinh nghiệm khác về kenosis. Đối với người Việt, từ quan tới dân đều có một vị thánh sư nào đó trong nghề nghiệp của mình để rèn nhân cách cũng như để rèn luyện nghề. Gọi chung đó là hình thức tín ngưỡng Bách nghệ tổ sư. “Ăn nắm xôi dẻo, nhớ nẻo đường đi” là tâm thức nhắc nhở nhớ ơn người khai sáng nghề. Có thể thờ tổ sư nghề ngay tại gia, hoặc là thành hoàng của làng.
Trong tín ngưỡng bách nghệ tổ sư dẫn dắt một tinh thần chung: Đó là một chỗ dựa tinh thần cho những người làm nghề, ý thức nghề nghiệp có một nguồn cội – lòng biết ơn với tổ sư nghề - ôn cố tri tân. Biết sức mình là một khía cạnh nhưng thành toàn là nhờ vị tổ sư, cho nên cần có một thần phả hay thần tích để học theo gương, dõi theo tích mà tu thân tu nghiệp.
Ở một tâm hồn tôn giáo dễ mến như dân tộc Việt, khi đón nhận Tin Mừng của Chúa, dường như họ tìm được những đích điểm của cuộc đời. Chúng ta thấy, những người theo đạo buổi ban đầu không ngừng gia tăng một cách nhanh chóng. Các vị thành hoàng hay thánh sư dần dần được mang theo một ý nghĩa mới, hoặc được thay đổi cho phù hợp với đức tin. Thánh bổn mạng cho từng người hay cho một làng hoặc cho một nghề dễ dàng được chấp nhận.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước và sau mỗi sứ vụ của Ngài, cầu nguyện tự thân là trút bỏ mọi lo lắng hay thành công hoặc thất bại cho Chúa Cha. Ở nơi đó, Chúa Giêsu học cho biết sự vâng phục. Người Kitô hữu Việt khi tiếp nhận cách thức cầu nguyện của Chúa Giêsu, cũng mang tâm tình ấy. Họ tín thác vào Thiên Chúa, hơn khi xưa đặt niềm tin vào vị thành hoàng hay vị tổ sư nghề của mình. Bởi vì, ngoài việc cầu nguyện của người Kitô hữu, họ còn được hướng dẫn cách cụ thể bằng giáo lý của Chúa. 
Bước đi, trao phó mọi sự trong tay Chúa, họ biết chắc, họ không thất vọng bao giờ. Giáo lý về đạo củng cố niềm tin ấy cho họ. Hiệu quả cuối cùng là họ được dẫn dắt ra khỏi những điều mê tín dị đoan, khỏi những niềm tin vô căn cớ hoặc xây dựng trên huyền hoặc.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
 
 

[1] Đại Việt Sử Ký toàn thư, bàn kỉ, quyển 5, tờ 4b.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây