Tĩnh để lặng

Thứ ba - 14/06/2022 09:47 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   606
Những bài học về chữ tĩnh đều có thể tìm thấy trong Lời Chúa.
thing lặng copy
thing lặng copy

Tĩnh để lặng


 Giữa những xao động, lòng cần một chút tĩnh. Giữa những ồn ào, tâm muốn chút lặng. Giữa thành công cần một chút thanh thản. Giữa những lo âu, muộn phiền, thất bại, cần một chút yên. Tất cả đều suy về tĩnh để tâm hồn bình an. Tĩnh để dẹp yên bão tố. Những bài học về chữ tĩnh đều có thể tìm thấy trong Lời Chúa.
Giữa những xao động, bận tâm lo ăn, chốn ở, chuyện các con ăn học, chuyện làm chuyện lương, những cái đáng phải lo, bận tâm. Chúa dạy:  “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Nước Thiên Chúa là niềm vui cuộc sống, sự công chính là thước đo của sự an bình nội tâm. Tĩnh của tâm không làm rối ren lên cuộc sống vốn đã phức tạp. Tĩnh để bình lại những bất ổn, tĩnh để hồi lại sức sau ngày dài vất vả. Tĩnh để được Chúa “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (Tv 23, 2 – 3)

Giữa ồn ào cần chút lặng. Chúa bảo Elia: "Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa". Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.” (1 V 19, 11 - 13). Lặng để nghe tiếng Chúa, nghe tâm hồn đang khao khát bình yên, lặng để cung kính Chúa đang ngự trong tâm.

Giữa những thành công. Các môn đệ về báo lại cho Chúa các thành tích đã làm được, người ta đón nhận Tin Mừng nồng nhiệt thế nào, đang hào hứng “Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút."  (Mc 6, 31) Thành công, vui mừng quá cũng có thể dẫn tới nguy hiểm của sự kiêu ngạo. Tĩnh để khiêm nhường trước thành công, tĩnh để không làm chướng tai, gai mắt người khác ghen tỵ hay làm buồn lòng những người kém may mắn.

Tĩnh trong đau thương, thất bại. Chúa mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28). Chúa không cất chúng ta khỏi gánh nặng, nhưng Người vác đỡ chúng ta. Chúa không lấy đi gánh nặng nhưng Người giúp chúng ta sức mạnh, nghị lực. Chúa cho chúng ta một ách êm ái để không có gì mà không thể vượt qua. Chúa cho chúng ta đủ tình yêu gánh vác việc đời, một tình yêu vui sống vươn tới trời cao. Hãy để Chúa vào tâm hồn, Người bồi dưỡng cho chúng ta bằng sức mạnh tình yêu, ơn Chúa đủ cho chúng ta.

Tĩnh để đọng lại những cặn bã, giúp “gạn đục khơi trong”, làm mới tâm hồn chúng ta giữa bụi trần. “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2, 16). Một Thiên chúa hạ mình để đưa chúng ta vào nơi tĩnh lặng để tâm tình, dù chúng ta đã bội phản với Người. Thiên Chúa không ngại điều chi, chỉ ước mong từ đây chúng ta dốc lòng chừa tội lỗi, trở về đời sống thanh sạch, sống cuộc đời tươi vui.

Tĩnh làm tăng trí hiểu, lòng đạo, đức hạnh. Tĩnh để lắng nghe Lời Chúa: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.” (Ga 17, 14 – 15)
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
 Tags: Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây