Vinh Quang Chúa… sao lại không!

Thứ bảy - 11/06/2022 05:16 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   347
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (x.Mt 28, 18-19).
Vinh Quang Chúa… sao lại không!

Chúa Nhật – Lễ Chúa Ba Ngôi

Vinh Quang Chúa… sao lại không!

Trong kho tàng thánh ca Việt Nam, có một bài thánh ca mỗi khi được cất hát lên, nó đã làm cảm động biết bao trái tim con người. Bài thánh ca đó có tựa đề “Vinh Quang Chúa”. Tác giả: nhạc sĩ Hùng Lân.

Vâng, rất cảm động khi cô ca sĩ Như Ý của VietCatholic.New cất cao giọng hát: “Trời xanh ơi hỡi trời xanh, hãy thuật lại vinh quang của Chúa. Từng không vút cao muôn trùng, hãy loan truyền những việc Người làm. Ngày và đêm hãy truyền nhau những kỳ công siêu việt bao la Chúa đã thương ban cho đời, làm bằng chứng tình yêu bao la…”

Để nói lên niềm tin của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi, người nhạc sĩ tài hoa này đã không dùng đến những bài thuyết giáo hùng hồn như những nhà hộ giáo thời Giáo Hội sơ khai. Trái lại, ông ta đã “phóng bút” phổ lên những dòng nhạc với lời ca cung kính, rất cung kính, để “tấu lên muôn muôn điệu nhạc, ngợi khen Đấng quyền năng vô biên.”

Đấng quyền năng vô biên đó, đã được ông ta tôn vinh, tôn vinh rằng: “Vinh quang Chúa chói ngời, Vinh quang Chúa cao vời, con tin kính tôn thờ mình Ngài. Tôn vinh Chúa muôn loài, tri ân Chúa muôn đời. Có ai uy quyền bằng Thiên Chúa Ba Ngôi.”

Thiên Chúa Ba Ngôi nghĩa là gì? Thưa, Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Chúa Cha, Ngôi thứ hai là Chúa Con và Ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau.”

Tuyên xưng “Chúa Cha – Chúa Con – Chúa Thánh Thần”. Vâng, đây không phải là lời tuyên xưng do Giáo Hội tự đặt ra, nhưng là do chính Đức Giê-su người Nazareth, truyền dạy. Những lời Đức Giê-su người Nazareth truyền dạy đã được ghi lại trong các sách Tin Mừng.

**

Trước hết, theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại. Một ngày nọ, Đức Giê-su nói với các môn đệ, rằng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy. Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.” Vâng, một-ít-lâu và sau ít lâu đó, Đức Giê-su cho biết rằng Ngài sẽ “đi dọn chỗ cho anh em… để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (x.Ga 14, 3).

Lời nói của Đức Giê-su đã làm cho “vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau…”. Các ông đã hỏi nhau rằng: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” (x.Ga 16, 17).

Đúng vậy, trước đó, Đức Giê-su đã nói cho các ông biết “nhà Cha Thầy.” Ngài nói: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi…”

Nhà-Cha-Thầy và giờ đây là Thầy-đến-cùng-Chúa-Cha chẳng phải là Đức Giê-su nói về “Ngôi thứ nhất là Chúa Cha”, đó sao!

Và tiếp theo là Tin Mừng thánh Matthêu, qua trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan, thánh sử đã cho thấy hình ảnh Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thánh Mát-thêu kể: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17).

Có-tiếng-phán-từ-trời… tiếng phán này của ai, chẳng phải là của Chúa Cha! Và, Thần-Khí-Thiên-Chúa-đáp-xuống chẳng phải là “Ngôi thứ ba – Chúa Thánh Thần”!

Trong bữa tiệc Vượt Qua, Đức Giê-su cũng đã nói đến “ngôi thứ ba”. Hôm đó, Ngài nói rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi”.

Chúa Cha, rồi đến Đấng Bảo Trợ và cuối cùng là Chúa Con. Vâng, Chúa Con chính là Đức Giêsu. Là Đức Giê-su vì đã có lần Ngài khẳng định mình là một “ngôi vị” khi tuyên bố rằng, “Ta với Cha là một” và “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”.

Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin. Đức Giê-su, trước khi về trời, Ngài đã nói đến mầu nhiệm này như là một lời tuyên xưng cho những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã truyền dạy các môn đệ, rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (x.Mt 28, 18-19).

***

Một Chúa Ba Ngôi: “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Nên chăng, gọi mầu nhiệm này là “Mầu Nhiệm Tình Yêu và Hiệp Nhất”. Tại sao nên gọi như thế? Thưa, bởi do những gì Kinh Thánh ghi lại, đã nói lên điều đó.

Trước hết, chúng ta nói đến “tình yêu”. Kinh Thánh cho biết, có một Chúa Cha: “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (x.Ga 3, 16).

Tình yêu đó đã được Chúa Con thể hiện như thế này. Rằng, Chúa Con “đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Chúa Con) mà được cứu độ.” Chúa Con đã chết trên thập giá tại Golgotha. Cái chết của Chúa Con là để “cứu muôn người lỗi tội” như lời Ngài đã nói “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.

Và, bây giờ là nói tới sự “hiệp nhất”. Thật vậy, trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần ngự đến “đậu xuống từng người một”, từng-người-một trong nhóm các môn đệ, người ta đã thấy rõ nét về một sự hiệp nhất vô tiền khoáng hậu, đó là: hiệp nhất mọi người ở khắp mọi nơi, từ “Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Pon-tô, và A-xi-a v.v…”, tất cả họ đều có thể nghe “tiếng mẹ đẻ” của mình, dù người nói với họ chỉ là một chàng Phê-rô chài lưới quê mùa, với giọng Do Thái nặng nề của miền Galile, và hơn thế nữa, chính nhờ Chúa Thánh Thần, mọi người mới có thể trở nên “con cái Thiên Chúa”, nhờ đó mọi người có thể gọi Chúa Cha là “Áp-ba! Cha ơi”.

Chúa Cha đã yêu thế gian. Chúa Con đã cứu chuộc thế gian, Chúa Thánh Thần đã và tiếp tục hiệp nhất thế gian… Vâng, có gì không phải, khi chúng ta gọi Ba Ngôi Thiên Chúa là “Mầu Nhiệm Tình Yêu và Hiệp Nhất”!

****

Hôm nay, một lần nữa, chúng ta long trọng mừng kính trọng thể lễ “Chúa Ba Ngôi”. Chúng ta sẽ làm gì để thể hiện niềm tin của mình vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa?

“Phóng bút” sáng tác một bài thánh ca mang tên “Vinh Quang Chúa - số 2”! “Cover” bản Vinh Quang Chúa, “bốt” lên “diu-túp”? Sao! “Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở” hả! Vâng, đây chỉ là một chút suy tư “vui vui”, của người viết.

Để thể hiện niềm tin của mình vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, không gì tốt hơn là hãy làm cho mọi người nhìn thấy cuộc sống của mình là một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương và tất nhiên đó là tình yêu thương hướng đến sự hiệp nhất.

Vì sao phải hướng đến sự hiệp nhất? Thưa, là bởi, không hướng đến hiệp nhất, tình yêu thương đó chỉ là tình yêu thương “cục bộ”. Nói rõ hơn, tình yêu thương đó không hướng đến “lợi ích chung”. Không hướng đến lợi ích chung sẽ dẫn đến ganh tỵ, ích kỷ, bất đồng, bất hòa, bất công… Không thiếu những tổ chức từ thiện rơi vào tình trạng này.

Do đó, yêu thương và hiệp nhất phải được thể hiện nơi mỗi chúng ta, là Ki-tô hữu. Đừng quên, Đức Giê-su đã từng nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này; là anh em có lòng yêu thương nhau”.

Khi “có lòng yêu thương nhau”, chúng ta sẽ trở thành “khí cụ bình an của Chúa”. Khi trở thành khí-cụ-bình-an-của-Chúa, chúng ta sẽ hăng hái lên đường “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”

Khi trở thành khí-cụ-bình-an-của-Chúa, chúng ta sẽ không ngần ngại “Tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.”

Cuối cùng, khi trở thành khí cụ bình an của Chúa, và thực hiện những điều nêu trên, không ai có thể phủ nhận, rằng: chúng ta đã “biết mến yêu và phụng sự (Ba Ngôi Thiên Chúa) trong mọi người”.

Biết mến yêu và phụng sự Ba Ngôi Thiên Chúa trong mọi người, chẳng phải là chúng ta đã làm “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, đó sao! Biết mến yêu và phụng sự Ba Ngôi Thiên Chúa trong mọi người, nói theo cách nói của nhạc sĩ Hùng Lân, đó là chúng ta đã “Vinh Quang Chúa.”

Vinh Quang Chúa… sao lại không!

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây