Triết lý cái Đình
Thánh Mẫu Điện lấy kích thước của Ngôi Đình Việt Nam làm tiêu chuẩn. Theo kích thước Ngôi Đình Việt Nam là hình vuông, biểu tượng Đất mang đặc tính Âm. Chiều dài của mỗi cạnh xây dựng là 37 m, quay mặt theo hướng Đông Nam, đủ ấm áp trong mọi mùa, nhận ánh sáng không đối diện nhưng đầy ánh sáng tránh ẩm thấp, tránh nắng nóng mùa hè, núp gió mùa Đông. Chếch sang hướng Nam núi Đức Mẹ Ngự Bình. Phía Tây để tránh nắng chiều có ao Đức Bà làm trong mát khí chiều.
Triết lý về cái đình của tác giả Kim Định, tên thật của ngài là Lương Kim Định, ngài là một linh mục, sinh 15 tháng 6 1915, tại làng Trung Thành, Hải Hậu, Nam Định, Giáo Phân Bùi Chu. Khi học tại Pháp, các bạn có hỏi cha: “Việt Nam có triết lý không? Có nền thần học Việt Nam không?” Trong lần trả lời cho linh mục Foillet thuộc dòng Oratorie: “Cần học hỏi Kinh Thánh bằng tinh thần Á Đông, bởi vì Thánh Kinh xuất phát từ Á Đông”. Trong tinh thần học hỏi, ngài học chữ nho, nghiên cứu sâu về Hán Nho, rồi nguyên Nho (là chữ Nho gốc Việt). Từ những uyên thâm như vậy. Triết lý cái Đình của ngài với lời tựa của sách: "Nhà vuông hay chữ nhật cùng là 4 góc đều chỉ nghĩa tứ tượng, tứ tượng là mối đầu cho hiện tượng, cho mỗi biến cố, nên chỉ thị phần hành , mà hành khải vuông để đối đáp với phần biết phải tròn như câu ngạn ngữ Việt Nho nói: “Trí dục viên nhi hành dục phương”. 智欲圓而行欲方. Sau nửa thế kỷ thờ ông thầy Tây, chúng ta mới nhận ra rằng cái tri của ông chưa đạt chu tri, nên không thể có hành phương . Vì thế về đàng hành chúng ta đã học với ông được lắm điều hay thí dụ, khoa học cơ khí để tiến bộ, nhưng đồng thời cũng học lắm cái hại:
Người Bồ dạy ta hút thuốc lá,
Người Pháp dạy ta uống Whisky,
Người Anh dạy ta hút thuốc phiện.
( Histoire de la Civilisation . W.Durant vol. III Payot.p. 205)"
Với một niềm yêu mến những người đi trước, nhất là với niềm say mê một nền triết Việt. Cha cố Đaminh Bùi Minh Sơn mới cố gắng phần nào về “Triết lý cái đình” khai triển qua kiến trúc Thánh Mẫu Điện. Đây là một khởi sự cho một suy tư, nhờ các con cháu sau này, cố gắng học những kiến thức sâu xa của các bậc đi trước như cha Kim Định mà giữ lấy tâm hồn Việt trong tìm hiểu Thánh Kinh cũng như sống lòng đạo chiều sâu như ngôi Đình sâu lắng mà đầy tôn kính.
Riêng cấu trúc Thánh Điện, thay vì nhà cao cẳng được xây dựng thành tầng hầm để xe hơn 1000 m2, chiều cao tầng hầm 2m 6, tránh ẩm thấp và sử dụng được mặt bằng để xe trong tầng hầm.
Cấu trúc cửa vào Thánh Điện theo lối tam toà, cửa giữa và hai bên mái vòm cung theo cung vòm Roma, nửa vòng tròn. Mái vòm cửa tam toà kiến trúc theo mái cong, đầu góc mỗi mái mang hình bồ câu, tượng trưng hướng về tương lai với lòng khát mong hoà bình.
Theo kiến trúc Việt, ngôi Đình Việt Nam, theo tư duy ước lệ, biểu lộ tư duy số lẻ, vào trong sân đình là cổng tam quan, từ sân đình bước lên Đình là bậc tam cấp, vào trong Đình bước qua cửa tam toà. Theo ước lệ ấy Điện Thánh Mẫu được xây dựng, bước vào trong sân Điện là cổng tam quan, bước vào trong Thánh Điện, bước lên tam cấp gồm 15 bậc theo hệ số 3 x 5, qua cửa tam quan vào trong chính Điện. Cửa chính vào trong Thánh Mẫu Điện dành riêng cho những người khoẻ mạnh, còn có hai lối vào trong Thánh Điện tiện ích cho người đau bệnh có thể đi lên bằng xe lăn, hoặc theo độ dốc dài, có thể bước lên bớt mệt nhọc. Hai lối đi biểu lộ tinh thần bác ái của tinh thần Kitô giáo, lòng bác ái đó mở ra với mọi người và cũng biểu lộ tinh thần quảng đại của người Việt, trân trọng các cụ cao tuổi (Kính lão đắc thọ) cũng như những người đau bệnh (thương người như thể thương thân), mọi người đều có chỗ của minh trong ngôi Đình, cũng như trong Thánh Điện.
Mái của những ngôi Đình lớn hoặc theo cung đình Huế, như Điện Thái Hoà, mái được chia làm ba tầng chồng mí lên nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp, gọi là mái “chồng diêm” hoặc là “trùng thiềm”. Giữa hai tầng mái trên là dải cổ diêm chạy quanh ba mặt của Ngôi Điện. Dải cổ diêm được phân thành từng ô hộc để trang trí hình vẽ. Tại Thánh mẫu Điện, nơi đây đặt 14 chặng đàng Thánh Giá, không theo lối vòng như những Nhà Thờ khác thường đặt nhưng theo lối đặt chia theo hai cánh, thứ tự các chặng từ gian cung thánh xuống và xếp đặt từ chặng 1 đến 7 và từ 8 đến 14.
Bộ mái được phân chia ba tầng mái, theo cách cấu trúc cổ, như thế để tránh nhìn thấy sự nặng nề của bộ mái mà còn tạo ra cảm giác thanh thoát, càng lên cao càng đổ rỗng để hoà vào với cõi trời mênh mông. Mái được đổ bêtông cốt sắt nhưng phủ lợp phía trên bằng ngói, các lớp ngói làm bộ mái vừa nhẹ nhàng vừa biểu lộ lòng cung kính của đất thấp đối với trời cao.
Nội thất của Điện Thánh Mẫu rộng thênh thang, 34 m mỗi chiều, mái cao tạo sự thanh thoát, chiều ngang rộng biểu lộ lòng vô biên mở ra với tạo vật và với con người.
Chính Điện, gian cung thánh, bước lên tam cấp gồm 5 bậc, diện tích 15m x 6m. Bàn Thờ bằng đá đặt giữa chính Điện. Nếu cung điện của vua là chiếc ngai, thì trong Thánh Mẫu Điện, trọng tâm là Bàn Thờ, biểu lộ Đức Giêsu Kitô hiện diện, chính Ngài là Tư Tế, là Của Lễ: “Con tự hiến thánh con, để họ cũng được hiến thánh” (Ga 17, 18). Nếu trong Điện Thái Hoà, phía trên ngai là treo bửu tán bằng pháp lam ngũ sắc trang trí hình chín con rồng, chung quanh còn rủ các riềm bằng gỗ chạm trổ cửu long sơn son thếp vàng, thì trong ngôi Thánh Mẫu Điện, là đặt Thánh Giá có treo Đức Giêsu chịu đóng đinh giữa tâm điểm của mặt Trống Đồng làm bằng đá, biểu hiện Đức Kitô là trọng tâm của Đức Tin Kitô giáo cũng là trọng tâm của nền văn hoá Việt.
Cả hai chiều kích văn hoá biểu đạt đức tin và đức tin biểu lộ trong văn hoá đều có trọng tâm là Đức Kitô Giêsu chịu đóng đinh. Đây là lối diễn tả đặc trưng của ngôi Điện Thánh Mẫu, và cũng là nội dung sống đức tin với tâm hồn triết Việt sâu lắng mà Cha Chánh Xứ Dom. Bùi Minh Sơn muốn biểu lộ và thiết tha sống.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn