Lời Chúa CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – C

Thứ năm - 25/08/2022 19:45 |   466
“Và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14, 14)

28/08/2022
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – C
Thánh Augustino, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

 

cn22TN C

Lc 14, 1.7-14

PHẦN THƯỞNG ĐÍCH THỰC
“Và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
(Lc 14, 14)

Suy niệm: Là con cái Chúa, ta tin rằng Thiên Chúa quảng đại, ban thưởng gấp vô vàn lần những gì ta làm cho người lân cận. Dù làm những việc rất bé nhỏ như cho người khát ly nước lã, cho người đói chén cơm, cho người trần truồng tấm áo che thân, hay thăm viếng tù nhân,… là bạn đang làm cho chính Ngài, được Ngài ghi nhận, ban thưởng cho bạn (x. Mt 25,  31tt). Khi làm một trong các việc lành vừa kể trên đây, bạn là người chiến thắng trong cuộc đối kháng đang âm thầm diễn ra trong đấu trường tâm hồn; bạn vượt qua cái tôi hẹp hòi, mở rộng mối tương quan, trở thành người thân cận của người khác. Khi quảng đại cho đi, rộng rãi trao tặng, bạn xác tín giá trị vĩnh cửu của một nghĩa cử bác ái, và thêm hy vọng hạnh phúc thiên đàng cho cuộc đời mình.

Mời bạn tìm ra vị thế của mình trong gia đình, nơi làm việc, trong thế giới; rồi nghĩ xem phần thưởng lớn nhất mình sẽ nhận được là gì. Sau đó mời bạn qui hướng về Thiên Chúa: “Ngài dành cho bạn một chỗ thật đẹp, gần trái tim của Ngài và ban cho bạn phần thưởng là sự sống đời đời” (ĐTC Phanxicô).

Sống Lời Chúa: Tôi nhận ra Chúa nơi những anh chị em bé nhỏ, nghèo hèn, và giúp đỡ, phục vụ họ với lòng bác ái, vui tươi theo tinh thần Tin Mừng.

Cầu nguyện: Sốt sắng hát hoặc đọc lời bài hát “Có bao giờ: Lạy Chúa, nhưng con nay, con nay biết rồi. Chung quanh con hai năm rõ mười; mỗi khi con giúp đỡ ai vì lòng yêu thương bác ái. Dù là việc đơn sơ nhỏ bé, dù là người vô danh trần thế, thì cũng là làm cho Chúa mà thôi.”

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Thánh Augustino, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin khơi dậy trong lòng Giáo Hội ơn Thánh Thần Chúa đã ban cho thánh giám mục Âu-tinh, để nhờ Thánh Thần nung nấu, chúng con chỉ khát khao một mình Chúa là nguồn mạch sự khôn ngoan đích thực, và chỉ tìm kiếm một mình Chúa là Thiên Chúa Tình Thương. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi, trong khi cử hành bí tích cứu độ, chúng con tha thiết nài xin Chúa cho bí tích tình yêu này nên dấu chỉ sự hiệp nhất và dây liên kết đoàn tín hữu chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự tiệc thánh. Xin cho yến tiệc này thánh hoá chúng con để chúng con là những chi thể của Ðức Kitô, được mãi mãi gắn bó với người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm C

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Theo Đức Giêsu thì trong xử thế chúng ta cần khiêm tốn, khiêm tốn thực sự chứ không phải chỉ giả vờ, vì chẳng ai yêu thích kẻ kiêu căng, cao ngạo. Với Thiên Chúa thì chúng ta lại càng phải khiêm tốn hơn nữa, vì Thiên Chúa luôn “hạ kẻ kiêu ngạo xuống mà nâng kẻ khiêm nhường lên”. Nếu suy nghĩ kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng mình chẳng có gì để kiêu căng! Mọi sự chúng ta có, chúng ta đều nhận được từ Thiên Chúa, từ Hội Thánh và cả xã hội! Nên thái độ thích hợp nhất là thái độ khiêm cung và biết ơn. Muốn học sống khiêm nhường, chúng ta phải chạy đến với Đức Giêsu là Đấng tự hạ tự hủy hoàn toàn, tuy Người là Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể. Chính Người đã chẳng mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” đó sao ? Vì thế, chúng ta hãy hạ mình xuống giục lòng thống hối ăn năn, khiêm nhường xin ơn tha thứ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: Hc 3, 19-21. 30-31

“Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa”.

Trích sách Huấn Ca.

Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.

Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 67, 4-5ac. 6-7ab. 10-11

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần (x. c. 11b).

Xướng: Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, hãy sửa sang đường lối cho Ðấng ngự giá qua hoang địa. 

Xướng: Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt. 

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần. 

Bài Ðọc II: Dt 12, 18-19. 22-24a

“Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-14

“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hôm nay chúng ta sum họp trong thánh đường này, để nhớ lại những hồng ân Thiên Chúa đã thương ban trải dài suốt dòng lịch sử của Dân Tộc Việt Nam, chúng ta cùng dâng lời cảm tạ và những ước nguyện thiết tha:

1. “Con hãy thi hành công việc con cách hiền hòa” – Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa biết hội nhập với môi trường xã hội hiện tại, để cung cách sống và phương thức làm việc của các ngài, biểu lộ cho thế giới thấy hình ảnh của Đức Kitô bình dị và khiêm tốn.

2. “Anh em hãy tiến đến núi Sion là thành trì của Thiên Chúa” – Xin cho các tín hữu, đặc biệt những người giầu có sẵn sàng đóng góp cho công trình xây dựng của Hội Thánh, và quan tâm đến những thành phần nghèo khổ để quảng đại giúp đỡ họ.

3. “Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất” – Xin cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, và dùng quyền cai trị của mình mà làm cho dân nước được an cư lạc nghiệp.

4. “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàng tật, què quặt, đui mù” – Xin cho mọi gia đình trong giáo xứ chúng ta biết nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo khó, bất hạnh hơn mình.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin thương chấp nhận ước nguyện cộng đoàn chúng con vừa dâng lên. Xin cho chúng con ý thức thân phận mình chỉ là hư vô, những gì chúng con có là do tình thương Chúa ban, để chúng con dễ chấp nhận tha nhân với những ưu khuyết điểm. Nhờ đó, giáo xứ chúng con sẽ triển nở theo đúng ý Chúa. Chúng con cầu xin …

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Cây cao dễ gãy

Sau một trận bão, người ta thường thây những câu cao bị đổ gãy, trái lại những cây nhỏ và thấp, thì vẫn đứng trơ trơ. Sau cuộc chính biến, những kẻ quyền cao chức trọng bị lật đổ, bị mất chức, bị tù tội còn những kẻ thấp cổ bé miệng thì trước sau vẫn vậy.

Tuy nhiên, trong bất kỳ xã hội, bất kỳ tổ chức nào cũng thế, người ta vẫn tranh nhau những chức vụ cao để hưởng nếu không phải là lợi lộc, thì ít ra cũng là danh vọng. Mâm cao cỗ đầy. Chức càng lớn thì bổng lộc càng nhiều, đi tới đâu cũng được trọng vọng. Ngày xưa thì võng cáng, lọng che còn ngày nay thì mô tô hộ tống, cảnh sát còi hụ dẹp đường, lính tráng dàn chào. Cái thói ham danh vọng này không tha cả những người lãnh đạo tôn giáo vì thế các chức sắc đạo Do Thái ngày xưa thích mặc áo thụng, may dài thẻ kinh tới đâu thì cũng chiếm hàng ghế đầu, còn ngồi ở bàn tiệc thì chọn chỗ nhất.

Vì thế Chúa Giêsu không ngần ngại lên tiếng chỉ trích họ, nhân dịp Ngài được mời dự tiệc trong nhà một ông biệt phái. Dĩ nhiên đa số khách mời đều là biệt phái cả. Họ không ưa gì Chúa Giêsu và hôm nay họ được dịp dò xét kỹ để bắt lỗi. Chẳng hạn họ để ý xem Người có rửa tay trước khi ăn hay không? Nhưng họ đâu ngờ rằng chính họ lại đang bị Chúa Giêsu dò xét, bởi vì Ngài thấy ông nào ông nấy cũng đều ham địa vị cao, thích ngồi vào chỗ danh dự nhất trong đam khách được mời.

Bài học của Ngài hôm nay là bài học khiêm nhường, có lẽ đã làm cho họ ăn mất ngon và hẳn nhiều ông đã mất mặt. Chúa Giêsu không chỉ nhận xét về khách dự tiệc mà còn thẳng thắn đưa ra một bài học khác cho chủ nhà, bởi vì ông này mở tiệc đãi khách, thực ra không hpải vì khách mà vì mình. Thực vậy, cái thói mời người có chức quyền, mời người giàu sang để khoe rằng mình quen biết lớn, giao thiệp rộng, rằng bè bạn của mình toàn là những ông to bà lớn. Cái thói này ở mọi nơi, mọi thời đều rất thịnh hành. Ông chủ nhà hôm nay cũng là một trong những kẻ thích khoe khoang. Ông ta mời Chúa Giêsu có lẽ chẳng phải vì mến phục, nhưng chỉ để khoe với bè bạn về tài giao thiệp của mình, bởi vì lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã là một nhân vật nổi tiếng.

Thế nhưng được ăn thì cũng phải được nói, nhân dịp này Chúa Giêsu nhắc nhở ông đừng tốn của cho những kẻ vốn đã giàu sang, nhưng hãy nghĩ đến những người nghèo khó, những người đang cần được ăn để sống chứ không sống để ăn như những kẻ giàu sang quyền quý.

Lòng khiêm tốn và nhân hậu chính là nền tảng của đạo đức, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước Ngài. Thói thường, thì những kẻ làm lớn thì ăn trên ngồi trốc, thống trị mọi người. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài không đến để được hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Ngài đòi hỏi các môn đệ, những kẻ bước theo Ngài cũng phải sống như vậy. Thế nhưng lòng khiêm tốn phải đi đôi với tình bác ái, với tinh thần phục vụ. Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học phục vụ. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để phục vụ, để nâng đỡ gánh nặng của người khác, còn chúng ta thì sao?

CHÚA NHẬT 22C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 14:7-14) - Lm Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm nêu lên những điểm đối nghịch với lòng ham muốn của mọi người chúng ta. Điểm thứ nhất, thường thìai trong chúng ta cũng cảm thấy mình là người quan trọng và muốn được mọi người để ý. Thế nên, giả sử tham dự những buổi tiệc tùng hoặc đám xá nào, chúng ta, bằng cách này hay cách khác, qua lời ăn tiếng nói hoặc thái độ, cử chỉ, đều tỏ ra mình thuộc giới không phải thứ thường. Hoặc nơi những trường hợp giao tế hay truyện vãn thường ngày, chúng ta bày đặt hay kiếm đủ mọi cơ hội tạo nhận định khinh chê về bất cứ ai hay sự việc nào với hy vọng được những người khác cho rằng mình cũng thuộc loại hiểu biết.

Tuy nhiên, nếu để ý suy nghĩ về thái độ này, chúng ta đều nhận ra mình đang vô tình quảng cáo không công cho người khác và những người nghe tất nhiên cũng nhận ra mình đang cố gắng đánh lừa họ. Như vậy, sự ham muốn được người khác coi mình là một thứ gì chỉ đem lại hậu quả tai hại đó là mình đã tự minh chứng mình là người không ra gì. Thực ra, đâu ai trong chúng ta chê người cùi là thứ hủi và cũng đâu ai trong chúng ta cần phải nói lên những lời khinh chê kẻ không ra gì. Suy như thế, khi nói lên những điều không nên không phải về bất cứ ai, chúng ta đã vô tình minh chứng người đó có cuộc sống hoặc thực hiện những công việc xứng đáng hơn mình. Lời Chúa khuyên chúng ta, “Vì hễ ai nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”. Tôi trộm nghĩ, có thể Lời Chúa đã bị dịch không đúng nghĩa vì có ai hạ mình đâu mà là chính mình tự hạ. Bởi thế, câu Phúc Âm có nghĩa, vì hễ ai nhắc mình lên tức là đang tự chà đạp chính mình. Những ai huênh hoang lên giọng thày đời đều là người dại vì chỉ người dại mới thích tỏ ra mình khôn ngoan. Người dại mới muốn chứng tỏ mình không dại do đó cố gắng kiếm tìm mọi phương diện và cơ hội để tỏ ra mình cũng là một thứ gì nơi cuộc đời. Riêng câu nói “Ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”, chỉ có thể đúng nơi trường hợp tự nhận thức mà thôi.

Khi tự xét lương tâm với nhãn quan trung thực về chính mình, chúng ta đều nhận thấy đã bao lâu nay mình quá dại dột, vụng về. Biết bao công sức đã tan thành mây khói cũng chỉ vì những ý thích hoặc hy vọng mơ hồ, viễn vông; chẳng những thế, mình đang phải cay đắng trả giá cho những mơ ước ngày xưa. Nhận chân thực thể nội tâm như thế, chẳng cần phải hạ mình thì chúng ta cũng không bao giờ có can đảm khoe khoang những sự thất bại, lầm lỗi của mình, ngoại trừ người nào đã thông đạt và muốn giúp người khác tránh khỏi vết xe đổ mình vô tình đã dại dột vấp phạm.

Ngược lại với tâm tình nhận thức này, bất cứ ai cố ý hạ mình để được nhắc lên tất nhiên đã giả dối. Và như vậy, sự cố ý hạ mình chỉ là mưu toan hầu đạt được ý đồ thầm kín nào đó. Chúng ta thường được nhắc nhở qua lời Kinh Thánh, “Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài”. Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đó là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chẳng những thế Ngài còn nói cho chúng ta biết những ai tin vào Ngài sẽ làm được những công việc Ngài đã thực hiện. Hơn thế nữa, vì Thiên Chúa chính là quyền lực hiện hữu đang hoạt động nơi mỗi người, thế nên vị thế của mỗi người nơi tạo vật quả là quá ư cao trọng mà chúng ta đã không nhận biết. Bởi vậy, khiêm nhu hay khiêm nhường đều có nghĩa hãy là chính mình. Không có tạo vật nào trước nhan Chúa cao trọng hơn con người. Từ nhận thức này, chúng ta có thể suy luận, bất cứ thái độ nào hoặc tỏ ra thế nọ thế kia hoặc hạ mình xuống hay cất nhắc mình lên đều là giả dối, đều làm phương hại đến sự cao trọng nơi vị thế làm người của mình. Sự so sánh hơn kém về những vị thế nơi phương diện thế tục, quyền này chức kia, hoặc kẻ sang người hèn, kẻ giầu người nghèo, đều trở thành vô nghĩa khi chúng ta xuôi tay nhắm mắt. Cho dù chức tước cao vời đến đâu hoặc quyền hành hay tiền của tới mức độ nào thì đã vào đời với đôi bàn tay trắng, lúc ra đi ai cũng trở thành trắng tay để bị chôn vùi dưới vài lớp đất. Chắc chắn rằng không ai trong chúng ta thực hiện theo nghĩa đen của lời khuyên, “Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, và đui mù” bởi họ không có gì trả lễ. Thử hỏi, giả sử có ai cố ý làm như thế thì sao những người tàn tật, què quặt và đui mù có thể tới mà tham dự tiệc được… Hơn nữa, dẫu họ tới được thì cũng không thể nào tham dự bàn tiệc nơi những bàn ghế kiểu cách được dành cho người bình thường… Và cho dẫu cố gắng biến bữa tiệc thành buổi phát chẩn thì cũng không ai có đủ tay chân để phục dịch các quan khách cần được chăm sóc một cách đặc biệt như thế. Suy luận như vậy, những người được gọi là nghèo khó, tàn tật, què quặt, và đui mù… nơi Phúc Âm chính là những ai có lòng khát khao tìm hiểu Tin Mừng Nước Trời mà chưa nhận biết. Được gọi là nghèo khó vì tâm trí của họ dồn hết nơi lòng khát vọng muốn biết Tin Mừng thay vì những hình thức cao trọng thế tục. Họ được gọi tàn tật, què quặt, và đui mù vì đã bị những lý thuyết, những kiến thức thế tục chất chứa dày đặc bịt kín cửa ngõ tâm linh, che mờ hành trình đức tin, hành trình nhận biết Tin Mừng Nước Trời.

Suy như thế, chúng ta hiểu được tại sao Phúc Âm viết, “Khốn cho các ngươi biệt phái và ký lục, các ngươi cất đi chìa khóa mở đàng hiểu biết. Các ngươi không vào đã rồi mà những kẻ muốn vào các ngươi lại ngăn cản”. Dụ ngôn về thái độ những người tham dự tiệc cưới thích chọn những vị thế cao trọng ám chỉ về ước muốn thế tục nơi mỗi người chúng ta. Lẽ thường, là con người, ai cũng muốn chẳng những có cuộc sống vươn lên mà còn muốn trở thành cao trọng… Ngược lại, chúng ta đã không nhận ra vị thế cao trọng của mình trước mặt Chúa.

Bài Phúc Âm khuyên chúng ta nên để tâm suy nghiệm về sự cao trọng nơi mình. Chúng ta không cần phải trở nên gì vì không có gì nơi thế trần này cao trọng hơn chúng ta. Chúng ta mang hình ảnh của Chúa; chúng ta là đền thờ của Thánh Thần; chúng ta là thân thể của Chúa Kitô; chúng ta chính là sự biểu hiện của Thiên Chúa nơi thế giới hữu hình. Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mỗi người. Thiên Chúa là quyền lực hiện hữu nơi mỗi người. Chúng ta không nên tự chà đạp thân phận mình bằng cách theo đuổi ham muốn cao vọng thế tục. Chính thái độ, ước muốn theo đuổi tham vọng thế tục đã biến chúng ta thành những người tàn tật, què quặt, và đui mù và chúng ta đã không nhận biết. Xin quý ông bà, anh chị em để tâm suy nghiệm Tin Mừng Nước Trời, và đó là, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây