Lời Chúa CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – C

Thứ năm - 08/09/2022 22:02 |   474
Người nào trong các ông có một con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (Lc 15, 4)

11/09/2022
CHÚA NHẬT TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN – C

cn24TN C

Lc 15, 1-32


MỖI CON CHIÊN ĐỀU QUAN TRỌNG
Người nào trong các ông có một con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (Lc 15, 4)

Suy niệm: Dụ ngôn ‘Con chiên lạc’ diễn tả thật hàm súc lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa là vị mục tử sẵn sàng bỏ 99 con chiên ngoài đồng để bươn bả đi tìm cho bằng được một con chiên lạc. Dưới cái nhìn thuần tự nhiên, đây là một hành động nhọc công không đáng, có nguy cơ mất cả chì lẫn chài, ăn cám trả vàng. Đó là chưa kể khi đi tìm như thế, người mục tử gặp nguy hiểm: bị thú dữ tấn công, bị trượt ngã nơi vách đá, vực sâu. Lý do sâu xa nhất giải thích cho hành động điên rồ này là vì con chiên đó của ông, là vì, đối với Chúa, từng con chiên đều vô cùng quan trọng và Ngài sẵn sàng thí mạng sống Con yêu dấu của Ngài để cứu mạng từng con chiên đó.

Mời Bạn: Mỗi người đều có thể là con chiên lạc theo những cách khác nhau. Chúa không quan tâm lý do tại sao đi lạc! Chúa chỉ có một mối bận tâm, đó là đi tìm chiên lạc; vì con người thuộc về Chúa và là công trình tay Chúa cứu độ. Do đó, vấn đề thực sự không nằm ở những tội lỗi, yếu đuối của chúng ta, nhưng nằm ở chỗ ta có cho phép Chúa tìm thấy mình, vác mình về ràn chiên để chữa lành và chăm sóc hay không.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi sa ngã lỗi lầm tôi quyết mau mắn xưng tội chân thành để được Chúa tha thứ, chữa lành những vết thương tội lỗi.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, mỗi lần chúng con bất trung, phạm tội là một lần chúng con đi lạc. Xin Chúa kéo chúng con về với nẻo chính đường ngay, vì chúng con là của Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Cả ba bài đọc Chúa Nhật XXIV thường C hôm nay, Hội Thánh cho chúng ta một cái nhìn về Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Thật thế, trong bài đọc I khi dân Do Thái đúc bò vàng để tôn thờ như Thiên Chúa của mình, chính ông Moisen cũng nổi giận khi xuống núi thấy cảnh tượng ấy và ông đã đập bể Bia Đá, thế mà chỉ một lời cầu xin của ông “Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Ngài đe dọa phạt dân”( Xh.32,14).

Qua bài đọc II Thánh Phaolô tông đồ cũng chứng tỏ Thiên Chúa là Đấng thương xót khi Ngài nói “dù trước kia cha là kẻ phạm thượng, bắt bớ và kiêu căng nhưng cha được Thiên Chúa thương xót” (lTim.l,13a). Đến bài Tin Mừng Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn để diễn tả lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy mở lòng đón nhận lời yêu thương và ơn thánh của Chúa hôm nay, và hãy hối hận vì chúng ta chưa biết sống yêu thương, tha thứ và nhân ái với anh chị em.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xh 32, 7-11. 13-14

“Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Chúa phán cùng Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại”.

Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời. Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi”. Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 17 và 19

Ðáp: Tôi sẽ chỗi dậy và đi về cùng cha tôi (Lc 15, 18).

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. 

Xướng:  Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. 

Xướng:  Lạy Chúa, xin mở môi con, miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung. 

Bài Ðọc II: 1 Tm 1, 12-17

“Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Cha cảm tạ Ðấng đã ban sức mạnh cho cha là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào cùng với đức tin và đức mến trong Ðức Giêsu Kitô.

Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời.

Danh dự và vinh quang (xin dâng về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 15, 1-10 {hoặc 1-32}

“Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”.

Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

{Người lại phán rằng: “Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha’. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’.

“Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'”.}

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi chúng ta sa ngã. Chúa ban ơn thánh nâng đỡ chúng ta chỗi dậy. Khi chúng ta xa lìa Chúa, Chúa chờ đợi chúng ta trở về… Với tâm tình của một người con yếu đuối, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện sau đây :

1. “Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Ngài đe dọa” – Xin cho mọi người biết ăn năn thông hối và đổi mới cuộc đời của mình, để xứng đáng lãnh nhận nguồn hồng ân Thiên Chúa ban cho.

2. “Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi ” – Xin cho hàng Giáo sĩ và các Kitô hữu biết quan tâm và năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, để góp phần làm cho Hội Thánh ngày càng thăng tiến và thánh thiện.

3. “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” – Xin cho những người đang sống trong bế tắc, thất vọng, bệnh tật, khổ đau và bất hạnh, biết đặt trọn niềm tin vào Chúa là Cha nhân từ và tìm được nguồn ủi an nơi chính Ngài.

4. “Ông chạy lại ôm choàng lấy nó và hôn nó hồi lâu ” – Xin cho các tín hữu đã qua đời được hưởng lòng từ bi và thương xót của Chúa.

Chủ tế: Chúa phán : “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”. Xin Chúa cho mỗi người chúng con qua sự cầu nguyện liên lỉ, qua công tác tông đồ và qua những việc làm bác ái chúng con, sẽ lôi kéo nhiều anh chị em trở về với Chúa và Giáo Hội. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Hoặc đọc:

Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, là thông hiệp với máu Chúa Kitô, và tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, là thông phần vào mình Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Trở thành môn đệ của Chúa
Dã Quỳ
Con đường Chúa Giêsu đang đi là đường tiến về Giêrusalem, nơi cuộc tử nạn thập giá đang chờ Người. Trên con đường ấy, có nhiều người đang đi cùng với Chúa. Đi cùng nhưng có lẽ họ đã chưa thực sự theo và là môn đệ của Chúa! Vì thế, Chúa đã chỉ cho họ biết những điều kiện để trở thành môn đệ. Với mỗi người Kitô hữu, qua Phép Rửa, chúng ta cũng được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa. Vậy ta cùng dừng lại để nghe những lời Chúa nhắn nhủ với chính chúng ta hôm nay.

- "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con. anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được."- Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta một sự từ bỏ trọn vẹn để gắn bó với Người cách triệt để. Thoạt nghe những lời này, ta cảm thấy như khó chấp nhận và không để thực hiện. Thế nhưng, chúng ta biết rõ rằng Chúa muốn chúng ta yêu thương những người thân của ta. Tình yêu con cái, tình yêu vợ chồng, tình huynh đệ, tình bạn bè... trong sáng đều được Chúa chúc lành và thánh hóa. Nhưng ở đây, Chúa muốn tình yêu chúng ta yêu Thiên Chúa phải là tình yêu lớn nhất, tình yêu vượt qua tất cả tình yêu khác và linh hoạt tất cả. Tình yêu dành cho Chúa là yêu hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Như trong Mười Giới Răn ta vẫn đọc "Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự."

Chúa Giêsu khẳng định ai muốn theo Chúa và trở thành môn đệ thì cần yêu mến Chúa hơn bất cứ ai khác, hơn cha mẹ, anh em, vợ chồng. Vì "Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy."(Mt 10,37) Khi yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trái tim chúng ta sẽ rộng mở và rồi ta có thể yêu cha mẹ, anh em với một tình yêu phổ quát, không điều kiện, không biên giới, vô vị lợi chứ không phải chỉ là một tình cảm cỏn con ích kỷ và hẹp hòi!

Vì thế, để theo Chúa Giêsu, chúng ta cần yêu mến Chúa trên hết mọi sự và chọn một mình Chúa là Chủ, là Chúa của đời ta. Thách đố cho chúng ta, nhất là những bạn trẻ Kitô hữu, chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao danh vọng, tiền tài... người ta đam mê những cầu thủ bóng đá, những minh tinh màn bạc hay ngôi sao ca nhạc...và xem họ là thần tượng đời mình! Vậy khi được hỏi: Bạn hâm mộ ai nhất? Yêu thích ai nhất? Mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy mạnh dạn và thực lòng trả lời: Đó là Chúa Giêsu- Thần tượng của tôi, Đấng tôi hâm mộ, yêu mến nhất. Xin Chúa Thánh Thần trợ giúp và đổ đầy tình yêu của Người vào lòng chúng ta, để dẫu cho cuộc sống đầy dẫy những cám dỗ, khó khăn ngăn cản, ta vẫn một lòng yêu mến Chúa Giêsu và có thể vác thập giá đời mình theo Người.

- "Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được."- Theo Chúa Giêsu, đòi ta trả một giá đắt; cần phải đầu tư không tiếc công sức và tâm trí; cần phải dấn thân trọn vẹn "Vác Thập giá mình". Trong thời đại chúng ta, không còn thấy những cảnh vác thập giá trên đường, nhưng những thính giả của Chúa và những độc giả của thánh Luca thì đã chứng kiến tất cả cảnh những người bị kết án tử phải vác thập giá đến tận nơi người ta đóng đinh mình. Và Chúa Giêsu không quên điều đó vì Người đang trên đường lên Giêrusalem, ở đó, chính Người sẽ trao tặng cho chúng ta khung cảnh đau thương với thân xác tan nát vì roi đòn và thập giá trên vai vác đến tận nơi hành hình Người. Đó là con đường thập giá, con đường của dấn thân và tự hiến, con đường đánh bại tội lỗi, sự dữ và cái chết, con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh vinh hiển của Chúa.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu "Vác thập giá mình đi theo Chúa" với lòng trung tín đến cùng trong mọi hoàn cảnh diễn ra trong cuộc sống đời thường. Những đau khổ, khó khăn của cuộc sống Kitô hữu không làm chúng ta ngạc nhiên nữa. Không còn những chịu đựng nhăn nhó, miễn cưỡng...nhưng là nhìn ngắm và đón nhận đau khổ như một sự hiệp thông với Chúa Giêsu, như được tham dự với công trình cứu độ và như một "Bước theo Chúa". Khi chúng ta biết đón nhận những đau khổ, bệnh tật, yếu đuối của bản thân, vất vả lao động, lo toan cho gia đình, .....với lòng quảng đại và tin tưởng, ta sẽ được tràn đầy bình an, hy vọng, vượt thắng được những sợ hãi, những bất công và chia rẽ trong cuộc đời.

Vác thập giá mình theo Chúa là chúng ta đi trên con đường riêng của Chúa Giêsu, con đường mang đến cho nhân loại ơn cứu độ. Khi đối mặt với gian nguy, đau khổ, sự dữ... đáp trả duy nhất của Kitô hữu là hy sinh hiến thân, là trao ban cả cuộc sống riêng, là yêu thương phục vụ. Chúng ta đừng trốn tránh hay quên đi thập giá đời mình nhưng hãy can đảm vác và bước đi trong vui tươi, hạnh phúc. Ta chọn theo Chúa, đón nhận những đau đớn như thập giá trên vai nhưng ta không khổ sở, vì chính thập giá là trường đào luyện ta trở thành môn đệ của Chúa. Chính Chúa Giêsu đã bước đi trên con đường thập giá và ai biết từ bỏ tất cả để đi theo Người, sẽ được tiến vào sự sống vinh quang. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng đi trước và chúng ta theo sau Chúa.

- "Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được."- Từ bỏ là khởi đầu cho một chọn lựa. Chọn lựa ấy đòi chúng ta suy tính và phải bền chí như hai việc Chúa đưa ra là xây dựng và chiến đấu. Theo Chúa, cần có sự suy nghĩ chín chắn. Phải "Ngồi xuống" để tính xem ta cần làm gì, chuẩn bị gì và phải từ bỏ những gì. Chúa muốn chúng ta là suy nghĩ để biết từ bỏ những gì không phù hợp với lối sống của người theo Chúa, chứ không phải tính toán thiệt hơn theo kiểu thế gian. Như thánh Phêrô, nhiều lúc ta cũng so đo với Chúa "Thầy coi, ...chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?" (Mt 19,27) Nhưng ta tin chắc vào phần thưởng mà Chúa Cha nhân lành sẽ ban cho chúng ta là sự sống đời đời làm gia nghiệp và được là con cái của Thiên Chúa tình yêu. Ước gì ta có thể xác tín như thánh Phaolô "Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu-Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô."( Pl 3,8)

Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta, chính Người đã thực hiện, đã sống và nêu gương cho ta. Chúa đã từ bỏ tất cả vinh quang và địa vị là Thiên Chúa để nhập thể, sống như con người. Chúa đã yêu thương nhân loại đến cùng, đã vác thập giá trong suốt hành trình làm người, đã xuống tận cùng nỗi khổ đau của con người và đã chết trên thập giá để cứu chúng ta. Tất cả chúng ta được mời gọi cách cá nhân trở thành môn đệ của Chúa và bước đi theo Người. Điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa là "Yêu mến Người trên hết mọi sự, vác thập giá mình và từ bỏ hết những gì mình có", không dễ thực hiện chút nào! Thế nhưng Chúa không đòi chúng ta thành công, mà Người chỉ mong ta cố gắng. Vậy chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần để rồi từng ngày, chúng ta có thể trở thành những Kitô hữu trung thành và những môn đệ tốt lành của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từ bỏ tất cả để nhập thể, nhập thế; đã vác thánh giá, Tử Nạn và Phục Sinh để cứu độ chúng con. Xin nâng đỡ và giúp sức cho chúng con dám từ bỏ những danh lợi thú thế gian mà can đảm vác thập giá bước theo Chúa. Amen.

CHÚA NHẬT 24C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 15:1-32) Lm Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm nêu lên những dụ ngôn “Con chiên lạc”,” “Đồng bạc đánh mất”,””Người con hoang đàng”, với mục đích giải thích hoặc biện minh cho thái độ chấp nhận những người bị coi là phường tội lỗi theo quan điểm của người thời bấy giờ như đã được ghi lại qua sự nhận xét của những người Biệt phái và Luật sĩ, “Ông nầy đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”.

Những câu truyện được ghi lại chỉ là dụ ngôn do đó chúng ta không thể áp dụng theo nghĩa đen như đã được trình bày trong cuộc sống thường ngày nhưng cần phân tích và tìm hiểu Lời Chúa sao cho có thể áp dụng một cách hài hòa nơi hành trình đức tin của mỗi người. Chẳng hạn nơi dụ ngôn con chiên lạc, trong thực tế, không ai bỏ đàn chiên bơ vơ nơi hoang dã đầy thú dữ rình bắt để tìm kiếm một con chiên bỏ bầy đi hoang. Và giả sử có ai ngốc nghếch thực hiện như thế thì có thể khi kiếm được con chiên lạc trở về, sói rừng, hổ báo đã nuốt trọn cả bầy chiên bổ béo. Đồng thời chủ chăn lại mời khách khứa tới chung vui thì chỉ còn cách làm thịt con chiên mới tìm được để thết đãi và thế là mất cả chỉ lẫn chài; tìm được một con chiên lại mất cả đàn chiên. Nơi câu kết luận của dụ ngôn chiên lạc, Phúc Âm ghi, “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải”. Điểm chính yếu của dụ ngôn chiên lạc được đặt nơi mấy chữ, “không cần hối cải” khi đem liên kết với giới biệt phái và luật sĩ đã nêu lên lời phê bình thái độ của Đức Giêsu đối với những người được coi là tội lỗi theo quan niệm của họ. Qua những dụ ngôn “Năm cô phù dâu khờ dại”, “Người Pharisiêu và người thu thuế vào đền thờ cầu nguyện”, chúng ta đều hiểu được Phúc Âm lên án những ai không chịu để tâm suy nghiệm Lời Chúa và đồng thời lên án những ai tự cho mình là công chính, chỉ nhìn thấy cọng rác nơi mắt người khác mà không nhận biết chiếc xà nơi chính con mắt của mình. Thử hỏi, những ai trong cuộc đời này không cần hối cải? Và những người xoi mói, vạch lá tìm sâu kẻ khác đã có cuộc sống như thế nào? Những người không cần hối cải là bất cứ ai không những tự cho mình công chính mà còn có thái độ của những người biệt phái và ký lục, tưởng rằng cứ tuân theo hình thức của một số lề luật thì sẽ được cứu độ. Đây chính là thái độ của những người nhắm mắt cho rằng mặt trời không soi sáng. Đức Giêsu không đặt ra bất cứ lề luật nào. Tất cả lề luật chỉ là sản phẩm của con người và vì lợi ích cũng như đem lại trật tự cho con người nơi cuộc sống trần thế này. Và như vậy, lề luật không đem lại ơn cứu độ cho bất cứ ai. Sự hối cải là kết quả của sự tự nhận thức về thực thể con người khi đem so sánh với lối sống, ham muốn thế tục nơi một người. Bất cứ ai cảm thấy không cần hối cải đều là kẻ tự lừa dối bởi đã không nhận biết chính mình.

Nhận thức như thế, chúng ta hiểu được tại sao dụ ngôn người con hoang đàng được viết về sự hồi tâm của kẻ đem tiền của phung phá, và tại sao những hành động phung phá được gọi là lỗi phạm đến trời. Theo quan niệm nhân sinh, thế tục, gia tài, tiền bạc thuộc về ai thì người đó có quyền tự do xử dụng. Phúc Âm dùng ngôn từ “gia tài” để ám định về cuộc đời của một người. Con người được ban cho cuộc đời như cơ hội và phương tiện để hoàn thành hành trình đức tin, nghiệm chứng hầu đạt tới nhận thức thực thể chính mình, nhận ra mình là sự hiện thể của Chúa nơi thế giới hữu hình. Không dùng cuộc đời để kiếm tìm Nước Trời, để nhận biết Tin Mừng mà chỉ chuyên chăm theo đuổi ước mơ thế tục, không cần hối cải nhưng xoi bói, bới móc, vạch lá tìm sâu, hoặc bày chuyện làm thương tổn danh dự kẻ khác để chứng tỏ mình công chính, quả thực không gì hoang đàng và tội lỗi hơn vì đã phung phá cả cuộc đời của mình mà không biết.

Xét như vậy, nêu lên thái độ của người con trưởng, Phúc Âm chỉ về sự ngu muội do thiếu nhận thức, không hồi tâm nơi mỗi người chúng ta. Người con trưởng chăm chỉ gầy dựng gia tài, không hoang đàng, không lỗi luật nhưng không nhận biết chính mình. Anh ta vẫn không nhận thức được thực thể câu trả lời của người cha, “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con”. Sự bất mãn của người con trưởng ám chỉ quan niệm hạn hẹp, sự thiếu nhận thức về vai trò cũng như vị thế thực thể chính mình nơi mỗi người chúng ta. Lời Đức Giêsu được để lại nơi Phúc Âm, “Kẻ nào bảo núi này xê đi, nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự”. Phỏng đã ai trong chúng ta dám cho Lời Chúa là sự thật? Phỏng ai dám nói rằng tin… Và nếu nói rằng tin sao vẫn mơ ước viễn vông? Nơi Phúc Âm Gioan, Đức Giêsu đoan quyết, “Quả thật, Ta bảo các ngươi, kẻ tin vào Ta thì các việc Ta đã làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa” (Gn. 14:12). Tuân giữ lề luật theo hình thức để chứng tỏ mình công chính hoặc khoe khoang thế nọ thế kia, hay bới móc nói không ra gì về ai đó hầu người ta cho mình là tốt lành… đều vô ích, đều chưa nhận biết chính mình. Lời Chúa vẫn còn xa vời với những ai tự cho mình công chính, không cần hối cải.

Tóm lại, bài Phúc Âm khuyến khích và thách đố mỗi người chúng ta tự nhận biết chính mình. Tất nhiên, con chiên lạc không thể biết nó lạc nếu không hồi tâm nhận định. Chúng ta cần đặt lại vấn đề con người của mình trước nhan Chúa và sự liên hệ của mình đối với Chúa. Thái độ và tâm trạng của người con cả chính là quan niệm thế tục nơi mỗi người chúng ta. Nhận biết chính mình hay không, nhận biết Tin Mừng Nước Trời hay không đều tùy thuộc tâm hồn mở rộng của mỗi người vì không ai có thể nghiệm chứng dùm cho bất cứ ai. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây