Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 02/09/2022 20:10 |   468
Các kinh sư và người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo người. (Lc 6, 7)

 05/09/2022
THỨ HAI TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Thánh Têrêsa Calcutta, nữ tu

 

t2 t23 TN


Lc 6, 6-11


“HỌ RÌNH XEM…”
Các kinh sư và người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo người. (Lc 6, 7)

Suy niệm: “Rình” được định nghĩa là hành động theo dõi một cách kín đáo từng cử chỉ, từng động tác nhưng không cho đối phương biết để tìm sơ hở, sai sót để công kích. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu hôm nay cũng nín thở “rình xem” Chúa Giê-su có chữa lành cho người bị khô bại tay trong ngày sa-bát hay không, để họ có cớ tố cáo Ngài vi phạm luật Mô-sê. Chúa Giê-su thấu rõ hành vi rình mò với ý đồ xấu xa của họ nên đã chất vấn họ bằng một câu hỏi mà họ hoàn toàn có thể có câu trả lời đúng đắn nếu họ còn có lương tri: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Họ không trả lời được bởi vì họ chỉ chú ý đến hình thức của việc giữ luật hơn là chú ý đến tình yêu và nhân vị là trọng tâm của mọi thứ lề luật.

Mời Bạn: Chú ý quan sát để nhận định và rút kinh nghiệm nhờ đó sửa mình và kiện toàn bản thân, đó là việc tốt; nhưng rình xem, bới  lông tìm vết để bắt bẻ, kết án lại là một việc làm tệ hại. Trong tương quan mỗi ngày, bạn được mời gọi hãy quan tâm đến những người anh chị em để giúp ho thăng tiến chứ không phải để phán xét hay bắt bẻ họ nếu như họ có làm điều gì sai lỗi.

Chia sẻ: Quan tâm và chăm sóc tha nhân khác rình mò tìm lỗi để kết án thế nào?

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm quan tâm chăm sóc tha nhân với ý hướng làm điều tốt đẹp, tích cực cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biết lắng nghe và cảm thông với tất cả những ai lầm lỡ và đang sống xa Chúa để họ có thể tìm về với Ngài. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Têrêsa Calcutta, nữ tu

CA NHẬP LỄ

Chúng ta hãy vui mừng hân hoan, vì Chúa muôn loài đã yêu thương nguời trinh nữ thánh thiện và hiển vinh.

LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ

Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đã kêu mời thánh Têrêsa thành Calcutta trinh nữ đáp trả cho tình yêu của Con Chúa khát khao trên Thánh giá, bằng đức ái diệu kỳ đối với người nghèo khổ nhất trong số người nghèo khổ. Nhờ lời cầu bầu của Ngài, xin Chúa ban cho chúng con, đuợc phục vụ Chúa Kitô trong anh em đau khổ của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

BÀI ÐỌC I: Is 58, 6-11

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Đức Chúa là Thiên Chúa phán: Cách ăn chay như Ta mong muốn không phải như thế này sao: huỷ bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức, dẹp bỏ mọi gánh nặng? Hãy chia cơm bánh cho kẻ đói, tiếp rước những kẻ phiêu bạt không nhà; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ áo mặc, ngươi đừng khinh bỉ người cùng xác thịt như mình? Như thế, sự sáng ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang Đức Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi. Như thế, khi ngươi kêu cầu, Đức Chúa sẽ trả lời; ngươi la lên, Người sẽ phán: “Này Ta đây”. Nếu ngươi loại bỏ ra khỏi tâm hồn sự đàn áp, cử chỉ đe dọa và những lời nói hiểm độc; khi ngươi hết lòng quảng đại với người đói khát, làm cho tâm hồn đau khổ được thư thái, thì sự sáng của ngươi xuất hiện trong tối tăm và tối tăm sẽ trở nên như giữa ban ngày. Và Đức Chúa sẽ luôn luôn ban cho ngươi được thảnh thơi, cho tâm hồn ngươi tràn ngập ánh sáng huy hoàng, cho xương cốt ngươi được mạnh mẽ, và ngươi sẽ như cánh vườn xinh tươi, như nguồn suối nước không bao giờ khô cạn. Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Thánh vịnh 33 (34), 2-3.4-5.6-7.10-11

ĐÁP: Tôi sẽ chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

  1. Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

  2. Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.

  3. Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi tại nạn.

  4. Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở Người.

TUNG HÔ TIN MỪNG:    Mt 11, 25

Allêluia. Allêluia. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Allêluia.

PHÚC ÂM: Mt 25, 31-46

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

“Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

“Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”

“Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”. Ðó là lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TIẾN LỄ

Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa cho chúng con được hưởng hiệu quả do lễ vật dâng tiến để nhờ gương sáng của thánh Têrêsa thành Calcutta trinh nữ, chúng con được thanh tẩy khỏi nếp sống cũ theo thói thế gian, và được đổi mới nhờ tấn tới theo cách sống trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con

CA HIỆP LỄ x. Mt 25,4.6:

Năm trinh nữ khôn ngoan, mang đèn với bình dầu. Nửa đêm có tiếng hô to: kìa chàng rể đến, hãy ra đón Chúa Kitô.

LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ

Lạy Chúa, Xin cho việc rước Mình và Máu Con Một Chúa giúp chúng con xa lánh mọi phù vân, để nhờ gương sáng của thánh Têrêsa thành Calcutta trinh nữ ở dưới đất chúng con được lớn mạnh trong tình yêu chân thành đối với Chúa,  và trên trời mãi mãi đuợc hưởng tôn nhan Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.

LỄ THÁNH TÊRÊSA CALCUTTA
Lễ nhớ ngày 05-09

Mẹ Têrêsa (còn được gọi là Thánh Têrêsa thành Calcutta; tên khai sinh tiếng Albania: Anjezë Gonxhe Bojaxhiu; phát âm tiếng Albania: [‘agnɛs ‘gɔndʒa bɔ’jadʒu]; 26 tháng 8 năm 1910 – 5 tháng 9 năm 1997) là một nữ tu và nhà truyền giáo Công giáo Rôma người Ấn Độ gốc Albania. Bà sinh tại Skopje (thủ đô Cộng hòa Macedonia ngày nay), khi đó thuộc Đế quốc Ottoman. Sau khi sống ở Macedonia trong 18 năm, bà tới Ireland rồi Ấn Độ, nơi bà sống trong phần lớn cuộc đời còn lại. Bà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái tại Kolkata (Calcutta), Ấn Độ năm 1950. Trong hơn bốn mươi năm, bà chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ, và đến các quốc gia khác.

Năm 1970, Mẹ Têrêsa trở nên một nhân vật toàn cầu nổi tiếng với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng, một phần là nhờ một quyển sách và cuốn phim tư liệu tựa đề Something Beautiful for God của Malcome Muggeridge. Bà được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1979 như một sự vinh danh cho các hoạt động nhân đạo của bà.

Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa tiếp tục phát triển, đến thời điểm bà từ trần, tổ chức từ thiện này đang điều hành 610 cơ sở truyền giáo tại 123 quốc gia, trong đó có các nhà trọ và nhà tình thương có người mắc bệnh HIV/AIDS, cũng như bệnh nhân phong và lao, các bếp ăn từ thiện, các chương trình tư vấn cho gia đình và trẻ em, các trại mồ côi, và trường học.

Mặc dù Teresa được tôn vinh bởi nhiều cá nhân, chính quyền và các tổ chức, bà cũng là mục tiêu của không ít chỉ trích từ những người như Christopher Hitchens, Aroup Chatterjee, và Vishva Hindu Parishad. Thường thì những phê phán này nhắm vào nỗ lực cải đạo trong công tác từ thiện, trong đó có việc rửa tội cho những người sắp chết; lập trường cứng rắn chống phá thai, và việc cho rằng sự nghèo khó có thể tạo điều kiện cho những lợi ích tâm linh. Sau khi mất, bà được Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước.

Chủ nhật ngày 4 tháng 9 năm 2016, Giáo hoàng Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tuyên thánh cho bà tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican với khoảng 120.000 người tham dự.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 1, 24 – 2, 3

“Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh để rao giảng mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh, theo sự an bài của Thiên Chúa đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô. Chính vì lẽ đó, tôi khó nhọc chiến đấu nhờ vào năng lực mà Người hành động mạnh mẽ trong tôi. Vì chưng, tôi muốn anh em nhận thấy tôi lo lắng biết bao cho anh em và cho những người ở Laođicêa, và cho những ai chưa hề thấy mặt tôi tận mắt, để lòng họ được an ủi, và khi được giáo huấn trong đức mến, họ được dư đầy sự thông hiểu là được nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa Cha và Ðức Kitô Giêsu, nơi Người tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và thông hiểu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 61, 6-7. 9

Ðáp: Vinh dự và an toàn của tôi ở nơi Thiên Chúa (c. 8a).

Xướng: Duy nơi Thiên Chúa, hỡi linh hồn tôi, hãy an vui, vì do chính Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Ðá Tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng. 

Xướng: Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc; hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người, vì Thiên Chúa là nơi ta nương náu.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 5, 1-8

“Anh em hãy tẩy trừ men cũ, vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, người ta nghe nói giữa anh em có chuyện tà dâm, thứ tà dâm mà nơi dân ngoại cũng không có như vậy, là có người lấy vợ cha mình. Thế mà anh em còn lên mặt kiêu căng, đáng lẽ anh em phải để tang mà loại trừ khỏi anh em con người làm chuyện đó. Tuy tôi vắng mặt phần xác, nhưng hiện diện bằng tinh thần, tôi đã tuyên án kẻ làm chuyện đó, như tôi đang hiện diện, nhân danh Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô, tập họp anh em lại với tâm trí tôi, lấy quyền năng của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu, tôi trao con người như thế cho Satan, để xác nó chết đi, hầu cho tâm hồn nó được cứu thoát trong ngày của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu Kitô.
Việc anh em lên mặt kiêu căng không tốt đâu. Nào anh em chẳng biết rằng chỉ một dúm men là đủ làm hư cả khối bột đó sao? Anh em hãy tẩy trừ men cũ, để nên bột mới, như anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế. Vì thế, chúng ta hãy mừng lễ không phải với men cũ, cũng không phải với men gian tà và độc ác, nhưng với bánh không men tinh tuyền và chân chính.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 5, 5-6. 7. 12

Ðáp: Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh (c. 9a).

Xướng: Chúa không phải là Chúa tể ưa điều gian ác, kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài, đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan. Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác.

Xướng: Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian giảo, thì Chúa ghê tởm không nhìn.

Xướng: Nhưng hết thảy ai tìm đến Chúa sẽ mừng vui, họ sẽ hân hoan cho tới muôn đời. Chúa che chở họ, họ sẽ mừng vui bởi Chúa, đó là những kẻ yêu mến danh Ngài.

Alleluia: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 6-11

“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Ðoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.

Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là sự sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

SỐNG YÊU THƯƠNG THẬT LÒNG (Lc 6, 6-11)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Hôm nay bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu chữa người bại tay ngày Sabát. Đây là việc làm hữu ích, vì nó thể hiện tình thương của Thiên Chúa với người đau khổ. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho các Luật Sĩ và Pharisêu tỏ ra khó chịu và bầy binh bố trận để hạ sát Đức Giêsu!!!

Tại sao vậy? Thưa! Vì xuất phát từ lối suy nghĩ khác nhau khi hiểu về việc giữ Luật. Những Luật Sĩ và Pharisêu thì chỉ tập trú vào việc hình thức bên ngoài, họ không bỏ sót một chấm một phết trong Luật. Còn Đức Giêsu thì quan tâm đến tinh thần của Luật, Ngài đi vào nội dung của Luật là tình thương.

Vì thế, việc chữa bệnh của Đức Giêsu được khởi đi từ bản chất của Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Bởi vậy, không lạ gì khi các Luật Sĩ và Pharisêu không những không ủng hộ việc tốt lành của Đức Giêsu với người bại liệt, ngược lại, họ luôn rình rập để chờ cơ hội thuận tiện rồi lên tiếng tố cáo Đức Giêsu. Một điều đơn giản là do động lực của hận thù, ghen ghét, vì sợ Đức Giêsu lật tẩy lòng gian ác của họ trước dân chúng…

Thấy được ý đồ đen tối của các Luật Sĩ và Pharisêu, nên Đức Giêsu đã hỏi họ: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?”. Khi hỏi như thế, Đức Giêsu trả lại cho ngày Sabát ý nghĩa đích thực của nó, đó là ngày giải phóng con người.

Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, đã biết bao nhiêu lần chúng ta lo sống hình thức bên ngoài, mà quên đi ý nghĩa và giá trị đích thực trong việc giữ đạo.

Những chuyện như: vì danh thơm tiếng tốt của cha mẹ, hoặc vì cha mẹ làm công to việc lớn trong Giáo xứ, ngoài xã hội, hay sợ liên lụy đến bản thân, nên đã biết bao lần ta sống đạo hình thức, giả tạo và rỗng tuếch, nhưng vẫn ra vẻ đạo đức, tốt lành!

Lại có những người được xem ra rất tốt lành, nhưng lại là những người chuyên ngồi lê mách lẻo chuyện của người khác với mục đích làm cho người khác mất danh dự, uy tín trước cộng đoàn. Hay cũng có những người luôn tìm cách công kích để hạ bệ người khác rồi mình hả hể với thành quả đạt được. Những hạng người như thế, họ chỉ lo tìm cái rác trong mắt người khác, còn cái xà trong mắt mình thì giả điếc làm ngơ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn yêu thương, cảm thông với những người ốm đau, bệnh tật, đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, thay cho thái độ khinh miệt, kỳ thị.

Mặt khác, khi thấy được người khác làm việc tốt thì phải công tâm để nâng đỡ chứ không được vì ghen ghét mà tìm cách bẻ cong sự thật và vu khống cho người ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu thương và nâng đỡ những ai đang lâm cảnh khó khăn, đồng thời biết sống thật với lòng mình và luôn làm điều tốt cho người khác. Amen.

  

ĐỪNG “RỜI XA” THIÊN CHÚA
Cao Nhất Huy

Tội làm ta xa Chúa hay vì xa Chúa nên ta dễ phạm tội?

 
Thiên Chúa tạo dựng con người có tự do và trí thông minh. Điều đặc biệt làm con người vượt trội hơn mọi loài thụ tạo, đó là con người được tạo nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, nên con người khao khát tình yêu, niềm vui và bình an. Chúng ta có thể hiểu điều đó vì, Thiên Chúa là sự thánh thiện, là sự tốt lành, là nguồn gốc của mọi sự tốt lành. Khi con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, không có nghĩa là hình hài bên ngoài, nhưng là giống về đặc tính của Thiên Chúa là sự thánh thiện, tốt lành.

Tuy nhiên, khoảng cách của 2 vật thể càng xa thì hình ảnh càng mờ dần (không rõ nét). Cũng vậy, khi con người càng xa Thiên Chúa, thì sự “giống hình ảnh” đó sẽ càng mờ dần và không chính xác.

Chúng ta thường lý luận là do kiêu ngạo nên nguyên tổ đã phạm tội. Nhưng nói đúng hơn là do nguyên tổ đã “rời xa” Thiên Chúa nên nguyên tổ phạm tội: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn…” (St 4, 6). Ngay khi nguyên tổ suy nghĩ muốn ăn trái cây bị Thiên Chúa cấm đó, thì trái tim của nguyên tổ đã "rời xa" trái tim yêu thương của Thiên Chúa, thế nên chuyện phạm tội sau đó là dĩ nhiên.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói: “Có một sự mâu thuẫn khi chủ trương loại bỏ Thiên Chúa để làm cho con người được sống! Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống: loại bỏ Ngài, có nghĩa là tách rời khỏi nguồn mạch ấy và chắc chắn sẽ bị mất sự sung mãn và niềm vui” (Sứ điệp ngày quốc tế giới trẻ XXVI); Trong Gaudium et Spes, số 36 cũng nói: “Thực vậy, thụ tạo không có Đấng Tạo Hóa thì sẽ tàn lụi”.

Điều đó cho chúng ta nhận thấy rằng: Xa Thiên Chúa nghĩa là xa sự thánh thiện nguyên thuỷ, càng xa thì càng mờ nhạt dần, và sự tội xâm nhập là chuyện dễ hiểu. Khi con người tự ý rời bỏ Thiên Chúa tốt lành thì đương nhiên phải nhận lãnh hậu quả xấu là tội. Không tiếp nhận ánh sáng thì đương nhiên ở trong bóng tối, chứ bóng tối không hiện hữu độc lập giống như ánh sáng.

Chúng ta nhìn hình ảnh của bếp lửa và người ngồi sưởi ấm: Người ta càng ngồi gần bếp lửa thì hơi ấm càng nhiều, nhưng nếu ngồi xa bếp lửa thì hơi lạnh càng nhiều.

Cũng vậy, Thiên Chúa là ánh sáng, là sự thiện: Khi ở gần Thiên Chúa thì tất nhiên sự thiện của con người sẽ dồi dào, nhưng khi rời bỏ Thiên Chúa thì tất nhiên tội lỗi sẽ tràn vào.

Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhìn lại nhóm người Kinh sư và Pharisêu, họ cũng giống như nguyên tổ, ngay khi họ tìm cách bẫy Chúa Giêsu, dò xét Người thì ngay lập tức họ đã xoá bỏ Chúa ra khỏi lòng của họ, họ ngày càng rời xa Chúa khi liên tục dò xét và kiếm cớ bắt chẹt Chúa Giêsu.

“Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày Sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người”.

Như đã nói ở trên, Thiên Chúa là sự thiện, sự tốt lành, lòng xót thương… nên chắc chắn khi đứng trước nỗi đau khổ của người khác Thiên Chúa sẽ cứu vớt họ, chữa lành họ. Nhưng vì nhóm kinh sư và Pharisêu đã rời bỏ Thiên Chúa rồi nên trong họ, sự thiện bị phai nhạt đi, và thậm chí không còn sự thiện, không còn lòng xót thương nữa. Chính vì thế, họ rình Chúa để tìm cách “tố cáo” lòng xót thương của Chúa. Đó chính là hậu quả của việc khi con người rời xa Thiên Chúa.

Ngày hôm nay chúng ta cũng nhiều lần rời xa Chúa: Tuy chúng ta không công khai nói rằng “Tôi bỏ Chúa”, nhưng chọn lựa ưu tiên của chúng ta lại không phải là Chúa:


- Nhiều gia đình, nhiều cá nhân suy nghĩ đầu tiên trong ngày khi thức dậy là: Làm sao để ký được hợp đồng, làm sao để gây tầm ảnh hưởng, làm sao để gây áp lực cho đối tác, làm sao để kiếm lời nhiều hơn…. Nhưng có bao giờ khi thức dậy chúng ta nghĩ làm sao để đẹp lòng Chúa, làm sao để sống như Chúa muốn… Nếu chúng ta đang ở trong tình trạng “rời xa” này, ta sẽ dễ đi vào bước đường gọi là bất chấp mọi cách, mọi luân lý đạo đức, miễn sao ta thành công là được. Nếu lỡ như một ngày nào đó ta thành công trong sự nghiệp thật… ta sẽ nghĩ rằng: nỗ lực của ta, thành công của ta… không liên quan gì đến Chúa. Đó chính là tội kiêu ngạo, ngạo mạn, và đó cũng chính là hậu quả của việc rời xa Chúa.

- Bên cạnh đó, một số phụ huynh xem việc đạo nghĩa là thứ yếu, họ coi trọng việc học văn hóa hơn là việc nuôi dưỡng đức tin. Những giờ giáo lý nếu trùng với việc học thêm thì họ sẵn sàng cho con bỏ giáo lý để học thêm. Thậm chí có gia đình tạm hoãn cho con đi lễ, tạm nghỉ học giáo lý một năm để tập trung vào năm tốt nghiệp chuyển cấp. Rồi sau đó họ quên luôn việc sống và nuôi dưỡng đức tin vào những năm sau đó. Không ít bạn trẻ quay trở lại lớp giáo lý cấp tốc để xin lãnh các bí tích khi đã đến ngày lập gia đình. CON NGƯỜI ĐANG DẦN RỜI BỎ THIÊN CHÚA. Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng là trẻ em, thanh thiếu niên, giới trẻ sẽ mất dần đi, phai nhạt dần đi hình ảnh của của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình: Sự thiện.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục rời xa Thiên Chúa như thế này, chúng ta sẽ dễ đi vào con đường của Kinh sư và Pharisêu là “tố cáo” sự tốt lành của Thiên Chúa bằng đời sống ngược lại với Tin Mừng.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con ý thức được hậu quả nghiêm trọng của việc rời xa Chúa, để qua đó chúng con luôn bắt chước Con Chúa là luôn ở gần với Cha trong mọi ngày sống. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây