Lời Chúa CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – C

Thứ năm - 15/09/2022 22:03 |   250
“Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16, 10)

18/09/2022
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – C

cn25TN C

Lc 16, 1-13


ĐIỀU NHỎ BÉ
“Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16, 10)

Suy niệm: Một sợi tơ mỏng manh nhỏ bé dường như chẳng làm nên tích sự gì. Nhưng bạn nên nhớ rằng tấm lụa mượt mà kia được dệt bằng những sợi tơ như thế. Cuộc đời chúng ta được kết dệt bằng biết bao việc nho nhỏ được trải trong khắp cả đời sống thường ngày. Từng giây, từng phút trong đời, những cử chỉ yêu thương, một lời nói dịu dàng, một hy sinh kín đáo, một cái nhìn cảm thông, một ý tưởng ngay lành, tất cả những điều đó, từng chút, từng chút một, sẽ dệt nên cuộc sống tươi đẹp, hào hùng nhuốm đầy ơn phúc của Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn, ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.”

Mời Bạn: Hãy nhìn ngắm Chúa Giê-su tại Na-da-rét, Chúa đã trung tín với bổn phận hằng ngày để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Chúa cũng mời bạn hôm nay và trong cả cuộc đời hãy làm những việc tầm thường của bổn phận với lòng yêu mến Chúa.

Chia sẻ: Bạn có cảm nhận được niềm hạnh phúc cao thượng khi bạn có một việc giúp ích nho nhỏ để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân?

Sống Lời Chúa: Để sống Lời Chúa mời gọi hôm nay tôi sẽ cố gắng chu toàn bổn phận hằng ngày, bổn phận đối với Chúa và đối với những người thân yêu của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con biết trung thành với Chúa khi làm những việc tầm thường nhỏ mọn trong đời sống hằng ngày của con để chứng tỏ lòng con yêu mến Chúa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm C

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Sau khi dùng những dụ ngôn về lòng thương xót, để trả lời cho những chỉ trích của người Biệt Phái và Kinh Sư, về việc Người ân cần tiếp rước những kẻ tội lỗi. Giờ đây, Chúa Giêsu trở về với các môn đệ, để trao đổi với các ông một số chủ đề liên quan đến sự khôn khéo trong việc đối nhân xử thế và vấn đề tiền của. Chúa Giêsu bắt đầu trao đổi với các môn đệ về dụ ngôn người quản lý bất lương. Bài học Chúa muốn dạy là phải khôn khéo và mạo hiểm, phải dùng sáng kiến và tài sản để tạo cho ta một tương lai trong Nước Chúa. Chúa dạy phải quyết định cho nhanh và quả quyết đối với đời sống thiêng liêng. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan, để sử dụng những của cải phi nghĩa đời này, ngõ hầu mang lại những ơn ích và công nghiệp đời sau. Muốn được vậy, giờ đây chúng ta gột rửa tâm hồn khỏi những bịn rịn tiền bạc, bằng lòng thống hối ăn năn để dâng Thánh lễ hôm nay cho đẹp lòng Chúa.

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Am 8, 4-7

“Chống lại những kẻ lấy tiền mua người nghèo”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”. Vì Giacóp kiêu căng, Chúa đã thề rằng: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 4-6. 7-8

Ðáp: Hãy ngợi khen Chúa, Ðấng nâng cao kẻ túng thiếu (c. 1a & 7b).

Xướng: Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. 

Xướng: Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa… và Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất. 

Xướng: Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. 

Bài Ðọc II: 1 Tm 2, 1-8

“Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13}

“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: {“Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.}

“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy hiệp lời cầu xin để tâm hồn chúng ta được tràn đầy ơn thánh Chúa, giúp chúng ta biết khôn khéo xử dụng những ơn lành Chúa ban, hầu mưu ích cho chúng ta cũng như cho toàn thể Hội Thánh :

1. “Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo” – Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục được tinh thần siêu thoát, luôn trung thành thi hành thừa tác vụ của mình, là rao truyền đức tin và chân lý, để qua các ngài, con người thêm xác tín về một Nước Trời siêu việt đang hình thành giữa lòng nhân loại.

2. “Cha khuyên con hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người ” – Xin cho các Kitô hữu khi miệt mài lo toan những nhu cầu vật chất, vẫn luôn quan tâm phát triển đời sống nội tâm, hầu Thiên Chúa mãi mãi là ông chủ độc nhất, luôn chiếm hữu và điều khiển tâm hồn họ trong từng phút giây.

3. “Anh hãy tính sổ việc quản lý của anh” – Xin cho những người nghèo khó và thất nghiệp có công ăn việc làm xứng hợp với nhân phẩm, và cho những người giầu có biết nhận ra bổn phận mình đối với những người nghèo, sẵn sàng giúp đỡ cách quảng đại, để kiếm cho mình những người bạn hữu đích thực trong đời sống mai sau.

4. “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ” – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta đừng vì những mưu tính lợi lộc vật chất, mà quên đi nhu cầu chính đáng cho đời sống tâm linh của mình.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quản lý tốt những ân huệ mà chúng con đã nhận lãnh, để nhờ đó ân sủng Chúa sinh hiệu quả tốt đẹp và dồi dào nơi chúng con, giúp chúng con luôn tín trung phụng thờ và xứng đáng trở nên những tôi tớ đích thực của Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
Hãy là quản gia trung tín và khôn ngoan
Dã Quỳ

Cuộc sống trên trần gian là một hành trình đầy vất vả. Có người thì sung sướng nhẹ nhàng hơn trong công việc làm ăn, có người gian nan khó nhọc lao động, và mọi người gần như cả cuộc đời lao mình vào kiếm tiền để lo cho nhu cầu cuộc sống của mình và gia đình. Đó là sự thật của đời người và là con đường chung của phận người. Thế nên, mỗi người sẽ là quản gia quản lý cuộc đời mình, của cải mình làm ra, cũng như chính sức khỏe, tài trí và những ơn phúc thiêng liêng Chúa ban. Vậy, làm thế nào người Kitô hữu có thể là một quản gia khôn ngoan và trung tín với của cải vật chất và tinh thần để biết lo cho cuộc sống hiện tại và nhất là lo tìm kiếm Nước Trời? Chúng ta hãy lắng nghe những gì Chúa nói với ta qua Tin Mừng hôm nay.

Trước Thiên Chúa, mỗi người chúng ta chỉ là một “Quản lý” chứ không phải ông chủ. Thiên Chúa nhân lành đã ban tràn muôn ân huệ cho chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có như: sự sống, tài năng, trí tuệ, sức khỏe, của cải… Chúa đã tin tưởng trao phó cho chúng ta quản lý, nên ta không có quyền phung phí những ân huệ Chúa ban. Vậy ta có thể tiếp tục quản lý hay không là do chính chúng ta. Ta sẽ phải đến trước mặt Người và trả lời về tất cả những của cải vật chất và tinh thần mà ta đã, hay không làm phát triển và sinh lợi khi Người hỏi “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh.” Vì thế, Chúa muốn chúng ta hãy là một người quản lý tốt lành và trung tín về tất cả những ân phúc ta đã lãnh nhận.

Người quản lý bất lương trong Tin Mừng đã lo lắng về việc bảo đảm cho tương lai, nên anh ta  tranh thủ thời gian còn là quản gia để chuẩn bị  “Mình sẽ phải làm gì đây… để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Nhưng anh ta chỉ khôn khéo tính toán và lo cho cuộc sống nơi cõi trần tạm bợ! Đối với người Kitô hữu, chúng ta có biết lo cho đời sống tương lai sau cuộc đời nơi trần thế như vậy không? Cuộc sống của chúng ta nơi trần gian, những hành động, lối sống của chúng ta sẽ quyết định tương lai vĩnh cửu của ta. Chúa Giêsu đã không ngừng nhắc nhở chúng ta “Hãy bán tất cả của cải mình mà bố thí. Hãy sắm những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời.” (Lc 12,33).

Chúng ta thấy nhận xét của ông chủ thật hài hước “Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động  khôn khéo!” Lời khen ngợi này chắc hẳn không thật và không là của một ông chủ bình thường trong cuộc sống. Chắc chắn Chúa Giêsu không cổ vũ cho hành động bất lương của anh quản gia này. Nhất là hành động gian lận của cải của người khác. Chính vì thế, Chúa đau lòng nhận thấy “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng khi xử sự với người đồng loại!” Chúa cũng không lên án vấn đề làm kinh tế hay quản lý tài sản bởi vì trong lãnh vực này, đòi người quản lý khôn khéo và thông minh để làm sao cho sinh lợi, nhất là trong thời đại hôm nay. Tuy nhiên, Chúa căn dặn chúng ta, những Kitô hữu đừng có cùng sự khôn lanh và tài trí như người quản gia này đối với những “Công việc tinh thần”. Vì chúng ta không thể đạt được gia tài Nước Trời bằng sự khôn khéo thế gian.

Chúng ta có đặt tất cả những tài năng, trí khôn để phục vụ Nước Trời không? Đây là điều Chúa muốn chúng ta, những Kitô hữu “Con cái ánh sáng”, con của Cha chúng ta là Thiên Chúa Tình Yêu và Sự Sáng. Chúa mong chúng ta hãy chiếu tỏa ánh sáng chân thật, công bằng, tình yêu, bác ái… để đẩy lui và xóa tan đi bóng tối trong cuộc sống. Đừng chỉ giữ điều tốt lành, đức hạnh cho riêng mình. Hãy bận tâm và khôn khéo để sinh lợi, để loan báo Tin Mừng và làm cho Nước Chúa hiển hiện. Bởi vì “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn.” Đối với Chúa, việc lớn đó là “Sự sống vĩnh cửu”, là của cải thiêng liêng, là kho tàng trong Nước Trời. Trái lại, tiền bạc chỉ là việc nhỏ.Vì thế, hãy nhớ “Việc nhỏ thì ít quan trọng”, đó chỉ là cái tạm bợ, chóng qua, nhưng gia tài thiêng liêng mới là điều quan trọng hơn, để rồi ta xứng đáng là một quản lý trung tín và khôn ngoan.

Tiền bạc cũng không phải là của chân thật đối với con người. Sự giàu có không chắc làm cho chúng ta trở thành người tốt, cũng chẳng làm cho ta thông minh, hạnh phúc hay đạo đức hơn. Giá trị chân thật không ở nơi tiền bạc. Vì thế, với Chúa, tiền bạc là một vật bên ngoài. Đó là cái chúng ta “Có” chứ không phải “Là”. Chúng ta có thể có rất nhiều  mà vẫn là một người cùng cực, khổ tâm, bất hạnh… Chúa không đưa ra lời kết án về tiền bạc, nhưng trái lại, Người nói với chúng ta “Hãy dùng tiền của bất chính”, hãy học để có thể trở thành một quản lý tốt biết “quản lý của cải chân thật” của chúng ta.

Ở một phương diện nào đó, bản chất tiền bạc thường được coi là gian dối, vì nó đối nghịch với Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu, tiền bạc thường “Bất chính”, là “mammon độc ác”, nên Người đã căn dặn “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?” Chúa biết ý nghĩa thông thường của tiền bạc: rất khó kiếm được và rất ích lợi, nó là hoa trái của lao động. Nhưng nếu tiền bạc có được từ sự ức hiếp, gian lận hay tham ô, hà tiện…thì đó là bất chính vì là tước đoạt của những người khác. Và khi ấy người ta đã làm tôi tiền bạc và coi nó là mục đích tối hậu. Trái với anh quản lý bất lương gian lận của cải của chủ để mong những con nợ đón tiếp anh ta sống qua ngày sau khi mất việc, Chúa muốn chúng ta khôn khéo trong việc sử dụng tiền của do chính bàn tay lao động của chúng ta để đạt được gia tài Nước Trời.

Thế nên, Chúa chỉ cho môn đệ “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”, vì tiền của có thể phục vụ chúng ta và trở thành phương tiện chuyển tải tình yêu, đó là ý nghĩa sâu xa của dụ ngôn này. Mỗi người chúng ta cũng là những quản lý gia sản của mình, Chúa mong ta biết dùng để tìm kiếm Nước Trời bằng hành động bác ái chia sẻ như lời thánh Phaolô khuyên “Hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia sẻ với người túng thiếu.” (Ep 4,28b). Đây là điều phúc cho chúng ta, có thể dùng tiền của để đạt được Nước Trời qua việc giúp đỡ anh em nghèo khó “Tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” Vì chỉ khi biết yêu thương chia sẻ với anh em ngay nơi trần thế này, ta mới xứng đáng hưởng tình yêu xum họp với họ trong Nước Trời.

Của cải và tiền bạc chính nó không phải là xấu. Nó chỉ là phương tiện, được sử dụng để phục vụ con người. Chúa muốn chúng ta hãy biết quản lý nó cách khôn ngoan và trung tín. Không để tiền bạc điều khiển ta hay làm chủ ta, bởi vì Kitô hữu “Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” Xin Chúa Thánh Thần luôn soi sáng và hướng dẫn để chúng ta biết tỉnh thức, khôn ngoan mà sử dụng của cải đời này để đạt được hạnh phúc và vinh quang trên Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan theo Tin Mừng, để chúng con biết tích lũy cho mình kho tàng trong Nước Trời bằng đời sống bác ái, cho đi cách quảng đại và biết sử dụng tất cả những ân huệ Chúa ban cách trung tín.  Amen.

CHÚA NHẬT 25C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 16: 1-13) Lm Lã Mộng Thường

Nơi bài Phúc Âm vừa được công bố có dụ ngôn người quản lý phung phí tiền bạc của chủ đã dùng mánh khóe hầu được người khác tiếp đãi khi mất việc. Bài Phúc Âm đưa lên nhận định, “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Vì đây chỉ là dụ ngôn nên người quản lý được cho cơ hội giải quyết vấn đề có lợi cho mình.

Trên thực tế, không vị chủ nào lại dại khờ mà để cho người quản lý có được cơ hội như thế. Áp dụng nơi cuộc đời mỗi người, chúng ta đang làm quản lý của chính cuộc đời đã được ban cho với những cơ hội, những hồng ân nơi cuộc sống; phỏng ai đã sẵn sàng tính toán chuẩn bị cho thời điểm tính sổ cuộc đời một cách bất ngờ như đã bao nhiêu người đã ra đi trước chúng ta?

Nhận định nơi bài Phúc Âm về sự tính toán, mưu lược khôn khéo kiếm kế sinh nhai nơi cuộc đời mỗi người quả là xác thực. Dẫu có những trường hợp “Cái khó bó cái khôn” nhưng nhìn vào thực tế, ai trong chúng ta cũng có sự khôn ngoan và năng lực mưu sinh khá cao, vì nếu không thế sao chúng ta có thể được như ngày nay. Lời khuyên răn, “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời” nơi bản dịch tiếng Việt hình như được dịch theo tứ chứ không theo ý của nguyên bản Phúc Âm.

Suy nghiệm về thực thể sự việc chúng ta nhận thấy rõ ràng, chỉ có con người gian dối chứ sự vật không thể được gọi gian dối. Lối nói “Tiền của gian dối” được dùng để chỉ thành quả của sự gian dối. Tất nhiên Phúc Âm không khuyên chúng ta bày mưu chước gian dối để kiếm tiền bạc. Bởi thế, văn từ nơi Phúc Âm được viết ám định trong khi sự dịch thuật lại quá chú trọng về nghĩa đen và đồng thời bị giới hạn nơi quan điểm thế tục, luân lý, biến Lời Chúa trở nên bất tường. Khi so sánh các lời chú giải, đại khái câu này có nghĩa, hãy dùng tất cả những năng lực thế trần mà chuẩn bị cho hành trình vĩnh cửu sau khi chết. Hiểu như thế mới làm sáng tỏ được câu nói, “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai gian dối trong việc nhỏ thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con”.

Con người bao gồm thân xác và linh hồn. Khi thân xác qua đi, linh hồn bước vào cõi vô hình. Thân xác nơi cuộc đời hữu hình chính là phương tiện và cơ hội cho linh hồn chuẩn bị cho hành trình sắp tới. Bởi vậy, những toan tính, ước mơ, ý định, ý nghĩ chính là hoạt động của linh hồn phần nào được bày tỏ qua trung gian xác thân. Thế nên, nơi cơ hội cuộc đời, nếu một người không để ý suy nghiệm về thực thể của chính mình nhưng chỉ lo sống cho qua và theo đuổi những ước vọng thế tục, đến lúc linh hồn lìa khỏi xác, mọi sự vinh quang trần thế qua đi, linh hồn sẽ bị bơ vơ không định hướng; của chân thật không có, của cải, danh vọng, ước mơ chóng qua để lại gian trần… Lời Chúa khuyên chúng ta nên chăm chuyên để tâm suy nghiệm về sự hiện hữu của chính mình được ám định bằng cụm từ, “Của chân thật”.

Để ý nhận xét nơi tâm khảm mỗi người, chúng ta đều nhận thấy, khi ước mơ của chúng ta đặt hay định nơi sự việc gì tâm trí luôn hướng chiều về sự việc đó để tìm tòi, suy tính phương cách thực hiện sao cho đạt được thành quả tốt đẹp nhất. Đồng thời qua kinh nghiệm sống, khi đã quyết chí thực hiện công việc gì chúng ta dồn hết tâm trí để hoàn thành thì mới có thể gặt hái được phần nào dự đoán ước mơ. Ngược lại, khi tâm trí phân tán do ảnh hưởng nhiều chiều hướng cũng như ước mơ, chúng ta rơi vào tình trạng “Bắt cá hai tay” và kết quả chỉ là những sự thiệt hại hao phí. Nơi hành trình tâm tưởng cũng thế, chúng ta không thể vừa theo đuổi hành trình đức tin vừa tìm kiếm vinh quang thế tục. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta, “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ vì hoặc nó ghét chủ nầy và mến chủ kia hoặc phục chủ nầy và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Văn từ “tiền của” ở đây nơi các bộ Kinh Thánh tiếng Mỹ dịch là “mammon”, mang nghĩa những ước muốn, tham vọng trần gian hoặc bất cứ gì chóng qua nơi cõi thế mà con người theo đuổi.

Chúng ta đều biết, những ước vọng, ý nghĩ, ý định, ham muốn phát xuất từ tâm trí, linh hồn. Những ước vọng, ham muốn mang quyền lực ám ảnh cũng như lôi cuốn tâm trí một người mạnh mẽ hơn bất cứ mãnh lực nào trong cuộc sống ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng. Phúc Âm cũng nói cho chúng ta biết ảnh hưởng của ước muốn qua câu, “Điều gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc”. Câu này có nghĩa, bất cứ điều gì, sự gì chúng ta theo đuổi nơi cuộc sống này, sau khi chết, linh hồn của chúng ta cũng bị lệ thuộc và theo đuổi những ước muốn đó. Cũng là điều may đối với những ai được ban cho có cuộc sống thọ. Vì đã phải trải qua những thăng trầm nơi cuộc đời và năng lực lúc tuổi già tiêu tán đồng thời nhận ra giá trị cuộc sống không phải là danh vọng, quyền lực, và tiền của thế tục nên chán ngán, không bị ràng buộc bởi bất cứ tham vọng nào trước khi về cõi vô hình, linh hồn, tâm trí họ ngay khi còn sống đã được thảnh thơi.

Tuy nhiên, đa số chúng ta thường rơi vào những trường hợp tiếc nuối thời vàng son đã qua như sản phẩm của lòng tham sân si hoặc vì đã tiêu pha ngày tháng một cách vô tích sự nên vẫn luôn ham muốn chứng tỏ mình cũng là một thứ gì. Quả thật đáng tội cho kiếp nhân sinh bởi đã không để tâm suy nghiệm Tin Mừng Nước Trời. Cũng có thể vì đã không được nghe nói về Tin Mừng Nước Trời do Đức Giêsu rao giảng nên tâm trí chúng ta trở thành nô lệ cho những giáo điều luân lý thay đổi vô thường tùy thuộc hoàn cảnh, không gian và thời gian kiến tạo lòng ngờ vực những giá trị siêu linh, thế nên hành trình đức tin, hành trình tâm linh của chúng ta chẳng khác gì con thuyền không bến, không biết nơi đâu nương tựa do đó đành bám víu vào những giá trị suy tưởng đem lại mối hy vọng hầu tâm tưởng có niềm an định giả tạo.

Nơi trường hợp này, Phúc Âm ghi lại lời Đức Giêsu quở trách Phêrô và cả chúng ta, “Xéo đi sau Ta, Satan. Ngươi là cớ cho Ta vấp phạm. Ý tưởng của ngươi không phải là thánh ý Thiên Chúa mà là ý tưởng của loài người”.

Tóm lại, Lời Chúa đặt vấn đề chọn lựa nơi tâm trí mỗi người chúng ta. Hoặc là tìm kiếm Nước Thiên Chúa, suy nghiệm về Tin Mừng Nước Trời qua Phúc Âm, hoặc là theo đuổi mơ ước, suy tính, tham vọng thế tục. Chúng ta chỉ có thể thuộc về một trong hai vì nơi lãnh vực này không có trạng thái trung lập. Hoặc là nóng thì nóng hẳn, hoặc là lạnh thì lạnh hẳn. Dở dở ương ương, lời thư thánh Gioan tuyên bố rõ ràng, Ta mửa ra khỏi miệng. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây