Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 21/09/2022 09:53 |   450
“Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” (Lc 9, 20)

23/09/2022
thứ sáu tuần 25 THƯỜNG NIÊN

Thánh Piô Pietrecina, linh mục

Lc 9, 18-22


ĐỐI VỚI BẠN, ĐỨC GIÊ-SU LÀ AI?
“Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” (Lc 9, 20)

Suy niệm: Nếu có người nói yêu bạn chỉ vì bạn giông giống một ai đó, và bạn chỉ được yêu như một người thay thế cho người kia thì không biết bạn thất vọng đến chừng nào, và hẳn bạn đâu muốn được yêu trong vai “người đóng thế”. Từ kinh nghiệm đó chúng ta có thể hiểu được tâm tình của Chúa Giê-su đâu có muốn các tông đồ chỉ biết “người ta bảo Đức Giê-su là ai” rồi thôi! Quả thật các tông đồ có thể nêu rất nhiều “thông tin” về Thầy là Ê-li-a, là Gio-an Tẩy Giả, hay là một tiên tri nào đó. Dù người ta xếp Chúa vào hạng những người đáng kính trọng… thì cũng mới gần đúng thôi, nghĩa là chưa đúng một tí nào! Chúa Giê-su gọi Phê-rô là người có phúc (Mt 16, 17) chẳng những bởi ông được Chúa Cha mạc khải để nói rất chính xác, mà còn vì ông nói lên lời tuyên xưng của chính mình và với tất cả xác tín: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”

Mời Bạn: Bạn là một trong số hơn một tỷ người được mệnh danh là Ki-tô hữu, bạn có thể trả lời câu hỏi: “Đối với bạn, Đức Giê-su là ai?” một cách chính xác và xác tín như thánh Phê-rô chưa? Bạn nhớ, Chúa không thích bạn trả lời trong vai “người đóng thế” mà thích chính bạn trả lời bằng lời tuyên xưng cũng của chính bạn.

Chia sẻ : Sống đời Ki-tô hữu cách gương mẫu là làm chứng cách mạnh mẽ nhất về niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Năng đọc suy gẫm Lời Chúa và học hỏi Lời Chúa để biết và yêu mến Đức Giê-su.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết theo Chúa, sống cho Chúa và đặt Chúa trên mọi sự của đời con để con đạt tới hạnh phúc đích thực. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Piô Pietrecina, linh mục

Bản Văn 1

(Bản văn lấy trong phần lễ chung các thánh chủ chăn)

Ca nhập lễ 

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì thế ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người đau khổ tong tâm hồn.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa là Ðấng thánh, và nếu Chúa chẳng ban ơn, không ai có thể nên hoàn thiện. Xin Chúa thương nhận lời thánh Pi-ô chuyển cầu mà giúp chúng con đáp lại lời Chúa gọi hầu đáng được ân thưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tha thiết nài xin Chúa thương chấp nhận của lễ chúng con dâng để mừng kính các thánh. Xin cho hiến lễ này cũng thanh tẩy cả hồn xác chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày lễ kính thánh Pi-ô Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể bồi dưỡng chúng con. Xin cho ân phúc Chúa đã thương ban do lượng từ bi hải hà của Chúa giúp chúng con đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bản Văn 2

(Bản văn phụng vụ do Linh mục Giuse Phạm Quốc Điêm chuyển ngữ.

Bản văn này dùng trong lúc chưa có bản dịch chính thức.

Nguồn: http://gpbuichu.org)

Ca nhập lễ 

Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn (Tv 15,5-6).

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa tòan năng hằng hữu,
nhờ hồng ân đặc biệt
Chúa đã ban cho Thánh Piô, linh mục
được tham dự vào thập giá của Con Chúa
và nhờ tác vụ của thánh nhân
Chúa đã tái thực hiện những kỳ công lạ lùng của lòng thương xót Chúa;
nhờ lời chuyển cầu của ngài, xin ban cho chúng con,
được kết hợp mật thiết với cuộc thương khó của Chúa Kitô,
hầu đạt được niềm vui của sự phục sinh vinh hiển. Chúng con cầu xin …

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,
nơi Thánh Piô, Chúa đã tác tạo ra hình ảnh con người mới
trong sự công chính và thánh thiện,
xin ban cho chúng con biết đổi mới tinh thần,
để được xứng đáng dâng của lễ ngợi khen.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ca hiệp lễ

Thầy bảo thật anh em: anh em đã bỏ mọi sự mà theo Thấy, anh em sẽ nhận được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp (Mt 19,28-29).

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng,
nhờ các bí tích, chúng con đã nhận được sức mạnh của Thánh Thần Chúa,
xin ban cho chúng con biết noi gương Thánh Piô,
biết miệt mài tìm kiếm Chúa trên hết mọi sự
để mang lại dấu ấn của Chúa Kitô chịu chết và sống lại,
Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Thánh Padre Piô
Thánh Padre Piô tên thật là Francesco Forgione, thuộc một gia đình nông dân ở Pietrelcina, miền nam nước Ý.
Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.
Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục năm 1910 và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy ngài bị ho lao, họ đã cho ngài giải ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.
Vào ngày 20-9-1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.
Sau biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau năm 1924 ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924.
Sau khi được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.
Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi vào năm 1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật vì khó kiếm được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, “Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ” được hình thành với 350 giường bệnh.
Nhiều người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng; còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm.
Một trong những sự đau khổ của Cha Piô là vài lần những người thiếu đạo đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không bao giờ cho ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định của các giới chức trong Giáo Hội. Ngài từ trần ngày 23-9-1968, và được phong thánh năm 2002.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ sáu tuần 25 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Kg 2, 1b-10

“Còn một ít lâu nữa, Ta sẽ làm cho đền thờ này đầy vinh quang”.

Trích sách Tiên tri Khác-gai.

Năm thứ hai triều đại vua Ðariô, đến ngày hai mươi mốt tháng bảy, có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai mà phán rằng: “Ngươi hãy nói với Giorôbabel, con trai tướng lãnh Giuđa, là Saluthiel, nói với Giosua, con trai thượng tế Giosêđec, và với những kẻ sống sót lại trong dân rằng: “Ai trong các ngươi là kẻ sống sót lại đã nhìn thấy vinh quang thuở xưa của đền thờ này: và giờ đây các ngươi xem thấy nó thế nào? Chớ thì nó chẳng là không trước mắt các ngươi sao? Và Chúa lại phán: Hỡi Giorôbabel, giờ đây hãy can đảm. Hỡi Giosua, con trai thượng tế Giosêđêc, hãy can đảm; và toàn dân trên lãnh thổ, hãy can đảm, đây Chúa các đạo binh phán: Các ngươi hãy khởi công, vì Ta ở cùng các ngươi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Có lời Ta đã giao ước với các ngươi, khi các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, là thần linh Ta sẽ ở giữa các ngươi, nên các ngươi đừng sợ”.
Vì Chúa các đạo binh phán như thế này: “Còn ít lâu nữa, Ta sẽ khiến trời đất, biển khơi và đất cạn chuyển động. Ta cũng sẽ khiến mọi dân tộc chuyển động; và Ðấng mọi dân tộc trông đợi sẽ đến: Ta sẽ làm cho đền thờ đầy vinh quang, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vàng bạc đều là của Ta, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vinh quang đền thờ sau hết này sẽ cao trọng hơn vinh quang đền thờ trước, Chúa các đạo binh phán như vậy: trong nơi này, Ta sẽ ban hoà bình, Chúa các đạo binh phán như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 42, 1. 2. 3. 4

Ðáp: Hãy cậy trông Ðức Chúa Trời, vì con còn ca tụng Chúa, Ðấng cứu thể diện và là Thiên Chúa của con (c. 5bc).

Xướng: Xin Chúa minh xét cho con, ôi Thiên Chúa, xin bênh vực quyền lợi con đối nghịch với dân vô đạo, xin cứu con khỏi tay người độc ác, điêu gian!

Xướng: Vì lạy Chúa, Chúa là sức mạnh con, cớ chi Chúa bỏ con? Cớ chi con phải sống ngậm ngùi vì bị quân thù áp bức?

Xướng: Xin chiếu giãi quang minh và chân thật của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.

Xướng: Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Thiên Chúa, Thiên Chúa của con.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gv 3, 1-11

“Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng”.

Trích sách Giảng Viên.

Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.
Con người còn được gì do công lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài người phải chịu đựng.
Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 143, 1a và 2abc. 3-4

Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)

Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu.
Xướng: Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua.

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 18-22

“Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TUYÊN XƯNG NIỀM TIN ĐI ĐÔI VỚI ĐỜI SỐNG (Lc 9, 18-22)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Vào một buổi học Giáo lý nọ, một cô Giáo lý viên hỏi em nhỏ: “Con có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không?”. Em trả lời ngay: “Dạ, thưa không ạ!”. Quá ngỡ ngàng, cô Giáo lý viên hỏi tiếp: “Tại sao con không tin?”. Em đó nói: “Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, ắt Ngài làm được nhiều sự, Ngài sẽ làm cho bố con không nghiện rượu, mẹ con không cãi nhau với bố con và hàng xóm nữa”; “Nếu Ngài là Thiên Chúa, thì những người tin Ngài phải sống tốt!”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta học được bài học đầy ý nghĩa về một câu trả lời xem ra bướng bỉnh của cậu bé, nhưng hàm chứa những điều căn bản trong Đạo!

Thật vậy, trong xã hội và đôi khi cả chính chúng ta, miệng vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng trong cuộc sống, nơi hành vi, lời nói lại mâu thuẫn với những gì chúng ta tuyên xưng. Hình ảnh méo mó, lệch lạc về Đức Giêsu lại được những môn đệ của Chúa trong thời đại hôm nay vui vẻ trình bầy qua cách sống lệch lạc của mình…!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt noi gương thánh Phêrô để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Nhưng ngay sau đó, phải là người phản ánh niềm tin cách trung thực trong cuộc sống của mình, để mọi người nhận ra Đức Giêsu trong cuộc sống của chúng ta.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hiểu về Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài là: chết để đền tội thay cho nhân loại, chứ không phải lãnh đạo và cứu độ bằng quyền lực. Đừng để lối hiểu của những người Dothái đương thời với Đức Giêsu và ngay cả các môn đệ thời bấy giờ về Đức Giêsu chi phối lựa chọn của chúng ta, rồi từ đó hy vọng một điều phù phiếm, hão huyền.

Thật vậy, những người đó, họ hiểu Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh theo kiểu trần tục, đến để tái lập nước Israel và giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không nằm trong ý định của Thiên Chúa và Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đến để giải thoát bằng con đường khiêm hạ và phục vụ, hy sinh và phải chết.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một khi đã tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, thì đồng thời cũng phải là người phản chiếu tình yêu cứu độ của Chúa ngang qua cuộc sống của chúng con mỗi ngày. Ước gì mỗi người chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây