Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 19/09/2022 06:12 |   423
“Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quan tội lỗi?” (Mt 9, 11)

21/09/2022
THỨ TƯ TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
Thánh Mátthêu, tông đồ

 

Mt 9, 9-13


KHÔNG NGẠI DẤN THÂN
“Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quan tội lỗi?” (Mt 9, 11)

Suy niệm: Câu hỏi của người Pha-ri-sêu chất chứa sự cao ngạo, lòng khinh miệt người khác, phản ánh tâm thức xếp loại trước khi đối thoại. Thái độ này không bao giờ đưa đến kết cục có hậu, giúp người khác hoán cải đổi đời, ngược lại là đằng khác. Đối diện với những đầu óc chai cứng như sỏi đá, đầy thành kiến của người Pha-ri-sêu, Chúa Giê-su không lùi bước, cũng chẳng ngại dấn thân đứng về phía người bị chụp cho cái mũ tội lỗi. Nghĩa cử cao đẹp ấy vừa cho thấy Chúa đến để giơ tay cứu vớt những người bị loại bỏ, vừa nói lên cái nhìn tràn trề hy vọng của Ngài về thiện chí làm mới cuộc đời của người thu thuế và “tội lỗi,” mà Mát-thêu là một minh chứng hùng hồn. Từ một người bị người Do Thái loại trừ, Mát-thêu trở thành sứ giả Tin Mừng cho đồng bào của mình. Ông đã sử dụng  phương pháp độc đáo là trình bày Đức Giê-su như Đấng Mê-si-a hiện thực tất cả các lời tiên báo của Cựu ước, vốn rất quen thuộc với đồng bào Do Thái.

Mời Bạn: Đến với người tội lỗi, đồng bàn, chia sẻ tình thân, đưa họ vào Nước Trời là mục tiêu của Chúa Giê-su. Còn bạn, bạn có muốn hiệp thông, tham gia vào sứ vụ ấy không? Bạn có bao giờ quan tâm đến số phận của những anh em, chị em đang sống xa tình Chúa như vậy chưa?

Sống Lời Chúa: Hãy tỏ lòng khoan dung với người có tội, vì chính bạn cũng là người như thế, “nhân vô thập toàn” mà bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin lỗi vì bao lần con cũng xử sự như một Pha-ri-sêu: coi thường người hèn kém hơn mình. Xin dạy con sự nhân từ của Chúa, giúp con can đảm đến với những ai cần sự nâng đỡ của con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Mátthêu, tông đồ

Ca nhập lễ
Chúa phán: Các con hãy đi giảng muôn dân, làm phép rửa cho họ, và giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin Mừng. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho chúng con biết noi gương người, luôn hết tình gắn bó với Chúa Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ep 4, 1-7. 11-13
“Chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Chúa Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.
Nhưng mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc của Ðức Kitô viên mãn.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! – Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; chúng con tuyên xưng Chúa là chúa tể. Lạy Chúa, ca đoàn vinh quang các Tông đồ ca ngợi Chúa. – Alleluia.

 Phúc Âm: Mt 9, 9-13
“Hãy theo Ta”. – Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.
Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, trong ngày lễ kính thánh Mát-thêu chúng con dâng lên Chúa của lễ này và khiêm tốn nài xin Chúa ghé mắt nhân từ nhìn đến Giáo Hội vì chính nhờ lời rao giảng của các tông đồ đức tin Giáo Hội được dưỡng nuôi. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng các tông đồ,

Ca hiệp lễ
Chúa phán: Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con đang cảm nghiệm chính niềm vui của thánh Mát-thêu khi người hân hoan đón tiếp Chúa Cứu Thế đến dùng bữa trong nhà mình. Xin cho chúng con luôn tìm được sức mạnh nơi bàn tiệc của Ðấng xưa đã đến để kêu gọi không phải người công chính nhưng là kẻ tội lỗi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Thánh sử
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Theo lịch Phụng vụ của Gíao Hội Công giáo, Tin mừng, còn gọi là Phúc âm Chúa Giêsu luân phiên theo thứ tự năm A, B và C được đọc công bố trong các Thánh lễ ngày Chúa nhật.

Tin Mừng Chúa Giêsu được viết theo Thánh sử Matthêu cho năm A.
Tin Mừng Chúa Giêsu được trước tác theo Thánh sử Marcô cho năm B.
Tin mừng Chúa Giêsu được soạn thảo theo Thánh sử Luca cho năm C.

Bắt đầu từ tuần lễ Chúa Nhật mùa Vọng, ngày 28.11.2010 đến hết tuần lễ Chúa nhật thứ 34, ngày 20.11.2011, Tin mừng Chúa Giêsu theo Thánh sử Mattheo cho năm phụng vụ A là phần giáo lý chính trong các Thánh lễ.

Thánh sử Mathêu là ai? Và Tin mừng Chúa Giêsu do thánh sử Mattheo viết thuật lại thế nào?

1. Matthêu, người thu thuế được kêu gọi

Không có sử sách nào ghi lại khai sinh căn cước của vị Thánh sử này. Nhưng theo Tin Mừng do Thánh sử Marcô và Thánh sử Luca thuật lại, Mathêu là một người Do Thái làm nghề thu thuế có tên là Lêvi, quê quán ở Carphanaum vùng miền gần bờ hồ Genezareth, và được Chúa Giêsu kêu gọi làm Môn đệ: “Hãy theo theo Ta!” ( Mc 2,13-14; Lc 5,27-28). Và chính Matthêu cũng viết thuật lại như thế trong Phúc âm do Ông viết ( Mt 9,9).

Theo truyền thuyết kể lại, sau khi Thánh nhân viết xong Tin mừng Chúa Giêsu, ông di chuyển đến miền Mesopotamien và Aethiopien rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu. Nơi đó Thánh nhân đã xây dựng Thánh đường cùng Tu viện, thành công việc loan truyền tin mừng nước Thiên Chúa. Nhưng sau cùng Thánh nhân bị người nhà vua dùng gươm kiếm đâm chết ở chân bàn thờ trong thánh đường.

Nhưng cũng có tương truyền thuật lại Thánh nhân bị ném đá tới chết, hay bị đốt thiêu sống trong lò lửa.

Thi hài (xương tích) thánh Matthêu từ năm 954 còn lưu giữ ở nhà thờ chính tòa Salermo. Năm 1085 Đức giaó hoàng Gregoriô VII, đã làm phép thánh hiến. Và chẳng mấy chốc nơi đó đã trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng trong khắp vùng.

Thánh Matthêu, theo Phúc âm thuật lại, là một trong 12 Môn đệ được Chúa trực tiếp tuyển chọn kêu gọi, và sai đi tiếp tục công việc làm chứng loan truyền cùng xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Nhưng Thánh nhân còn là người viết sử thuật lại cuộc đời và giáo lý của Chúa Giêsu.

2. Matthêu, người viết sử thánh  

Xưa nay trong các hình vẽ hay tượng tạc Thánh sử Matthêu ngồi bàn viết tay cầm bút lông và trên đầu phía sau có hình Thiên Thần. Hay cũng có hình vẽ tạc Thánh nhân là một người có đôi cánh như Thiên Thần.

Điều này nói lên Thánh nhân viết Phúc âm Chúa Giêsu được Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn

Biểu tượng đó cũng nói lên nét đặc thù của vị Thánh sử này.

Ngay chương mở đầu của Phúc âm ( Mt 1,1-17) Mattheo đã viết thuật lại thứ tự dòng dõi nguồn gốc gia phả của Chúa Giêsu. Với chi tiết này Thánh sử Mathêu muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế từ trời cao xuống trần gian làm người. Chúa Giêsu là một con người có xuất xứ nguồn gốc trong xã hội loài người. Ngài là Con Thiên Chúa sinh xuống trần gian làm người có tổ tiên, dòng dõi họ hàng gia đình.

Chúa Giêsu là một người như mọi người trong xã hội. Nhưng con người đó mang trong mình bản tính cùng sứ mạng của Thiên Chúa.

Thánh sử Matthêu viết thuật lại duy nhất trong phúc âm (Mt 2,1-12) ba nhà chiêm tinh tìm đến thăm viếng thờ lạy Vua Hài nhi Giêsu ở hang chuồng súc vật Bethlehem, lúc Chúa sinh ra.

Trong dòng lịch sử, người ta đã tìm đặt tên cho ba nhà chiêm tinh đó là Caspar, Melchior và Balthasar. Nhưng không có gì chắc chắn tên của họ đúng như thế.

Rồi ba món tặng vật của ba nhà Chiêm tinh tặng hài nhi Giêsu là Vàng, Nhũ hương và Mộc dược, cũng được cắt nghĩa như vàng cho Vua, Nhũ hương cho Thiên Chúa và Mộc dược cho tẩm liệm xác sau này.

Lối cắt nghĩa này phù hợp theo tâm tình đạo đức thờ kính sâu thẳm nhiều hơn.

Nhưng có lẽ Thánh Matthêu qua tường thuật về ba nhà Chiêm tinh từ phương trời xa lạ vượt đường núi sa mạc tìm đến thờ lạy hài Nhi Giêsu, muốn nói lên ý nghĩa tòan dân thiên hạ dù ở nơi chốn xa xôi tuôn tìm đến Giáo Hội Chúa Giêsu. (Isaia 60, 1-6).

Phúc âm theo thánh sử Mattheo viết, theo khoa nghiên cứu, rất nhiều đoạn chương trùng hợp giống với Phúc âm theo các thánh sử Marcô và Luca cũng viết như vậy. Do đó các nhà nghiên cứu khoa Kinh Thánh gọi ba Phúc âm nay là Phúc âm nhất lãm (Synoptik).

Trong Phúc âm theo Thánh sử Matthêu vai trò đứng đầu Gíao hội Chúa Giêsu của Thánh Phêrô được nhấn mạnh nổi bật hơn hết.

Cũng như nơi phúc âm Theo Thánh sử Marcô ( 8,27-30) và theo Thánh sử Luca ( 9,18-21), Thánh Phêrô đại diện anh em Tông đồ tuyên xưng Chùa Giêsu là con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng Thánh sử Matthêu còn thuật viết thêm: Chúa Giêsu trao quyền bính chìa khóa nước trời đứng đầu Giáo hội Chúa Giêsu ở trần gian cho Thánh Phêrô. (Mt 16, 18-19)

Cũng theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh bản Phúc âm theo thánh sử Matthêu viết để lại cho Giáo Hội được viết vào năm 70 thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng sinh. Ông viết phúc âm giáo lý Chúa Giêsu Kitô muốn trình bày cho người Do Thái về Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà toàn dân trông đợi mong chờ đã đến giữa con người trong xã hội. Nơi chốn Thánh sử viết bản Phúc âm ở vùng Palästina và Syrien .

Phúc âm Chúa Giêsu do Thánh sử Mathêu viết gồm 28 chương, dài hơn Phúc âm theo các Thánh sử khác Marcô có 16 chương; Luca có 24 chương và Gioan có 21 chương.

3. Những đoạn quan trọng trong Phúc âm Mathêu

1. Bài giảng Tám Mối Phúc Thật (Mt 5,1-12)

2.Kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13)

3. Nâng đỡ an ủi (Mt 11,28-30)

4. Ngày phán xét chung (Mt 25, 13-46)

5. Sai đi rao giảng và làm phép rửa (28,16-20).


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: (Năm I) Esd 9, 5-9

“Thiên Chúa không bỏ rơi chúng tôi trong cảnh nô lệ”.

Trích sách Esdra.

Tôi là Esdra, khi dâng lễ tế ban chiều, tôi vùng dậy khỏi cơn âu sầu, áo trong áo ngoài đều rách hết, tôi quỳ gối xuống, giơ tay lên Chúa là Thiên Chúa tôi mà thưa rằng: “Lạy Chúa, con hổ ngươi thẹn thuồng không dám ngước mặt lên cùng Chúa: vì những sự gian ác của chúng con chồng chất trên đầu chúng con, và tội lỗi chúng con cao lên tới trời. Kể từ thời cha ông chúng con cho tới ngày nay, tội lỗi chúng con đã quá nhiều, và vì sự gian ác của chúng con, nên chúng con, vua chúa, tư tế của chúng con, bị trao vào tay vua các dân ngoại, bị gươm đao, bị lưu đày, bị cướp bóc và bị thẹn mặt như ngày nay.
“Và hiện giờ đây, Chúa vừa tạm ban cho chúng con một chút lòng thương xót, là để cho chúng con sống sót phần nào, và cho chúng con một nơi ẩn náu trong chốn thánh của Chúa, để soi sáng mắt chúng con, và ban cho chúng con một chút sự sống trong cảnh nô lệ của chúng con, vì chúng con là nô lệ mà Thiên Chúa không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ, nhưng Chúa đã khiến các vua Ba-tư thương xót chúng con, mà cho chúng con còn sống để chúng con xây cất nhà Thiên Chúa chúng con, tu bổ những nơi hoang tàn, và cho chúng con một chỗ ở trong xứ Giuđêa và tại Gierusalem”.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tb 13, 2. 3-4. 6. 7. 8.

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa cao cả muôn đời (c. 1b).

Xướng: Chúa trừng phạt, rồi lại tha thứ. Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay Chúa.

Xướng: Bởi vì thế, Chúa đã phân tán các ngươi giữa các dân tộc không nhìn biết Chúa, để các ngươi tường thuật các việc kỳ diệu của Người, để các ngươi làm cho họ biết rằng ngoài Người ra, không có Thiên Chúa toàn năng nào khác.

Xướng: Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những việc làm của các ngươi.

Xướng: Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội.

Xướng: Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với các ngươi.

Bài Ðọc I: (Năm II) Cn 30, 5-9

“Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ”.

Trích sách Châm Ngôn.

Mọi lời Thiên Chúa như luyện trong lửa, là thuẫn che chở kẻ nương tựa vào Người. Ngươi chớ thêm điều gì vào lời Chúa, kẻo ngươi bị trách cứ và bị coi là kẻ gian dối. Con xin Chúa hai điều này và xin đừng từ chối trước khi con chết: Xin hãy loại xa con sự giả trá và lời gian dối. Xin chớ để con ăn mày và cũng đừng để con giàu có: xin chỉ ban cho con ăn dùng vừa đủ: kẻo khi no đầy, con bị mê hoặc mà chối Chúa rằng: Chúa là ai? Hoặc vì túng thiếu con đi ăn trộm và làm ố danh Thiên Chúa của con.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 29. 72. 89. 101. 104. 163

Ðáp: Lời Chúa là đèn soi tỏ dưới bước chân con (c. 105a).

Xướng: Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con.

Xướng: Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.

Xướng: Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao.

Xướng: Con kiềm hãm con xa mọi điều gian ác, để giữ trọn những lời răn dạy của Ngài.

Xướng: Nhờ huấn lệnh Ngài con trở nên minh mẫn, bởi thế con ghét mọi đường lối gian tà.

Xướng: Con ghét và ghê tởm điều gian dối, con yêu chuộng luật pháp của Ngài.

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! – Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 1-6

“Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: “Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GIẢI THOÁT CON NGƯỜI CÁCH TOÀN DIỆN (Lc 9, 1-6)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP

Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn tất cả những gì đã loan báo trước đó, đồng thời, Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiếp bước để cùng Ngài ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

Để củng cố lời rao giảng, Đức Giêsu còn trao ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên ma quỷ và chữa lành các bệnh tật. Mặt khác, Đức Giêsu muốn các môn đệ thanh thoát, nhẹ nhàng, để chỉ chú tâm cho công cuộc loan báo Tin Mừng là việc chính yếu, Ngài đã truyền cho các ông: “Đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo”. Bên cạnh đó, Ngài còn hướng dẫn các ông về cung cách ứng xử khi thi hành sứ vụ: “Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”.

Như vậy, nếu nhìn cách tổng thể, chúng ta thấy chính Đức Giêsu và sau đó là lệnh truyền của Ngài cho các môn đệ, làm toát lên sự thao thức và ý định muốn giải phóng con người toàn diện cả xác lẫn hồn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hân hoan đón nhận sứ vụ như là một hồng ân, dẫu rằng chúng ta không xứng đáng! Mặt khác, luôn sống trong sự phó thác nơi Chúa và đừng quá lo lắng về cơm áo gạo tiền trong khi thi hành sứ vụ. Bởi vì chính Đấng sai ta cũng đã sống cảnh: “Con cáo có hang, con chồn có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Sự thanh thoát này giúp chúng ta không bị vướng bận vào những chuyện phụ thuộc nơi của cải vật chất, sự an tâm trần thế. Ngược lại, nhờ lối sống đơn giản, chúng ta được nâng đỡ tinh thần từ bỏ mình và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa cách tốt đẹp hơn. Đức Giêsu cũng không quên nhắc các môn sinh của mình là không được dùng những hình thức khống chế, quyền lực để phụ trợ cho sứ mạng, ngược lại hãy dùng tình thương và gương sáng, tôn trọng tự do và ước muốn của người thụ huấn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được thanh thoát và can đảm, tin tưởng và phó thác, vui mừng và hy vọng trong khi loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây