Trực tuyến: Thánh lễ Chúa Nhật, 30.8.2020

Thứ sáu - 28/08/2020 19:02 |   1683
Thánh Lễ trực tuyến:
- Lễ ngày thường vào lúc 5 giờ sáng
- Lễ Chúa Nhật vào lúc 5 giờ và 7 giờ sáng
TRỰC TUYẾN

THÁNH LỄ NGÀY 30.08.2020
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

 


 



 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXII Thường Niên - Năm A


Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khi bước theo Người phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Chính Chúa Giêsu đã nên mẫu gương cho chúng ta, khi Người đón lấy cây thập giá và biến nó thành nguồn yêu thương cứu độ. Vì vậy, chính trong mầu nhiệm thập giá, chúng ta biết đón nhận đau khổ với thái độ bình thản và hiến dâng. Vì thế, giờ đây hiệp với lễ tế trên bàn thờ, chúng ta cùng dâng lên Chúa Cha những hy sinh vất vả của đời ta.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: Gr 20, 7-9

"Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày. Tôi đã nói rằng: "Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao Chúa 

Xướng: Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước! 

Xướng: Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.

Xướng: Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con; con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ. 

Xướng: Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con.

Bài Ðọc II: Rm 12, 1-2

"Anh em hãy hiến thân làm của lễ sống động".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 21-27

"Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ ơn Chúa Thánh Thần thanh luyện và đổi mới tâm hồn, giờ đây chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, vì ơn cứu độ của mọi người và của chúng ta.

1. Giáo Hội được mời gọi loan báo Chúa Kitô giữa lòng thế giới ngày càng có nhiều người thờ ơ, lãnh đạm với Ngài. Xin cho Giáo Hội can đảm trước những khó khăn, thử thách, và trung tín với sứ mạng đã lãnh nhận.

2. Hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới, hòa bình vẫn còn bị đe dọa. Xin cho các nhà lãnh đạo các nước, sớm tìm ra các biện pháp giải quyết qua việc đối thoại một cách chân thành.     

3. Bên cạnh chúng ta còn rất nhiều người nghèo khổ. Xin cho họ nhận được sự trợ giúp huynh đệ nơi các môn đệ của Chúa Kitô.

4. Trong ngày của Chúa, mỗi người trong cộng đoàn chúng ta được mời gọi đến gặp gỡ Chúa. Xin cho đức tin, đức cậy, và đức mến của chúng ta được phát triển nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu.

Chủ tế: Lạy Cha là nguồn mạch mọi hồng ân, xin ban cho chúng con sức mạnh để có thể đáp trả lại lời mời gọi của Cha bằng tình yêu, đồng thời dõi bước theo Con Cha bằng việc nhẫn nại vác thánh giá mình mỗi ngày, và quảng đại hy sinh cho anh chị em mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm
 

ĐỪNG LÀ XA-TAN CỦA NHAU! (Mt 16,21-27)

 

“Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa.” (Mt 16,23)

Suy niệm: “Xa-tan là bậc thầy gây xao lãng. Hắn luôn hoạt động để giữ ta lệch xa con đường đi với Chúa” (J. Meyer). Khởi đầu sứ vụ, Đức Giê-su đã bị Xa-tan cám dỗ đừng chọn con đường thập giá để cứu độ nhân loại. Kết thức sứ vụ, Ngài lại bị cám dỗ, thách thức xuống khỏi thập giá. Còn trong bài Tin Mừng, cám dỗ không đến từ ma quỷ hay kẻ thù nghịch, mà từ một người thân tín là Phê-rô. Không lạ gì Phê-rô bị Thầy gọi là “Xa-tan,” vì ông cản trở con đường thập giá cứu độ của Thầy.

Mời Bạn: Đời ta cũng vậy thôi, lắm khi chính các người thân tìm cách đem ta ra khỏi con đường hy sinh, thập giá của Chúa vì sợ khổ, sợ nhọc cho ta. Họ đáng bị gọi là Xa-tan như Phê-rô. Thật đáng tiếc vì bao bậc cha mẹ mãi lo cho tương lai sự nghiệp con cái, nhưng lại chểnh mãng việc giáo dục đức tin, cản trở con cái đến với Chúa! “Lo lắng và lý luận là hai trong số các dụng cụ đắc lực nhất của Xa-tan. Hắn thúc dục ta khởi đầu bằng một ý tưởng tiêu cực, và rồi ngồi quan sát ta tự kết liễu chính mình” (J. Meyer). Bạn có thể rơi vào hai cái bẫy này của Xa-tan khi quá ưu tư lo lắng chuyện hưởng thụ cuộc sống, lý luận sai lầm về cùng đích cuộc đời. Bạn làm gì để tránh hai cái bẫy lợi hại này?

Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng giúp người thân, người lân cận gặp gỡ, tiếp xúc với Chúa, thay vì cản trở họ đến với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã toàn thắng mọi cám dỗ hành xử theo tinh thần thế tục. Xin cho con đừng vì yêu mến, tôn sùng cái tôi của mình, biến cái tôi ấy thành Xa-tan cản trở con trên đường cứu độ đi theo Chúa. Amen.

Mất và được
Sưu tầm

Ông Vincio, người Ý, 58 tuổi, là giáo sư môn toán. Hôm đó ngày 23.12.1993 đang trên đường đi thì chiếc xe hơi của ông bị nổ lốp. Ông xuống xe loay hoay thay bánh "sơ cua". Đúng lúc đó, có người tới giúp ông một tay. Khi gần ráp xong bánh xe, thì người đàn ông này kiếu từ phải đi. Ráp xong bánh xe, ông Vincio thu lại đồ nghề mới biết hộp đồ nghề của mình bị mất cắp một số đồ mắc tiền do người đàn ông "tốt bụng" kia lấy. Ông buồn thở dài, nhưng ông thấy một vé số rơi xuống đường có lẽ của tên ăn trộm. Ông lượm bỏ vào túi. Dịp xổ số đầu năm 1994, ông mang vé số đó ra dò thì may quá vé số trúng 50 triệu lire tiền Ý tức khoảng 60.000 đôla, ai mà chẳng thích. Nhưng lương tâm ông Vincio áy náy vì vé số này không phải của ông. Lòng ông dường như đeo một tấn đá nặng nề. Ông bỏ tiền đăng quảng cáo để tìm ra chủ nhân của tấm vé số đó. Nhiều người tham tới nhận là của mình. Nhưng chỉ vài câu hỏi, ông biết là kẻ tham lam. Ba tuần sau, tên trộm đồ sửa xe điện thoại tới nhận và tả lại mọi chi tiết. Ông Vincio mang 50 triệu lire tới trả cho chủ nhân. Tên trộm quá cảm động, xin lỗi ông Vincio và nói vì anh ta đang thất nghiệp lại nuôi 2 đứa con thơ nên buộc lòng phải lấy đồ sửa xe bán lấy tiền. Tên trộm hỏi tại sao ông Vincio không giữ lấy 50 triệu lire mà xài vì có ai biết gì đâu. Ông Vincio trả lời, lương tâm ông không cho phép. Ra về, ông Vincio cảm thấy nhẹ nhõm tâm hồn hơn bao giờ hết. Mất đồ sửa xe, nhưng được tiền nhiều, được tiền đó nhưng lại mất bình an tâm hồn. Cái vòng mất - được đó cứ luẩn quẩn xoay tròn. Cuối cùng ông Vincio chấp nhận mất số tiền để được bình an tâm hồn.

Phúc Âm hôm nay cũng nói tới cái Mất và cái Được. "Nếu ai dám mất mạng sống mình ở đời này vì Thầy thì sẽ được nó ở đời sau". Mất mạng sống tức từ bỏ mình vác thập giá theo Chúa - được đời sau tức được nước thiên đàng, được Thiên Chúa, được hạnh phúc muôn đời. Như vậy nếu so sánh chúng ta sẽ thấy mình mất những cái gì tạm thời để được những cái gì vĩnh cửu - mất những thú vui chóng qua để được hạnh phúc trường tồn, mất thân xác mục nát để được linh hồn bất tử, mất tội lỗi và hình phạt để được ân điển và phần thưởng, mất sự cắn rứt lương tâm để được bình an tâm hồn. Cái mất này so với cái được thì mất quá nhỏ nhoi, còn cái được thì bao la vô tận. Cái mất này là "tấm vé" vào Nước Trời. Nước Trời là thực tại không thể mua bằng quyền lực, tiền bạc, sống lâu, danh vọng, tài giỏi... Nước Trời chỉ có thể mua bằng việc dám mất mạng sống, dám từ bỏ mình.

Từ bỏ mình là khi chúng ta giữ 10 điều răn Chúa, là khi chúng ta yêu thương và tha thứ kẻ thù, là khi chúng ta chấp nhận cái nóng lạnh của thời tiết, là khi chúng ta chấp nhận những bệnh tật Chúa gởi đến, là khi chúng ta chu toàn bổn phận của cha mẹ hay con cái trong nhà, là khi chúng ta phục vụ những công tác của giáo xứ, là khi chúng ta dám bỏ giờ để thăm viếng bệnh nhân... Nói chung là khi chúng ta chấp nhận phải hy sinh hơn, phải vất vả hơn, phải thiệt thòi hơn.

Thiên Chúa không hứa hạnh phúc mau qua, Thiên Chúa không chiều chuộng để chúng ta hư đi. Nhưng Thiên Chúa nói thẳng và nói thật "Ai dám mất mạng sống thì người đó được lại". Mỗi người chỉ sống một đời, đời đó lại rất cá biệt không ai thay thế được, cho nên chúng ta đừng dại mang đời mình ra chơi trò may rủi. Vì được lời cả thế gian mà sau này mất thiên đàng thì chúng ta còn gì mà chuộc lại. Cái chắc ăn nhất là dám chọn cái "mất" tạm thời để nhận cái "được" thiên thu.

Chúa nhật 22 thường niên – năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 16, 21-27).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm".
 
Suy niệm
 
Con người là một tạo vật cao cả và đặc biệt nhất trong chương trình tạo dựng của Tạo Hóa. Trước hết, con người mang họa ảnh của Thượng Đế, thứ đến, trong con người có hơi thở là sự sống của Thượng Đế, bên cạnh đó, con người có sở hữu một khối óc rất thông minh gồm lý trí và ý chí. Nhờ lý trí và ý chí đó, con người có thể tự mình biết mình và tự mình thay đổi được mình. Chúa nhật 22 thường niên trở về, phụng vụ Lời Chúa mời chúng ta trở lại với chính con người của mình, để thấy được sự cao cả tuyệt vời của bản thân, đồng thời, cũng thấy được sự khốn nạn, sự yếu đuối của kiếp người, lắm lúc đã trở thành cớ vấp phạm cho bao người, đã làm cho cuộc sống thêm nhiều thăng trầm.
 
Khởi đầu phụng vụ Lời Chúa, chúng ta được nghe lời tự thuật của tiên tri Giêrêmia, một đại ngôn sứ, ông đã được Giavê chọn và trao cho sứ mạng loan báo những lời giáo huấn của Ngài cho dân Do-thái, đồng thời, qua cuộc đời tiên tri của ông, Giavê cũng gởi đến cho nhân loại thấy thảm kịch cuộc đời của con người như thế nào, vậy mà Giavê vẫn yêu thương, vẫn chấp nhận và vẫn chăm sóc từng ngày. Dù được chăm sóc và yêu thương, nhưng trong tâm trí của Giêrêmia vẫn có những phút giây nổi loạn, chống lại sự can thiệp của Giavê lên cuộc đời của ông: “Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”. Đã bao lần Giavê đã chinh phục ông, đã ở bên cạnh ông trong những hoàn cảnh đặc biệt, những lúc như thế, ông đã thực hiện những gì Ngài mong muốn, Ngài đã dẫn ông đi theo những lối nẻo của Ngài, bởi vậy, ông cảm thấy như bị dụ dỗ, bị dẫn đi trên những con đường xa lạ ông không mong đợi: “Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày”. Dù cuộc đời có như thế nào, Giêrêmia vẫn luôn thấy nơi Giavê có một hấp lực đặc biệt, chính hấp lực đó đã lôi kéo ông trở về với sứ mạng, với co người chứng nhân của Giavê trong hoàn cảnh lịch sử hiện tại. Con người là thế, dù được cộng tác với Giavê, nhưng vẫn nổi loạn, vẫn chống trả, thế nhưng, trong những phút giây đó, họ lại bị giằng co phải làm sao trở về với phận vụ của mình đang được giao phó.
 
Đứng trước những chọn lựa của cuộc sống, không thiếu những lúc con người đã chọn những lợi ích, những hạnh phúc hiện tại, và vô tình đánh mất những giá trị, những lợi ích và hạnh phúc vĩnh cửu. Thấy được thực trạng đó đang ẩn hiện giữa cộng đoàn giáo hội tại thành phố Roma, thánh Phaolô đã nhắn gởi họ, hãy thực thi những gì Thiên Chúa muốn, để họ được yêu thương, được chăm sóc, không chỉ hôm nay nhưng là mai sau trong cõi sống đời đời: “Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo”. Hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống hiện tại luôn là một nguyên cớ tác động trực tiếp vào cuộc sống các tín hữu Kito. Bởi thế, lời nhắc của thánh tông đồ dân ngoại là một lời mời, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh những ai sống lý tưởng kito theo kiểu trần thế, ắt họ sẽ không xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương và chúc lành.
 
Sau khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ có biết gì về dư luận khi Ngài xuất hiện, các môn đệ đã thưa với Ngài về tất cả những nhận định của dân chúng, sau đó, Ngài hỏi các ông có nhận xét gì khi Ngài hiện diện bên cạnh các ông, thánh Phêrô đã thay mặt anh em trả lời. Câu trả lời đó như là một lời mạc khải của Chúa Cha cho các ông biết về thân thế, con người của Thầy Chí Thánh, người đang sống bên cạnh các ông hàng ngày đó. Lời tuyên xưng đó là khởi đầu cho việc thiết lập Giáo hội. Đức Giêsu đã đặt ông Phêrô làm đầu Giáo hội và trao trọn quyền cho ông. Có thể nói đó là giây phút vinh quang nhất, thánh thiêng nhất và hạnh phúc nhất của con người, mà đại diện là Phêrô, được cộng tác với Đức Giêsu trong chương trình cứu độ của Chúa Cha. Phút giây được nâng lên như tới trời cao đó, làm cho Phêrô sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Tiếp sau đó là lời tiên báo của Thầy về những chặng đường tương lai, phải trải qua những đau khổ, án tù, đánh đập và giết chết. Làm sao Thầy là một Đấng đầy vinh quang lại chịu những đau khổ làm vậy, Thầy là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, sao phải đi con người khác thường như thế để về trời. Các môn đệ không thể nào hiểu nỗi nên đã can ngăn Ngài đi vào con đường như thế: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu". Đức Giêsu không chấp nhận lời can ngăn đó, hơn nữa, Ngài còn trách mắng các ông: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người". Trong một khoảng thời gia ngắn ngủi, Phêrô được nâng lên tận trời cao, rồi sau đó lại bị tống vào hỏa ngục vì không hiểu gì kế hoạch của Thiên Chúa. Có thể nói nơi con người Phêrô vừa có thiên đàng, vừa có hỏa ngục, hay nói cách khác là trong con người của ông ta vừa là Thiên Thần, vừa là Ma quỷ. Sự nghịch lý đó đã xảy ra nơi mỗi con người. Có những lúc suy nghĩ của con người thật thánh thiện, hành động của con người thật ý nghĩa, nhân văn, rồi đồng thời cũng trong con người đó, những suy nghĩ tiêu cực, thù ghét, căm giận và cả những trả thù vụn vặt nữa đã xuất hiện, cùng một con người, một tâm hồn, một suy nghĩ, nhưng có lúc là thánh thiện nhưng cũng có lúc là tội lỗi, là điên rồ. Cảm nhận đó cũng đã được thánh Phaolô trong lá thư gởi giáo đoàn Roma, thánh nhân đã nói: “sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm”. Trong con người, suy nghĩ của chúng ta mỗi ngày là thế, có những lúc chán nản, thất vọng trong mọi công việc, thì xuất hiện một động lực vô hình như muốn lôi kéo chúng ta ra khỏi tình trạng đó, hoàn cảnh đó, và giúp chúng ta thay đổi suy nghĩ, hành động của mình, cũng có những lúc mình đang hăng say làm việc, đang tận tụy phục vụ, chúng ta lại gặp những bất trắc, những hiểu lầm, làm chúng ta nhụt chí, tìm cách thoái thác, hay trốn tránh trách nhiệm. Điều này cũng không lạ lẫm gì bởi trong cuộc đời của các thánh cũng có những phút giây là thế.
 
Trong mỗi ơn gọi sống chúng ta cũng có những phút giây đối diện với thực tế đó. Có những lúc chúng ta tưởng như đang ôm trọn trong vòng tay mình gia đình, những người thân yêu, và cả tha nhân nữa, để yêu thương, để chăm sóc và để phục vụ, sẵn sàng hy sinh tất cả cho mọi người, rồi ngay sau đó, một luồng tư tưởng xuất hiện, tôi làm như thế để làm gì và bản thân sẽ được gì đây, thế là mọi chuyện lại đi vào vết xe đổ là bế tắc, là xa rời nhau, và có thể là hiểu lầm, chia rẽ và khinh miệt nhau. Trong cùng một con người chưa thể tìm được sự nhất thống, thì làm sao khi cộng tác với Chúa Thánh Thần, khi phục vụ, mỗi người có thể toàn tâm toàn ý để làm việc, để phục vụ, để hy sinh cách đúng nghĩa và vẹn toàn như lòng Chúa mong ước.
 
Để ra khỏi tình trạng đó, cần có những phút giây phản tỉnh chính mình. Mỗi người có thể đi vào sa mạc ngay trong cuộc sống, hay tìm những giây phút tĩnh lặng của linh thao, để truy tìm lại con người thật của mình, truy tìm những phút giây nào trong cuộc sống mà tôi là ác quỷ, đã gây bao đau khổ và thách đố cho tha nhân, đồng thời cũng tìm lại những phút giây mà tôi là một thiên thần thánh thiện, để có động lực mới giúp cân bằng đời sống tinh thần, đặc biệt là đời sống tâm linh, từ đây chất xúc tác của đời phục vụ sẽ được nhen nhóm trở lại với một tinh thần mới, một trái tim mới và một hành trình mới. Chỉ có nơi con người mới làm được điều đó, vì con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể của công việc truy tìm những phút giây nào là ác quỷ và lúc nào là thiên thần. Từ đó, sự cố gắng của bản thân cùng với ơn Chúa giúp trong từng công việc và mỗi hoàn cảnh, chúng ta thống nhất được con người của mình, để cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc chăm sóc vườn nho của Chúa Cha ngày càng thêm nhiều hoa thơm trái ngọt của tình yêu.
 
Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã làm người, đã sống kiếp con người như chúng con, Ngài đã thấu hiểu những bất toàn của con người, xin Ngài giúp chúng con biết lấy thánh ý Chúa Cha làm kim chỉ nam cho cuộc đời, để thống nhất con người và niềm tin của chúng con. Chúa đã có những phút giây giằng co giữa thánh ý Chúa Cha và mong muốn của con người, những trăn trở đó lắm lúc làm xa dần thánh ý Chúa Cha, xin cho mỗi người luôn biết cố gắng vượt qua những cám dỗ, những hấp lực của thế gian, để sống ơn gọi của mình cách vẹn toàn mỗi ngày. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

THẬP GIÁ: CON ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI
(Chúa Nhật XXII TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Mãi mãi thập giá vẫn là một chướng ngại khó vượt qua. Ngay đến cả Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, cũng đã vất vả ướt đẫm mồ hôi pha lẫn máu mới can đảm đón nhận thập giá, cho dù trước đó không dưới ba lần chính Người đã tiên báo, nghĩa là đã tiên liệu và đã có sự chuẩn bị. Thế mà lời khẳng định của Người, một lời khẳng định không thể làm giảm khinh bằng bất cứ lối giải thích nào, đó là: “Ai muốn đi theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

“Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện và Toàn Bích khôn lường. Theo ý định nhân hậu, Người đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc”. Giáo lý Hội Thánh Công giáo mở đầu bằng chân lý này và cũng là câu trả lời cho vấn nạn muôn thưở rằng ta sống ở đời này để làm gì. Kitô hữu vốn nằm lòng câu giáo lý của một thời: “Ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp cho ngày sau được hạnh phúc đời đời”. Như thế hạnh phúc đời đời hay sự sống vĩnh phúc chính là mục đích tối hậu của đời người. Khi sinh thời, để trả lời cho một chàng thanh niên đạo hạnh vốn đã giữ các giới răn từ thưở bé, muốn có sự sống đời đời, thì Chúa Giêsu nói rằng hãy về bán tất cả của cải, phân phát cho kẻ khó, rồi đến mà theo Người (x.Mt 19,16-22). Thế thì ta có thể khẳng định rằng theo Chúa Kitô là cách thế để có hạnh phúc vĩnh cửu. Hay nói ngược lại, muốn có hạnh phúc vĩnh cửu là phải theo Chúa Kitô. Và muốn theo Chúa Kitô là phải vác thập giá mình.

Theo Chúa Kitô là theo Con Đường Sự Thật, Sự Sống, và Tình Yêu. Nguyên chỉ với những thiện hảo chóng qua đời này cũng đòi hỏi phải trả giá. Tomas Edison, ông tổ phát minh bóng đèn điện đã khẳng định một tất yếu của cuộc sống: “một lần thành công là kết quả của chín mươi chín lần thất bại”. Để trung thành với sự thật và công bố sự thật, ngôn sứ Giêrêmia đã phải hứng chịu bao truân chuyên, khốn khó, và có khi, tưởng như sẽ bị mạng vong. Số phận các sứ ngôn khác và những người công chính cũng chẳng hơn gì (x.Mt 23,29-32). Để làm phát triển sự sống với hoa trái tốt xinh thì trước đó hạt giống phải chịu cảnh thối rữa đi (x.Ga 12,24). Để thực sự là yêu trong sự phục vụ người mình yêu đến cùng thì tất yếu phải bỏ mình, hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Những gì phải trả ở trên, đó chính là thập giá mà Chúa Kitô muốn đề cập.

Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng thập giá không phải là đối tượng mà chúng ta muốn cách trực tiếp. Đã nói đến thập giá là nói đến một sự dữ. Không ai được quyền và được phép tự mình trực tiếp tìm kiếm sự dữ. Thế thì chúng ta phải hiểu sao đây về việc phải vác thập giá? Không lẽ Chúa Kitô lại muốn chúng ta phải chịu khổ? Dĩ nhiên không ai dám to gan khẳng định điều này. Thập giá là một mầu nhiệm mà ta chỉ có thể hiểu được phần nào khi quy chiếu về thập giá của Chúa Kitô.

Lật giở các trang Tin Mừng, chúng ta cần chân nhận sự thật này: Chúa Kitô không bao giờ trực tiếp kiếm tìm thập giá. Điều mà Người luôn kiếm tìm đó là thánh ý Chúa Cha. Ngay phút giây nhập thể vào đời, tác giả thư Do Thái đã cảm nhận tâm ý của Ngôi Lời: “Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,5). Lễ vật hy sinh thì Chúa Cha không muốn và Chúa Cha cũng chẳng thích gì khi Con mình phải đổ máu. Điều Chúa Cha muốn là Chúa Con nhập thể, tìm cách bày tỏ cho nhân loại thấy tình yêu bao la vô bờ và hoàn toàn nhưng không của Người.

Thập giá chính là đối tượng trực tiếp mà giới lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ kiếm tìm để đặt trên vai người mà họ cho là “phản động”, xách động quần chúng đi ngược với tập truyền tiên tổ, dám phạm thượng, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa duy nhất… “Chẳng thà một người chết cho toàn dân được nhờ” (Ga 11,50), và bên cạnh đó, vị thế và quyền lợi của những bậc vị vọng như tư tế, biệt phái, luật sĩ cũng khỏi bị lung lay và sứt mẻ.

Thế mà Chúa Kitô vẫn không ngần ngại lên Giêrusalem để đón nhận khổ hình thập giá, không phải vì chính thập giá nhưng là để vâng phục Chúa Cha nhằm tìm cách bày tỏ cho nhân gian thấy tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vô điều kiện và đến cùng. Cho dù các ngươi có đặt thập giá trên vai ta, cho dù các ngươi có đâm thủng trái tim ta, cho dù các ngươi có giết chết ta cách nhục nhã, thì ta vẫn không hề bỏ các ngươi mà còn đứng về phía các ngươi để cầu bàu cho các ngươi (x.Lc 23,34). Chúa Kitô đón nhận thập giá không phải vì thập giá mà là để mình chứng rằng không có gì có thể ngăn cản được việc Người yêu thương chúng ta (x.Rm 8,38-39).

Như thế thập giá không phải là đích đến, mà chỉ là một cái giá cần phải trả, một thách đố, một chướng ngại cần vượt qua của hành trình yêu thương. Khi ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Giêrusalem, thực ra Phêrô có ý tốt với Thầy. Thế nhưng, ông đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời. Tưởng rằng Phêrô bị quở trách nhưng không phải ông mà chính là Satan bị quở trách. Satan lợi dụng ý tốt của Phêrô để cám dỗ Chúa Giêsu. Ma quỷ thật lắm tinh ranh. Chúng sử dụng cả những điều thiện hảo thường tình để cám dỗ ta đứng lại và không đạt đến sự thiện hảo cuối cùng.

Dẫu biết rằng chẳng có một sự thiện hảo nào mà không đòi phải trả giá nghĩa là đòi phải có sự nỗ lực, gắng công, thế nhưng thập giá vẫn mãi còn đó sự thách đố cho người tự nguyện sống đạo yêu thương, cho người can đảm làm chứng cho sự thật, cho người tích cực gìn giữ và làm phát triển sự sống. Nếu cứ chăm chăm dán mắt hay quy lòng vào sự khó khăn đầy nghiệt ngã của thập giá thì e rằng nhiều khi chân ta sẽ chùn bước. Ước gì Kitô hữu chúng ta trên đường theo Chúa Kitô biết ngước nhìn đến chân trời tươi sáng, nơi mà tình yêu, sự thật và sự sống hiển trị, thì sẽ có cơ may vượt qua các trở ngại cần phải vượt qua là thập giá, cho dù khó khăn, vất vả, đau thương vẫn có đó và mãi còn đó. Hiểu được sự thật này thì chúng ta không chỉ biết lắng nghe lời nhận định của Franklin: “Đường đến thành công không hề có bước chân của người ngại khó, sợ khổ”, mà còn cần phải xác tín rằng “đường đến Nước Trời sẽ chẳng hề có bước chân của người e ngại vác thập giá vì không quyết tìm hạnh phúc đích thực cho chính mình và tha nhân”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây