ĐTC Phanxicô Tông du Iraq

Thứ sáu - 05/03/2021 19:48 |   1326
Đức Thánh Cha khẳng định: Tòa Thánh không bao giờ mệt mỏi kêu gọi các nhà cầm quyền nhìn nhận, tôn trọng các quyền và bảo vệ các cộng đoàn tôn giáo.

Tông du Iraq
ĐTC gặp gỡ chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn



Trong buổi gặp gặp gỡ chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn của Iraq, đi từ thực trạng của Iraq, Đức Thánh Cha khẳng định: Tòa Thánh không bao giờ mệt mỏi kêu gọi các nhà cầm quyền nhìn nhận, tôn trọng các quyền và bảo vệ các cộng đoàn tôn giáo; Giáo hội Công giáo Iraq mong muốn được làm bạn với tất cả mọi người, và qua đối thoại, cộng tác xây dựng với các tôn giáo khác, vì mục tiêu hòa bình.


Sau cuộc hội kiến riêng với tổng thống Barham Salih và gia đình, lúc gần bốn giờ chiều, Đức Thánh Cha tiến sang phòng khánh tiết để gặp gỡ khoảng 150 nhân vật, gồm các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, đại diện các tầng lớp xã hội và văn hóa của Iraq.

Tổng thống Iraq chào mừng ĐTC

Trước hết, tổng thống Iraq thay mặt những người hiện diện có bài chào mừng Đức Thánh Cha. Ông Salih nói: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng tôi rất vui vì sự hiện diện của ngài ở đây với chúng tôi, tại Iraq, đất nước Lưỡng Hà, vùng đất của các ngôn sứ và các tôn giáo của trời cao. Chào mừng Đức Thánh Cha đã đến với Baghad, quê hương của hòa bình”.

Tiếp đến, tổng thống nói đến vai trò quan trọng của Đức Thánh Cha trong việc kêu gọi hòa bình, công bằng xã hội và giải quyết nghèo đói, cũng như những nỗ lực ủa Đức Thánh Cha trong việc khẳng định đối thoại, sự chung sống và tình huynh đệ nhân loại là điều thiết yếu. Theo tống thống, điều này tạo thành một thông điệp đầy cảm hứng cho mọi người, để sống có trách nhiệm đối với đời sống nhân loại.

Trong bài diễn văn chào mừng, ông Salih cũng nói đến tâm tình của người dân Iraq. Theo ông, dân tộc Iraq tự hào vì sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại đất nước này. Mặc dù những khó khăn do đại dịch, an ninh Đức Thánh Cha vẫn nhất quyết thực hiện chuyến viếng thăm. Điều này làm tăng giá trị của chuyến tông du lên gấp đôi.

Trong diễn văn đáp từ bài chào mừng của tổng thống, đầu tiên Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn vì chuyến tông du đến Iraq, một cuộc viếng thăm đã được mong đợi từ lâu. Ngài cám ơn tổng thống Iraq, ông Salih, các thành viên của ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội dân sự.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha gửi lời chào thân ái đến các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu của Giáo hội Công giáo. Ngài nói: “Tôi đến đây như một người hành hương để khích lệ chứng tá đức tin, niềm hy vọng và bác ái của các tín hữu giữa lòng xã hội Iraq”. Ngài cũng không quên chào thăm các thành viên các Giáo hội Kitô khác, các tín đồ Hồi giáo và đại diện các truyền thống tôn giáo khác.

Hoàn cảnh chuyến viếng thăm

Đức Thánh Cha nói về hoàn cảnh của chuyến tông du: “Cuộc viếng thăm của tôi diễn ra vào thời điểm cả thế giới đang cố gắng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của nhiều người, mà còn cả đến kinh tế và xã hội. Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi những nỗ lực chung của mỗi người để thực hiện nhiều bước cần thiết, trong đó có cả việc phân phối vắc xin công bằng cho mọi người. Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng này là một lời kêu gọi chúng ta ‘suy nghĩ lại lối sống và ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta’. Nghĩa là việc thoát ra khỏi giai đoạn thử thách này phải làm cho chúng ta trở nên tốt hơn trước đây, để cùng xây dựng tương lai dựa trên những gì đem lại sự hiệp nhất hơn là những gì gây chia rẽ giữa chúng ta”.

Từ hoàn cảnh chung của thế giới Đức Thánh Cha đề cập đến hoàn cảnh cụ thể của Iraq. Ngài nhận xét rằng, trong những thập kỷ qua, Iraq đã phải hứng chịu những thảm họa của chiến tranh, khủng bố và xung đột bè phái, thường dựa trên khuynh hướng cực đoan, không chấp nhận sự chung sống hòa bình của các nhóm dân tộc và tôn giáo, các ý tưởng và văn hóa khác. Tất cả những điều này đã mang đến sự hủy diệt, nhiều cái chết, những đống đố nát. Và không chỉ thiệt hại vật chất, thảm họa còn gây những vết thương sâu sắc trong tâm hồn mỗi người, cần thời gian dài để được chữa lành.

Theo Đức Thánh Cha, phải xem sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa và sắc tộc, vốn là điểm đặc trưng của xã hội Iraq trong nhiều thiên niên kỷ, là nguồn lực quý giá cần được kín múc, chứ không phải là một trở ngại cần phải loại bỏ. Iraq được kêu gọi cho mọi người, đặc biệt Trung Đông thấy rằng sự khác biệt, thay vì làm phát sinh xung đột, phải được hợp tác hài hòa trong đời sống dân sự.

Vai trò của Tòa Thánh tại Iraq

Từ những thực trạng này, Đức Thánh Cha nói đến vai trò của Tòa Thánh đối với Iraq. Ngài nói: “Chung sống huynh đệ cần phải đối thoại kiên nhẫn và chân thành, được công lý và pháp luật bảo vệ. Nhiệm vụ này không dễ dàng: nó đòi hỏi nỗ lực và dấn thân của các bên để vượt qua sự cạnh tranh và xung đột, đồng thời khi nói chuyện với nhau, phải khởi đi từ căn tính sâu sắc của chúng ta, là những người con của một Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Trên nền tảng nguyên tắc này, Tòa Thánh ở Iraq, cũng như ở các nơi khác, không bao giờ mệt mỏi kêu gọi các nhà cầm quyền nhìn nhận, tôn trọng các quyền và bảo vệ các cộng đoàn tôn giáo. Tôi đánh giá cao những nỗ lực đã được thực hiện theo hướng này và tôi muốn hiệp chung tiếng nói của tôi với mọi người nam nữ thiện chí để tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Một xã hội mang dấu ấn của sự hiệp nhất huynh đệ là một xã hội, trong đó các thành viên sống tình liên đới với nhau. Tình liên đới giúp chúng ta xem người khác là người thân cận, bạn đồng hành. Đó là một nhân đức giúp chúng ta thực hiện những cử chỉ chăm sóc và phục vụ cụ thể, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất. Tôi nghĩ đến những người, do bạo lực, bách hại và khủng bố, đã mất gia đình và những người thân yêu, nhà cửa và tài sản. Nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả những ai, trong khi thất nghiệp và nghèo đói gia tăng vẫn đang đấu tranh hàng ngày, tìm an ninh và phương tiện để tiến lên phía trước. Biết mình phải chịu trách nhiệm về những yếu đuối của người khác phải truyền cảm hứng cho chúng ta, nỗ lực tạo ra những cơ hội cụ thể cả trên bình diện kinh tế và trong lĩnh vực giáo dục, cũng như chăm sóc thụ tạo, ngôi nhà chung của chúng ta. Sau khủng hoảng, tái xây dựng vẫn chưa đủ, chúng ta phải làm sao để mọi người có cuộc sống xứng nhân phẩm. Người ta không thoát ra từ một cuộc khủng hoảng giống như trước: chỉ có thể tốt hơn hoặc tồi tệ hơn”.

Kêu gọi các nhà lãnh đạo thúc đẩy tinh thần liên đới huynh đệ

Từ điểm nay, Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao, thúc đẩy tinh thần liên đới huynh đệ này. Theo Đức Thánh Cha, cần phải giải quyết dứt điểm tệ nạn tham nhũng, lạm quyền và bất hợp pháp, nhưng vẫn chưa đủ. Đồng thời, cần xây dựng công lý, tăng cường tính trung thực, minh bạch và củng cố các thể chế chịu trách nhiệm về việc này. Bằng cách này, sự ổn định có thể phát triển và một chính sách lành mạnh có thể phát triển, có khả năng mang đến cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ - rất nhiều ở đất nước này - hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Như một người hành hương

Đức Thánh Cha bày tỏ tâm tình của ngài khi đến Iraq: “Tôi đến đây như một hối nhân cầu xin sự tha thứ từ Trời cao và từ các anh chị em, những người đã phải chịu đựng rất nhiều sự hủy hoại và tàn ác. Nhân danh Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, tôi đến đây như một người hành hương của hòa bình”.

Về điểm này, Đức Thánh Cha kêu gọi những người có trách nhiệm hãy ngưng sử dụng vũ khí, chấm dứt hành động vì lợi ích của thiểu số, của thành phần bên ngoài đất nước, những người không quan tâm đến người dân địa phương. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta hãy lên tiếng cho những người xây dựng hòa bình, cho những người bé nhỏ, người nghèo, những người muốn sống, làm việc và cầu nguyện trong bình an. Bạo lực, bè phái, bất khoang dung đã đủ! Hãy dành không gian cho tất cả công dân, những người muốn cùng nhau xây dựng đất nước này. Trong những năm gần đây, Iraq đã cố gắng đặt nền móng cho một xã hội dân chủ. Theo nghĩa này, điều cần thiết là đảm bảo sự tham gia của tất cả các nhóm chính trị, xã hội và tôn giáo và đảm bảo các quyền cơ bản của người dân”.

Vai trò của cộng đồng quốc tế

Hướng đến cộng đồng quốc tế, Đức Thánh Cha cho rằng, hòa bình ở vùng đất này và toàn Trung Đông cần phải có sự tham gia của cộng đồng quốc tế. Ngài cám ơn các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Iraq để tái thiết và hỗ trợ những người tị nạn, những người phải di cư nội địa và những người đang gặp khó khăn khi trở về nhà. Về điểm này, Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến các tổ chức có nhiều người Công giáo là thành viên. Theo ngài, trong nhiều năm, các tín hữu Công giáo đã tận tâm hỗ trợ các cộng đoàn dân sự. Việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của rất nhiều anh chị em là một hành động bác ái và công bằng, và góp phần vào hòa bình lâu dài.

Vai trò của Giáo hội Công giáo tại Iraq

Vấn đề cuối cùng được Đức Thánh Cha nói đến đó là vai trò của Giáo hội Công giáo tại quốc gia Iraq. Ngài nói: “Giáo hội Công giáo Iraq mong muốn được làm bạn với tất cả mọi người, và qua đối thoại, cộng tác xây dựng với các tôn giáo khác, vì mục tiêu hòa bình. Sự hiện diện lâu đời của các Kitô hữu ở vùng đất này và đóng góp của họ cho đời sống quốc gia tạo thành một di sản phong phú. Các Kitô hữu muốn có thể tiếp tục phục vụ tất cả mọi người. Khi các Kitô hữu tham gia vào đời sống công cộng, và có được mọi quyền, tự do và trách nhiệm như các công dân khác, sẽ chứng tỏ rằng sự đa nguyên tôn giáo, dân tộc và văn hóa có thể đóng góp vào sự thịnh vượng và hài hòa của quốc gia”.

Sau cuộc gặp gỡ chính quyền, vào lúc gần 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha đến Nhà thờ chính toà Công giáo Siri ‘Đức Mẹ Ơn Cứu Chuộc’ ở Baghdad, để gặp gỡ khoảng 100 người, gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh và giáo lý viên.

Ngọc Yến - Vatican News
 

Tông du Iraq: Gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên


Sau khi gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Tổng thống, ĐTC di chuyển bằng xe đến Nhà thờ chính toà Công giáo Siri ‘Đức Mẹ Ơn Cứu Chuộc’ cách đó 8km để gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên.

Nhà thờ chính toà Đức Mẹ Ơn Cứu Chuộc, với ngai toà của thượng phụ Công giáo Siri, là một trong những nhà thờ lớn nhất của thành phố Baghdad. Đây là mục tiêu của hai cuộc tấn công khủng bố do nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện. Một trong hai cuộc tấn công xảy ra vào ngày 31/10/2010 đã làm cho 48 người chết, trong đó có 2 linh mục và hơn 100 người bị thương.

Sau vụ tấn công, nhà thờ đã được tu sửa và một đài tưởng niệm được dựng lên để tưởng nhớ các nạn nhân. Hai linh mục bị giết được chôn trong hầm mộ của nhà thờ. Trước chiến tranh Iraq, khoảng 5.000 gia đình thường xuyên thăm viếng Nhà thờ Đức Mẹ Ơn Cứu Chuộc. Nhưng từ năm 2018, cả ba nhà thờ Công giáo Siri của Baghdad không được 1.000 gia đình thăm viếng.

Đức Thánh Cha đến nhà thờ và được Đức Thượng Phụ Ignace Youssif III Younan, Giáo Chủ Công Giáo Siri và Đức TGM Ephrem Yousif Abba đón tiếp. Tại tiền sảnh nhà thờ, ĐTC được đeo một vòng hoa, sau đó ngài chào và chúc lành cho 12 người khuyết tật và những người trợ giúp.

Đức Thánh Cha vào nhà thờ, tiến lên cung thánh, giữa tiếng nhạc, để gặp gỡ các các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên.

Trước hết, Đức Thượng phụ Công giáo Siri và ĐHY chủ tịch HĐGM Iraq đã có lời chào Đức Thánh Cha. Đức Thượng phụ Younan đã cảm ơn Đức Thánh Cha đã đến thăm Iraq như một người cha, một sứ giả của bình an và tình huynh đệ. Đức Thượng phụ Louis Raffaele Sako, chủ tịch hội đồng giáo giám mục Công giáo Iraq, cảm ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm đầy can đảm này để củng cố đức tin cho các Kitô hữu và liên đới với họ trong việc cùng chung sống với các tín đồ Hồi giáo như anh chị em. Đức Hồng Y cũng nói đến việc các Kitô hữu tại Iraq là thiểu số nhưng sống động và chủ động góp phần xây dựng và phát triển đất nước Iraq.

Trong diễn văn đáp lời, Đức Thánh Cha cảm ơn Chúa Quan Phòng đã cho “chúng ta quy tụ nhau nơi đây tại thánh đường Đức Mẹ Ơn Cứu Chuộc, ngôi thánh đường được chúc phúc bởi máu mà các anh chị em chúng ta đã phải trả cái giá tột cùng cho lòng trung tín của họ vào Thiên Chúa và Giáo Hội. Ước gì việc tưởng nhớ đến sự hy sinh của họ thúc đẩy chúng ta làm mới lại niềm tin của chúng ta vào sức mạnh của Thập giá và thông điệp cứu độ của sự tha thứ, hoà giải và tái sinh.”

Văn Yên, SJ - Vatican News

 

 
 

Tông du Iraq: Diễn văn (1) trước chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn


Sau cuộc hội kiến riêng với tổng thống Barham Salih và gia đình, lúc gần bốn giờ chiều, Đức Thánh Cha tiến sang phòng khánh tiết để gặp gỡ khoảng 150 nhân vật, gồm các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, đại diện các tầng lớp xã hội và văn hóa của Iraq.
 


ĐTC gặp gỡ chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn
Tại Baghdad, Phủ Tổng thống

Thứ sáu 05/3/2021

Thưa Tổng thống,
Các thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
các nhà chức trách,
Các đại diện xã hội dân sự,
Quý bà và quý ông!

Tôi biết ơn vì có dịp thực hiện chuyến tông du đến Iraq, một cuộc viếng thăm đã được mong đợi từ lâu. Vùng đất này là chiếc nôi của nền văn minh liên kết chặt chẽ, qua Tổ phụ Abraham và nhiều vị ngôn sứ, với lịch sử ơn cứu độ và các truyền thống tôn giáo lớn của Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đến tổng thống Salih về lời mời và chào mừng của ngài và thay mặt các thành viên của chính phủ và dân tộc yêu quý của ngài dành cho tôi. Tôi cũng chào các thành viên của ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội dân sự.

Tôi gửi lời chào thân ái đến các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu của Giáo hội Công giáo. Tôi đến đây như một người hành hương để khích lệ chứng tá đức tin, niềm hy vọng và bác ái của các tín hữu giữa lòng xã hội Iraq. Tôi cũng chào thăm các thành viên các Giáo hội Kitô khác, các tín đồ Hồi giáo và đại diện các truyền thống tôn giáo khác. Xin Chúa cho phép chúng ta cùng nhau bước đi, như những anh chị em, trong “niềm tin mạnh mẽ rằng những lời dạy thực sự của các tôn giáo mời gọi chúng ta tiếp tục gắn với các giá trị của hòa bình, […] của sự hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ nhân loại và sự chung sống”. (Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại, Abu Dhabi, 4/02/2019)

Cuộc viếng thăm của tôi diễn ra vào thời điểm cả thế giới đang cố gắng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của nhiều người, mà còn cả đến kinh tế và xã hội. Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi những nỗ lực chung của mỗi người để thực hiện nhiều bước cần thiết, trong đó có cả việc phân phối vắc xin công bằng cho mọi người. Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng này là một lời kêu gọi chúng ta ‘suy nghĩ lại lối sống và ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta’( Fratelli tutti, 33). Nghĩa là việc thoát ra khỏi giai đoạn thử thách này phải làm cho chúng ta trở nên tốt hơn trước đây, để cùng xây dựng tương lai dựa trên những gì đem lại sự hiệp nhất hơn là những gì gây chia rẽ giữa chúng ta.

Trong những thập kỷ qua, Iraq đã phải hứng chịu những thảm họa của chiến tranh, khủng bố và xung đột bè phái, thường dựa trên khuynh hướng cực đoan, không chấp nhận sự chung sống hòa bình của các nhóm dân tộc và tôn giáo, các  ý tưởng và văn hóa khác. Tất cả những điều này đã mang đến sự hủy diệt, nhiều cái chết, những đống đố nát. Và không chỉ thiệt hại vật chất, thảm họa còn gây những vết thương sâu sắc trong tâm hồn mỗi người, cần thời gian dài để được chữa lành. Và ở đây, trong số những người đã chịu đau khổ, tôi không thể không nhắc đến người Yazidi, những nạn nhân vô tội của sự vô nhân đạo, bị bách hại và giết chết vì lý do tôn giáo. Căn tính và sự sống còn của họ đang bị đe dọa. Vì lẽ đó, chỉ khi chúng ta có thể nhìn vào nhau, với sự khác biệt của chúng ta, như những thành viên của một gia đình nhân loại, chúng ta mới có thể bắt đầu một quá trình tái thiết hiệu quả và để lại cho thế hệ tương lai một thế giới tốt đẹp, công bằng và nhân văn hơn. Về mặt này, sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa và sắc tộc, vốn là điểm đặc trưng của xã hội Iraq trong nhiều thiên niên kỷ, là nguồn lực quý giá cần được kín múc, chứ không phải là một trở ngại cần phải loại bỏ. Iraq được kêu gọi chỉ cho mọi người, đặc biệt Trung Đông thấy rằng sự khác biệt, thay vì làm phát sinh xung đột, phải được hợp tác hài hòa trong đời sống dân sự.

Chung sống huynh đệ cần phải đối thoại kiên nhẫn và chân thành, được công lý và pháp luật bảo vệ. Nhiệm vụ này không dễ dàng: nó đòi hỏi nỗ lực và dấn thân của các bên để vượt qua sự cạnh tranh và xung đột, đồng thời khi nói chuyện với nhau, phải khởi đi từ căn tính sâu sắc của chúng ta, là những người con của một Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Trên nền tảng nguyên tắc này, Tòa Thánh ở Iraq, cũng như ở các nơi khác, không bao giờ mệt mỏi kêu gọi các nhà cầm quyền nhìn nhận, tôn trọng các quyền và bảo vệ các cộng đoàn tôn giáo. Tôi đánh giá cao những nỗ lực đã được thực hiện theo hướng này và tôi muốn hiệp chung tiếng nói của tôi với mọi người nam nữ thiện chí để tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước.

Một xã hội mang dấu ấn của sự hiệp nhất huynh đệ là một xã hội, trong đó các thành viên sống tình liên đới với nhau. “Tình liên đới giúp chúng ta xem người khác […] là người thân cận, bạn đồng hành” (Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54 01/01/2021). Đó là một nhân đức giúp chúng ta thực hiện những cử chỉ chăm sóc và phục vụ cụ thể, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất. Tôi nghĩ đến những người, do bạo lực, bách hại và khủng bố, đã mất gia đình và những người thân yêu, nhà cửa và tài sản. Nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả những ai, trong khi thất nghiệp và nghèo đói gia tăng vẫn đang đấu tranh hàng ngày, tìm an ninh và phương tiện để tiến lên phía trước. “Biết mình phải chịu trách nhiệm về những yếu đuối của người khác” (Fratelli tutti, 115) phải truyền cảm hứng cho chúng ta, nỗ lực tạo ra những cơ hội cụ thể cả trên bình diện kinh tế và trong lĩnh vực giáo dục, cũng như chăm sóc thụ tạo, ngôi nhà chung của chúng ta. Sau khủng hoảng, tái xây dựng vẫn chưa đủ, chúng ta phải làm sao để mọi người có cuộc sống xứng nhân phẩm. Người ta không thoát ra từ một cuộc khủng hoảng giống như trước: chỉ có thể tốt hơn hoặc tồi tệ hơn.

Là các nhà lãnh đạo chính trị và ngoại giao, quý vị được kêu gọi thúc đẩy tinh thần liên đới huynh đệ này. Cần phải giải quyết dứt điểm tệ nạn tham nhũng, lạm quyền và bất hợp pháp, nhưng vẫn chưa đủ. Đồng thời, cần xây dựng công lý, tăng cường tính trung thực, minh bạch và củng cố các thể chế chịu trách nhiệm về việc này. Bằng cách này, sự ổn định có thể phát triển và một chính sách lành mạnh có thể phát triển, có khả năng mang đến cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ - rất đông đảo ở đất nước này - hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Thưa Tổng thống, thưa quý vị! Tôi đến đây như một hối nhân cầu xin sự tha thứ từ Trời cao và từ các anh chị em, những người đã phải chịu đựng rất nhiều sự hủy hoại và tàn ác. Nhân danh Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, tôi đến đây như một người hành hương của hòa bình. Trong nhiều năm chúng ta đã cầu nguyện nhiều cho hòa bình ở Iraq! Thánh Gioan Phaolô II đã không ngừng đưa ra các sáng kiến, và trên hết đã dâng những lời cầu nguyện và đau khổ vì điều này. Thiên Chúa luôn lắng nghe! Phần chúng ta, chúng ta cũng phải lắng nghe Thiên Chúa, bước theo đường lối Người. Hãy ngưng sử dụng và phổ biến vũ khí tại đây và ở mọi nơi! Hãy chấm dứt hành động vì lợi ích của thiểu số, của thành phần bên ngoài đất nước, những người không quan tâm đến người dân địa phương. Chúng ta hãy lên tiếng cho những người xây dựng hòa bình, cho những người bé nhỏ, người nghèo, những người muốn sống, làm việc và cầu nguyện trong bình an. Bạo lực, bè phái, bất khoang dung đã đủ! Hãy dành không gian cho tất cả công dân, những người muốn cùng nhau xây dựng đất nước này. Trong những năm gần đây, Iraq đã cố gắng đặt nền móng cho một xã hội dân chủ. Theo nghĩa này, điều cần thiết là đảm bảo sự tham gia của tất cả các nhóm chính trị, xã hội và tôn giáo và đảm bảo các quyền cơ bản của người dân. Không ai bị coi là công dân hạng hai. Tôi khuyến khích các bước đã được thực hiện, và hy vọng rằng chúng củng cố sự thanh bình và hòa hợp.

Cộng đồng quốc tế cũng có vai trò quyết định trong việc thúc đầy hòa bình ở vùng đất này và toàn Trung Đông. Như chúng ta đã thấy trong cuộc xung đột kéo dài ở nước láng giềng Syria, từ khi bắt đầu cho đến nay đã 10 năm, những thách đố ngày càng gia tăng đối toàn thể gia đình nhân loại. Những thách đố này đòi hỏi một sự hợp tác toàn cầu để đối phó với những bất bình đẳng kinh tế và căng thẳng khu vực, đang đe dọa sự ổn định của vùng đất này. Tôi cám ơn các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Iraq để tái thiết và hỗ trợ những người tị nạn, những người phải di cư nội địa và những người đang gặp khó khăn khi trở về nhà; cũng như các chương trình hướng tới hòa giải và xây dựng hòa bình. Và ở đây, tôi không thể không nói đến các  tổ chức có nhiều người Công giáo là thành viên. Trong nhiều năm, các tín hữu Công giáo đã tận tâm hỗ trợ các cộng đoàn dân sự. Việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của rất nhiều anh chị em là một hành động bác ái và công bằng, và góp phần vào hòa bình lâu dài. Tôi hy vọng các quốc gia không rút lại vòng tay mở rộng tình bạn và cam kết xây dựng dành cho dân tộc Iraq, nhưng tiếp tục làm việc trong tinh thần trách nhiệm chung với chính quyền địa phương, không áp đặt lợi ích chính trị hay ý thức hệ.

Tự bản chất, tôn giáo phải phục vụ hòa bình và tình huynh đệ. Danh Chúa không thể được sử dụng để “biện minh cho những hành động giết chóc, lưu đày, khủng bố và áp bức” (Tài liệu về Tình huynh đệ Nhân loại, Abu Dhabi, 04/02/2019). Trái lại, Thiên Chúa đã tạo dựng con người bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi, kêu gọi chúng ta lan tỏa tình yêu, lòng nhân từ, sự hòa hợp. Giáo hội Công giáo Iraq cũng mong muốn được làm bạn với tất cả mọi người, và qua đối thoại, cộng tác xây dựng với các tôn giáo khác, vì mục tiêu hòa bình. Sự hiện diện lâu đời của các Kitô hữu ở vùng đất này và đóng góp của họ cho đời sống quốc gia tạo thành một di sản phong phú. Các Kitô hữu muốn có thể tiếp tục phục vụ tất cả mọi người. Khi các Kitô hữu tham gia vào đời sống công cộng, và có được mọi quyền, tự do và trách nhiệm như các công dân khác, sẽ chứng tỏ rằng sự đa nguyên tôn giáo, dân tộc và văn hóa có thể đóng góp vào sự thịnh vượng và hài hòa của quốc gia.

Quý vị thân mến, tôi muốn một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với tất cả những gì quý vị đã làm và tiếp tục làm để xây dựng một xã hội dựa trên tình liên đới, tình huynh đệ và hòa hợp. Phục vụ công ích của quý vị là một công việc cao cả. Tôi cầu xin Đấng Toàn Năng nâng đỡ quý vị trong trách nhiệm và hướng dẫn tất cả quý vị trên con đường của sự khôn ngoan, công lý và sự thật. Với mỗi người, gia đình và những người thân yêu của quý vị, và toàn thể người dân Iraq, tôi cầu khẩn phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên quý vị. Xin cảm ơn!
 

Tông du Iraq: Diễn văn (2) trước các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên


Sau khi gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Tổng thống, ĐTC di chuyển bằng xe đến Nhà thờ chính toà Công giáo Siri ‘Đức Mẹ Ơn Cứu Chuộc’ cách đó 8km để gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên.


Diễn văn của ĐTC Phanxicô
trong buổi tiếp kiến với các Giám Mục, Linh Mục,
Tu Sĩ, Chủng Sinh và Giáo Lý Viên

Baghdad, 5/3/2021

Quý Hồng Y, Thượng Phụ Giáo Chủ, Giám Mục quý mến,
Các Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ và anh chị em thân mến!

Tôi nồng nhiệt ôm chào tất cả trong tình huynh đệ. Tôi tạ ơn Chúa đã quan phòng để chúng ta có thể gặp nhau hôm nay. Tôi xin cảm ơn Thượng Phụ Giáo Chủ Ignace Youssif Younan và Hồng Y Louis Sako qua diễn văn chào mừng. Chúng ta quy tụ nhau nơi đây tại thánh đường Đức Mẹ Ơn Cứu Chuộc, ngôi thánh đường được chúc phúc bởi máu mà các anh chị em chúng ta đã phải trả cái giá tột cùng cho lòng trung tín của họ vào Thiên Chúa và Giáo Hội. Ước gì việc tưởng nhớ đến sự hy sinh của họ thúc đẩy chúng ta làm mới lại niềm tin của chúng ta vào sức mạnh của Thập giá và thông điệp cứu độ của sự tha thứ, hoà giải và tái sinh. Thực vậy, người Ki-tô hữu ở mọi nơi và mọi thời đều được mời gọi làm chứng cho tình yêu của Đức Ki-tô. Đây là Tin Mừng để loan báo và để hiện thực hoá trên đất nước thân yêu này.

Như các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ, Giáo lý viên và giáo dân có trách nhiệm, tất cả cùng chia sẻ vui, buồn, hy vọng và sầu khổ của người tin vào Đức Ki-tô. Nhu cầu của dân Chúa và những thách đố mục vụ mà anh chị em đang đương đầu mỗi ngày, nay lại trầm trọng thêm bởi dịch bệnh. Tuy vậy, nhiệt thành tông đồ của chúng ta không bao giờ bị ngăn trở hay suy giảm, lòng nhiệt thành mà anh chị em kín múc được từ cội rễ của sự hiện diện không ngừng nghỉ của Giáo Hội trên vùng đất này từ thuở ban đầu (trích ĐTC Biển Đức XVI, Tông huấn hậu Thượng hội đồng, Ecclesia in Medio Oriente (Giáo Hội vùng Trung Đông), 5). Tất cả chúng ta đều biết rằng thật dễ bị nhiễm virus nhát đảm mà đôi khi lan truyền trong chúng ta. Do vậy, Thiên Chúa đã trao tặng chúng ta vắc-xin hiệu quả chống lại loại virus này, đó là niềm hy vọng. Niềm hy vọng khởi đi từ lời cầu nguyện liên lỉ và từ sự trung tín hàng ngày trong sứ mạng tông đồ của chúng ta. Với vắc-xin này, chúng ta có thể tiến tới với nguồn năng lượng luôn mới để chia sẻ niềm vui Tin Mừng như các nhà thừa sai và là dấu chỉ sống động của sự hiện hữu Nước Trời, Vương quốc của sự thánh thiện, công lý và hoà bình.

Thế giới xung quanh chúng ta đang cần lắng nghe thông điệp này biết chừng nào! Chúng ta không bao giờ quên rằng Đức Ki-tô được loan báo ngang qua chứng từ là đời sống được biến đổi nhờ niềm vui Tin Mừng. Như chúng ta thấy trong lịch sử Giáo Hội nơi vùng đất này, niềm tin sống động vào Đức Giê-su đã được “lây lan” và có thể biến đổi thế giới. Gương chứng nhân của các thánh chỉ ra rằng theo Chúa “không chỉ là điều đúng đắn và chính đáng, mà còn tuyệt đẹp, có khả năng đong đầy đời sống với niềm hứng khởi và niềm vui sâu xa, ngay cả trong những thử thách” (trích Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Tin Mừng), 167).

Những thử thách là một phần trong kinh nghiệm thường ngày của tín hữu Iraq. Trong thập kỷ này, anh chị em và đồng hương của anh chị em đã phải đương đầu với hậu quả chiến tranh và bách hại, sự bấp bênh của cơ sở hạ tầng và cuộc chiến an sinh kéo dài khiến nhiều người phải di cư đến các nơi khác trên thế giới, trong số đó bao gồm cả các Ki-tô hữu. Tôi tri ân anh em, quý Giám mục và Linh mục, đã luôn ở gần đàn chiên, nâng đỡ họ và nỗ lực đáp ứng các nhu cầu của dân chúng và giúp đỡ họ đóng góp phần mình vào công ích. Sứ mạng giáo dục và từ thiện nơi Giáo hội của anh em thể hiện một nguồn lực quý báu cho cả đời sống cộng đoàn lẫn toàn thể xã hội. Tôi khuyến khích anh em kiên định trong nỗ lực này hầu đảm bảo rằng cộng đoàn tín hữu Iraq, dù rằng nhỏ như hạt cải (x. Mt 13, 31-32), tiếp tục làm phong phú cho đất nước trên đường phát triển.

Tình yêu của Đức Ki-tô đòi buộc chúng ta gạt sang một bên tất cả những biểu hiện của chủ nghĩa ích kỷ và sư ganh đua, nhưng thúc đẩy chúng ta đến sự hiệp nhất phổ quát và mời gọi chúng ta xây dựng cộng đoàn huynh đệ nơi tiếp nhận và chăm sóc lẫn nhau (x. Thông điệp Fratelli tutti (Tất cả là anh em), 95-96). Tôi nghĩ đến hình ảnh quen thuộc của tấm thảm. Các Giáo hội khác nhau hiện diện ở Iraq, mỗi giáo hội với kho tàng của mình về lịch sử, phụng vụ và linh đạo, như những sợi chỉ màu, một khi được đan xen với nhau, tạo nên một tấm thảm tuyệt đẹp, không chỉ là biểu hiện của tình huynh đệ, mà còn hướng đến nguồn cội của mình. Bởi chính Thiên Chúa là người nghệ sĩ đã nghĩ ra tấm thảm này, Ngài thêu dệt với lòng kiên nhẫn, hàn gắn với sự tận tâm, và mong muốn rằng chúng ta liên kết mật thiết với nhau như con cái của Ngài. Ước gì chúng ta luôn tâm niệm lời của thánh Inhaxiô thành Antiochia: “Không có gì nơi anh chị em có thể chi rẽ anh chị em, […] mà chỉ có duy nhất một lời cầu nguyện, một thần khí, một niềm hy vọng trong tình yêu và trong niềm hoan lạc” (Ad Magnesios (Thư gửi tín hữu Magnesia), 6-7). Chứng từ này quan trọng dường nào cho sự hiệp nhất huynh đệ trong thế giới thường bị phân mảnh và xâu xé bởi chia rẽ! Mọi nỗ lực xây dựng nhịp cầu giữa cộng đoàn và tổ chức tôn giáo, giữa giáo xứ và giáo phận đều là dấu chỉ ngôn sứ của Giáo hội Iraq và là câu trả lời được chúc phúc nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giê-su hầu cho tất cả nên một (x. Ga 17, 21; Ecclesia in Medio Oriente, 37).

Mục tử và giáo dân, linh mục, tu sĩ và giáo lý viên chia sẻ với nhau, dù với cách thức khác nhau, trách nhiệm chu toàn sứ mạng của Giáo hội. Đôi khi xảy ra những bất đồng và thậm chí căng thẳng, đó là những nút thắt làm cản trở tiến trình thêu dệt tình huynh đệ. Là những nút thắt bên trong chúng ta, bởi tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tuy vậy, những nút thắt đó có thể được tháo cởi nhờ Ân sủng, nhờ một tình yêu lớn hơn cả; có thể được nới lỏng nhờ sự tha thứ và đối thoại huynh đệ, biết chịu đựng lẫn nhau với lòng kiên nhẫn (x. Gal 6, 2) và nâng đỡ nhau trong buổi cơ hàn.

Lúc này đây, tôi muốn ngỏ một lời đặc biệt với chư huynh Giám mục của tôi. Tôi thích suy tư về sứ mạng giám mục của chúng ta với ngôn từ bình dân: đó là chúng ta cần ở với Chúa trong cầu nguyện, hiện diện với các tín hữu được trao cho chúng ta săn sóc và hiện diện với các Linh mục. Anh em hãy quan tâm đặc biệt đến các Linh mục. Ước gì họ không nhìn anh em như những vị quản lý, mà như người cha, người luôn lo liệu để các con được an mạnh, sẵn sàng nâng đỡ và khích lệ họ với con tim rộng mở. Anh em hãy đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện của anh em, với thời gian và sự kiên nhẫn của anh em, trân trọng nỗ lực của họ và hướng dẫn họ thăng tiến. Bằng cách này, đối với các Linh mục, anh em trở thành dấu chỉ hữu hình của Chúa Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình và hy sinh tính mạng mình vì đàn chiên (x. Ga 10, 14-15).

Quý linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và chủng sinh thân mến, anh chị em đang chuẩn bị bản thân cho sứ vụ tương lai. Tất cả anh chị em đã nghe tiếng gọi của Chúa nơi con tim mình và như cậu Samuen, anh chị em đã thưa: “Dạ, con đây” (1 Sam 3, 4). Lời đáp trả này, mà anh chị em được mời gọi làm mới mỗi ngày, hướng dẫn mỗi người đến việc chia sẻ Tin Mừng với lòng nhiệt thành và can đảm, sống và bước đi dưới anh sáng Lời Chúa, đó là quà tặng và chúng ta có nhiệm vụ phải loan báo. Chúng ta hiểu rằng sứ mạng của chúng ta mang cả chiều kích quản trị, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta dành hết thời gian để hội họp và ngồi ở bàn giấy. Điều quan trọng là ra khỏi nhà và đến giữa đàn chiên, hiện diện và đồng hành với họ, nơi thành thị cũng như thôn quê. Tôi nghĩ đến những người có nguy cơ bị bỏ lại đàng sau, những bạn trẻ, người già, đau yếu và nghèo khổ. Khi chúng ta phục vụ tha nhân với lòng quảng đại, như anh chị em đang làm, với tinh thần thương cảm, khiêm tốn, tốt bụng, bác ái, đó là chúng ta đang thực sự phục vụ Đức Giê-su, như  chính Người đã nói (x. Mt 25, 40). Khi phục vụ Đức Giê-su nơi tha nhân, chúng ta khám phá ra niềm vui đích thực. Anh chị em đừng rời xa khỏi dân thánh Chúa, chính nơi đó anh chị em được sinh ra. Anh chị em đừng quên những người mẹ và bà của mình, những người đã cho anh chị em “bú mớm” trong đức tin, như thánh Phao-lô diễn tả (x. 2 Tm 1, 5). Anh em là mục tử, là người phục vụ dân Chúa chứ không phải quan chức chính phủ, giáo sĩ quốc doanh. Anh em hãy luôn ở giữa dân Chúa, đừng bao giờ tách mình ra như thể một tầng lớp ưu tiên. Anh em đừng từ chối “dòng dõi” quý tộc này, đó là dân thánh của Thiên Chúa.

Giờ đây, tôi muốn tưởng nhớ đến anh chị em của chúng ta đã thiệt mạng nơi thánh đường này trong vụ khủng bố cách đây 10 năm, những anh chị em mà án phong chân phước cho họ đang được tiến hành. Cái chết của họ nhắc nhớ chúng ta rằng sự dấn thân vào chiến tranh, thái độ thù ghét, bạo lục và đổ máu không bao giờ tương hợp với giáo huấn tôn giáo (x. Fratelli tutti, 285). Tôi tưởng nhớ đến tất cả các nạn nhân của bạo lực và bách hại thuộc bất cứ cộng đoàn tín ngưỡng nào. Ngày mai, tại Ur, tôi sẽ gặp gỡ các vị Thủ lãnh các truyền thống tôn giáo hiện diện trên đất nước này để khẳng định một lần nữa niềm xác tín của chúng ta rằng tôn giáo phải phục vụ hoà bình và hoà hợp giữa các con cái của Chúa. Hôm nay, tôi tri ân anh chị em bởi những nỗ lực kiến tạo hoà bình, trong cộng đoàn của mình và với các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Anh chị em đang gieo rắc hạt giống hoà giải và chung sống huynh đệ hầu hướng đến một hy vọng mới cho tất cả mọi người.

Tôi quan tâm cách đặc biệt đến người trẻ. Ở khắp nơi, họ là những chứng nhân của kỳ vọng và hy vọng, nhất là cho đất nước này. Thực vậy, nơi đây không chỉ có kho tàng khảo cổ vô giá, mà còn là một tương lai trù phú vô biên, đó là người trẻ! Họ là kho tàng và cần được chăm sóc, củng cố những giấc mơ, đồng hành với họ trên bước đường đời và gia tăng nơi họ niềm hy vọng. Trong thực tế, dù họ còn trẻ, nhưng đã bị thử thách lòng kiên nhẫn bởi xung đột trong những năm qua. Chúng ta hãy nhớ rằng, họ, cùng với người già, là đỉnh chóp kim cương của đất nước, là hoa thơm trái ngọt mà chúng ta có nhiệm vụ canh tác cẩn thận và chăm tưới với niềm hy vọng.

Anh chị em thân mến, ngang qua Bí tích rửa tội và Thêm sức, ngang qua Bí tích truyền chức hay tuyên khấn, anh chị em được thánh hiến cho Thiên Chúa và được sai đi làm môn đệ trên đất nước này, nơi có liên hệ mật thiết với lịch sử ơn cứu độ. Anh chị em là một phần của lịch sử ấy, là chứng nhân trung thành cho lời hứa của Thiên Chúa, lời hứa không bao giờ vơi đi, và đang nỗ lực xây dựng tương lai mới. Chứng từ của anh chị em, trưởng thành trong nghịch cảnh và được củng cố nhờ màu của các vị tử đạo, trở thành ánh sáng soi chiếu đất nước Iraq và vùng lân cận, hầu loan báo sự vĩ đại của Thiên Chúa và khơi lên niềm vui cho dân tộc trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta (x. Lc 1, 46-47).

Một lần nữa, tôi tri ân Chúa đã cho chúng ta cơ hội gặp nhau. Xin Mẹ ơn Cứu Chuộc và Thánh Tông đồ Tô-ma chuyển cầu và bảo vệ anh chị em luôn mãi. Tôi chúc lành cho từng người và cộng đoàn của anh chị em. Và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn anh chị em!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây