Công đồng đầu tiên của Giáo hội Trung Quốc

Thứ ba - 21/05/2024 08:39 | Tác giả bài viết: Vatican News |   199
Ngày 21/5, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video tới Hội nghị tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana kỷ niệm 100 năm Công đồng đầu tiên của Giáo hội Công giáo Trung Quốc.
Công đồng đầu tiên của Giáo hội Trung Quốc

Đức Thánh Cha ca ngợi Công đồng đầu tiên cách đây 100 năm của Giáo hội Trung Quốc

Ngày 21/5, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video tới Hội nghị tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana kỷ niệm 100 năm Công đồng đầu tiên của Giáo hội Công giáo Trung Quốc. Ngài nhận xét Công đồng này là một trải nghiệm hiệp hành đích thực và cho rằng Công đồng Thượng Hải này cũng có thể đề xuất những con đường mới cho toàn thể Giáo hội để loan báo và làm chứng cho Tin Mừng trong thời hiện tại.

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha chúc mừng hội nghị nhân dịp kỷ niệm 100 năm Công đồng đầu tiên và tới nay cũng là Công đồng duy nhất của Giáo hội Công giáo Trung Quốc. Theo ngài, hội nghị với tựa đề “100 năm kể từ Công đồng Đầu tiên Trung Quốc: giữa lịch sử và hiện tại”, chắc chắn là một sự kiện quý giá vì nhiều lý do:

1) Công đồng thực sự là một bước quan trọng trong hành trình Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc. Tại Thượng Hải, 100 năm trước, các Nghị phụ đã tập trung sống một trải nghiệm hiệp hành đích thực và “cùng nhau” đưa ra những quyết định quan trọng.

Chúa Thánh Thần đã đưa mọi người đến với nhau, làm cho sự hòa hợp phát triển giữa các Nghị phụ, dẫn họ đi theo những con đường mà nhiều người trong số họ không nghĩ đến. Đây là cách Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội hoạt động.

Đa số đến từ những đất nước xa xôi, và trước Công đồng, nhiều người chưa sẵn sàng trao quyền lãnh đạo các giáo phận cho các linh mục và giám mục sinh ra ở Trung Quốc. Sau đó, tại Công đồng, tất cả đã thực hiện một hành trình hiệp hành đích thực và ký kết các điều khoản mở ra những con đường mới, để Giáo hội ở Trung Quốc cũng có thể ngày càng mang khuôn mặt Trung Quốc hơn. Họ nhận ra rằng đó là bước cần phải thực hiện, bởi vì lời loan báo ơn cứu độ của Chúa Kitô chỉ có thể đến được với mọi cộng đồng nhân loại và từng người một nếu nói bằng “tiếng mẹ đẻ” của họ.

Các Nghị phụ Công đồng đã theo bước các nhà truyền giáo vĩ đại như cha Matteo Ricci, cha Li Madou. Các vị đi theo con đường được Thánh Phaolô mở ra khi ngài rao giảng rằng cần phải trở nên “mọi sự cho mọi người” để loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh.

2) Một đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy và lãnh đạo Công đồng đến từ Đức Tổng Giám Mục Celso Costantini, Đại diện Tông tòa đầu tiên tại Trung Quốc, người theo quyết định của Đức Giáo Hoàng Piô XI, cũng là nhà tổ chức và là Chủ tịch của Công đồng. Ngài đã áp dụng một cái nhìn truyền giáo thực sự vào hoàn cảnh cụ thể, và trân trọng những lời dạy của Tông thư Maximum illud về các sứ vụ do Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV công bố năm 1919. Theo sự thúc đẩy mang tính ngôn sứ của tài liệu đó, Đức Tổng Giám Mục chỉ lặp lại rằng sứ vụ của Giáo hội là “truyền giáo chứ không phải thuộc địa hóa”. Tại Công đồng Thượng Hải, cũng nhờ Đức Tổng Giám Mục, sự hiệp thông giữa Tòa Thánh và Giáo hội tại Trung Quốc đã biểu lộ những hoa trái tốt lành cho toàn thể người dân Trung Quốc.

3) Nhưng Công đồng Thượng Hải không chỉ nhằm mục đích quên đi những cách tiếp cận sai lầm đã từng phổ biến trong thời gian trước đó. Vấn đề không phải là “thay đổi chiến lược”, nhưng là đi theo những con đường phù hợp nhất với bản chất và sứ vụ của Giáo hội. Chỉ tin cậy vào ân sủng của chính Chúa Kitô và vào sự thu hút của Người. Các tham dự viên Công đồng đầu tiên đã nhìn về tương lai. Và tương lai của họ chính là hiện tại của chúng ta.

Hành trình xuyên suốt lịch sử của Giáo hội đã trải qua những con đường không thể đoán trước, thậm chí trải qua những thời kỳ kiên trì và thử thách. Thiên Chúa đã bảo vệ đức tin dân Chúa ở Trung Quốc trên đường đi. Và đức tin của dân Chúa là la bàn chỉ đường trong suốt thời gian này, trước và sau Công đồng Thượng Hải, cho đến ngày nay.

Người Công giáo Trung Quốc, hiệp thông với Giám mục Roma, bước đi trong thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh họ đang sống, họ cũng làm chứng cho đức tin của mình qua các hoạt động thương xót và bác ái, và trong chứng tá, họ đóng góp thực sự vào sự hòa hợp của việc chung sống xã hội, vào việc xây dựng ngôi nhà chung. Những người theo Chúa Giêsu yêu chuộng hòa bình, và cùng với tất cả những người hoạt động vì hòa bình, trong thời đại mà chúng ta thấy những thế lực vô nhân đang hoành hành như thể muốn đẩy nhanh ngày chấm dứt thế giới.

4) Các tham dự viên của Hội đồng Thượng Hải nhìn về tương lai, và vài ngày sau khi kết thúc Công đồng, đã đi hành hương đến Đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn, gần Thượng Hải. Như các Nghị phụ Thượng Hải, chúng ta cũng có thể nhìn về tương lai. Và việc ghi nhớ Công đồng Thượng Hải ngày nay cũng có thể đề xuất những con đường mới cho toàn thể Giáo hội và những con đường rộng mở cần được can đảm thực hiện để loan báo và làm chứng cho Tin Mừng trong thời hiện tại.

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi hành hướng đến Đền thánh Đức Mẹ Xã Sơn trong tháng Năm. Và ngài cũng đề cập đến ngày 24/5, lễ Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu, Giáo hội trên toàn thế giới sẽ cầu nguyện cho anh chị em của Giáo hội tại Trung Quốc, như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã yêu cầu trong Thư gửi người Công giáo Trung Quốc.

Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây