Thừa sai Martial Jannin (Phước)

Thứ sáu - 29/05/2020 04:25 |   1098
Truyền thông (chữ viết) có từ rất sớm trên miền Kon Tum.
THỪA SAI MARTIAL JANNIN (PHƯỚC) VÀ MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG
HÌNH ẢNH TRÊN MIỀN TRUYỀN GIÁO KON TUM CÁCH ĐÂY HƠN MỘT THẾ KỶ



MỞ ĐẦU

Truyền thông (chữ viết) có từ rất sớm trên miền Kon Tum. Ngay từ thời điểm 1848, năm mà nhóm Thầy Sáu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do và các Linh mục Thừa sai theo ngả An Khê dò đường lên Kon Tum, thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng và khai mở xứ sở này, thì những ghi chép, những bản phúc trình, thư từ, bản đồ, lời kể của các ngài đã được báo cáo về vị Giám Mục ở Gò Thị (Bình Định). Từ đó, tin tức được chuyển đến trụ sở của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (MEP), và được loan đến với toàn thế giới, chủ yếu qua hình thức báo chí1.

Tuy nhiên về hình ảnh thì hầu như chưa có bao nhiêu. Lý do là vì nhiếp ảnh thế giới lúc đó còn rất sơ khai, kỹ thuật nhiếp ảnh ghi nhận lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam là vào năm 1869, và Kon Tum là miền rừng núi heo hút, đường sá xa xôi hiểm trở, đầy khó khăn nguy hiểm, còn rất hoang vắng chưa tiếp xúc với đời sống văn minh.

Phải đến những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những hình ảnh về Kon Tum mới được ghi lại, nhưng còn rất hạn chế. Một số nhà thám hiểm và các Phái bộ người Pháp theo chân các Thừa sai tìm đến với Kon Tum, những bức ảnh của họ phục vụ cho việc đo đạc, vẽ bản đồ, nghiên cứu nhân chủng - xã hội học.v.v., đã là nguồn tư liệu quí giá về Kon Tum xưa2. Các vị Thừa sai ở Kon Tum, trên đường truyền giáo, cũng đã cố gắng trong điều kiện hiện có, với kỹ thuật thô sơ thời bấy giờ, chụp lại những bức ảnh. Những bức ảnh này, có tính cách mục vụ tôn giáo, nhưng đồng thời cũng mang nhiều ý nghĩa lịch sử.

Cha MARTIAL JANNIN (tên Việt Nam là Phước), lên Kon Tum năm 1892, phục vụ tại vùng phía Đông của Miền Truyền Giáo. Có lẽ ngài là một trong số ít linh mục đầu tiên tại Kon Tum sử dụng mục vụ hình ảnh. Trong Tạp chí Les Missions Catholiques (Tome 33) năm 1901, có đăng loạt nhật ký truyền giáo của ngài, kèm theo nhiều bức ảnh do chính ngài chụp, trên hành trình loan báo Tin Mừng qua các làng Kon Bahar Tih, Kon Bahar Ioh, Kon Kotonh, Kon Rong, Kon Jot Ngui và Kon Uang, từ Chúa nhật 6.5.1900 đến Chúa nhật 13.5.1900. Những tấm hình này do Cha Jannin chụp đã được ông Guasco đồ (vẽ) lại, để có thể in lên mặt báo, do hạn chế của kỹ thuật nhiếp ảnh và ấn loát thời bấy giờ.

Về cuộc hành trình này, Cha Jannin thuật lại: “Từ lâu, tôi biết rằng, láng giềng của chúng tôi, những người miền núi xứ Pekey ước ao có được số phận giống như những Kitô hữu theo chúng tôi, và họ cũng muốn trở nên “Kon Bă Yang” (Con cái của Chúa) nhưng họ lại không dám nói điều đó ra. Tuy nhiên, để lại 1.500 tín hữu trong địa hạt hiện thời của tôi là Kon Ketou để chạy đến với những con chiên mới liệu có phải là quá ôm đồm không? Không thể cưỡng lại ước muốn đi gặp những con người đã chuẩn bị sẵn sàng đến như thế, ngày 6 tháng 5 (năm 1900), tôi đã dẫn đầu một đoàn nhỏ ra đi loan báo Tin Mừng”3.

Và những cộng sự khi giới thiệu loạt bài tường thuật trên, trong lời mở đầu đã cho biết như sau:

“Chúng tôi tháp tùng Cha Jannin tiến sâu vào trong vùng hẻo lánh nhất của Giáo phận Đông Đàng Trong. Trên đường đi, Cha Jannin đã chụp lại những hình ảnh về con người và về cảnh quan khêu gợi sự tò mò của chúng tôi nơi vùng đất chưa ai biết đến này. Việc đưa ra những bức ảnh chưa từng công bố này cho phép chúng tôi minh họa lời kể của vị Thừa sai một cách phong phú. Hơn nữa, qua chuyến đi này, vị Thừa sai cũng đã phác thảo một tấm bản đồ cho phép tìm hiểu về cuộc hành trình của ngài được dễ dàng hơn"4.

Nội dung chân thực và những chi tiết thú vị của cuộc hành trình truyền giáo - mà kết quả là tất cả các làng nêu trên đều từ bỏ linh vật mà đón nhận Đạo Chúa (khởi đầu là làng Kon Bahar Tih vào lúc 11g15 đêm tối ngày 6.5.1900), chúng tôi sẽ đề cập vào một dịp khác. Ở đây, điều quan tâm tìm hiểu là làm thế nào và với cách nào mà một vị Thừa sai, trong điều kiện của Kon Tum cách đây hơn một thế kỷ, với phương tiện di chuyển chủ yếu là đi bộ hoặc cưỡi ngựa, phải trèo đèo vượt suối, mà có thể chụp được nhiều tấm ảnh trên đường thi hành nhiệm vụ? Kỹ thuật chụp ảnh ngày xưa như thế nào? Nhiếp ảnh tại Kon Tum phát triển ra sao? Và điều quan trọng là thông điệp mang lại từ những bức ảnh ấy? Trước khi tìm hiểu những điều trên, chúng ta cùng lướt qua tiểu sử của Cha Martial Jannin (Phước), là Giám Mục Đại Diện Tông Toà tiên khởi Gp Kon Tum từ 1933.

I. CHA MARTIAL JANNIN (PHƯỚC) (1867-1940)

 

Cha Martial Jannin (Phước) sinh ngày 07.01.1867, tại Besancon Doubs, nước Pháp.
-08.09.1886: Vào Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, học hết triết và thần học.
-28.09.1890: Thụ phong Linh mục.
-30.11.1890: Sang Việt Nam, và 01.01.1891: Đến Qui Nhơn (Gp. Đông Đàng Trong).
-1892: Lên vùng truyền giáo Kon Tum, ở thời gian ngắn tại Kon Jơdreh.
-1892-1898: Đảm nhận địa sở Kon Mơnei.
-1898: Phụ trách phía Đông vùng truyền giáo Kon Tum: Kon Kơtu (có Cha Bober phụ tá), Kon Mahar, Kon Sơlăng-Plei Tơuer...
-1906: Được bổ nhiệm thành lập Trường Cuénot và điều hành đến 1925.
-1924: Bề trên Miền Truyền Giáo Kon Tum.
-23.01.1933: Ngài được bổ nhiệm Giám Mục Đại Diện Tông Toà tiên khởi Gp Kon Tum. Lễ phong chức Giám mục ngày 23.06.1933 tại Nhà thờ Chính toà Kon Tum.
-16.07.1940: Qua đời tại Trường Cuénot (TGM lúc bấy giờ), thọ 73 tuổi. An táng tại Kon Tum.

 
 
Đức Cha Martial Jannin Phước (1867-1940).
Giám Mục tiên khởi Giáo phận Kontum từ 1933-1940.
 
II. KỸ THUẬT NHIẾP ẢNH NGÀY XƯA

Như sử sách phương Tây (Từ điển Bách Khoa Encarta) đã ghi rõ: Kỹ thuật nhiếp ảnh (photographie) do nhà vật lý người Pháp Nicéphore Niépce (1765 - 1851) phát minh vào năm 1829 và tiếp sau đó được nghiên cứu hoàn thiện dần dần. Sử sách Việt Nam cũng ghi cụ Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) - một quan lại người Thừa Thiên Huế đã đưa kỹ thuật này vào Việt Nam bằng việc mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại Hà Nội năm 1869. Đó cũng là năm xuất phát điểm của ngành nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Thời kỳ sơ khai, trước khi phát minh ra phim, thì không có cách nào để giữ lại ảnh từ các máy ảnh ngoài cách đồ lại bằng tay. Đến năm 1888, cuộn phim được phát minh bởi George Eastman (1854 - 1932) với máy ảnh Kodak: ban đầu là cuộn phim giấy, rộng 6cm, đủ chụp 100 kiểu ảnh, khi chụp xong, phải gửi máy ảnh về thành phố Rochester (Mỹ) và tại nơi này, hãng Eastman sẽ tháo phim ra, rửa và in hình, sau đó lắp phim mới và gởi máy cùng với hình đã rửa lại cho chủ nhân. Tiếp đến từ 1891 - 1895: cải tiến cuộn phim giấy bằng phim chất dẻo và trong suốt, có thể lắp phim vào máy ngay tại ngoài trời và từ đây, người ta không cần phải gửi máy ảnh trở lại thành phố Rochester để lắp phim nữa. Tuy nhiên, một vấn đề khác nảy sinh: người chơi ảnh phải là một thợ ảnh, họ phải biết tráng phim và rọi hình, hai công việc này bắt buộc họ phải học thêm kỹ thuật phòng tối5.

Chúng tôi xin trích lại một đoạn chép trong Đại Nam Thực Lục về “tiểu phép chụp ảnh”, được giải trình do ông Trương Văn Sán, người được Triều Nguyễn gởi đi phương Tây học nghề chụp ảnh chính thức vào năm 1878, để về mở hiệu ảnh tại Huế. Tài liệu do nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Đắc Xuân giới thiệu trong bài “Kỹ thuật nhiếp ảnh trong lịch sử triều Nguyễn6, để chúng ta hiểu thêm về kỹ thuật chụp hình ngày xưa tại Việt Nam (đến cuối thế kỷ XIX) là một công việc phức tạp và khó khăn như thế nào:

“Phép chụp ảnh, phải có nhà riêng, dùng kính che cả 4 mặt cho sáng, mới phân biệt được râu, mày, hình dung, có giá để đồ chụp ảnh, bắt đầu cắm ống kính vào hòm máy, để lên trên cái giá, mở máy, bỏ cái nắp đậy ra, cho người ngồi trên cái ghế dựa trước ống kính, lấy cái trụ sắt đỡ đằng sau khăn ở đầu cho khỏi lay động, mới đem giá để máy chụp đưa đi đưa lại, khiến cho bóng người ở trong hòm kính rõ ràng, xong rồi liền bỏ khuôn kính vuông ở mặt hòm đi, lấy khuôn kính bôi thuốc đổi đặt vào hòm máy, sẽ bỏ miếng ván che đi, khiến cho bóng người chiếu vào trong kính, liền để ván che vào, rồi nhẹ tay rút ra, đem vào chỗ kín, lấy nước thuốc rửa 3 lần, khiến cho bóng người dần hiện ra, đem phơi khô, để vào trong cái khuôn có hình chụp ảnh, lại đem ngay tấm giấy in một mặt ngâm vào chậu nước thuốc, rồi phơi khô ở chỗ râm, lại đặt lên trên kính ảnh trước để trong khuôn, đem khuôn che áp vào, khiến cho bóng người thấu vào giấy, lại phơi khô rồi lấy ra, lại dùng nước thuốc rửa qua 3 lần, đợi khô mới xem được, và các thứ máy móc (1 cái chuông ở trong ống kính chụp ảnh, 1 cái hòm chụp ảnh, 2 cái trụ sắt, 1 cái khuôn để chận giấy, 1 cái giá chụp hình)”7.

Lượt qua đôi nét về kỹ thuật nhiếp ảnh như trên, để chúng ta thấy chụp hình ngày xưa thật nhiêu khê, phức tạp, nhất là tại Kon Tum lúc bấy giờ còn quá xa cách với văn minh. Công việc đòi hỏi người chụp phải có niềm say mê, đức tính nhẫn nại chịu khó, và phải có kiến thức cộng với tinh thần trách nhiệm đối với công việc. Chúng ta ngày nay cũng khó mà hình dung Cha Jannin đã sử dụng kỹ thuật nào, chụp như thế nào trên đường mục vụ, bởi kỹ thuật ấy cách xa chúng ta đến 120 năm (1900 - 2020)! Cha J.B Guerlach (1858 - 1912), Bề trên Miền Truyền Giáo Kon Tum, trong một bức thư in trong Missions d'Asie - năm 1897, có đề cập sự kiện vào năm 1893, ngài có tiếp đón một nhà thám hiểm người Pháp, ông Joseph Chanel tại Kon Tum, hướng dẫn ông đi một số nơi, như đến làng Kon Djeri Pen..., và ông Chanel đã chụp khá nhiều tấm ảnh. Trong bức thư có in cả tấm hình minh hoạ (?) cảnh ông Chanel “bấm máy”, thiết nghĩ đây cũng là một tư liệu quí giúp tìm hiểu kỹ thuật nhiếp ảnh trên miền Kon Tum cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX8.

III. VÀI NÉT VỀ NHIẾP ẢNH TẠI KON TUM

Từ 1869 tới đầu thập niên 1930, nhiếp ảnh phát triển mạnh và lan ra toàn cõi Việt Nam, hầu hết là nhiếp ảnh dịch vụ. Tại Kon Tum, phải đến giữa thập niên 1930 mới bắt đầu có tiệm chụp hình. Một trong số hiệu ảnh đầu tiên tại Kon Tum là ARTIS - INDO PHOTO, tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ bây giờ, chỗ công viên giáp đầu đường Hoàng Văn Thụ, thông ra đường Bạch Đằng (bờ kè sông Đăk Bla), (Đường Nguyễn Huệ thời đó mang tên đường Guénot , theo tên của viên Công sứ đầu tiên của tỉnh Kon Tum). Tiếp đến có thể kể hiệu ảnh PHOTO LA LUNE, cũng toạ lạc trên đường Guénot thời đó (Nguyễn Huệ ngày nay), đối diện với ARTIS - INDO PHOTO, nhưng hơi chếch một tí về hướng cầu Đăk Bla (gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ Lê Hồng Phong-Nguyễn Huệ bây giờ). Cả hai hiệu ảnh này đều do người Pháp mở. Cũng xin nói thêm, con đường Nguyễn Huệ thời xưa là con đường phố chính ở Kon Tum. Con đường này do Cha Nicolas (Cận), cha sở Tân Hương 1902-1905, cho phát quang mở rộng đến 10 mét, khuyến khích giáo dân làm nhà dọc theo hai bên đường, tạo nên khu nhà có vườn tược, có nhà vệ sinh riêng9. Đến thời Pháp thuộc, con đường này thành con phố chính có tiệm buôn bán sầm uất.

Từ 1935, Chủng viện Thừa sai Kon Tum được thành lập, đều đặn các niên khoá và những dịp lễ lớn đều có chụp hình lưu niệm, cũng như Trường Cuénot hay nhà thờ Chính Toà, hầu hết đều do các Cha Thừa sai, đặc biệt có Thầy Đệ, là giám thị Chủng viện, chuyên phụ trách chụp. Nhiều người lớn tuổi Kon Tum ngày nay hẳn còn nhớ “hộp máy” chụp hình thập niên 1940- 1950, mỗi lần chụp ảnh thợ chụp phải trùm khăn đen - kiểu phòng tối, khiến nhiều trẻ em sợ hãi!10.

Đến thập niên 1950, 1960 nhiếp ảnh đã phát triển với những kỹ thuật tân tiến hơn, tiện lợi hơn, nhiếp ảnh nghệ thuật ra đời trở thành một ngành nghề kinh doanh. Lần lượt Photo Ly, Photo Việt Tân, Photo Nhựt Tân, Photo Bác Ái, Photo Mỹ Lai (lên Kon Tum năm 1961)... và nhiều tiệm chụp hình khác ra đời. Photo Mỹ Lai, hiện nay có đến 5 cơ sở vẫn đang hoạt động kinh doanh chụp ảnh tại thành phố Kon Tum11.

IV. MỘT VÀI TẤM ẢNH CỦA CHA JANNIN

Như trên đã trình bày, với kỹ thuật còn hạn chế của nhiếp ảnh cách đây hơn một thế kỷ, để có được những tấm ảnh, người ta phải đồ lại trên ảnh nguyên bản. Hơn nữa, ngày xưa chưa có kỹ thuật scan ảnh như ta ngày nay, nên hình ảnh muốn đưa lên mặt báo, thì phải được vẽ lại. Các tòa báo đã thuê hoạ sĩ chuyên hoạ lại các bức ảnh phục vụ cho công việc này. Với những tạp chí lớn và uy tín như Les Missions Catholiques, họ có những hoạ sĩ tài năng, thì mức độ trung thực và chuẩn xác so với ảnh nguyên bản là rất đáng tin cậy.

Trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi chỉ xin giới thiệu một vài tấm ảnh trong số nhiều tấm ảnh do Cha Jannin chụp. Những tấm ảnh này đăng trong Tạp chí Les Missions Catholiques (Tome 33), Janvier-Décembre 1901, Lyon 1901, theo loạt bài nhật ký truyền giáo của Cha Martial Jannin nói trên và các số báo khác.

1. Cày ruộng:

Kỹ thuật dùng trâu bò cày ruộng và canh tác lúa do Cha P.X Nguyễn Do và những cư dân người Kinh đầu tiên áp dụng trên miền Kon Tum. Cha Do đã mua sắm đủ loại dụng cụ canh tác và hướng dẫn cho dân làng Rơhai (Tân Hương) dùng trâu bò cày bừa, khai vỡ những cánh đồng dọc theo hai bờ sông Đăkbla. Sau áp dụng thêm cho các nông trại Đăk Kấm và Kon Tum. Từ đó nhân rộng khắp miền Kon Tum.

 
 
GIÁO PHẬN ĐÔNG ĐÀNG TRONG - Cày ruộng; hình vẽ của ông Guasco vẽ theo một tấm ảnh của Cha Jannin.

2. Cối xay:

Cái cối xay (bóc vỏ đậu, xay lúa...) này đã từng tồn tại ở Kon Tum cách đây hơn một thế kỷ (111 năm)! Chứng tỏ ngoài cây lúa, cây hoa màu cũng đã có mặt ở Kon Tum từ rất sớm, và cư dân các dân tộc Kon Tum ngày xưa đã làm nông nghiệp rất sáng tạo, bài bản. Cái cối xay này xứng đáng được đưa vào viện bảo tàng nông nghiệp Tỉnh Kon Tum lắm đấy chứ!
 
GIÁO PHẬN ĐÔNG ĐÀNG TRONG - Cối xay; hình vẽ của ông Guasco vẽ theo một tấm ảnh của Cha Jannin.

3. Cha Jannin đã chụp nhiều hình ảnh về con người. Chúng tôi xin chọn 3 ảnh gồm người Bahnar và người Kinh. Có thể những tấm ảnh kiểu này rất hữu ích cho ai nghiên cứu về vóc dáng, trang phục, tính cách, sinh hoạt... của người Kon Tum xưa.

+ Anh Thut can đảm (Bahnar):

Trong nhật ký truyền giáo nêu trên, Cha Jannin ghi lại:

“Làm bạn đường với tôi là Cha Bober, một người con can đảm của xứ Alsace. Chúng tôi dẫn theo Thut và Ngaih, hai thanh niên trẻ người Bahnar, đầy nhiệt tình và hết sức tận tụy. Với đôi chân rắn chắc, có lòng đam mê mạnh mẽ, có tài ứng đối, lại khéo xoay sở, hai thanh niên này có tất cả những phẩm chất cần thiết để giúp chúng tôi tìm hiểu tình hình cũng như làm phái viên đối thoại với người dân tộc”.

 
 
GIÁO PHẬN ĐÔNG ĐÀNG TRONG - Anh Thut can đảm, phái viên đối thoại của chúng tôi; hình vẽ của ông Guasco vẽ theo một tấm ảnh của Cha Jannin.

+ Thiếu nữ người Kinh:
 
Thiếu nữ Kon Tum ngày xưa ăn mặc rất gọn gàng, tính cách hiền lành và giỏi giang trong việc đồng áng.
GIÁO PHẬN ĐÔNG ĐÀNG TRONG - Thiếu nữ người Kinh; hình vẽ của ông Guasco, vẽ theo một tấm ảnh của Cha Jannin.

 
 
 
GP Đông Đàng Trong: Nấu thức ăn trong những ống tre. Ông Guasco đồ lại theo một tấm ảnh của Cha Jannin, 1900.

 
 
 
GP Đông Đàng Trong: Nghĩa địa Kontum, nơi chôn cất những vị Thừa sai tiên khởi của Miền Truyền Giáo Thượng (vị trí gần nhà thờ Tân Hương, đã cải táng di dời năm 1984. Hình được vẽ lại từ một tấm hình của cha Jannin. (Trích báo Les Missions Catholiques năm 1910).



GP Đông Đàng Trong: Tòa nhà chính của Trường học - Chủng viện Cuénot ở Kon Tum. Hình được vẽ lại từ một tấm hình của cha Jannin. 
(Trích báo Les Missions Catholiques năm 1910).

KẾT LUẬN

Mặc dù những tấm hình trên đều là hình được vẽ lại để in báo, nhưng một điều chắc chắn là Cha Jannin đã từng chụp rất nhiều tấm ảnh trên miền Kon Tum từ hơn trăm năm trước. Xem những tấm hình trên, và đọc những dòng nhật ký truyền giáo của ngài, chúng ta kính phục lòng nhiệt thành tông đồ, tâm hồn đạo đức trong sáng, và cũng nể phục tài khéo léo, trí thông minh, óc nghệ thuật, tính cần mẫn... của vị Linh mục Thừa sai, sau là giám mục tiên khởi của Giáo phận Kon Tum. Những tấm hình của Cha Jannin nếu được quan tâm sưu tầm, sắp xếp, có thể giúp phục dựng một phần đời sống xã hội, tôn giáo Kon Tum xưa cách đây hơn một thế kỷ. Hơn nữa, nó cũng cho biết truyền thông hình ảnh có từ rất sớm ở Kon Tum, và Kitô giáo (các Thừa sai) đã ghi dấu ấn tiên phong cho ngành nhiếp ảnh tại Kon Tum.

Chú thích:
  1.  Các Tạp chí Công giáo như: Les Missions Catholiques, Annales des Missions Étrangères de Paris, Compte Rendu de travaux - Société des Missions Étrangères.v.v.
  2.  Một số phái bộ như: Doudart de Lagrée (1867), Harmand (1877), Navelle (1884), Guiomar (1889), Pavie (1891), Henri Maitre (1909).. .và một số nhà thám hiểm như: M. Chanel (1896), Jean-Marc Ben (1897).
  3.  x. Les Missions Catholiques, Tome 33, Janvier-Décembre 1901, Lyon 1901, tr.558.
  4.  x. Les Missions Catholiques, sđd.
  5.  Theo Wikipedia.
  6.  x. Tạp chí Văn Nghệ Huế, 31.3.2017.
  7.  Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, bản dịch của Viện Sử học, t.34, NXB KHXH, HN, 1976, tr.125.
  8.  x. Lettre de M. Geurlach, des Missions Étrangères de Paris, Missionnaire en Cochinchine - MISSIONS D'ASIE 1897.
  9.  x. Tiểu sử Cha Gabriel Nicolas, mepasie.org.
  10.  Theo lời kể của ông Phaolô Nguyễn Văn Nho, sinh năm 1933, địa chỉ: 75 Trần Hưng Đạo, Tp. Kon Tum), cựu chủng sinh Chủng viện Thừa sai Kon Tum (khóa 1947).
  11.  Theo lời kể của ông Đaminh Phạm Văn Lai, sinh năm 1930, địa chỉ: Ảnh Viện Mỹ Lai - đường Trần Hưng Đạo, Tp. Kon Tum). 5 cơ sở chụp ảnh tại Tp. Kon Tum: Ảnh Viện Mỹ Lai, Photo Vinh, Photo Thăng, Photo Quang Mỹ và Photo Đông Vũ. 
 
Minh Sơn
Lễ Vọng Chúa Thăng Thiên, 

Bổn mạng giới Truyền thông 23.5.2020
(Riêng tặng Ban MVTT Gp. Kon Tum)
Nguồn: giaophankontum.com, 23-05-2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây