“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1Cr 12, 4-6).
Giáo hội được sinh ra từ sự khác biệt
Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng với những lời dạy của Thánh Phaolô Tông đồ dành cho các tín hữu thành Côrintô và giải thích: “Khác nhau-chỉ có một, Thánh Phaolô đặt cạnh nhau hai cụm từ dường như trái ngược nhau. Ngài muốn nói với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần chính là Đấng quy tụ sự khác biệt; và đây cũng chính là cách Giáo Hội được sinh ra: tất cả chúng ta đều khác nhau, nhưng Chúa Thánh Thần quy tụ chúng ta lại”.
Để chứng minh cho điều này, Đức Thánh Cha mời mọi người trở lại với Giáo hội tiên khởi trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi gồm các Tông đồ. Trong số các ông có những người rất giản dị, lao động tay chân, như các ngư phủ; nhưng cũng có Matthêu, người học thức làm nghề thu thuế. Các Tông đồ xuất thân từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau, mang tên Do Thái và Hy Lạp và tính cách cũng khác biệt: có người thì hiền lành nhưng cũng có người nóng nảy, quan điểm và tình cảm cũng không giống nhau.
Xức Dầu của Thánh Thần đưa đến hiệp nhất
Và trước sự khác biệt này Chúa Giêsu đã làm gì? Đức Thánh Cha trả lời: “Chúa Giêsu không thay đổi các Tông đồ theo một khuôn mẫu giống nhau. Chúa vẫn duy trì sự khác biệt của các Tông đồ nhưng hiệp nhất các ông bằng việc Xức Dầu của Thánh Thần. Xức Dầu đưa đến hiệp nhất. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ hiểu được sức mạnh hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Các ông đã chứng kiến tận mắt sức mạnh này, qua việc những người tuy nói các ngôn ngữ khác nhau đã hình thành một dân duy nhất: dân của Chúa, được tạo thành nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng dệt nên sự hiệp nhất từ đa dạng và mang lại sự hòa hợp vì Ngài chính là Đấng hòa hợp”.
Từ Giáo hội tiên khởi, Đức Thánh Cha dẫn vào Giáo hội thực tế của ngày hôm nay: Chúng ta có thể tự hỏi: “Điều gì liên kết chúng ta, sự hiệp nhất của chúng ta được đặt nền tảng trên điều gì?”. Chúng ta cũng có những điều khác nhau như: về ý kiến, sự lựa chọn, tình cảm. Chúng ta luôn bị cám dỗ mạnh mẽ trong việc bảo vệ ý kiến của mình, chúng ta tin rằng ý kiến của chúng ta tốt cho mọi người và chúng ta chỉ hòa hợp với ai có cùng ý kiến với chúng ta. Nhưng đó là đức tin được tạo nên từ những hình ảnh của chúng ta; không phải điều Chúa Thánh Thần muốn. Chúng ta có thể nghĩ rằng điều làm cho chúng ta hiệp nhất chính là những gì chúng ta tin và những gì chúng ta thực hành. Nhưng hơn thế nữa: yếu tố căn bản của sự hiệp nhất chính là Chúa Thánh Thần. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng trước tiên chúng ta là con yêu dấu của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đến với chúng ta trong sự khác biệt và những khó khăn của chúng ta, để nói với chúng ta rằng chúng ta có một Thiên Chúa – Đức Giêsu - và một Cha, vì thế chúng ta là anh chị em! Bắt đầu từ đây, chúng ta hãy nhìn Giáo Hội với cái nhìn của Chúa Thánh Thần, không phải của thế gian. Thế gian chỉ nhìn thấy những khuynh hướng của chúng ta; Thánh Thần nhìn chúng ta là những người con của Chúa Cha và là anh chị em của Chúa Giêsu. Thế gian nhìn thấy những người bảo thủ và tiến bộ; Thánh Thần nhìn ra đó là con cái Thiên Chúa. Cái nhìn của thế gian chăm chú vào những cơ cấu mang lại hiệu quả; Cái nhìn thiêng liêng hướng vào những anh chị em nài xin lòng thương xót. Thánh Thần yêu thương chúng ta và biết chỗ đứng của mỗi người trong thế giới rộng lớn này. Đối với Thánh Thần, chúng ta không phải là những mẫu hoa giấy để gió cuốn đi, nhưng là những mảnh ghép không thể thay thế trong bức tranh khảm của Ngài”.
Trong việc rao giảng Tin Mừng, Chúa Thánh Thần không có kế hoạch
Đức Thánh Cha tiếp tục nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc rao giảng Tin Mừng: “Nếu chúng ta trở lại với ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta sẽ khám phá hoạt động đầu tiên của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng. Chúng ta cũng thấy các Tông Đồ không chuẩn bị một chiến lược, không có một kế hoạch mục vụ. Các ông chia mọi người thành những nhóm theo xuất xứ của họ, trước tiên rao giảng cho những người thân cận, rồi dần dần đi đến những người ở xa hơn. Các ông cũng có thể chờ đợi một thời gian trước khi ra đi rao giảng và trong lúc đó đào sâu những lời giảng dạy của Chúa Giêsu để tránh rủi ro… Không. Chúa Thánh Thần không muốn ký ức về Vị Thầy được trau dồi trong những nhóm nhỏ trên căn phòng khép kín. Chúa Thánh Thần mở cửa và thúc đẩy chúng ta vượt xa những gì đã nói và làm, vượt ra ngoài hàng rào của một đức tin rụt rè, luôn đề phòng. Trong thế giới, mọi việc sẽ bị phân tán trừ khi có kế hoạch cụ thể và chiến lược rõ ràng. Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần bảo đảm sự hiệp nhất cho những ai rao giảng Tin Mừng. Các Tông Đồ ra đi: không chuẩn bị, họ hiến dâng cuộc đời cho sứ vụ. Có một điều khiến họ tiếp tục tiến bước là lòng khao khát chia sẻ những gì họ đã lãnh nhận”.
Chúa Thánh Thần, ký ức sống động của Giáo Hội
“Ở đây chúng ta hiểu được bí quyết của sự hiệp nhất, bí quyết đó chính là Chúa Thánh Thần. Đây là hồng ân. Bởi vì Chúa Thánh Thần chính là hồng ân, sống trao ban chính mình, và bằng cách này Thánh Thần liên kết chúng ta lại với nhau để chúng ta được chia sẻ cùng một hồng ân. Điều quan trọng là tin rằng Thiên Chúa là hồng ân, Ngài hành động không phải bằng cách chiếm hữu nhưng là trao ban. Tại sao điều này là quan trọng? Bởi vì cách sống của chúng ta sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta hiểu thế nào về Thiên Chúa. Nếu trong tâm trí chúng ta, Thiên Chúa là Đấng chiếm hữu và áp đặt, chúng ta cũng sẽ muốn chiếm hữu và áp đặt: chiếm hữu nhiều nơi, đòi hỏi được thừa nhận, tìm kiếm quyền lực. Nhưng nếu chúng ta có trong tim mình Thiên Chúa là quà tặng, mọi sự sẽ thay đổi. Nếu chúng ta nhận ra rằng những gì chúng ta có là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, không phải do công trạng của chúng ta, thì chúng ta cũng muốn làm cho cuộc đời mình trở thành hồng ân. Bằng một tình yêu khiêm tốn, phục vụ cách nhưng không trong vui tươi, chúng ta sẽ trao ban cho thế giới hình ảnh chân thật về Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần, ký ức sống động của Giáo Hội, nhắc chúng ta rằng Chúng ta được sinh ra từ hồng ân và lớn lên bởi trao ban: không phải bởi nắm giữ nhưng là trao ban chính mình”.
Ba kẻ thù của hồng ân
Tới đây, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người trở về với lòng mình để xét xem điều gì đang cản trở mỗi người trao ban chính mình. Đức Thánh Cha giải thích có ba kẻ thù của hồng ân, luôn ẩn nấp tại cánh cửa tâm hồn chúng ta:
Kẻ thù thứ nhất đó là thái độ chỉ yêu mình. Với thái độ này chúng ta thần tượng chính mình, chỉ quan tâm đến những gì có lợi cho mình. Những người này nghĩ rằng: “Cuộc sống tốt khi nó có lợi cho tôi”. Và họ kết thúc với câu: “Tại sao tôi phải hy sinh bản thân mình cho người khác?”. Trong thời điểm đại dịch này biết bao tổn hại do thái độ này gây ra. Khuynh hướng chỉ nghĩ đến những nhu cầu của mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác, và không nhìn nhận những yếu đuối và sai lỗi của mình.
Kẻ thù thứ hai là thái độ duy nạn nhân. Đây là thái độ cũng nguy hiểm không kém. Người có lối sống này luôn luôn than phiền về người khác: “Không ai hiểu tôi, không ai giúp đỡ tôi, không ai yêu thương tôi!”. Những người này có trái tim khép kín, và hỏi: “Tại sao không ai quan tâm đến tôi?”. Trong giai đoạn khủng hoảng chúng ta đã trải nghiệm thái độ duy nạn nhân thật là tệ hại!.
Cuối cùng là thái độ bi quan. Những người này luôn luôn than phiền rằng: “không có gì tốt đẹp, Xã hội, chính trị, Giáo Hội . . .”. Người bi quan nổi giận với thế giới, nhưng thu mình lại và chẳng làm gì, họ suy nghĩ: “Chẳng có gì tốt, tất cả đều vô dụng”. Vào thời điểm hiện nay, trong lúc mọi người đang cố gắng để bắt đầu lại, thì người bi quan lại nhìn mọi việc dưới cái nhìn tiêu cực và luôn lặp lại rằng không gì có thể trở lại được như trước!
Đức Thánh Cha kết luận: “Những ai suy nghĩ và có thái độ sống như thế nơi họ không có niềm hy vọng. Chúng ta cảm nghiệm nổi khát khao niềm hy vọng và chúng ta cần phải biết trân trọng hồng ân sự sống, hồng ân là mỗi người trong chúng ta. Vì thế, chúng ta cần Chúa Thánh Thần, hồng ân của Thiên Chúa để chữa lành chúng ta khỏi những thái độ sống như trên”.
Đức Thánh Cha mời mọi người cầu nguyện: “Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, ký ức của Thiên Chúa, làm sống lại trong chúng ta ký ức về hồng ân đã lãnh nhận. Lạy Chúa Thánh Thần xin giải thoát chúng con khỏi chứng bại liệt của tính ích kỷ và thắp lên trong chúng ta ước muốn phục vụ, ước muốn làm điều tốt. Điều tệ hại hơn khủng hoảng hiện nay chính là thảm kịch con người tự đóng cửa tâm hồn mình. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến: Ngài là sự hòa hợp; xin cho chúng con trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất. Ngài luôn trao ban chính mình; xin cho chúng con lòng can đảm đi ra khỏi chính mình để yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, nhờ đó chúng con sẽ trở nên anh chị em trong cùng một gia đình. Amen”.
Ngọc Yến - Vatican News