Ca đoàn LBT - Hè 2018

Chủ nhật - 26/04/2020 04:35 |   798
Mùa hè là thời điểm thích hợp để đi du lịch, nghỉ dưỡng cho mọi người. Ca đoàn Lê Bảo Tịnh cũng thường tổ chức hành hương vào mỗi dịp hè về.
ca đoàn hè 2018
ca đoàn hè 2018
Ca đoàn Lê Bảo Tịnh hành hương Tắc Sậy, Bãi Dâu - Hè 2018
 
Mùa hè là thời điểm thích hợp để đi du lịch, nghỉ dưỡng cho mọi người. Ca đoàn Lê Bảo Tịnh cũng thường tổ chức hành hương vào mỗi dịp hè về. Khi những chùm hoa phượng đỏ rực khắp sân trường, khi tiếng ve kêu rộn rã nơi phố thị, cũng là lúc các thành viên ca đoàn chuẩn bị tìm về một địa điểm linh thánh để được sống những giây phút thanh thỏa tâm hồn bên nhau.

Năm nay, Ca đoàn Lê Bảo Tịnh chọn Trung Tâm Hành Hương Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp và Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Bãi Dâu. Sau đó, tham dự Thánh lễ Tạ ơn Kim Khánh Linh Mục cha giáo Giuse Bùi Trung Phong tại nhà thờ giáo xứ Bảo Thị, Xuân Lộc.

Vẫn trên chiếc xe 45 chỗ ngồi quen thuộc, biển số 47B-000.54, đoàn hành hương gồm 40 thành viên, khởi hành từ nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột vào lúc 4 giờ sáng ngày 23.7.2018. Đặc biệt, có Cha phó Vinh Sơn Phạm Hữu Mạnh đồng hành.

Dong duổi suốt một ngày dài. Cà phê sáng, điểm tâm tại quán Dano Coffee sang trọng huyện Đak Song. Ăn trưa ở Bình Dương, quán cơm bình dân Phương Thảo. Đến Nhà thờ Tắc Sậy vào lúc 7g30 tối. Sau khi nhận phòng, tranh thủ ăn tối ở quán cơm trước nhà thờ, phía bên kia đường. Tắm rửa, nghỉ ngơi đôi chút, mọi người đi cầu nguyện tại nơi an nghỉ của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.

Sáng hôm sau, thức dậy sớm, tham dự thánh lễ vào lúc 5 giờ sáng. Điểm tâm xong, đoàn hành hương lên xe đi đến Nhà thờ Khúc Tréo, nơi chôn cất Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp khi tìm thấy thi hài ngài dưới ao nhà ông giáo Sự. Ở đây, đoàn hành hương được Cha sở nhà thờ Khúc Tréo giới thiệu về tiểu sử Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, như sau:

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897; rửa tội ngày 02-02-1897 tại Họ Đạo Cồn Phước, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; cha Ngài là Ông Micae Trương Văn Đặng và Ngài là Bà Lucia Lê Thị Thanh.
Năm 1904, lên 7 tuổi, mẹ mất, theo cha lên Băctambang – Campuchia.
Năm 1909, vào Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng. Mãn tiểu chủng viện, Ngài vào tu học tại Đại Chủng viện Nam Vang, Campuchia vì lúc đó các họ đạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Phnom Penh, Campuchia.
Năm 1924, Ngài thụ phong Linh mục tại Nam Vang.
Năm 1924-1927, Ngài làm Cha phó Họ đạo Hố Trư, một họ đạo Việt Nam tại tỉnh Kandal, Campuchia.
Năm 1927-1929, Ngài làm giáo sư Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng.
Tháng 3-1930, Ngài nhận chức Cha Sở Họ đạo Tắc Sậy. Ngài đã giúp đỡ thành lập nhiều họ đạo trong vùng như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Chủ Chí, Khúc Tréo, Rạch Rắn.
Năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con giáo dân di tản, Cha Bề Trên Địa Phận là Cha Trần Minh Ký và cả người Pháp khuyên Ngài lánh mặt, chờ khi nào yên ổn lại trở về Họ Đạo, nhưng Ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên, chết cũng giữa đoàn chiên, tôi không đi đâu hết”.
Ngày 12-3-1946, Ngài bị bắt cùng với trên 70 giáo dân họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và giam chung với bổn đạo tại lẫm lúa của Ông giáo Sự ở Cây Gừa. Do tranh chấp giữa các giáo phái, và vì bênh vực quyền lợi giáo dân, Ngài đã chết thay cho những người bị bắt chung. Thi hài với vết chém sau ót ngang mang tai, bị vứt xuống ao nhà Ông giáo Sự, đã được giáo dân họ đạo Khúc Tréo vớt lên trong tư thế trần truồng như Chúa Giêsu trên thập giá và được đưa về chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (họ lẻ của Ngài).
Đến năm 1969, hài cốt Ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy là nhiệm sở Ngài thi hành chức vụ mục tử suốt 16 năm.

Năm 1977, cha Antôn Vũ Xuân Vinh, Cha sở Tắc Sậy, hay chạy đến cầu nguyện với vị tiền nhiệm của mình là Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, tại phần mộ trong khuôn viên nhà thờ, để xin Ngài cầu thay nguyện giúp cho cha và họ đạo trong thời buổi khó khăn, và Ngài đã được toại nguyện nhiều. Từ đó cha Antôn cổ võ nhiều người gần xa đến khấn xin cùng Cha Phanxicô. Bao nhiêu ơn lành đã được Thiên Chúa ban xuống cho khách hành hương mỗi ngày một tăng, nhờ lời chuyển cầu của Cha Phanxicô. Mộ phần Cha Phanxicô là nơi mà bao khách thập phương đến khấn xin, kể cả người lương người giáo, trong nước cũng như hải ngoại. Cha Phanxicô trở thành vị cầu bầu thần thế trong tâm hồn nhiều người. Do đó khách thập phương tuôn đến mỗi ngày một đông đảo. Ngày lễ giỗ Cha Phanxicô trở thành ngày hẹn của bao tâm hồn và khách hành hương mỗi năm đều gia tăng. Ơn lành qua lời bầu cử của Cha Phanxicô đã làm cho nhiều người được ơn Đức Tin, được trở thành con cái Thiên Chúa.

Chính vì vậy, ngày 21.01.1997, Đức Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ đã chính thức đặt nhà thờ Tắc Sậy thành TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO PHANXICÔ của Giáo Phận Cần Thơ.

Kể từ đó, Trung Tâm Truyền Giáo mỗi ngày một phát triển về mọi mặt hầu đáp ứng nhu cầu hành hương của bà con xa gần, quốc nội cũng như hải ngoại. Trung tâm đã xây dựng các cơ sở vật chất và nhất là ngôi Thánh Đường dâng kính Cha Phanxicô đang được hoàn thành để đáp ứng nhu cầu tâm linh của khách hành hương mỗi năm mỗi gia tăng. Tiếng lành đồn xa, Trung Tâm hành hương Cha Phanxico Trương Bửu Diệp, đã vang khắp năm châu.

 
 
 


 
Tạm biệt Khúc Tréo, tạm biệt Tắc Sậy, đoàn hành hương lên xe quay trở về, hướng đến Trung tâm hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu. Buổi trưa, dừng chân tại Quãng Trân, Vĩnh Long (chắc là Quảng Trân, nhưng họ treo biển hiệu… dzậy đó!). Ăn cơm nhà hàng Trưng Vương 2. Nói là nhà hàng nhưng chỗ vệ sinh không vệ sinh chút nào!!!

6 giờ 30 thì đến Bãi Dâu, Vũng Tàu. Nhận phòng xong, tắm rửa, nghỉ ngơi, 7 giờ 30 ăn cơm tối. Cơm ngon như… cơm mẹ nấu! Quý sơ Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn thật khéo tay, vui vẻ, hòa đồng và mến khách, càng làm cho bữa ăn thêm ngon, đậm đà tình nghĩa.

5 giờ sáng hôm sau, đoàn hành hương tham dự Thánh lễ tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu. Đền Thánh xây dựng bên sườn Núi Lớn, lồng lộng gió biển. Sau lễ, đứng ngắm cảnh mặt trời từ từ nhô lên khỏi mặt biển thật tuyệt vời. Bên cạnh Đền Thánh là tượng đài Mẹ Thiên Chúa cao 32m. Đây là một công trình kỳ vĩ, khánh thành ngày 31.12.1994. Mẹ thật dịu hiền, nâng cao Chúa Hài Nhi như muốn giới thiệu và trao ban cho những ai tìm về với Mẹ.

Bên cạnh đó là 14 chặng Đường Thánh Giá trên một lộ trình quanh co theo sườn núi dẫn tới tượng Chúa Phục Sinh. Công trình 20 mầu nhiệm Mân Côi diễn tả sống động những mầu nhiệm, những biến cố cứu độ trong Tin Mừng và trong cuộc đời của Mẹ Maria được xây dựng trên con đường đẹp dẫn đến tượng đài Mẹ Thiên Chúa vinh quang.

Phía dưới chân núi còn có ngôi nhà thờ đá. Nơi đây lưu giữ xương thánh của 71 vị thánh Tử đạo Việt Nam. Các tín hữu luân phiên chầu Mình Thánh Chúa liên tục suốt ngày. Trước nhà thờ có tượng đài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cao 3m.

Sáng hôm nay, đoàn hành hương được hướng dẫn tham quan Núi Chúa Tao Phùng. Đây là tượng đài Chúa Kitô Vua lớn nhất thế giới: chiều cao 32m, đôi tay giang rộng 18m40 đứng oai phong trên đỉnh núi cao 176m. Bên trong tượng đài có 133 bậc thang xoắn ốc dẫn lên đến tận phần vai, mở ra một cảnh quan bao la hùng vĩ đến chân trời xa tắp.

Công trình này bắt đầu xây dựng từ năm 1972, nhưng đến tháng 04.1975 thì phải tạm ngưng khi bức tượng mới vừa được hoàn thành cơ bản. Ngày 04.11.1992, công trình được tiếp tục trùng tu và khánh thành vào ngày 02.12.1994. Con đường từ dưới chân núi dẫn lên tượng đài có gần 1.000 bậc thang bằng đá. Ở đoạn cuối con đường, gần tượng đài có một bức tượng Pietà.

Cũng như tượng đài Mẹ Thiên Chúa tại Bãi Dâu, tượng đài Chúa Kitô Vua Núi Tao Phùng không những là biểu tượng cho đời sống đức tin hiên ngang, kiên vững và mạnh mẽ của Dân Chúa Giáo phận Bà Rịa, mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp hấp dẫn cho thành phố du lịch Vũng Tàu.
 





 

Cuối ngày, đoàn hành hương được gia đình anh chị Cao Quý Ngữ, thành viên lớp Giuse - Lê Bảo Tịnh, mời đến thăm gia trang tại Bà Rịa và dùng cơm tối. Nói là cơm tối nhưng thực ra là dạ tiệc. Chủ nhà “phán”: ở đây bia rượu không thiếu, đặc sản không thiếu và tình cảm không thiếu. Đúng vậy, đủ loại bia, đủ loại rượu, đủ loại hải sản, đủ loại món ngon. Sau bữa ăn còn hát karaoke. Chủ và khách nắm tay nhau múa hát, tình cảm dạt dào. Lúc ra về vẫn còn lưu luyến mãi, chẳng muốn rời xa. Một buổi tối thật tuyệt vời.
 
 
 


Sáng ngày 26.7.2018, Quý sơ Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn cho đoàn hành hương điểm tâm sớm hơn thường lệ để kịp lên đường đi Bảo Thị tham dự Thánh lễ Tạ ơn Kim Khánh Linh Mục cha giáo Giuse Bùi Trung Phong (1968-2018).

Cha giáo Giuse đã gắn bó mật thiết với Chủng viện Phaolô Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột trên cương vị Quản lý và Giáo sư từ năm 1970 đến năm 1973. Chỉ một thời gian rất ngắn, nhưng ngài để lại cho các “chú tiểu” lúc bấy giờ biết bao ân tình sâu đậm, biết bao kỷ niệm thân thương, biết bao điều không thể phai mờ trong ký ức, biết bao điều không thể diễn đạt bằng lời. Dẫu qua bao năm xa cách mà hình ảnh “Hươu Nho Nhã” của Cha vẫn luôn hiện hữu sống động trong tim các học trò. Thật vui mừng, hôm nay, Thầy - Trò lại có dịp hội ngộ, cùng dâng Thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa, chúc mừng hồng phúc 50 năm Linh mục của Cha.

Trong đoàn hành hương, nhiều người không phải là học trò của Cha, mới biết Cha lần đầu tiên, nhưng cũng phải thốt lên: “Đúng là người Thầy khả kính!”.

Cuối Thánh lễ, chính Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, còn phải bước xuống, kính cẩn trao gửi và chúc mừng Cha giáo Giuse Bùi Trung Phong món quà yêu thương trần trụi như chính Chúa Giêsu trần trụi trên Thánh giá. Đức Cha thay mặt cộng đoàn dân Chúa, cảm ơn thời gian Cha đã phục vụ tại chủng viện cũng như tại giáo xứ bằng tâm tình kính phục, bằng tình yêu thương chung thủy của Chúa.
 






Trên chặng đường về lại Ban Mê Thuột, dường như thời gian quá ngắn, không đủ để mọi người trong đoàn hành hương giãi bày tâm sự với nhau. Trước lúc chia tay, dường như ai cũng muốn nắm chặt tay nhau thật lâu, nói với nhau lời thân ái phát xuất từ trái tim. Có lẽ đây là chuyến hành hương quá đẹp, quá tuyệt vời. Tạ ơn Chúa!!!

Vũ Đình Bình
 
Hình ảnh TẮC SẬY
Hình ảnh BÃI DÂU
Hình ảnh BẢO THỊ
Hình ảnh BÃI DÂU (tt)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây