Đêm.
Một đêm không sao, không trăng, chỉ có tiếng gió lùa qua những bức tường đá của hội đồng kỳ lão. Cánh cổng phía đông khép hờ, những bậc thềm bằng đá lạnh như những đoạn Kinh Thánh bị lật sai.
Người đàn ông ấy đứng đó, áo chàng rách vai, máu thấm đỏ hai ống tay. Ánh đuốc nhảy múa trên khuôn mặt bầm tím của Ngài, soi rõ đôi mắt không lửa giận, không oán trách – chỉ có một nỗi buồn thẳm sâu như vực.
Họ xét xử Ngài trong đêm.
Không công khai. Không minh bạch.
Chỉ có những người đã quen đổi trắng thay đen.
Họ hỏi Ngài những câu hỏi mà câu trả lời đã được định sẵn.
Ngài im lặng.
Một kỳ lão già gõ tay lên bàn đá:
“Ngươi tự xưng là Con Thiên Chúa?”
Ngài không phủ nhận.
Không phản kháng.
Không thương lượng.
Bản án được viết ngay trong đêm ấy, không mực, chỉ bằng máu.
Họ không thể dùng luật của mình để giết Ngài, nên họ vay tay của Đế Quốc.
Họ cần một khung hình phạt khác – không phải ném đá, mà là đóng đinh.
Để giết một người không vì tội lỗi, mà vì sợ niềm tin của kẻ ấy sống mãi.
Philatô rửa tay.
Nước trong chậu không đủ để rửa sạch quyết định ông vừa ký.
Ông quay đi. Bàn tay còn khô là bàn tay tiếp tục nắm quyền.
Đám đông hò hét.
Họ từng nghe Ngài giảng dạy.
Họ từng ăn bánh Ngài bẻ ra.
Nhưng hôm nay, họ chọn Baraba – kẻ cướp.
Bởi vì công lý quá chậm,
còn nỗi sợ thì lây lan như khói lửa.
Ngài vác Thập Giá ra khỏi thành.
Không một lời nguyền rủa.
Chỉ có bước chân nặng nề,
và tình yêu không thể bị đóng đinh trong lòng người.
Nhiều năm sau,
người ta kể lại đêm ấy như một vết cắt trong lịch sử.
Có người gọi đó là phiên tòa bất công nhất.
Có người gọi đó là khởi đầu của Ơn Cứu Độ.
Còn tôi – kẻ từng đứng trong đám đông hôm đó,
chỉ mong một ngày nào đó
có thể xin được rửa lòng, hối hận thật sự.
Không phải vì sợ tội,
mà vì đã hiểu Người đã chết vì tôi.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan