Bất toại!

Thứ tư - 12/01/2022 08:40 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   734
“Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5).
Bất toại!

BẤT TOẠI!
(Thứ Sáu sau Chúa Nhật I TN – Mc 2,1-12)

Câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho người bất toại nhờ thân nhân khiêng trên chõng, tháo dỡ mái nhà của người ta rồi thả xuống, được các Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật khá sống động (x.Mc 2,1-12; Mt 9,1-8; Lc 5,17-26)). Kịch tính của câu chuyện được dệt bằng nhiều chi tiết thú vị. Xin có vài phiếm luận mộc mạc.

Thân nhân của người bất toại vì quá yêu thương người thân bệnh tật đã bạo gan tháo dỡ mái nhà người ta để thả người thân xuống trước mặt Chúa Giêsu vì khi ấy người ta đông quá không thể đến gần Chúa Giêsu bằng cửa chính. Giúp nhau đến với Đấng Cứu Thế trong điều kiện thuận lợi hay trong hoàn cảnh bình thường thì không quá vất vả. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay với nhiều hạn chế, nhiều quy định mạnh tay của Chính Quyền, khi có người cần đến với Chúa thì chúng ta có can đảm làm những gì? Thiếu một chút liều thì chưa thể nói là đã yêu.

Chi tiết thú vị thứ hai đó là sự kinh ngạc của người bất toại và thân nhân cũng như đám đông hôm ấy. Xin một điều mà Thầy Giêsu lại trao ban một điều khác. Dù không nói nhưng ai cũng hiểu là người bại liệt xin ơn được chữa lành khỏi bệnh bất toại thể lý, thế mà Chúa Giêsu là ban ơn tha thứ tội lỗi: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5). Tin mừng tường thuật Chúa Giêsu đã từng khẳng định có nhiều trường hợp không được gán ghép sự dữ với tội lỗi như trong trường hợp người mù bẩm sinh mà Người chữa lành (x.Ga 9,1-7), hay như chuyện tháp Silôê đổ xuống đè chết mười tám người (x.Lc 13,1-5). Tuy nhiên dường như trong trường hợp người bại liệt này thì có mối dây liên hệ nào đó giữa tội lỗi và bệnh tật thể lý cũng như trường hợp người bệnh đã mười tám năm tại bờ hồ Bétsaiđa, vì sau đó Chúa Giêsu đã nói rõ: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” (x.Ga 5,1-14). Phải chăng Chúa Giêsu muốn chữa bệnh tận gốc? Sự bại kiệt thể lý rất có thể có nguyên nhân từ sự tê bại tâm hồn.

Xin bỏ qua các chi tiết thú vị tiếp theo đó là những xung đột thường xảy ra giữa nhiều người biệt phái và kinh sư với Chúa Giêsu. Hôm ấy họ đã thầm kết án Chúa Giêsu là phạm thượng, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chi tiết thật thú vị nữa đó là lời chữa lành bệnh bại liệt thể lý làm bằng chứng cho việc tha tội bại liệt tâm hồn mà Chúa Giêsu đưa ra đó là: “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” (Mc 2,11). Khi sự tội lỗi được thứ tha. Khi sự bại liệt đã được chữa lành thì phải tự đảm nhận lấy cuộc sống của mình. Thiên Chúa không chỉ muốn chúng phải tự lập mà còn phải biết liên đới với sự sống và hạnh phúc của tha nhân, nhất là những người nghèo hèn, kém phận bằng hành động thiết thực, cụ thể.

Ngoài xã hội cũng như trong Giáo hội, vẫn có đó không ít người nghĩ rằng: “Nói nhiều sai nhiều; nói ít sai ít; làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít; dấn thân nhiều mất lòng nhiều, dấn thân ít mất lòng ít”. Chính vì thế họ lựa chọn thái độ sống kiểu “khôn ngoan” cách có tính toán đến độ có khi là không nói, không làm gì, khi thời thế và điều kiện chưa thuận lợi. Và thế là nếu có bầu bán hay cấp trên chọn lựa thì thế nào cũng được lòng thượng cấp hay phiếu bầu cao của cử tri. Sống theo kiểu tìm mọi cách để không mất lòng ai là một trong những hình thái của sự bại liệt tâm hồn.

Bạn, tôi, chúng ta đang sợ làm mất lòng những ai đây? Những cái chõng nào tức là những việc đáng làm và nên làm nào mà chúng ta không dám tự mình vác lấy? Xin hãy khiêm nhu tự kiểm xét tâm hồn mình, có sinh động hay đang bị bại liệt cách nào đó? Chân thành và lương thiện một chút thì hẳn chúng ta sẽ dễ nhận ra thôi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây