Năm Dần, nói chuyện Cọp

Thứ bảy - 15/01/2022 07:26 | Tác giả bài viết: Vũ Đình Bình |   982
Bởi, cọp hội đủ các tính chất dũng mãnh, hiên ngang, can trường, biểu tượng của sự hùng cường, sức mạnh vô song và được con người thần thánh hóa.
Năm Dần, nói chuyện Cọp

Năm Dần, nói chuyện Cọp

Một năm cũ sắp qua, năm mới lại về. Luật tuần hoàn của Tạo hóa cứ thế xoay vần, hết hạ lại sang thu; hết mùa đông lạnh lẽo lại đến mùa xuân ấm áp. Tân Sửu qua đi Nhâm Dần lại đến.

Năm Nhâm Dần mang hình tượng của Chúa Sơn Lâm oai vệ sẽ xuất hiện trong thời gian sắp tới. Hình tượng khiến người ta liên tưởng đến sự hiện diện của loài cọp hung hãn sẽ đẩy lùi được đại dịch Covid. Bởi, cọp hội đủ các tính chất dũng mãnh, hiên ngang, can trường, biểu tượng của sự hùng cường, sức mạnh vô song và được con người thần thánh hóa.

Thật vậy, trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cọp được tôn thờ từ lâu. Hình tượng cọp như biểu trưng của sức mạnh, của niềm tin. Cọp được tôn vinh là ‘Ngài’, ‘Ông Ba Mươi’, ‘Ông Hổ’, như một vị thần linh uy quyền.

Ở phố Hàng Trống (Hà Nội) có bức tranh Ngũ Hổ nổi tiếng. Bức tranh miêu tả năm con cọp, mỗi con một dáng: con đứng, con ngồi, con lướt gió… Màu sắc trong bức Ngũ Hổ tượng trưng ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ và thể hiện một triết lý sâu xa:

- Hoàng hổ: Cọp vàng, tượng trưng hành Thổ, ứng với trung ương chính điện. 

- Thanh hổ: Cọp xanh, tượng trưng hành Mộc, ứng với phương Đông. 

- Bạch hổ: Cọp trắng, tượng trưng hành Kim, ứng với phương Tây. 

- Xích hổ: Cọp đỏ, tượng trưng hành Hỏa, ứng với phương Nam. 

- Hắc hổ: Cọp đen, tượng trưng hành Thủy, ứng với phương Bắc.

Từ thời nhà Trần, nhà Lê, đã có những bức tranh, bức tượng và phù điêu về cọp nổi tiếng tại các chùa chiền, lăng tẩm như Chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Tây), đặc biệt là Cọp Đá ở lăng Trần Thủ Độ, (Vũ Thư, Thái Bình).

Về văn học Việt Nam, có nhiều truyện nói về cọp, như truyện Cọp và Trí khôn Con người, tiểu thuyết Cọp Trắng, bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ:

Trong hang tối, mắt thần đã quắc,   
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.      
Ta biết ta là chúa tể muôn loài,        
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.         
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,      
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan,        
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn đổi mới…

Những chuyện viết về cọp nhiều vô kể, hư hư thực thực, ly kỳ và bí ẩn. Người kể luôn cam kết có thật 100% càng làm tăng sự hấp dẫn đối với người nghe. Câu chuyện về người đàn bà bị cọp vồ thuộc vùng đất mới Hoàng Tân (huyện Yên Hưng cũ). Quả là như thế:

- Bà tên là Đàm Thị Dừa. Nhờ Giời, nhờ Phật mà bà sống sót, thoát khỏi nanh vuốt “ông Ba mươi”!

Năm ấy là năm Đinh Dậu 1957. Trời làm đói kém do nắng hạn kéo dài. Vạt lúa cấy cạnh giếng Tiên mất gặt. Bà Dừa, lúc đó mới ngoài bốn mươi tuổi, phải giật từng bông, nhặt từng hạt thóc giấu kỹ để làm giống. Khoai cũng không có mà ăn. Phải bòn từng cái dãi lem rem. Bà Dừa xuống bãi đơm cá, đơm tôm, bắt chuột, bắt rắn làm thịt ăn trừ bữa.

Cuộc sống cứ thế trôi qua. Rồi đến một hôm, cô em gái từ trong làng bên kia sông ra chơi, rủ Dừa đi rừng kiếm cái ăn sống người. Bà Dừa cho con xuống thuyền nan và cùng cô em gái chèo vào khu Ngã Hai lên núi đào củ mài, hái quả thanh mai và tiện thể cắt cây thanh hao về buộc chổi đem bán.

Mải làm, chiều tối lúc nào không biết, đành ngủ lại trong rừng. May quá! Có một đoàn thuyền khác cũng bị nhỡ nhật như mẹ con bà. Mọi người buộc thuyền đậu ngoài lạch sông, dưới gốc cây lim cổ thụ. Các nhóm rải chiếu, lót ràng ràng trên vạt đất phẳng phiu bên khe nước có những bụi tre mai có thể tránh được gió lạnh trong nguồn thổi ra. Dưới khe, nước chảy róc rách qua kẽ đá.

Mấy người đàn ông lên sườn đồi cắt thêm ràng ràng về bảo: “Trên kia có nhà dân. Hay là mấy chị với mẹ con chị Dừa lên đó nghỉ. Sớm mai chúng tôi đón xuống!”.

Dừa lắc đầu: “Chả phải thế đâu! Chỗ nào cũng đất nhà Giời. Ta ngủ ở đây cho có bầy có bạn!”.

Hai mẹ con nằm giữa cùng cô em gái và cô bạn nữa chung một chiếu. Đêm giêng hai còn se lạnh. Đống lửa đốt bằng những gộc củi cháy bập bùng tỏa ấm. Sau một ngày làm lụng vất vả, mọi người ngủ thiếp đi. Lửa tàn dần trong đám củi than âm âm, tí tách. Dừa vẫn nằm yên bên con, chưa ngủ được vì trằn trọc bao ý nghĩ. Dễ quá nửa đêm chị mới thiu thiu. Thằng bé ngủ mê nói ngu ngơ. Chị lơ mơ vỗ về.

Hình như có một luồng gió lạnh rờn rợn lẫn mùi thối tạt qua đầu? Bỗng toàn thân chị bị bốc lên khỏi chỗ nằm rất lẹ. Một bàn tay đầy lông lá có vuốt sắc nhọn quặp chặt lấy chị lao vào đêm tối. Phản ứng bất ngờ, chị quàng tay ôm về phía trước. Chạm ngay vào mớ lông lạnh ghê người. Cọp! Giời ơi! Con ơi! Cọp vồ mẹ mất rồi! Bà chết khiếp. Đau đớn và tuyệt vọng. Mắt nhắm nghiền. Tay buông thõng. Máu tươi túa ra hai bên thái dương, tràn đầy mặt. Mặn và nóng.

Con cọp to bằng con nghé vực ôm Dừa băng qua những bụi gai, bụi tre nứa chặt vát ngọn. Một lúc, bà mới nghe thấy tiếng người hô hoán phía sau. Nhiều đốm củi lửa văng lên tóa lóa. Tiếng kêu, tiếng đứa con khóc ré gọi mẹ dưới khe… Dừa vẫn tỉnh táo, nghĩ: “Thôi thế là hết. Tận số rồi! Ai nuôi con tôi đây? Giời ơi! Chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ bị xé làm trăm mảnh cho cái bụng cọp háu đói!”...

Con cọp vẫn băng như cơn lốc lên đồi cao. Miệng ngoạm chắc đầu tóc bà, một chân trên nó quặp chặt, ép ngực bà đến nghẹt thở. Bà lấy sức giãy giụa, đấm dụi, cấu vặn từng túm da lông nó, nghiến răng cắn vào cổ nó đay đi đay lại. Chết thì chết! Đằng nào cũng chết, tao cũng phải cắn mày! Con cọp nhảy chồm chồm bằng ba chân, vun vút qua bãi cỏ tranh, táp bà vào gốc cây, vào đá đau điếng, tê dại. Đến đỉnh dốc, nó đột ngột hạ bà xuống, đứng cả thân lên, ngoái đầu lại đằng sau. Thừa cơ ấy, bà lăn luôn xuống vực. Lăn rõ nhanh. Lăn bất kể qua cây, qua đá. Mặc kệ mọi vật va vào người đôm đốp. Một trời loạn xạ những đốm lửa vung vãi. Không biết lửa của đoàn người đuổi theo cọp, hay lửa trong tròng mắt bà bốc lên?

Bà không biết gì nữa. Thế rồi đoàn người tìm thấy Dừa nằm bất tỉnh dưới chân dốc. Thân thể bầm giập. Mặt mũi bê bết máu… (trích Người đàn bà bị cọp vồ).

Năm 1940, ông Phạm Ngọc L. là người từng bị bắt làm “mồi” bẫy cọp ở Hà Giang kể lại:

Khi đó ông mới hơn 10 tuổi, quê ở Thái Bình, do nhà nghèo, ông phải làm con nuôi người dân tộc Thổ ở vùng cao Lạng Sơn, cuộc đời đưa đẩy ông trở thành thứ mồi bẫy cọp hạng nhất. “Mồi” được thổ dân bản địa đem ra nhử và bắt được ít nhất 3 con cọp nặng hàng tạ.

Một lần, ông suýt mất mạng trong gang tấc. Ông kể: Cái cũi gỗ mà ông ngồi bên trong khi bị con hổ đực nặng hơn 3 tạ chồm tới, đè sập cả ông và cũi. Ông vừa kịp thoát ra khỏi cũi thì con hổ đã quay lại như lằn chớp. Loài cọp khi vồ mồi thường đập đuôi trước khi vọt tới, nếu đuôi đập bên phải thì sẽ vồ bên trái hoặc ngược lại. Biết thế, nên ông L đã tránh được cái chết dưới móng vuốt con cọp dữ. Ông vạch cho chúng tôi xem vết sẹo sâu hoắm rộng 10cm. Đó là dấu tích một mảng da đùi bị vuốt hổ lột gần đến xương… (trích Phụ nữ Việt Nam).

Trong Kinh Thánh cũng có nhiều đoạn nói về Cọp. Ngay trong Sách Sáng Thế, trình thuật về những lời trăng trối của ông Giacóp, tổ phụ Itraen, cho các con. Ông Giacóp đã có lời sấm khen lao:

- Giuđa, con sẽ được anh em con ca tụng... Giuđa ví tựa hùm tơ, phanh xong mồi sống, ngươi lại đi lên, hỡi con, nó thu mình, nó phục xuống như sư tử, như chúa sơn lâm: nào ai bắt nó dậy được? Phủ việt sẽ không rời khỏi Giuđa... (St 49, 8-10).

Với giao ước giữa Thiên Chúa và loài người trên núi Sinai, ngôn sứ Hôsê đã ví như một hôn ước giữa Thiên Chúa và nhân loại. Khi định cư trên Đất Hứa, dân bỏ Chúa, đúc bò vàng thờ ngẫu tượng. Chính vì thế mà Hôsê đã cảnh cáo dân chúng, mau quay về với Chúa: “Quả thế đối với Epraim, Ta sẽ như sư tử, Ta sẽ như hùm tơ cho nhà Giuđa, Ta sẽ cấu xé rồi đi, Ta tha đi mà không người gỡ thoát” (Hs 5,14).

Trong sách Amốt, ngôn sứ đặt câu hỏi: “Phải chăng sư tử gầm lên trong lùm rậm mà nó lại không mồi? Phải chăng trong hang ổ, hùm tơ rống lên mà lại không chụp được gì?” (Am 3, 4).

Trong Sách Cách Ngôn: “Ai nóng giận bị ngục hình; Tránh hùm phải hạm đinh ninh đâu dè”. (Cn 19,19).

Trong Thánh vịnh: “Kẻ gắn bó cùng ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì”, vì thế: “Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long” (Tv 91, 13), cho dù kẻ thù tìm đủ cách hãm hại: “Tựa như sư tử hằm hè xâu xé, Như hùm tơ rình núp bụi bờ” (Tv 17,12), thì họ vẫn no đầy dung quang của Ngài như Môi-sen trên núi Si-nai xưa.

Trong những ngày cuối năm Tân Sửu, sắp bước qua đầu xuân Nhâm Dần, nguyện xin Thiên Chúa phù trì, ban cho nhân loại một năm an lành, thịnh vượng. Xin cho đại dịch Covid-19 sớm chấm dứt, cuộc sống xã hội trở lại bình thường trong một sức sống mới, niềm vui mới: bác ái – yêu thương – hiệp nhất và hòa bình.

Vũ Đình Bình

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây