Sách mới: Linh mục, người là ai?

Thứ sáu - 07/01/2022 19:18 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   876
Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.
Sách mới: Linh mục, người là ai?

Giới thiệu sách mới: Linh mục, người là ai?

Linh mục, người là ai? Linh mục làm gì trong những ngày cách ly? Linh mục trở nên Alter Christus như thế nào? Luôn là chủ đề nhiều người quan tâm.

Tuần tĩnh tâm linh mục -2021 tại Giáo phận Ban Mê Thuột, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản xác định Linh mục là người xây dựng Giáo Hội. Linh mục là con người mới trong một Giáo Hội mới (Ga 1, 43-51).

Đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều linh mục đã có những sáng kiến nhằm phục vụ dân Chúa cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất bằng sự hy sinh quên mình. Nhiều linh mục tình nguyện dấn thân phục vụ tại các bệnh viện nơi tuyến đầu chống dịch.

Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ. Ngoài những khó khăn về giao tiếp, khác nhau về phong tục tập quán, Cha Lành (nhân vật chính) còn trải qua biết bao thách đố, cám dỗ, cạm bẫy giăng mắc trên bước đường linh mục nơi xứ người.

Linh mục, người là ai? do tác giả Lm Lã Mộng Thường phát hành vào năm 1991 tại Hoa Kỳ, nay được tái bản và lưu hành nội bộ tại Ban Mê Thuột với số lượng có hạn, ưu tiên cho các giáo xứ, dòng tu, đoàn thể.

Xin vui lòng liên hệ SĐT: 0905 266 328 (Vũ Đình Bình)

Hoặc email: binhbalme@gmail.com

Trân trọng giới thiệu.

 

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I

- Cha đã gọi điện thoại cho đức giám mục chưa? Ngài nói vô máy trả lời điện thoại.

Cha xứ tái mặt khi cha phó Lành hỏi.

- Cha nghe rõ tiếng đức giám mục hay lại cha nào giỡn nói thế?

- Tiếng ngài rõ ràng; cha nghe thử máy trả lời điện thoại xem sao!

Cha xứ đi theo cha phó ra phòng khách; cha Lành ấn nút, sau vài tiếng bíp bíp, giọng đức giám mục trầm trầm rõ ràng vang lên: “Tôi là giám mục địa phận, muốn nói chuyện với cha xứ.”

 

Vài tiếng nói đơn giản được ghi trong máy đã làm thái độ cha xứ khác thường, hơi luống cuống hơn mọi khi; tay ngài đã hơi run giờ run trông thấy. Ra nhà bếp đun nước để pha trà, cha xứ vẫn cứ thắc mắc không biết đức giám mục gọi về chuyện gì!

- Đức giám mục gọi lúc nào?

- Có lẽ sau 4 giờ chiều vì tôi để máy lúc 4 giờ 5 phút trước khi đi thăm mấy gia đình có con không đi học giáo lý. Có thể đức giám mục gọi thông báo đổi cha đi xứ khác không?

- Tôi không nghĩ thế!

Cha Lành hiểu cha xứ quen những cha trong hội đồng địa phận nên ngài thường biết rất sớm những sự thay đổi nhiệm sở của các linh mục. Nếu ngài bị đổi chắc chắn sẽ đã biết trước khi đức giám mục gọi, nhưng biết đâu!

 

Chiếc đồng hồ nhà bếp chỉ gần 5g30 chiều mặc dầu trời còn sáng vào đầu tháng tư. Cha xứ dẫu nghĩ rằng đức giám mục không còn làm việc tại tòa nhưng vì nôn nóng vẫn lập cập bốc điện thoại ngay bên gọi thử miệng lẩm bẩm:

- Tôi không nghĩ ngài còn làm việc...

- Hôm nay thứ năm, ngày nghỉ của cha, đức giám mục gọi không gặp là chuyện dĩ nhiên...

Vài hồi chuông điện thoại reo bên kia đầu giây nhưng không ai nhắc, cha xứ đành cúp máy, pha ly trà nóng...

 

Đức giám mục gọi cho linh mục cả là một sự bất thường, phải là chuyện tối ư quan trọng. Những chuyện thường thì đã có cha chính địa phận hoặc cha quản hạt thông báo trong trường hợp thư từ không kịp. Hơn nữa, lề lối làm việc cần phải có giấy tờ hoặc thư từ chứng minh để tiện việc sổ sách sau này và, dĩ nhiên, ai cũng hay quên do đó càng cần giấy tờ hay thư từ thông báo vì gọi điện thoại trong hệ thống hành chánh không được coi là chính thức ngoài sự cần kíp, tối quan trọng. Gần ba năm chịu chức, chưa bao giờ cha Lành thấy đức giám mục gọi cho mình hay cha xứ. Năm đầu tiên, cha hay ghé qua thăm hỏi đức giám mục; nhưng sau thấy ngài khá bận, thỉnh thoảng cha Lành mới gọi điện thoại tới tòa giám mục bởi mấy lần ghé qua bất thường ngài bận chuyện khác không làm việc tại văn phòng. Cha Lành muốn ghé thăm đức giám mục thường xuyên vì theo kinh nghiệm lãnh đạo cho biết, một người càng ở chức vụ cao bao nhiêu càng cảm thấy cô đơn bấy nhiêu vì có những vấn đề khó có thể chia sẻ được với bất cứ ai và cũng khó cho bất cứ ai có thể thông cảm được. Trong vấn đề điều hành, người lãnh đạo có cái nhìn bao quát hơn những người dưới tay phụ giúp. Xét theo cách điều hành công việc và sự tính toán, vị thế người lãnh đạo trong một môi trường có thể so sánh với người đầu bếp khi nấu một món ăn biết rõ mình không thể nào chiều lòng hết mọi người vì có người thích ăn mặn hơn bình thường một chút, người khác ít tiêu hơn, hoặc không thích mùi hành; người muốn thêm dầu, mỡ, kẻ lại không ăn được chất béo. Dù chỉ một món ăn đơn giản cũng đã không thể nào làm vừa lòng hết mọi người thì một người lãnh đạo càng hay gặp những chuyện khó khăn trong cách đối xử; hoặc những thành phần nhỏ trong tổ chức đôi khi lại cứ như các khách ăn khác biệt khẩu vị thưởng thức chung một món; kẻ kêu thế này; người kêu thế kia mà người lãnh đạo bởi có cái nhìn bao quát phải chấp nhận thành phần nào cần được gia giảm cho hòa hợp và kiện toàn dự án nên thường không thể nào làm hài lòng một vài thành phần nhỏ nào đó. Vì thế, điều ong tiếng ve hoặc những lời bất mãn vô tình sinh ra khiến người lãnh đạo cảm thấy phiền lòng. Cho dù một chương trình có thành công đến cách mấy, người lãnh đạo bao giờ cũng vẫn cảm thấy còn nhiều vấn đề vẫn chưa khai thác đúng mức. Nỗi cô đơn không thể nói cùng ai và không ai có thể chia sẻ nơi tâm tư nhà lãnh đạo càng ngày càng chồng chất... Ghé thăm đức giám mục, tỏ lòng thông cảm, hiểu biết gánh nặng ngài đang mang cũng một phần nào giúp tâm tư ngài thoải mái hơn, cha Lành nghĩ thế. Hơn nữa, linh mục lo việc mục vụ cho giáo dân nhưng thường lại rất ít khi nghĩ đến mục vụ cho chính mình, các linh mục bạn bè và đức giám mục...

 

Bao công việc chồng chất, giờ nào để đức giám mục gọi điện thoại hỏi thăm đơn sơ; thế mà ngài muốn nói chuyện với cha xứ! Hơn nữa, nếu chỉ thăm hỏi đơn sơ, không gặp lúc gọi thì bỏ qua, đàng này ngài nói vô máy trả lời điện thoại... phải có chuyện gì quan trọng...

 

Khoảng 8g30, cha Lành, sau khi đi ăn tối trở về, ghé vô phòng khách nơi cha xứ thường xuyên coi ti vi. Ngài mê football, thích xem thể thao hoặc những chương trình diễu, vui cười, nhưng lại không coi phim truyện. Mỗi khi gặp phim truyện trình chiếu trên ti vi bởi không thể kiếm được đài nào có thể thao hoặc diễu, ngài lẹ làng rơi vào giấc ngủ khiến cho cơ thể đồ sộ lại càng có dịp phát triển đồ sộ hơn...

 

Rất ít khi cha Lành coi ti vi ngoại trừ những khi có chuyện xao động quốc tế lớn lao hoặc những mối đe dọa thiên nhiên. Do đó, cha xứ vừa thấy cha Lành bước vô phòng khách, ngài đã cầm “remote control” điều chỉnh âm thanh ti vi nhỏ lại, quay sang nói:

- Chiều nay, đức giám mục dùng cơm với quí cha sau khi khánh thành hội trường tại nhà thờ Đức Mẹ Fatima; ngài nói về vụ con ông Ảnh gọi điện thoại nói ông ta ốm đã lâu mới dời về bịnh viện gần đây sau một tuần và đang ở nhà mà không có một linh mục nào tới thăm và kiệu Mình Thánh cho ông ta. Cũng may, cha tuyên úy bịnh viện đang dùng cơm với ngài trả lời chính cha đã xức dầu, trao Mình Thánh hằng ngày cho ông ta tại bịnh viện. Gia đình ông ta có ai gọi điện thoại báo cho cha biết gì không?

- Không ai gọi. Chỉ có chiều nay, cha Tuyên, bạn già của ông Ảnh ghé qua khi tôi đang ký giấy thực phẩm và xăng cho cặp vợ chồng lỡ độ đường, ngài nhờ tôi kiệu Mình Thánh cho ông Ảnh đang ở nhà và tôi đã đi ngay, đồng thời xức dầu cho ông ta nữa; tôi cũng đã ghi tên ông vào danh sách kiệu Mình Thánh hằng tuần của tôi... Không thể hiểu được họ muốn gì khi không thèm thông báo cho mình biết chi hết. Vậy nếu đức giám mục hỏi cha về chuyện ấy, cha sẽ nói sao?

 

Hỏi như thế vì cha Lành thấy thương hại cho cha xứ; ngài rất sợ những sai lầm nho nhỏ vô tình xảy ra, không đúng theo như thường lệ, và chính sự e sợ này đã làm ngài mất bình tĩnh. Có lẽ đó cũng là kết quả của lối huấn luyện ngày xưa; một thày phải được dạy dỗ trong một khuôn mẫu nhất định, từ cách đi đứng, ăn nói hoặc vâng lời tuyệt đối...

- Ngày mai tôi sẽ gọi đức giám mục; nếu ngài nói giống như ở nhà thờ Đức Mẹ Fatima, tôi sẽ trả lời là người của gia đình đó nói không thật vì họ đã không thông báo cho nhà xứ biết. Hơn nữa cha tuyên úy đã lo phần thiêng liêng cho ông ta tại nhà thương và chính cha đã kiệu Mình Thánh cho ông ta...

 

Sáng thứ sáu tiếp theo, cha Lành đang chuẩn bị kiệu Mình Thánh cho những người bệnh và già yếu tại tư gia, cha xứ hỏi:

- Cha có tên của ông Ảnh trong danh sách kiệu Mình Thánh chưa?

- Có, tôi đang chuẩn bị mang Mình Thánh cho họ.

- Vợ ông ta nói rằng cha không cho bà ta rước lễ kỳ trước.

- Phiền quá, nào bà ta có nói gì với tôi đâu; bà ta dự lễ chủ nhật mà!

- Thôi thì mang thêm Mình Thánh cho bà ta...

 

Nghĩ cũng rầu, Mình Thánh là của ăn đàng cho người bệnh chứ đâu phải cho người khỏe. Chủ nhật trước bà còn đi lễ thì sao lại đòi rước lễ tại nhà. Hơn nữa bà ta đã không nói gì hết, ai có thể đoán được bà ta muốn gì. Những phiền hà xảy ra bởi sự khác biệt lối nói hay quan niệm, tập quán đến với cha Lành khá nhiều, nhất là do thực tế đối chiếu với thần học Công Giáo. Được huấn luyện chuẩn bị làm việc cho giáo dân trong tương lai với những quan niệm thần học hiện đại cộng thêm sự học hỏi tâm lý phụ họa cho những công việc mục vụ làm ngài ngỡ ngàng khi đối diện với thực tại dân Chúa. Công Đồng Vatican II đã gần 30 năm qua, sự thay đổi mới chỉ thực sự được nhìn thấy nơi Thánh Lễ, nhưng sự hiểu biết của giáo dân về ý nghĩa và sức sống thần linh nơi Thánh Lễ tuyên xưng thì thật vẫn mù mờ trong khi hãy còn những người bị ảnh hưởng quá sâu đậm bởi lối giáo dục cứng ngắc ngày xưa đã không thể chấp nhận ngay cả kiểu cách dâng lễ để rồi cứ “Lễ La Tinh” mới trang trọng. Trang trọng vì gì? Có phải vì mình không hiểu những lời La Tinh nói gì nên trang trọng? “Mình được huấn luyện làm linh mục cho dân Chúa thời hiện đại trong khi lại làm việc với giáo dân thời tiền Vatican II”, Cha Lành đôi khi thầm nghĩ. Thế nên tâm tình chấp nhận đành được sinh ra bởi ngài thấy dù có muốn thay đổi họ cũng chưa thể đổi được hoặc chính họ không muốn đổi; vô tri bất mộ mà. Chuẩn bị kiệu Mình Thánh cho người bệnh trong khi ngài thầm nghĩ: “Thôi thì đem thêm Mình Thánh cho bà ta tránh khỏi những lời nói phiền hà...”

(còn tiếp)

Lm Lã Mộng Thường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây