Được nhiều - Nợ nhiều

Thứ hai - 29/05/2023 05:43 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   192
Đời linh mục tưởng bỏ mọi sự nhưng được nhận lại gấp trăm mọi sự, đời này và đời sau.
Được nhiều - Nợ nhiều
Được nhiều - Nợ nhiều




Đời linh mục tưởng bỏ mọi sự nhưng được nhận lại gấp trăm mọi sự, đời này và đời sau. Điều nhận được trở nên một món nợ không thể trả. Đó là món nợ tình thương, đời sống cầu nguyện, hy sinh của nhiều người trao cho. Được nhiều và nợ nhiều.

Khi còn học trong Đại Chủng Viện, cha giáo Fx. tu đức nói với các thầy: “Nếu các thầy trở thành linh mục, các thầy nhớ một điều, các thầy được nhiều người quý mến, được nhiều người biếu tặng. Nếu không là linh mục, tu sỹ, có ai cho tặng mà không đòi hỏi gì, ngoại trừ cầu nguyện cho họ không?” Đúng là như thế, càng sống ơn gọi linh mục lâu năm, càng thấy điều cha giáo nói đúng. Biết bao nhiêu món nợ ân tình của người tín hữu trao cho, không chỉ lời cầu nguyện mà còn cả vật chất, lẫn tinh thần.
Người linh mục có lẽ là người mắc nợ nhiều nhất. Hằng ngày, bao nhiêu lời cầu nguyện của các tu sỹ nam nữ, giáo dân dâng hy sinh cầu nguyện cho linh mục. Nợ hy sinh, nợ đời sống cầu nguyện, nợ cả những đóng góp kín đáo để cho đời sống phục vụ của người linh mục trở nên dễ dàng.
Chẳng biết, như tôi cảm nghiệm, tôi đã phục vụ dân Chúa được bao nhiêu. Mỗi ngày dâng Thánh Lễ, tôi đã cầu nguyện cho dân Chúa như chính họ mong ước không? Hay chỉ như chu toàn bổn phận mà không đủ cố gắng làm thăng tiến lòng đạo người tín hữu? Nhiều khi tự thấy xấu hổ, lòng đạo của tôi chưa chắc đã bằng lòng đạo người giáo dân, nhất là với những người cao tuổi. Phận việc chăm sóc người tín hữu đau bệnh tại nhà, khi thăm viếng tang chế, cử hành Thánh Lễ, những người giáo dân cũng giúp đắc lực cho người linh mục thi hành sứ vụ.
Người tín hữu nhiệt thành hơn vị linh mục khi đi tìm kiếm những người anh chị em sống đạo khô khan. Họ tìm kiếm và đưa vị linh mục tới chữa lành, ai có phúc hơn ai? Phần người linh mục là bổn phận, giống như Lời Chúa nói: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10)
Người tín hữu nhiệt thành Nhà Chúa, họ lo bao nhiêu việc ở nhà, chăm sóc gia đình, tham gia hội đoàn, giúp các công việc to nhỏ trong giáo xứ. Ai cần cám ơn họ? Chính người linh mục coi xứ cám ơn họ nhiều chứ. Người linh mục rất cô độc nếu không có những người nhiệt thành Nhà Chúa trợ giúp. Không có những người tín hữu ấy, Nhà Chúa sẽ ra sao? Người linh mục coi xứ mắc nợ nhiều lắm. Mắc nợ về công sức, về lòng nhiệt thành Nhà Chúa của họ.
Làm gì trong giáo xứ, người này, hội đoàn kia, cộng đoàn Giáo Xứ, đều chúc mừng, cám ơn linh mục, dành cho người linh mục những thành tựu lớn lao nhất. Người giáo dân nhận cho mình điều ít danh dự nhất. Ai mới đáng được Chúa khen thưởng, người tín hữu chứ không phải là linh mục. Người linh mục nhận được rất nhiều nhưng là công lao vất vả của người giáo dân.
Cái ăn, cái mặc, nhà ở của linh mục xứ đầy đủ phương tiện và khang trang hơn nhà người giáo dân rất nhiều. Không lo về kinh tế, mà làm gì cũng được người tín hữu góp cho. Có thấy người linh mục nào nghèo đói đâu? Ngay trong chỗ nghèo nhất, người linh mục cũng là người phân phát, lo cho người nghèo ở đó. Tiền của đó ở đâu? Cũng là mồ hôi vất vả của nhiều cộng đòan, những người tín hữu góp cho. Điều này ngay từ thuở Giáo Hội sơ khai đã có: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 4, 34).
Về đời sống cá nhân, trong khi phục vụ. Thánh Phao lô ghi nhận: “Chính anh em, những người thành Phi-líp-phê, anh em biết là trong giai đoạn tôi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, lúc rời khỏi Ma-kê-đô-ni-a, không một Hội Thánh nào đã đóng góp vào các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em thôi; bởi vì ngay khi tôi còn ở Thê-xa-lô-ni-ca, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng. Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em. Tôi có đủ mọi thứ cần dùng, lại còn dư dật nữa là khác. Tôi rất đầy đủ, kể từ khi nhận được những gì anh em gửi đến tôi qua tay anh Ê-páp-rô-đi-tô.” (Pl 4 15 – 18)
Người linh mục cần sống như những mục tử Chúa mong có, và luôn cầu nguyện theo gương Thánh Phaolô cho người tín hữu: “Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên,10 để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.11 Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.” (Pl 1, 9 – 10)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây