Gia đình của Chúa Giêsu (Mc 3, 20-35)

Chủ nhật - 16/06/2024 20:36 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   171
“Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền… Vậy, Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số”.

GIA ĐÌNH CỦA CHÚA GIÊSU
Chúa Nhật 10 Thường Niên Năm B: Mc 3, 20-35

LmTN 070624a


Theo Phúc Âm Máccô, sau khi chọn 12 Tông đồ trên đường rao giảng Tin Mừng, thì hôm nay Đức Giêsu và các ông “trở về nhà”. “Nhà” ở đây có lẽ là nhà của Phêrô vì khi đi rao giảng, Đức Giêsu thường xuyên lui tới và nghỉ ngơi ở đó (Mc 1, 29; 2,1). “Nhà” ở đây cũng có thể hiểu là hình ảnh của Giáo Hội. Hai lần Thánh Máccô ghi rằng, thân nhân của Đức Giêsu “ở ngoài” nhà. Kiểu nói “những kẻ ở ngoài” thông dụng trong thời Giáo Hội sơ khai, ám chỉ những người không phải là Kitô hữu (Tx 4,12; 1 Cr 5,12-13; Cl 4,5; Tm 3,7).

Những người thân thuộc đã nghe tin là Đức Giêsu làm việc quá sức, không còn giờ ăn uống, ngủ nghỉ, đàng khác còn gây thù hận với hàng lãnh đạo tôn giáo, và họ đang “tìm cách giết Ngài” (Mc 3,6) nên thân nhân muốn bắt Ngài đưa về quê,“vì họ nói rằng Ngài đã mất trí”. Đức Giêsu bị họ hàng nhận định cách nặng nề, thiếu hiểu biết, muốn ngăn cản sứ vụ của Ngài. Trong sự việc này có mặt Đức Maria là điều làm chúng ta phải suy nghĩ. Nhưng qua đó, ta cũng thấy không phải chuyện gì xảy ra Đức Maria cũng hiểu được, dù ngay từ đầu đã được thiên thần truyền tin. Có lần thánh Luca cũng ghi nhận Đức Maria không hiểu được Đức Giêsu (Lc 2,50). Chỉ dần dần nhờ “lắng nghe Lời Chúa” và “suy niệm trong lòng” mà Mẹ lớn lên trong đức tin. Quyền làm Mẹ đã tìm thấy một chiều kích mới để trở nên Mẹ Giáo Hội.

Sự kiện éo le chưa xong thì bồi thêm một sự kiện khác, là “các kinh sư từ Giêrusalem đến nói rằng Ngài bị quỷ vương Bêendêbun ám và Ngài dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”. Lời cáo buộc này nhằm cố ý triệt hạ uy tín và ảnh hưởng của Đức Giêsu trước đoàn lũ dân chúng đang đi theo Ngài. Trong nước Do Thái thời Đức Giêsu, việc trừ quỷ khá phổ biến và được mọi người chấp nhận (Cv 19,13). Hơn nữa, các kinh sư là những người thông thạo Kinh Thánh, họ phải biết việc Êlia xưa đã dùng quyền năng Thiên Chúa mà diệt trừ những kẻ dựa vào quỷ Bêendêbun thời vua Akhap và Ôkhôgia vua Israen (2V1,2-17).

Qua lời tố cáo của nhóm kinh sư, Đức Giêsu cho dân chúng thấy ngay luận điệu gian xảo của họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền… Vậy, Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số”. Xatan chỉ bị diệt trừ khi ai đó có một sức mạnh lớn hơn. Đó là chính Đức Giêsu. Thế mà nhóm kinh sư dám dùng lời lẽ ngông cuồng xúc phạm đến Ngài. Và Ngài cho biết, mọi tội phạm thượng đều có thể tha thứ được, Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời". Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám".

Theo thánh Máccô, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã nhận lãnh Thánh Thần khi chịu Phép Rửa trên sông Giođan, và với quyền năng của Thánh Thần, Ngài thi hành sứ mạng cứu độ (1,9-12). Khi nhóm kinh sư xuyên tạc và lật lọng việc trừ quỷ của Đức Giêsu là họ “phạm đến Thánh Thần”, cố chấp không đón nhận ơn cứu độ, nên không được tha thứ.

Tiếp nối sự việc trên, nhân có mẹ và anh em, Đức Giêsu nâng cao tầm nhìn cho các môn đệ: không phải những người ruột thịt là người thân đích thực của Chúa, mà là những người thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Không thể nói:“Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào Nước Trời” (Mt 7, 21). Chính Ngài từ trời xuống cũng là để làm theo ý muốn của Chúa Cha (Ga 6,38), đến nỗi hy sinh mạng sống mình (Lc 22,42).

Những giáo huấn trên của Đức Giêsu đặt lại vấn đề đời sống của người Kitô hữu hôm nay. Khởi đi từ thực trạng dạy giáo lý tại Việt Nam, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã nhấn mạnh đến 4 cái thiếu: một là thiếu chiều sâu, bởi lo tập trung vào cái đầu thay vì con tim và đôi tay; hai là thiếu chiều cao, bởi chỉ chú trọng đến kiến thức thay vì tương giao và gặp gỡ; ba là thiếu chiều dài, bởi giới hạn vào việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích thay vì trưởng thành đức tin; bốn là thiếu chiều rộng, bởi giới hạn trong khuôn khổ của lớp học thay vì vươn ra ngoài xã hội.

Với nền giáo dục đức tin bất cập như thế, không lạ gì có nhiều giáo dân chẳng hiểu biết gì về Chúa, họ cũng không chịu học hỏi thêm Giáo lý, Thánh kinh, Công đồng… Nhiều người biện minh là không có thời giờ, nhưng thật ra là do lười biếng, không muốn hiểu biết Chúa hơn. Cũng vì nền tảng giáo lý yếu kém mà nhiều giáo dân sống đạo hời hợt, hình thức, không đi sâu vào mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu.

Mang danh là Kitô hữu mà không hiểu biết Chúa bao nhiêu. Đã “vô tri thì bất mộ”, không biết nên cũng chẳng yêu, càng không thao thức vươn lên cuộc sống mới như Chúa mong đợi. Quả là một tình trạng đức tin rất mông lung và đáng nghi ngờ, có thể đi tới những lầm lạc nếu không kịp thời chấn chỉnh. Và thật sự đã có những nhóm lạc giáo tại Việt Nam, lôi kéo được nhiều giáo dân, kể cả các linh mục và tu sĩ.

Cầu nguyện 

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa nêu lên một điều thật mới lạ,
để nối kết với tất cả người ta,
là những ai thi hành thánh ý Chúa,
mới trở nên thân thích họ hàng Ngài.


Chúa không coi thường gia đình ruột thịt,
nhưng cho thấy gia đình Ngài rộng lớn,
và vẫn còn tiếp tục trải dài hơn,
cho dù rất khác nhau về mọi mặt,
nhưng rồi lại có một mẫu số chung,
là cùng nhau thi hành thánh ý Chúa.


Lời Chúa nói còn có ý sâu xa,
trước tiên là muốn ngợi ca Mẹ mình,
vì chẳng ai theo ý Chúa cho bằng Mẹ,
là sẵn sàng thưa hai tiếng “xin vâng”,
cho dù bao bao gian lao lận đận,
chẳng màng gì đến sự sống bản thân.


Khờ khạo thay khi con theo ý mình,
mà chẳng quan tâm gì đến ý Chúa,
con hay dùng lý lẽ để phân bua,
hầu sống theo những gì mình ham thích.


Nếu như thế con đã mất liên hệ,
không còn được thuộc về gia đình Chúa,
sẽ trở nên một kẻ sống “ở ngoài”,
giữa cuộc đời không còn có ngày mai.


Lạy Chúa là nguồn suối của tình yêu,
xin cho con yêu mến Chúa thật nhiều,
để bù lấp những gì con đang thiếu,
dù đau khổ cũng chẳng đáng bao nhiêu.


Xin cho con cứ làm theo Ý Chúa,
đừng biện minh hay che chắn cho mình,
đừng vòng quanh hay giả bộ làm thinh,
nhưng cho con sức mạnh để thi hành. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây