Kiện toàn lề luật

Thứ ba - 22/03/2022 08:34 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   711
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17)
Kiện toàn lề luật

KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
(Thứ Tư sau CN III Mùa Chay – Mt 5,17-19)

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17)

Khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu thường dùng cụm từ: “Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em…” (x.Mt 5,43). Đây là một trong những lý do khiến cho một số người lầm tưởng rằng Chúa Giêsu muốn hủy bỏ lề luật, cụ thể là luật của Môsê truyền. Khi khẳng định rằng mình đến không phải để hủy bỏ lề luật mà để kiện toàn thì Chúa Giêsu mặc nhiên nhìn nhận sự cần thiết của lề luật. Tuy nhiên Người lại minh nhiên nói lên sự hữu hạn của chính lề luật và sự bất toàn của việc áp dụng luật lệ nơi nhiều người, nhất là nơi những người đang có vai cao, vị lớn trong Do Thái giáo lúc bấy giờ. Qua cung cách hành xử và lời giảng dạy của Chúa Giêsu chúng ta cùng xem xét việc Người kiện toàn lề luật:

1. Trả lề luật về lại vị trí, vai trò của nó: “lề luật là phương tiện chứ không phải là mục đích. Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định: ‘Ngày Sabbat (lề luật) có ra là vì con người chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabbat” (x.Mc 2,28). Tính hữu hạn của lề luật là nơi chính nó vì nó là phương tiện. Khi phương tiện không thể đạt đến mục đích hoặc đi lệch mục đích thì chúng ta phải để nó ra một bên. Chính Chúa Giêsu đã từng nhiều lần cố tình vi phạm lề luật, đặc biệt luật ngày hưu lễ, luật sạch nhơ là để khẳng định điều này.

2. Lề luật xét về nguồn gốc thì có thiên luật và nhân luật. Thiên luật là luật của Thiên Chúa nên có giá trị tối thượng. Còn nhân luật là luật của con người thì giá trị thấp hơn vì hữu hạn. Sự hạn chế của nhân luật nằm ngay nơi nguồn gốc của nó. Nhân vô thập toàn. Nhân luật luôn có đó nhiều giới hạn vì vừa bất cập lại vừa thái quá. Ngay trong thiên luật tức là luật của Thiên Chúa thì Kitô hữu chúng ta tiếng lương tâm là luật tối thượng. Thế mà tiếng lương tâm của con người vẫn có đó mặt hạn chế vì nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan hình thành nên lương tâm bối rối, lương tâm phóng khoáng, lương tâm lầm lạc, lương tâm chai lì… Thiên luật khi hiện hữu bằng văn tự thì có đó sự hạn chế bởi văn phong, ngôn từ, cách thế diễn đạt, cách hiểu…Chính vì thế chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa không chỉ hết lòng, hết sức, hết linh hồn mà còn phải hết cả trí khôn (x.Mc 12, 30).

Chúa Giêsu kiện toàn lề luật khi khẳng định mối tương quan giữa thiên luật và nhân luật. Luật của Thiên Chúa luôn ở trên luật của loài người. Luật của loài người phải quy chiếu từ luật của Thiên Chúa. Đã từng nhiều lần Chúa Giêsu khiển trách nhiều lãnh đạo Do Thái giáo vì họ đã xem nhẹ lề luật của Thiên Chúa mà nắm giữ truyền thống là luật lệ của loài người (x.Mc 7,1-13).

3. “Đã đến lúc người ta phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý” (x.Ga 4,23). Việc giữ lề luật phải khởi đi từ bên trong tâm hồn. Giữ luật cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng bên ngoài mà nội tâm thì trống rỗng thì cũng bằng không mà nhiều khi còn gây ra nhiều hậu quả khó lường cho bản thân và tha nhân. Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán nhiều lãnh đạo Do Thái giáo, cách riêng nhóm biệt phái về việc giữ luật bên ngoài cách giả hình này. Người không ngại ngần dùng những lời quở trách gay gắt “khốn cho các ngươi…” (x.Mt 23,27-32).

Lề luật là cần thiết. Nhưng điều cần thiết hơn là hiểu cho đúng vai trò, vị trí của lề luật đồng thời phải biết giữ luật cách ý thức, chân thành. Thái độ sống vô kỷ luật quả là đáng trách. Tuy nhiên cung cách sống kiểu “vụ luật” thì thật đáng sợ hơn nhiều. Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên dạy chúng ta hãy cẩn trọng về “tinh thần biệt phái mới” trong lối sống đạo. Chính Chúa Giêsu đã từng cảnh tỉnh các tông đồ về thứ men độc hại này (x.Mc 8,14-21).

Kiện toàn lề luật. Chúa Giêsu đã làm và chúng ta cũng phải cộng tác với Người liên lỉ, theo khả năng, hoàn cảnh và vai vị của mình.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây