Kiêng việc xác ngày Chúa nhật – NVMN 23.5.

Thứ ba - 23/05/2023 09:43 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   16439
Với người Kitô hữu, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một lễ trọng nhất của năm Phụng vụ. Lễ này đánh dấu sự khai sinh Giáo Hội, tựa như lễ quốc khánh của một quốc gia. Hôm nay, mọi tín hữu kiêng việc xác để mừng lễ cách trọng thể.
Kiêng việc xác ngày Chúa nhật – NVMN 23.5.
Kiêng việc xác ngày Chúa nhật – NVMN 23.5.2021
 
Niềm Vui Mỗi Ngày
 
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4

NVMN 23.5.2021
 
Kiêng việc xác ngày Chúa nhật
 
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
 
Chúa nhật 23.5.202 là Chúa nhật thứ 2 xứ tôi không có thánh lễ, mọi người phải xem lễ online. Các Anh Chị dự tòng cũng phải nghỉ để phòng chống dịch Covid-19. Mọi người đều mong chờ ngày trở lại lớp. Với người Kitô hữu, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một lễ trọng nhất của năm Phụng vụ. Lễ này đánh dấu sự khai sinh Giáo Hội, tựa như lễ quốc khánh của một quốc gia. Hôm nay, mọi tín hữu kiêng việc xác để mừng lễ cách trọng thể. (x.1)
 
Chúng ta biết, Thiên Chúa đã truyền cho dân Ítraen phải tuân giữ ngày Sabát, tức ngày thứ bảy trong tuần trong Mười Điều Răn, như sau:
 
“Ngươi hãy nhớ ngày Sabát và coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabát kính Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó ngươi không được làm công việc gì, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi.” (Xh 20,8-10).
 
Đây là nguồn gốc của luật giữ ngày Chúa Nhật, các ngày lễ trọng và luật kiêng làm việc xác những ngày này trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay.
 
Về Kiêng việc xác ngày Chúa Nhật, giáo lý Hội thánh Công Giáo (GLCG) dạy như sau:
 
* GLCG 2185
 
Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu tránh lao động và các sinh hoạt ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, việc hưởng niềm vui trong ngày của Chúa, việc bác ái và tịnh dưỡng thể xác cũng như tinh thần. Luật giữ ngày Chúa Nhật có thể được miễn chuẩn, khi có trách nhiệm gia đình hay nghĩa vụ xã hội quan trọng. Nhưng tín hữu cũng phải coi chừng, đừng để những miễn chuẩn này dẫn đến thói quen thờ ơ với việc thờ phượng, với cuộc sống gia đình hay sức khỏe của mình.
 
* GLCG 2186
 
Khi hưởng những giờ nhàn rỗi, người tín hữu nên nhớ đến anh chị em của mình, những người cùng có nhu cầu và quyền lợi như mình, nhưng không được nghỉ ngơi vì nghèo khổ và túng cực. Theo truyền thống đạo đức công giáo, ngày Chúa Nhật phải là ngày dành riêng để làm việc lành và khiêm tốn phục vụ cho bệnh nhân, kẻ tàn tật và già lão. Người tín hữu cũng phải thánh hiến ngày Chúa Nhật bằng cách dành thời giờ để chú tâm đến gia đình và thân hữu, những người mà thường nhật họ khó chú tâm tới. Ngày Chúa Nhật cũng là thời gian suy tư, tĩnh lặng, rèn luyện và suy niệm cần thiết để đời sống nội tâm của tín hữu được phát triển.
 
* GLCG 2187
 
Ðể thánh hóa ngày Chúa Nhật và lễ trọng, phải có một nỗ lực chung. Nếu không cần thiết, người Kitô hữu đừng bắt anh em làm điều gì khiến họ không thể giữ ngày Chúa Nhật. Nếu những tổ chức (thể thao hay gặp gỡ) và nhu cầu xã hội (các dịch vụ công cộng) đòi buộc một số người phải lao động ngày Chúa Nhật, thì họ cũng phải tìm đủ thời gian để nghỉ ngơi. Với tinh thần điều độ và yêu thương, người tín hữu phải tránh những bốc đồng và bạo lực thường gặp thấy nơi các cuộc giải trí tập thể.
 
* Giáo Luật điều 1247 qui định:
 
“Vào ngày Chủ Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ, và hơn nữa, kiêng làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở sự thờ phượng Thiên Chúa, sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa, hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác.”
 
Người tín hữu có thể được miễn chuẩn khỏi giữ ngày Chúa nhật khi có lý do chính đáng và theo chỉ thị của Giám Mục giáo phận(2)
 
Kinh Hội Thánh có Sáu Điều Răn (*), dạy như sau:
Thứ hai:  chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng Các Ngày Lễ Buộc.
 
Cụ thể Kiêng việc xác là gì?

Kiêng việc xác ngày Chúa nhật và lễ buộc là không làm những việc tay chân có thể gây trở ngại cho việc thánh hóa ngày của Thiên Chúa.
 
Kiêng việc xác có nhiều ý nghĩa:
 
– Tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa về ngày lễ nghỉ.
 
– Để mừng kỷ niệm việc Chúa Giêsu sống lại vào ngày đầu tuần.
 
– Để hướng tới thời gian cuối cùng khi mọi sự hoàn tất.
 
– Để có thời gian rộng rãi hơn mà chu toàn nghĩa vụ thờ phượng Chúa và làm việc bác ái.
 
– Nghỉ ngày Chúa nhật còn có cái lợi thực tế là để bồi bổ sức khỏe bị tiêu hao suốt tuần lễ vì lao động.
 
Dĩ nhiên, khi có lý do chính đáng, chúng ta có thể lao động / làm việc ngày Chúa nhật và ngày lễ buộc (trừ ba lễ Giáng sinh, Phục sinh và Hiện xuống), nhưng đừng lạm dụng kẻo mất ý nghĩa của “ngày được thánh hiến cho Thiên Chúa”. (3)
 
Cầu mong mọi người được bình an và sớm trở lại với những công việc đời thường.
 
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
 
 Nguyễn Thái Hùng
23.5.2021

 
++++++++

(*) Trong Sách Giáo Lý HTCG xuất bản năm 1992, ở số 2042 dạy: Điều răn thứ nhất: “Xem lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc”, các tin hữu buộc phải tham dự thánh lễ và không làm những công việc nô dịch đòi các tín hữu thánh hóa ngày mừng Chúa Phục Sinh, cũng như những lễ phụng vụ chính để tôn kính các mầu nhiệm của Chúa, của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Diễm Phúc, của các thánh, trước hết bằng việc tham dự cử hành Bí Tích Thánh Thể, là bí tích qui tụ cộng đoàn, và tránh tất cả những công việc tự bản chất ngăn trở việc thánh hóa những ngày ấy ( x. CIC, 1246-1248; CCEO 880, 3; 881 ).  Điều răn thứ hai : “Mọi tín hữu buộc phải xưng tội trong một năm ít là một lần” bảo đảm việc chuẩn bị rước Thánh Thể bằng việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nối tiếp công việc hoán cải và tha thứ của bí tích Thánh Tẩy ( x. CIC, 989, CCEO, 719 ) Điều răn thứ ba : “Mọi tín hữu buộc phải rước Mình Thánh Chúa ít là một lần trong mùa Phục Sinh” bảo đảm mức tối thiểu trong việc rước Mình Máu Chúa Giê-su. Điều răn này phải được chu toàn vào mùa Phục Sinh, vì lễ Phục Sinh là nguồn gốc và là trung tâm của phụng vụ Ki-tô giáo ( x. CIC, 920, CCEO, 708-881 ). Số 2043 : Điều răn thứ tư : “Vào những ngày sám hối do Hội Thánh ấn định, các tín hữu buộc phải kiêng thịt và giữ chay” bảo đảm thời gian tu luyện và sám hối để chuẩn bị tâm hồn mừng các ngày lễ phụng vụ. Chay tịnh và hãm mình góp phần giúp chúng ta làm chủ được các bản năng và đạt tới tự do nội tâm ( x. CIC, 1246, CCEO, 881,1,4; 880,3) Điều răn thứ năm: “Các tín hữu buộc phải đóng góp cho các nhu cầu của Hội Thánh” dạy các tín hữu có bổn phận chu cấp cho những nhu cầu vật chất của Hội Thánh, tùy theo khả năng mỗi người ( x. CIC, 222; CCEO 25 ). Trong cước chú, các Hội Đồng Giám Mục có thể ấn định những điều luật khác nữa của Hội Thánh cho phần lãnh thổ của mình ( x. CIC, 455 ), và được cô đọng trong Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý HTCG xuất bản năm 2007 bởi UBGLĐT/HĐGMVN phần Các Công Thức Giáo Lý Công Giáo, tr 277: Năm Điều Răn của HộiThánhThứ nhất: Tham dự thánh lễ ngày chủ nhật cũng như các ngày lễ buộc, kiêng việc xác và những hoạt động  có thể cản trở việc thánh hóa những ngày đó.
Thứ hai:  Xưng tội ít là mỗi năm một lần.
Thứ ba:   Rước lễ ít là trong Mùa Phục Sinh.
Thứ bốn: Kiêng thịt và giữ chay những ngày Hội Thánh qui định.
Thứ năm: Mỗi người theo khả năng đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội Thánh.

      1. http://www.cgvdt.vn/lich/le-chua-thanh-than-hien-xuong-ga-20-19-23_a2725
  1. https://phamquanglong.wordpress.com/2016/03/26/kieng-viec-xac-ngay-chua-nhat
  2.  http://tinvuixuanloc.vn/Watch_bai-13-ton-tho%CC%80-thien-chu%CC%81a_67.aspx
 Tags: nvmn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây