THÀ MỘT NGƯỜI CHẾT

Thứ năm - 09/04/2020 21:44 | Tác giả bài viết: L.m Giuse Hoàng Kim Toan  |   866
Thượng Hội Đồng họp gấp để xem xét tình hình đang căng thẳng tại Giêrusalem, một ông Giêsu, nhiều người đang tin theo, quân Roma vì cớ ấy có thể tiêu diệt hết mọi người. Caipha đã lên tiếng: “Thà một người chết thay cho dân hơn là tất cả mọi người bị giết” (xem Ga 11, 45 – 50). Điều này gợi đến nhiều suy nghĩ trong bối cảnh ngày hôm nay.
THÀ MỘT NGƯỜI CHẾT
 
Thượng Hội Đồng họp gấp để xem xét tình hình đang căng thẳng tại Giêrusalem, một ông Giêsu, nhiều người đang tin theo, quân Roma vì cớ ấy có thể tiêu diệt hết mọi người. Caipha đã lên tiếng: “Thà một người chết thay cho dân hơn là tất cả mọi người bị giết” (xem Ga 11, 45 – 50). Điều này gợi đến nhiều suy nghĩ trong bối cảnh ngày hôm nay.

Thà một người chết thay cho toàn dân! Điều này đưa con người vào con đường cứu rỗi, nhờ sự chết của Chúa Giêsu Kitô đã chết cho tội lỗi nhân gian.
Xin đừng theo ý Con.
Vườn cây Dầu là nơi một mình đối diện với sự chết sắp tới của Chúa Giêsu. Nơi cầu nguyện: “Xin cho Con khỏi uống chén này” (Mc 14, 36) nhưng đồng thời cũng: Xin đừng theo ý Con một xin vâng ý Cha”. Một tình yêu rất người của Chúa muốn dành cho nhân loại, vâng theo ý Chúa Cha xuống thế làm người ở giữa nhân loại, giờ đây sắp sửa rời xa nhân loại về với Chúa Cha.
Một tình yêu của người yêu không muốn rời xa người mình yêu, như sách Diễm tình ca diễn tả: “ Nước lũ không thể dập tắt tình yêu, sóng dữ cũng không thể nhận chìm, dù cho ai có thí cả sản nghiệp đổi lấy tình yêu, người ta chỉ khinh nó mà thôi. (Dc 8, 7). Tình yêu của Chúa đã bao lần chạnh lòng thương, nhất là những con người bị bỏ rơi bên lề xã hội, những con người đau thương vì tội lỗi, những con người bị khinh bỉ vì sự nghèo hèn, hạng thu thuế, hạng đàng điếm, kẻ tù đày, người bị áp bức. Chúa đồng bàn với những người ấy, như muốn chia sẻ một kiếp người lầm than, mặc cho những thành kiến của những người đương thời, không bao giờ giao lưu và ngay cả bóng của họ cũng không muốn đụng tới hạng người tội lỗi, đui què, thương tật. Một cảnh tượng sắp rời xa những con người đau khổ, bao năm Chúa chung sống, gắn bó, yêu thương, chữa lành, làm Chúa chạnh lòng đau: “Xin cho Con khỏi uống chén này”, rồi cũng tiếp lời cầu xin ấy Chúa Giêsu thưa: “xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha”.
Tình yêu cao cả là tình yêu tự phó nộp, lấy cái chết của mình để chuộc lấy sự sống cho người mình yêu “Con tự hiến thánh Con để họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17, 19). Thánh Phaolô cảm nghiệm sâu xa về tình yêu phó nộp ấy, bởi vì chính ngài đã từng bắt bớ những người Kitô hữu đầu tiên, phó nộp họ cho những người xét xử. “Ðời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi.” (Ga 2, 20). Khi con người của ta nhận ra vì tội lỗi của mình mà người mình yêu phải chết, lúc ấy ta sẽ biết ân hận, đau xót và hiểu được tình yêu giá chuộc hy sinh.   

Thà một người chết.
Câu nói này đúng theo nghĩa thực tại ở Giêrusalem vào ngày lễ vượt qua và cũng đúng với toàn thể nhân loại. Tội lỗi sự chết đã đi vào thế gian. Mọi người đều mang án chết, nhất là trong những ngày đại dịch, cái chết đang ở gần bên, ngay trước cửa nhà, giữa lòng thành phố. Mong ước lớn nhất là sống vượt qua đại dịch.
Nhiều người cho rằng Thiên Chúa phạt con người vì tội lỗi của họ. Chẳng phải vậy, chính Chúa cũng chết vì tội lỗi con người gây nên. Chúa đến với con người và chịu chết vì con người, cứu thoát con người khỏi phải chết. Thư thánh Phêrô viết cho chúng ta:  “Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pet 2, 22 – 24).
Trong sự chết của Chúa Giêsu là tình yêu của Chúa Cha đã yêu thương tác tạo nên con người, một tình yêu cho sống chứ không phải để chết, và vì đó Chúa Cha đã phó nộp Chúa Con cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3, 16 – 17). Thiên Chúa yêu thương đến cùng, chết thay để con người được sống và sống lại trong ân sủng dồi dào của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu trong giờ ra đi của Người, Thánh Gioan đã trình thuật: “Người gục đầu phó nộp Thần Khí” (Ga 19, 30). Thần khí đã thổi vào con người bụi đất để sống và giờ đây, trong hơi thở cuối cùng của Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần nhận lấy, Chúa Thánh Thần sẽ hồi sinh nhân loại trong sự sống lại của Chúa Giêsu một sự sống mới. Chúa Thánh Thần biến đổi nhân loại, ban cho nhân loại một trái tim mới, một trái tim biết yêu thương, một trái tim biết trao tặng, hiến thân, hy sinh vì anh chị em. Hãy để Chúa Thánh Thần hồi sinh sự chết trong tội của chúng ta! Đó là niềm tin tưởng, hy vọng vượt qua sự chết trong mùa đại dịch này.
Xin Chúa cho chúng con được sống lại trong tình yêu của Chúa để chúng con sống yêu thương hơn, hiệp nhất, hòa bình trên trái đất.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây