Bình Minh Ló Rạng Sau Đêm Dài

Thứ sáu - 10/04/2020 18:59 |   776
Sau cuộc tử nạn, Chúa Giêsu đã sống lại khải hoàn. Ngài Phục sinh mở ra cho nhân loại một niềm hy vọng.
Bình Minh Ló Rạng Sau Đêm Dài 


Thời tiết giao mùa. Những cơn mưa đầu hạ hồi sinh vạn vật. Những con nhộng ve bỏ kén chui ra hát inh ỏi. Đàn bướm lột xác dập dìu rủ nhau bay, rợp vàng cả một góc sân vườn đầy hoa nắng. 

Một mình trong tĩnh lặng của mùa dịch Covid-19, sáng thứ sáu Tuần Thánh quỳ trước tượng Chúa chịu nạn, suy niệm về cuộc Thương Khó của Chúa và suy nghĩ về ý nghĩa kiếp nhân sinh: 

Sông dài nước cuộn về đâu? 
Kiếp người thấp thoáng cỏ khâu vệ đường. 
Đua tranh giành dật điên cuồng. 
Ngoảnh đầu nhìn lại thịnh cường hoá không! 

Mọi sự hoá ra không? Kiếp nhân sinh trở nên vô nghĩa? 

Sau cơn mưa trời lại sáng. Sau kiếp dâu tằm đen đủi là lụa là sang chảnh, là gấm vóc quý phái. Sau kiếp sâu bọ sần sùi xấu xí là những cánh bướm tung tăng khoe muôn màu thắm sắc... Nhưng vì kiếp tằm còn nặng nợ dâu, cõi hồng trần còn lắm vương luỵ... dễ gì con người ta nhẹ lòng rũ áo lau son phấn... Tất cả đòi hỏi một cuộc đổi đời lột xác. 

Nếu Đức Kitô không chấp nhận bước vào cuộc tử nạn đau thương hẳn đã không có sự phục sinh vinh hiển. Tuy nhiên, đó không phải là điều luôn dễ đón nhận. Khi Ngài tiên báo về cuộc khổ nạn, thánh Phêrô đã hết mực can ngăn: Xin Thầy đừng như thế! Ông đã nhận được lời quở mắng: “Xa-tan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8, 33). Rồi lần khác, trước tình hình ngày một căng thẳng, giới lãnh đạo Do-Thái giáo đang ráo riết giăng lưới vây bắt, Chúa Giêsu vẫn một quyết lên đường nhập cuộc: Nào anh em, chúng ta cùng lên Giêrusalem! Các Tông Đồ đã níu kéo: Thầy ơi xin đừng! Các ông đã nhận được câu trả lời: Một ngôn sứ không thể chết ngoài thành! (Lc 13, 33). Tướng chết theo thành là tướng vì quốc vong thân. Một vị tướng anh hùng có trách nhiệm. Nhân loại khổ đau ngập chìm trong bể đắm trầm kha, tội lỗi đã xô đẩy họ đến cái chết, Đức Giêsu Đấng Cứu Độ trần gian không thể khoanh tay đứng nhìn. Ngài sẵn sàng đón nhận tất cả: Bị sỉ nhục, chịu đánh đòn, bị bỏ rơi, bị hất hủi, loại trừ, và tận cùng là cái chết đau thương. Đó là một tiến trình lột xác. Sau ba ngày nằm im trong huyệt đá, Ngài đã phá tổ kén trỗi dậy trong Vinh thắng. Cuộc chiến có cam go, chiến thắng mới hiển hách. Đường lên trời xuyên qua núi Sọ. Có đau khổ mới đến vinh quang “Per crucem ad gloriam”. Mọi giá trị cuộc sống đều phải kinh qua quy luật này. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Những miếng bánh sữa không mất tiền mua chỉ có trong bẫy chuột”. 

Sau cuộc tử nạn, Chúa Giêsu đã sống lại khải hoàn. Ngài Phục sinh mở ra cho nhân loại một niềm hy vọng. Hy vọng vì cuộc Phục sinh của Ngài không dừng lại nơi bản thân Ngài mà có liên quan đến nhân loại. Chính vì lẽ đó mà người Kitô hữu hằng năm long trọng tưởng niệm cuộc khổ nạn và hân hoan mừng ngày Phục sinh. Nếu cuộc Phục sinh chỉ dừng lại nơi cá nhân Ngài, thiết tưởng đó không phải là điều đáng mừng! Sau tiệc mừng tân gia, ai về nhà nấy. Nhà người ta người ta ở, ta vẫn hoàn là ta. Giữa ta và căn nhà kia chẳng liên quan gì. Trái lại, một chiếc cầu vừa khánh thành, ngày thông cầu là ngày vui cho mọi người vì nó ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, đem lại lợi ích cho nhân sinh. Ra chiều tương tự, mừng mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô, là ta mừng cho chính bản thân ta, cho thân phận bọt bèo như sóng bể chiều hôm của mình, trong Đức Kitô một ngày kia chúng ta cũng sẽ được sống lại với Ngài. Tuy nhiên, đây không phải là một sự luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác như sâu bọ qua ong bướm. Thân xác của Đức Kitô sau ngày Phục sinh cũng chính là thân xác đã được đầu thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, và thân xác sáng láng sau ngày Phục sinh cũng là thân xác chịu bầm dậm nát tan bởi đòn roi quân dữ... Vẫn một sự xuyên suốt trong thân xác và bản tính của Ngài, chứ không phải qua cái chết và sau cái chết, Ngài nhận hoặc biến đổi thành một cái gì khác. 

Vẫn là thân xác và bản tính xuyên suốt. Tuy nhiên, sau ngày Phục sinh con người ta sẽ sống như các thiên thần (Mc 12, 25), không còn lệ thuộc bởi các yếu tố vật chất, không gian và thời gian (Ga 20, 19), như ăn uống, cưới vợ gả chồng, ở đây hay ở kia, lúc này hay lúc khác... Thời gian trong Chúa là vĩnh hằng, được về bên Chúa tựa hồ giọt nước hoà quyện trong đại dương. Như thế, ngày Phục sinh được ví là ngày khai trương quán trường sinh, ngày thông cầu đi vào cõi vĩnh hằng. 

Đức Kitô đã trở nên nhịp cầu nối liền giữa hai bến bờ sự chết và sự sống, giữa đất với trời, giữa con người và Thiên Chúa. Hình ảnh bức màn trong đền thờ bị xé ra làm đôi đúng lúc Chúa trút hơi thở trên đồi Gôngotha, nói lên điều này (Mt 27, 51). Tưởng cũng nên biết, đền thờ của người Do-Thái được chia làm ba phần. Phần cung thánh tách biệt với lòng đền thờ, chỉ có các tư tế mới được vào như trường hợp của ông Giacaria (Lc 1, 9-10; 21-22). Phần giữa dành cho dân Thiên Chúa, tiền sảnh dành cho dân ngoại. Chiếc màn xé ra làm đôi, qua cái chết, từ đây giữa con người và Thiên Chúa không còn rào cản, chính Đức Kitô là nhịp cầu thông thương, là con đường dẫn đưa nhân loại đang trong cảnh tăm tối về Thiên Quốc ngập tràn ánh vinh quang. 

Chợt nhớ bà cụ trong cuốn phim Sám Hối của Liên Xô cũ. Bà cụ lọm khọm lần dò hỏi thăm người đi đường: “Đường này có dẫn đến Nhà Thờ không?” - “Thưa cụ, con không biết!” Cuốn phim kết thúc với câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhưng lại hàm chứa một lời khẳng định đầy lạc quan tin tưởng: “Đường mà không dẫn đến Nhà Thơ thì làm đường để làm gì?!” 

 
Hoà Tiến, thứ bảy Tuần Thánh 2020 
Đanlê
Lm. Dom Lê Văn Thế
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây