TÔI SỐNG, KHÔNG PHẢI TÔI.

Thứ năm - 23/04/2020 09:35 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   7155
Lời tuyên xưng rất đặc biệt của thánh Phaolô đã reo lên: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Chúa Thánh Thần làm cho Đức Kitô sống lại và làm cho Đức Kitô sống trong tôi. Đó là niềm xác tín của Thánh Phaolô, Chúa Kitô Người đang sống.
AEaster3Vs
AEaster3Vs
Tôi sống, không phải tôi sống.
 
Kinh tin kính chúng ta tuyên xưng: “Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban sự sống”. Thánh Phaolô cũng cho thấy sống sự sống mới là sống nhờ Chúa Thánh Thần. Người Kitô hữu không chỉ sống theo như là theo gương của một ai đó, học ở ai đó hoặc theo tư tưởng của ai đó được tô vẽ trên trần gian này. Người Kitô hữu sống nhờ Chúa Thánh Thần là sống cùng Chúa Giêsu Kitô. Người đang sống, không như một người nào đó đã chết từ lâu năm, lấy di ngôn, di chúc của người đó mà sống theo.
Chúa Kitô, Người đang sống là một đề tài Thánh Phaolô luôn sống cùng, sống với và sống trong Người. Khi Thánh Phaolô viết: “Chính Chúa Kitô sống trong tôi”, đó là cách sống ngài luôn thuộc về.
Sống cùng Chúa Kitô là sống với sự hiện diện của Người khi tham dự các bí tích trong Giáo Hội. Chính Chúa là Đấng đang hiện diện khi Người cử hành các bí tích qua thừa tác viên. Nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong khi cử hành bí tích Thánh Thể, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho lễ dâng trần thế lên cùng Chúa Cha. Hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Thánh Phaolô viết trong lời kết vinh tụng ca, thư gửi tín hữu Roma: “ Kính chúc Người, Thiên Chúa duy nhất và khôn ngoan, nhờ Ðức Yêsu Kitô, vinh quang đời đời kiếp kiếp. Amen.” (Rm 16, 27)
Hiệp thông trong Giáo Hội. Sống với Chúa không chỉ sống cho mình hay cho một cộng đoàn mà là sống trong hiệp thông cùng với Giáo Hội. Thánh Phaolô theo trình thuật của ngài, lời rao giảng không do loài người, mà chính ngài thụ giáo nơi Chúa Kitô, và thuộc về Giáo Hội: “Rồi sau ba năm, tôi mới lên Yêrusalem tham kiến Kêpha, và tôi đã lưu lại với ông mười lăm ngày. Các Tông đồ khác, tôi không gặp ai, duy chỉ có Yacôbê, người anh em của Chúa” (Gl 2, 18 – 19). Người Kitô hữu không chỉ thuộc về một cộng đoàn mà thuộc về Giáo Hội nên sống với Chúa là vâng nghe giáo huấn Giáo Hội giảng dạy.
Hiệp thông trong đau khổ. Để sống với Chúa, Thánh Phaolô luôn mời gọi sống trong sự khổ chế, nghĩa là từ bỏ lối sống theo xác thịt. Ai sẽ giúp ta ra khỏi lối sống xác thịt chính là Chúa Thánh Thần mà Thánh Phaolô mời gọi: “Nếu Thần khí của Ðấng đã cho Ðức Yêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Ðấng đã cho Ðức Yêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của anh em, nhờ bởi Thần khí của Người cư ngụ trong anh em” (Rm 8, 11). Đi trên hành trình trần thế , con người được mời gọi vác thập giá mình theo Chúa, thập giá ấy là những khổ chế trong luyện tập đời sống thiêng liêng, thông hiệp cùng với tất cả anh chị em đang đau khổ, cùng với đau khổ của ta: “Nay tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em; và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Ðức Kitô phải chịu vì Thân mình Ngài, tức là Hội thánh” (Cl 1, 24)
Xin Chúa cứu con khỏi cái tôi.
Tôi sống, như một bản kiểm điểm việc mình sống. Thường tôi sống cho tôi nhiều hơn cho Chúa, cho anh chị em. Cái tôi sống có khuynh hướng quy về mình, nghĩ cho mình, kiếm cho mình những điều tốt đẹp hơn những người khác, luôn có những biện minh cái tôi là chính đáng. Như cái dằm trong thân xác theo cách nói của Thánh Phaolô, luôn lôi kéo: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. (Rm 7 19 – 20).
Kinh nghiệm của cái tôi gần với cái tội luôn bị lôi kéo muốn dứt bỏ nhưng vẫn cứ quyến luyến. Trong kinh nghiệm của R. Tagore cũng cho thấy điều này: “Tên tôi là một nhà tù, nơi người tôi giam đang than khóc. Mải mê xây tường bao vây tất cả, và dần dần khi tường đã vươn cao, trong bóng tối âm u, tôi không còn nhìn thấy con người thực của mình đâu nữa” (Lời dâng, bài số 29, R.Tagore).
Và trong kinh nghiệm “tôi sống” ấy Thánh Phaolô viết tiếp: “ Vô phúc thay con người tôi! Ai sẽ cứu tôi khỏi các xác chết này? Ðội ơn Thiên Chúa, nhờ Ðức Yêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24, 25).
Ơn giải thoát ở nơi Chúa Giêsu Kitô. Người đang sống. Xin cho con ý thức Chúa đang sống ở nơi con.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây