Tôi là tôi đã thấy…

Thứ bảy - 08/04/2023 04:01 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   393
“Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cor 15, 14).
 

 

Chúa Nhật Phục Sinh – Năm A
Tôi là tôi đã thấy…

Mầu nhiệm Đức Giê-su Phục Sinh là nền tảng đức tin Ki-tô giáo. Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô xác quyết: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cor 15, 14).

Đức Giê-su đã Phục Sinh, điều mà hôm nay, khoảng hai tỷ người Ki-tô hữu “đã tin”. Mỗi Chúa Nhật, chúng ta đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và sau phần Phụng Vụ Lời Chúa, tất cả cộng đoàn cùng đứng lên tuyên xưng rằng: Đức Giê-su - “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”.

Niềm tin của chúng ta hôm nay, không phải do thấy-mà-tin, nhưng do các thánh tông đồ truyền dạy. Lời truyền dạy của các ngài, chúng ta gọi là “đức tin tông truyền”.

Mà đúng vậy. Mười một người trong nhóm các tông đồ, đều đã gặp Đức Giê-su Phục Sinh. Mười một người trong nhóm các ngài đã có sự cảm nghiệm, một sự cảm nghiệm được chạm, được thấy, được nhìn, được nghe chính Thầy Giê-su, của mình.

Tông đồ Phê-rô và Gio-an, có thể nói, là hai người rất nôn nóng gặp Thầy Giê-su Phục Sinh. Hai vị là những người đã đến ngôi mộ mai táng Thầy Giê-su. Hôm đó, hai vị chỉ thấy đó là một ngôi-mộ-trống. Một ngôi mộ trống, thế nhưng nó lại như là dấu chỉ khiến cho ông Gio-an “đã tin”. Và rồi, ông ghi lại những gì mình đã nhìn, đã thấy… rất chi tiết, “để…” như lời ông nói, “…anh em tin.”

**
Vâng, chúng ta cùng nghe lại câu chuyện này. Chuyện được kể rằng: Hôm ấy là “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, trời còn tối…” Trời còn tối, ấy thế mà “bà Maria Mác-đa-la (đã) đi đến mộ.” Bà đi đến ngôi mộ nơi mai táng Đức Giê-su.
Bà biết đâu là ngôi mộ đã mai táng Người. Biết là nhờ hôm trước, hôm Đức Giê-su bị bắt và bị giết chết, bà ta đã đi theo Người suốt con đường từ dinh Philato đến tận đồi Golgotha. Chính mắt bà chứng kiến cảnh hành hình và cái chết của Đức Giê-su. Bà còn biết nơi Đức Giêsu được chôn cất. Đó là gần nơi Ngài bị đóng đinh, có một thửa vườn, trong mảnh vườn ấy có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.

Hôm ấy, ông Giosep, người Arimathe, được tổng trấn Phi-la-tô cho phép nhận thi hài Đức Giê-su để chôn, “bà và một bà khác cũng tên là Maria…” có mặt ở đó.

Làm sao quên được hình ảnh ông Giô-sep “lấy tấm vải gai sạch mà liệm và đặt (thi hài Đức Giê-su) vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá! Làm sao quên được việc ông ta đã “lăn tảng đá to lấp cửa mồ”! (x. Mt 27, 57-61).

Vậy mà hôm nay, khi bà đến ngôi mộ, kinh ngạc thay! Bà thấy… “Bà thấy những gì xin kể cho chúng tôi nghe!” Vâng, bà thấy “tảng đá đã lăn khỏi mộ.” Hôm ấy, dù không có ai “xin kể”, nhưng bà Maria nghĩ là cần phải kể, cần phải kể cho các người môn đệ của Đức Giê-su.

Thế là, “Bà liền chạy về gặp ông Simon Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến.” Khi đã gặp hai vị, bà kể: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” (x.Ga 20, 2).

Nghe bà Maria kể xong, không một phút chần chờ, “Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai cùng chạy.”

Sao! Sao phải chạy! Thưa, không có gì khó hiểu, đó là do các ông nôn nóng xem có thật là như thế không. Hơn nữa, các ông nôn nóng còn bởi trước khi bị bắt và bị giết, Thầy Giê-su đã nói với các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”

Sáng hôm nay, là ngày thứ nhất trong tuần. Nếu tính từ hôm thứ Sáu, ngày Thầy Giê-su bị đóng đinh trên thập giá tại Golgotha, thì nay bắt đầu sang ngày thứ ba rồi. Sang ngày thứ ba, ngày Thầy phán “Người sẽ sống lại”, không nôn nóng sao được!

Thế nên, hai ông chạy rất nhanh, nhanh như những vận động viên chạy cự ly 100 mét. Vâng, chúng ta có thể tưởng tượng, rằng hai ông đã chạy bán sống bán chết. Kết quả, “(người) môn đệ kia chạy nhanh hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.” Tới nơi, người môn đệ này “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó...”

Thầy Giê-su đâu! Xác Thầy đâu! Không thấy. Và, trong lúc người môn đệ này “nỗi lòng biết ngỏ cùng ai”, thì ông Phê-rô theo sau “cũng đến nơi.”

Không như người môn đệ kia “tới mộ trước… nhưng không vào”, ông Phê-rô “vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.” Thầy Giê-su đâu! Xác Thầy đâu! Ông Phê-rô cũng không thấy.

Và, để biết sự thật chắc chắn như thế nào, người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, rồi “cũng đi vào”. Ông cũng đi vào. Chuyện kể tiếp rằng: “ông đã thấy và đã tin.”

Người môn đệ kia, sau đó thú nhận: “Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải tri dậy từ cõi chết.”

Như đã nói ở trên, niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh của chúng ta là do các tông đồ truyền dạy. Nhờ thế mà hôm nay, noi theo hai ông Phê-rô và Gio-an, nhạc sĩ Hùng Lân cũng có lời xác quyết, xác quyết rằng: “Tôi là tôi đã thấy Thiên Thần làm chứng tỏ tường: khăn liệm và y phục Người còn nguyên trong mồ đá. Nhưng Người đã sống lại, và đi trước chư vị, đến Ga-li-lê-a, đến Ga-li-lê-a.” (trích: Hoan Ca Phục Sinh).

Vâng, trở lại câu chuyện “ngôi mộ trống”. Hôm ấy, sau khi nhìn rõ những gì đã xảy ra nơi mai táng Đức Giê-su, chuyện kể rằng: “các môn đệ lại trở về nhà.”

***
Các ông đã trở về nhà. Hành trang các ông mang theo là một niềm tin, tin rằng, những sự kiện đã xảy ra tại ngôi mộ mai táng Thầy Giê-su chính là “dấu chỉ” về nguồn ánh sáng Phục Sinh. Chính nguồn ánh sáng đó đã làm cho các ông sáng mắt, sáng lòng để hiểu vì sao Kinh Thánh đã nói: “Đức Giê-su phải tri dậy từ cõi chết.”

Hiện tượng “tảng đá đã lăn khỏi mộ” và “ngôi mộ trống” nó như chiếc chìa-khóa-vàng để “Phêrô và người môn đệ kia” mở cánh cửa tâm hồn của mình, chờ đợi, chờ đợi Đức Giêsu, một Đức Giê-su Phục Sinh thật sự sẽ đến với các ông.

Và, quả thật, các ông đã được gặp gỡ Đức Giê-su Phục Sinh. Các ông đã được Ngài “hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.” Đức Giê-su Phục Sinh còn “…mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.”

Ngài đã nói với các ông rằng: “Có lời Kinh Thánh chép: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại… Chính anh em là chứng nhân về những điều này”. (Lc 24, 45-47).

Và quả thật, sau khi Đức Giê-su “lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”, tông đồ Phêrô đã “làm chứng” về một Đức Giêsu Phục Sinh cách mạnh mẽ rằng: “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 40-41).

Hôm nay, chúng ta “không” được cùng ăn cùng uống với Đức Giê-su, sau khi Đức Giê-su từ cõi chết sống lại. Nhưng, chúng ta vẫn tin rằng, Đức Giê-su đã từ cõi chết sống lại. Đức tin của chúng ta, xin nói thêm một lần nữa, đó là đức-tin-tông-truyền.

****
Xưa, chỉ nhìn thấy tảng-đá-đã-lăn-khỏi-mộ và ngôi-mộ-trống, Phê-rô và người môn đệ kia đã tin. Nay, với lời truyền dạy của các tông đồ, chúng ta cũng tin! Hay chúng ta “nửa tin nửa ngờ”!!!

Vâng, nếu nửa tin nửa ngờ thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Không ngạc nhiên là bởi, Satan và con cái chúng không bao giờ muốn chúng ta tin như thế. Xuyên tạc hoặc trấn áp là điều Satan và con cái chúng đã thực hiện suốt hơn hai mươi thế kỷ.

Thực tế là vậy. Sự kiện Đức Giê-su Phục Sinh, ngay từ thời các tông đồ, đã bị không ít dư luận cho là “fake news - tin giả” hoặc bị xuyên tạc.

Đầu tiên là nhóm thượng tế. Các thượng tế và kỳ mục dùng thủ đoạn hối lộ: “cho lính một số tiền lớn” (Mt 28, 12) để họ vu khống lên rằng: “các môn đệ của (Giêsu) đã đến lấy trộm xác” hòng làm mất tính xác thực việc Đức Giêsu Phục Sinh.

Đúng là loại giọng điệu xuyên tạc đầy ác ý. Nguồn tin ác ý đó đã làm “ớn lạnh” các môn đệ. Rất, rất ớn lạnh vì đó là một trọng tội. “Ở Việt Nam, mồ mả, thi thể của người đã khuất cũng được pháp luật bảo vệ vì nó thể hiện văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của người dân. Do đó pháp luật đương nhiên có những biện pháp chế tài đối với hành vi cố ý xâm phạm đến thi thể, mồ mả.” (nguồn: thuvienphapluat.vn).

Do Thái thời đó bị cai trị bởi Đế Quốc La Mã, mà theo luật La-Mã, tội trộm xác khi xử cũng không nhẹ đâu.

Ms. Hồ Xuân Phước, trong bài chia sẻ về hiện tượng “ngôi mộ trống”, đã đưa ra rất nhiều lý lẽ để phản biện cái lối xuyên tạc “ngày càng vô lý” của con cái satan thời nay.

Vâng, con cái satan thời nay cho rằng: “Chúa Giê-su thực sự chưa chết. Ngài chỉ ngất xỉu. Khi đưa vào mộ đá lạnh, (nhờ hơi lạnh) Chúa dần hồi tỉnh lại.”

Ms. Phước phản biện: “Lối lý luận nầy càng khó chấp nhận hơn vì họ tự mâu thuẫn với chính mình!” Ông nói tiếp: “Hai chi tiết khá quan trọng phủ nhận tin đồn Chúa chưa chết: “Mấy người lính thấy Chúa đã chết, một người lính lấy giáo đâm xuyên sườn Chúa, máu và nước đổ ra” (x.Ga19, 33-34). Ông kết luận: “Vết thương chí tử nầy thừa đủ để kết liễu cuộc đời một lực sĩ hay chiến sĩ mạnh mẽ nhất.”

Lời kết luận của Ms. Phước cũng đồng quan điểm với rất nhiều chuyên gia y học ở thế kỷ 20. Những chuyên gia xưa, điển hình là “bác sĩ William Stroud, bác sĩ William Edwards và các đồng sự, nhà bệnh lý học pháp y Frederick Zugibe v.v… đều cho rằng, Giê-su thực đã chết với nhiều nguyên nhân, một nguyên nhân được nhiều người đề cập đến, đó là Giê-su chết “vì đột quỵ tim mạch và ngạt thở.” (nguồn: internet).

Thực ra, có một số người khi càng cố tìm chứng cứ để phủ nhận sự kiện Đức Giê-su Phục Sinh, thì họ lại càng bị thuyết phục rằng “Ngài đã sống lại thật như lời đã phán hứa.”

Frank Morrison như điển hình. Là một luật sư người Anh, ông đã nghi ngờ về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su. Vì thế, ông đã bỏ ra nhiều năm để đi tìm bằng chứng, rằng sự Phục Sinh của Chúa Giê-su chỉ là “trò bịp”.

Thế nhưng, càng tìm kiếm bằng chứng để phủ nhận, thì ông lại càng tìm ra nhiều bằng chứng đáng tin cậy để nói rằng: Chúa Giê-su thực sự đã Phục Sinh.

Chính vì thế, vào năm 1970, ông đã cho ra đời một tác phẩm có tên: “Who moved the stones – Ai đã lăn hòn đá”. Ra đời tác phẩm Ai-đã-lăn-hòn-đá như là cách ông xác tín niềm tin của mình, rằng: “Đức Giê-su Ki-tô thực đã sống lại”.
Qua tác phẩm này, Frank Morrison đã bổ sung tên của ông vào danh sách tên của những nhà khoa học, bác học: Pascal, Isaac Newton, Louis Pasteur, Edison, Herry Jame v.v… là những người “đã thấy và đã tin”.

Người ta đã dựa vào Kinh Thánh và lịch sử để chứng minh cho sự kiện Đức Giê-su - “ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”.

Về Kinh Thánh chúng ta có bốn sách Tin Mừng: Mát-thêu, Mác-cô, Luca và Gio-an. Tất cả bốn cuốn sách này đều đã ghi lại biến cố Đức Giê-su Phục Sinh rất, rất chi tiết.

Về lịch sử, khoa khảo cổ học đã tìm ra Bave (Stone Pavement - nền lát đá), nơi Đức Giê-su bị đem ra xử trước đám đông người Do Thái, đúng như trong các sách Tin Mừng, ghi lại.

Thì đây, Tin Mừng Gio-an có ghi: “Ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên tòa, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Hip-ri gọi là Gap-ba-tha…” (x.Ga 19, 13).

Sự kiện Đức Giê-su Phục Sinh đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Và, đã có, có rất nhiều bằng chứng về sự Phục Sinh của Ngài.

Vâng, quá nhiều bằng chứng. Do vậy, vấn đề của chúng ta hôm nay không còn là phải tranh luận, viết sách v.v… để biện hộ cho việc Đức Giê-su có thực sự Phục Sinh hay không! Vấn đề của chúng ta hôm nay, đó là hãy làm cho đời sống Ki-tô hữu của mình trở nên “những bằng chứng sống động” về một Đức Giê-su Phục Sinh.

Sẽ là rất, rất sống động nếu chúng ta “lăn những tảng đá”, tảng-đá-hận-thù, tảng-đá-bất-hòa, tảng-đá-ghen-tuông, tảng-đá-nóng-giận, tảng-đá-tranh-chấp, tảng-đá-chia-r, tảng-đá-bè-phái, tảng-đá-say-sưa-chè-chén v.v… ra khỏi “ngôi mộ tâm hồn” mình.

Và càng sống động hơn khi chúng ta “làm sống lại”, làm-sống-lại những nhân đức Ki-tô giáo. Đó là những nhân đức: “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.” Nói cách khác, chúng ta hãy làm cho “hoa trái Thần Khí” nở rộ trong ngôi-mộ-tâm-hồn của chúng ta.

Lăn-những-tảng-đá xấu xí xù xì (nêu trên) ra khỏi ngôi mộ tâm hồn mình, và làm-sống-lại những nhân đức (nêu trên) chính là cách chúng ta xóa tan những luận điệu ác ý, xuyên tạc, bẩn thỉu hòng bôi nhọ nền nhân bản Ki-tô giáo của chúng ta.

Lăn-những-tảng-đá xấu xí xù xì (nêu trên) ra khỏi ngôi mộ tâm hồn mình, và làm-sống-lại những nhân đức (nêu trên) cũng chính là cách chúng ta làm-sống-lại một Giáo Hội, một Giáo Hội ngày một đáng-tin-cậy-hơn, và đồng thời cũng làm cho một xã hội không còn cảnh “người đối xử với người như chó sói”.

Đức Giê-su đã Phục Sinh. Chúng ta là những kẻ đã tin, cũng phải Phục Sinh với Ngài. Phục Sinh với Ngài, đó là: hãy làm-sống-lại Mười Điều Răn của Thiên Chúa, qua cuộc sống thực tại nơi trần thế, của mình.

Chỉ có thế, chúng ta mới có thể đứng trong hàng ngũ các môn đệ, là những người “đã tin”. Chỉ có thế, chúng ta mới không ngượng miệng khi cất lên tiếng ca, ca nguyện rằng: “Tôi là tôi đã thấy nấm mồ của Đức Kitô. Người đã sống lại, và đã ra khỏi mồ. Người đang là đang sống vinh quang, sống vinh quang.”

Còn nữa… Là người “đã tin”, chúng ta không thể không lăn tảng đá bám đầy rong rêu tội lỗi, ra khỏi ngôi mộ tâm hồn mình. Đừng nghĩ đó là một công việc nặng nề. Nếu xưa kia, “thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra…”, thì ngày nay, người-linh-mục-của-Chúa sẽ giúp chúng ta “lăn tảng đá ra”, qua Bí Tích Giải Tội.

Chỉ như thế và có thực hiện như thế, thiên hạ mới có thể tin lời xác quyết của chúng ta, lời xác quyết rằng: “Tôi là tôi đã thấy…”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây