Vì sao phụ nữ là người đầu tiên đến ngôi mộ?

Chủ nhật - 09/04/2023 00:35 |   313
Trong bốn sách Phúc âm, các phụ nữ đi theo Chúa Giêsu không phải là môn đệ của Ngài nhưng lại là nhân chứng đầu tiên của sự Phục sinh.
Vì sao phụ nữ là người đầu tiên đến ngôi mộ?
 

Vì sao phụ nữ là người đầu tiên đến ngôi mộ?

Trong bốn sách Phúc âm, các phụ nữ đi theo Chúa Giêsu không phải là môn đệ của Ngài nhưng lại là nhân chứng đầu tiên của sự Phục sinh. Linh mục Dòng Tên Jean-Bernard Livio đưa ra những suy nghĩ của cha về khía cạnh này của câu chuyện Phục Sinh.

cath.ch, Raphael Zbinden, 2023-04-07

 

Các Phụ nữ Thánh thiện tại Mộ, Maurice Denis (1894) | © Erich Lessing/Keystone

Linh mục Jean-Bernard Livio đã nhiều lần đến thăm những nơi mà Chúa Giêsu thành Nadarét đã sống, đã rao giảng, đã đau khổ, đã yêu thương đến cùng… Học giả Kinh thánh Dòng Tên là nhà khảo cổ học, trong hơn năm mươi năm, cha thường xuyên đi khảo sát Giêrusalem và Đất Thánh, đặc biệt ngài hướng dẫn các cuộc hành hương Đất Thánh. Vì thế đặc biệt lễ Phục sinh là lễ thiết thân và quen thuộc với ngài. Với con mắt của nhà sử học và nhà chú giải, ngài đặc biệt nghiên cứu vai trò người phụ nữ trong các sự kiện này. Báo Công giáo Thụy sĩ hỏi ngài về đề tài này ở khu vực của Notre-Dame de la Route, ở Villars-sur-Glâne (FR).

Cha nghĩ tại sao phụ nữ lại là những người đầu tiên đến ngôi mộ vào buổi sáng Phục sinh?

Linh mục Jean-Bernard Livio: Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này trong Tin Mừng. Nhưng một số quan sát có thể được thực hiện. Thứ nhất, nếu phụ nữ là người đầu tiên đến ngôi mộ, có thể là do các ông đã đi ẩn náu, đi trốn. Họ sợ phải chịu chung số phận với Thầy của mình.

Chúng ta biết các phụ nữ đi ra mộ cũng là những phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu trong cuộc Khổ nạn và đóng đinh của Ngài.

 

Chúng ta biết gì về các phụ nữ này?

Không nhiều. Đặc biệt trong Phúc âm Thánh Luca, ngài cho chúng ta biết trong số các bà có một bà Maria Mác-đa-la nào đó, người mà Chúa Giêsu đã đuổi bảy con quỷ. Bà là người duy nhất có tên trong bốn sách Phúc âm. Chúng ta biết rất ít về nhân vật này. Có lẽ bà là một phụ nữ giàu có, vì bà và các phụ nữ khác đã đặt tài sản của họ để giúp Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài sử dụng. Bà cũng rất gần gũi với Chúa Giêsu, vì bà theo Ngài cho đến cùng.

Về mặt lịch sử, chúng ta biết gì về câu chuyện các phụ nữ đến ngôi mộ?

Đó là câu hỏi được lặp đi lặp lại khi nói về câu chuyện Phục sinh: nó có thật không? Có một số cách để trả lời câu hỏi này. Các bản văn Tân Ước nói về sự Phục Sinh thuộc vào một loại văn bản đặc biệt. Chúng tôi quan sát thấy, các tác giả đã cố gắng đáp lại những người buộc tội họ nói dối. Đồng thời, họ thừa nhận câu chuyện của họ chỉ dựa trên lời kể của nhân chứng. Những văn bản này có phần bất thường của nó.

 

 “Trong hai thế kỷ đầu tiên, Maria Mác-đa-la đã có được một uy tín phi thường”

 

Chúng ta không thể hiểu những văn bản này nếu chúng ta không tiếp nhận chúng với cảm xúc, với thị kiến, như một giải thích sẽ khơi dậy trong tôi một sự dính kết và đòi hỏi một tiến trình từ phía tôi. Chủ yếu chúng ta phải xem điểm chung này của họ: “Ngài đã sống lại!”

Các thánh sử muốn nói gì với chúng ta về buổi sáng Phục Sinh?

Điều đặc biệt nổi bật trong Tin Mừng thứ tư là câu chuyện Phục Sinh đưa chúng ta từ “thấy” đến “biết” rồi đến “tin”. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nghiêm túc xem xét những khó khăn trong sự hiểu biết của chúng ta, và từ những khó khăn này chuyển sang hành động đức tin. Không phải việc ngôi mộ trống hoặc mở ra sẽ kích động sự dính kết của phụ nữ, nhưng là sự việc họ nghe thấy một lời sẽ giúp họ vượt qua nỗi tuyệt vọng, nỗi sợ hãi của họ.

Maria Mác-đa-la, dù được nêu bật trong câu chuyện này nhưng lại bị Giáo hội gièm pha một thời gian dài…

Thật vậy. Chúng ta biết trong hai thế kỷ đầu tiên, Maria Mác-đa-la đã có uy tín phi thường trong các cộng đồng kitô giáo. Thậm chí bà còn được gọi là “Tông đồ của các Tông đồ”. Trong một số phụng vụ, tên của bà còn được đọc trước tên Thánh Phêrô, vì Thánh Phêrô chối Chúa.

Maria-Mađalêna, nữ tông đồ đầu tiên

Nhưng không may, mọi sự thay đổi với giáo hoàng Gregory Cả. Năm 591, ngài đã có một bài giảng tuyệt vời, trong đó ngài “phát minh ra” nhân vật đầy màu sắc Maria Mađalêna có khả năng kết hợp tha thứ và hòa giải; vì điều này thậm chí ngài còn nhầm Maria Mác-đa-la với Maria Bêtania. Trong Giáo hội phương Tây, người ta đã tạo ra “Mađalêna”, lấy đi vai trò môn đệ của bà và giam bà trong hình ảnh người “tội nhân” ăn năn.

 Vì lý do gì ngài làm điều này?

Có thể ngài tự cho mình là người dạy giáo lý tối cao và muốn đơn giản hóa mọi thứ, tập hợp nhiều phụ nữ trong Kinh Thánh mà nhiều người có cùng tên Maria, những phụ nữ khác không được đặt tên như người phụ nữ xức nước hoa. Ở Tây Âu vào thời đó, nhiều người nghĩ phụ nữ đã chiếm chỗ quá quan trọng. Đó là một hành động rất trầm trọng, vì trong một thời gian dài người ta đã thổi vào thần học xu hướng gán cho Maria Mađalêna là người tội lỗi để nhấn mạnh đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

“Biến Maria-Mađalêna thành người tội lỗi là chận đứng chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội”

 “Không cần phải có phẩm chất nào để công bố Đấng Phục Sinh”

Phải chờ đến Đức Phaolô VI, vào cuối những năm 1960, ngài đã bỏ các bài đọc phụng vụ tập trung vào “tội nhân”, để phục hồi hình ảnh này. Ngài dùng lại hai bản văn từ câu chuyện Phục sinh để làm cho Maria Mác-đa-la thành nữ thánh sử, một “phát ngôn viên” của Chúa Kitô. Năm 2016, Đức Phanxicô đã đề nghị phong cho bà tước hiệu – vẫn được lưu giữ trong truyền thống Đông phương – “Tông đồ của các Tông đồ”.

“Maria Mađalêna, tông đồ của hy vọng”

Maria-Mađalêna, hình ảnh người bảo vệ phụ nữ 2000 năm trước “Tôi cũng vậy, #MeToo

Bí ẩn xung quanh bà có thể làm nảy sinh nhiều phép ngoại suy, không chỉ trong Giáo hội. Một số tác giả như nhà văn Dan Brown trong Mật mã Da Vinci còn biến bà thành người bạn gái của Chúa Giêsu.

Làm thế nào để hiểu được sự hiện diện của các phụ nữ vào thời điểm quan trọng như vậy trong Tin Mừng?

Vào thời đó việc đặt lòng tin vào phụ nữ là điều rất bất thường, đặc biệt là trong vấn đề làm chứng. Việc làm chứng của phụ nữ không có nhiều giá trị trước tòa. Chúa Giêsu đi ngược lại những quy ước thời của Ngài khi Ngài gởi một phụ nữ đi loan báo tin sự Phục sinh của Ngài.

Một sự lạc lõng đáng kinh ngạc đứng trước não trạng thời của Ngài, điều mà Ngài đã làm trong một số trường hợp. Nhất là khi Ngài để cho người phụ nữ ngoại tình ra đi khi các ông muốn ném đá, theo luật ông Môsê là phải ném đá.

Như thế có nghĩa Chúa Giêsu muốn giao cho phụ nữ một vai trò đặc biệt?

Chắc chắn có một mong muốn, đặc biệt là trong Tin Mừng Thánh Gioan, ngài tôn vinh vai trò của bà Maria Mác-đa-la, ngài nói: “Thật phi thường vì đó là một phụ nữ nên điều đó phải đúng.”  Điều này đi theo đường hướng của Chúa Giêsu, đặt “những kẻ thấp bé, những người bị loại trừ ra khỏi xã hội” lên hàng đầu.

 

“Lễ Phục Sinh là lễ của các chứng nhân trước khi là lễ của các thần học gia”

 

Ngoài ra, theo tôi, thông điệp là: không có phẩm chất cần thiết nào để loan báo Đấng Phục Sinh. Không cần phải học thần học. Điều cần phải có: đó là khả năng ngạc nhiên. Truyền thống của Thánh Gioan nói lên nhiều điều về khía cạnh này. Truyền thống này phân biệt giữa các môn đệ, những người theo Chúa Kitô bằng cái đầu và những người theo Ngài bằng trọn trái tim. Maria Mác-đa-la chắc chắn ở trong thành phần những người theo Chúa Giêsu bằng trái tim. Đặc biệt mối quan hệ tình cảm Chúa Giêsu có với bà là khi Ngài gọi tên bà. Người ta có thể đi xa đến mức nói bà là hình ảnh “ngược với Thánh Phêrô”. Thánh Phêrô cần thiết để xây dựng cộng đồng, còn bà ở trong cộng đồng bằng sức thổi của bà.

Tại sao Giáo hội không để đoạn này trong các sách Phúc âm ở vị trí dành cho phụ nữ?

Nếu chúng ta hiểu rõ câu chuyện Phục Sinh, dĩ nhiên chúng ta sẽ làm như Chúa Giêsu. Tôi tự hỏi vì sao ngày nay chúng ta còn sợ lời chứng này của phụ nữ đến như vậy! Trong khi trên thực tế, ở các giáo xứ, các cộng đồng của chúng ta buộc chúng ta phải nhìn thấy điều này: các buổi họp của chúng ta đa số là phụ nữ. Và làm thế nào việc dạy giáo lý sẽ được thực hiện nếu không có sự dấn thân phi thường của phụ nữ? Có lẽ sứ điệp Phục Sinh là để nhắc nhở chúng ta: Lễ Phục Sinh là lễ của các chứng nhân trước khi là lễ của các thần học gia.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2023/04/09/vi-sao-phu-nu-la-nguoi-dau-tien-den-ngoi-mo/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây