Trời sắp Tết, Nhưng mấy người có Tết!

Thứ năm - 16/11/2023 07:09 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh |   114
Trên Quan Lộ Cuộc Đời: Trời sắp Tết, Nhưng mấy người có Tết!

Trời sắp Tết, Nhưng mấy người có Tết!

tbd 161123b


Năm nay tôi được về ăn tết sớm với gia đình. Hai mươi sáu âm lịch rồi nhưng đường quê vẫn vắng lặng. Đâu đó có chút hương xuân đang vẩn vương trên cành mai sớm nở, trong đôi mắt hạnh phúc đợi chờ con cháu, trong hương hoa tươi mới trên bàn thờ tổ tiên…

Kênh G khi xưa ruộng ít người đông, vì kế sinh nhai mà không ít người nặng lòng ly hương tìm kiếm một tương lai mới. Những tưởng người đi đã yên kẻ ở đã ổn, thì một vài năm gần đây giá lúa giảm, phân thuốc tăng, heo dịch chết… khiến nhiều gia đình ngậm ngùi tiếp tục ra đi với hai bàn tay trắng. Quê nhà tàn tạ nhưng đường phố vẫn ngập “Xuân chiến thắng”.

Tôi và đứa cháu đi câu cá, thành quả là vài chú rô nhỏ. Đứa cháu câu được một con mà hạnh phúc không tưởng. Vừa câu vừa kể cháu nghe chuyện xưa đi câu với hàng trăm loại cá, từ nhỏ như ngón tay đến to bằng bắp đùi… cảm giác như cháu tôi đang nghe chuyện cổ tích. Phân thuốc, sự dung túng cùng thiếu ý thức của những người đánh bắt thủy sản bằng xung điện và dụng cụ tận diệt đã khiến rất nhiều loài thủy sản đặc trưng của sông nước miền tây giờ chỉ còn trong ký ức.

Mười năm trở về trước bà con nông dân một năm hai mùa lúa, tuy có vất vả nhưng không đến nỗi bức xúc như từ lúc đắp đê làm ba vụ. Người ta vẽ ra một cái bánh thật to, nhưng nông dân ngồi nhìn thiên hạ chia nhau hưởng. Đê bao khắp nơi nên không còn nước lũ mang phù sa về, ruộng đồng kiệt dần chất dinh dưỡng và tất nhiên bù vào đó phải tăng lượng phân bón thật nhiều. Nước lũ không về rửa đất rửa phèn, chất độc của phân thuốc hóa học tích tụ lại thật đáng sợ, như đã có nhận định của giới khoa học: “Đồng bằng Sông Cửu Long đang thành kho thuốc độc”.

Thế nên thực tế là tất cả nông dân đang tập trung làm giàu cho công ty vật tư nông nghiệp. Các doanh nghiệp này tổng kết cuối năm thưởng nhân viên từ nhà đến xe, cùng những chuyến du lịch khắp thế giới. Đã từng có đại biểu Quốc hội đề nghị điều tra xem nhóm lợi ích nào tư vấn chuyện đắp đê ba vụ này, rồi sau đó rơi vào im lặng. Phân thuốc bán đủ loại tràn lan, nông dân tự mò mẫm đi tìm và kiểm định chất lượng. Kỹ sư nông nghiệp thay vì là nhà tư vấn giúp dân nuôi trồng, lại chuyên tâm tiếp thị cho các đại lý vật tư nông nghiệp…

Khi xưa thu hoạch lúa kêu thợ, ghe buôn đến ngã giá là xong. Ngày nay tất cả đều phải qua “một loài chim không bao giờ bay” gọi là “”. Từ cò máy cắt, cò giá lúa… cho đến cò vịt chạy đồng. Nông dân đã thua lỗ đủ đường vẫn cay đắng nhìn bọn cò mổ thẳng vào chút lợi nhuận bao tháng ngày vất vả. Đồng nào cò đó… như luật bất thành văn. Ai để những loại cò này lộng hành! Có sự chia chác trong đó để hút máu nông dân! Ai cũng biết câu trả lời.

Một năm ảm đạm bởi dịch Corona virus và bão lũ kinh hoàng sắp qua đi. Biết bao người phải trải qua cảm giác của tang thương, sợ hãi và mệt mỏi. Thế giới hiện đại và văn minh thật đó, nhưng sao chẳng mang lại con người cảm giác ấm cúng, nghĩa tình, an bình như những năm xưa! Chúng ta vất vả khổ tâm tìm kiếm những điều mới lạ với ước mong làm cuộc sống này tốt đẹp thoải mái hơn, nhưng thử bình tâm nhìn lại, cái được chỉ là những hình thức bên ngoài mà thôi, tâm hồn có vẻ còn nặng nề u ám hơn cái thời được cho là thiếu thốn thua thiệt đó.

Quê hương nay vắng hẳn tiếng… heo kêu. Khói bếp bánh chưng không đủ quấn hồn người viễn xứ. Xuân vẫn nguyên sắc màu đó thôi, có chăng nhiệt độ các mùa nóng hơn đôi chút. Nhưng, xuân đang đến mà người có còn xuân! Trời sắp tết hỏi lòng còn muốn tết

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(20/01/2020)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây