Tưởng niệm (Magnificat)

Thứ ba - 15/08/2023 05:13 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   106
Đó là cách đọc lịch sử cứu độ mà Đức Maria đã đọc trong bài ca của bà Anna mẹ của ông Samuel, để hiểu về tưởng niệm trong lời kinh Magnificat.
Tưởng niệm (Magnificat)
Tưởng niệm (Magnificat)




Để hiểu hai từ tưởng niệm, ta cần có một kinh nghiệm về lịch sử cứu độ. Một lịch sử không chỉ xảy ra trong quá khứ với một nhân vật nào đó, mà còn là một lịch sử ảnh hưởng trên cuộc đời của ta. Đó là cách đọc lịch sử cứu độ mà Đức Maria đã đọc trong bài ca của bà Anna mẹ của ông Samuel, để hiểu về tưởng niệm trong lời kinh Magnificat.

Ta lần lại quá khứ trong sách Samuel quyển 1. Bà Anna vợ của ông Alcana, bà hiếm muộn không có con, bà rất đau khổ vì điều này. Bà lại còn bị bà vợ thứ hai của ông Alcana là bà Ponina cười chê, thứ người đàn bà thất đức vì không con. Bà Anna buồn sầu thưa với Chúa: "Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó." (1Sm 1, 11).
Bà cầu nguyện thầm thĩ, mấp máy đôi môi, ông Alcana chồng bà bảo bà say rượu rồi nói nhảm. Bà thưa lại: “Không, thưa ngài, tôi chỉ là một người đàn bà tâm thần đau khổ. Tôi đã không uống rượu và đồ uống có men, tôi chỉ thổ lộ tâm can trước nhan Đức Chúa. Xin đừng coi nữ tỳ ngài đây là đứa vô lại: chỉ vì quá lo âu phiền muộn mà tôi đã nói cho đến bây giờ." (1Sm 1, 15 – 16)
Sau những lời cầu nguyện đó bà được Chúa ghé mắt nhìn người tôi tớ hèn mọn của Người và ban cho bà người con là Samuel.
Khi Đức Maria đọc lại lời này với lời kinh Magnificat, ta sẽ hiểu thế nào là tưởng niệm.
Tưởng niệm là đọc lại lịch sử trong một tương quan mới. Đức Maria đọc lại lời cầu nguyện của bà Anna: “Tớ nữ phận hèn Chúa”. Áp dụng một cách khiêm hạ, dù là một con người phàm nhân, một nữ tỳ hèn mọn, nhưng bởi đâu lại được sứ thần chào: “Kính chào bà đầy ơn phúc”. Ơn phúc của Thiên Chúa lớn lao quá với thân phận người phụ nữ hèn mọn này. Một kinh nghiệm xa xưa sống lại trong tâm hồn của Mẹ Maria, khi bà Anna nức nở cầu xin Chúa “Nhớ đến nỗi khổ cực của tôi tớ Ngài đây”. Mẹ Maria đã nghiệm ra ngay trong cuộc đời mình được Chúa đoái thương nên: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, lòng trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa của tôi”. (Lc 1, 46 – 47). Tưởng niệm không chỉ nhớ lại mà còn thấy được ân phúc ngay trong hiện tại.
Cũng vậy, khi đọc lịch sử cứu độ, một lịch sử của ơn giải thoát, Mẹ Maria không chỉ đọc để ghi nhớ những biến cố lịch sử của dân tộc, khi Chúa đưa dân Người qua biển đỏ, trong cuộc xuất hành (Exodus). Mỗi người là một hồng ân “Chúa đã đưa tôi đi, Chúa đã giải thoát tôi”. Lịch sử không chỉ xa xưa mà ngay trong cá nhân mỗi người. Chính vì vậy, khi Mẹ Maria đọc lịch sử đã thấm thía trong lời kinh Mẹ cầu nguyện: “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại, Danh Người chí thánh chí tôn”. Lời nguyện cầu không chỉ lời đọc trên môi, mà lời ấy, đọc từ kinh nghiệm cá nhân, một kinh nghiệm Chúa đã giải thoát tôi. Trong kinh nghiệm cá nhân, tưởng niệm trở thành lời kinh cảm tạ run lên vì mừng vui tận tâm hồn ngợi khen, chúc tụng.
Tưởng niệm trong tâm tình lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Không chỉ là lời hứa của năm xưa, mà lời hứa ấy vẫn thực hiện tong suốt thời gian lịch sử. Mẹ Maria nhận ra lời hứa của Thiên Chúa nay đang thực hiện nơi chính nơi Mẹ, và thưa lên tiếng “xin vâng”. Nếu ta tách lời thưa xin vâng này ra khỏi lời hứa, ta chỉ thấy tiếng xin vâng ấy rất nhạt. Bởi vì, xin vâng như một hoàn cảnh không thể nào khác, như một biến cố xảy ra phải chấp nhận. Nhưng khi thưa “Xin Vâng” Mẹ maria biết rằng đây là lời hứa từ muôn thuở và được đánh dấu từ thời Abraham cho đến khi Mẹ thưa “Xin vâng” như Lời Chúa phán. Lời hứa ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại, Lời hứa được thực hiện ngay trong cuộc đời của Mẹ cũng như đã thực hiện nơi bà Anna.
Tưởng niệm là sống lại lịch sử của cứu độ trên cuộc đời của ta. Chúa đã làm cho ta, như Chúa đã làm cho dân của Người năm xưa. Chúa thực thi lời hứa của Người trong lời xin vâng hiện tại của ta. Hãy để Chúa thực thi ý định yêu thương của Người nơi chính ta, như Mẹ Maria đã thưa: “Xin cứ làm cho tôi như Lời Chúa nói” (Lc 1, 38)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây