Vua muôn vua

Thứ bảy - 19/11/2022 02:50 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   330
Làm vua không để được phục vụ mà trở nên người phục vụ.
C34Vs
C34Vs

Vua muôn vua

 
 
Ngày nay người ta thích trèo cao làm vua về các thực phẩm hay vua các thương hiệu. Thích làm vua nhưng không phải là vua đích thật vì không hiểu rõ về trách nhiệm của vua hay thế nào là vua.
Chiết tự chữ “Vương” () bao gồm ba gạch ngang trên trục đứng, theo nghĩa Thiên - Nhân – Địa. Là chữ thuộc nhóm hội ý nên chữ Vương đòi hỏi vua là người biết ý Trời mà áp dụng cho mình và cho người trên kẻ dưới, đồng thời cũng phải biết thuận với tự nhiên (nghĩa của đất). Để là vua thật sự như thế rất khó không phải dễ. Làm sao biết được ý trời khi được xem là “thiên tử” sống cho xứng là con của Trời. Trời thường bị mất cắp ý nghĩa thật mà thay vào điều trơ trẽn và xấu xa: Con vua làm vua, hay như ông trời con muốn làm gì thì làm, hoặc làm vua theo nghĩa xấu…
Làm vua theo ý nghĩa của sách Đại Học dạy: “Tự thiên-tử dĩ chí ư thứ-nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản”, từ vua tới dân lấy việc sửa mình là gốc. Tâm giữ cho ngay chính, ý cần cho thành, mới có thể hiểu biết ý trời cho đầy đủ được.  Tăng-tử nói rằng: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn, cố quân-tử tất thành kỳ ý”. Giàu thì gắng làm cho cái nhà được thuận hoà, có đức làm cho sáng cái thân và cởi mở với người, tâm quảng đại thì làm cho cái thân thanh thản không lo âu, buồn giận.
Làm vua đòi hỏi sống biết khiêm nhường, Sách Đạo Đức Kinh dạy: “Sông biển sở dĩ làm vua trăm hang suối chính vì khéo ở chỗ thấp, vì thế nên làm vua trăm hang suối”. Làm vua ở trên dân mà dân không thấy nặng, ở giữa dân mà dân không thấy chướng, ở dưới dân mà được lòng dân, dân được nhờ và được sung túc và được dân an.
Người thông tuệ là người biết cúi xuống, biết hạ mình để vươn lên. Trong cuộc sống Chúa dạy “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 26 – 27). Con sông lớn không phải vì tự nhiên mà nó lớn, nó đã tiếp nhận từ biết bao nhánh nhỏ để rồi mới lớn và đủ mang tất cả về biển khơi. Cuộc đời của con người cũng như vậy muốn trở thành lớn, tâm rộng, hồn quảng đại là cần biết lắng nghe và đón nhận tất cả, Thánh Phaolô dạy về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (2Cor 13, 4 – 8).
Chúa Kitô là vua các vua qua mầu nhiệm “tự hạ”: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2, 6 – 11). Đức Hồng Y Romano Guardini diễn tả màu nhiệm tự hạ nơi Chúa Giêsu: “Thiên Chúa toàn năng biểu lộ nơi con người tử tội”. Khó có thể nhận ra vị vua mà Is nói đến trong dáng vẻ của con người tử tội ấy là vua: “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.” (Is 53, 3).
Sau dáng vẻ của con người chịu tội ấy là: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53, 4 – 5). Ý nghĩa của vua đích thật là người mang lấy, gánh lấy hậu quả của tội lỗi chúng ta gây ra. Tất cả là biểu hiện Tình Yêu của Đấng là Vua các vua đã yêu thương nhân loại cho đến cùng.
Sông có rộng là nhờ đón nhận tất cả từ những khe suối nhỏ, những nhánh nhỏ của bao vùng thượng nguồn chảy ra sông, dù trong hay đục, đưa ra biển khơi để thanh tẩy.
Làm vua không để được phục vụ mà trở nên người phục vụ.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
 Tags: phục vụ, vua, Vương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây