Mt 13,54-58
THÀNH KIẾN CẢN TRỞ ĐỨC TIN
Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi. Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin. (Mt 13,57-58)
Suy niệm: Mặc dù nhiều người Do Thái vẫn tin nhận Đức Giê-su là một ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa và Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền (x. Lc 7,16; Mc 1,22), nhưng khi trở về quê hương Na-da-rét, Đức Giê-su lại bị dân làng “rẻ rúng” và “không tin.” Chính vì thành kiến về thân thế bình dân của Ngài –chỉ là con của bác thợ mộc Giu-se, và Mẹ và anh chị em của Người là những người hàng xóm, đồng hương quá đỗi quen thuộc với họ– mà họ bị ngăn cản không nhận ra căn tính đích thực của Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ nhân loại. Nếu có nhận Người là Đấng Mê-si-a con vua Đa-vít thì cũng chỉ là một vị vua theo nghĩa trần tục mà thôi. Chính vì thế họ đánh mất cơ hội được giải thoát họ khỏi tội lỗi và lãnh nhận sự sống mới nơi Đức Giê-su phục sinh.
Mời Bạn: Ai cũng mang trong mình ít nhiều những thành kiến về người khác, những thành kiến đó cản trở ta sống đức tin, cản trở ân sủng của Thiên Chúa và cản trở ta sống bác ái với tha nhân. Do vậy, ta cần thanh tẩy “óc thành kiến” bằng cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy tự xét mình và gỡ bỏ đi một thành kiến không tốt về một người nào đó đã từng làm bạn tổn thương, hay làm thiệt hại cho bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Xin Chúa dùng Lời hằng sống của Ngài mà thanh tẩy tâm hồn con, để con nên giống Chúa mỗi ngày.
Ca nhập lễ
Con chiên đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, thiên tính, khôn ngoan, sức mạnh và danh dự - Allêluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con đã được phúc đón nhận Tin Mừng Ðức Kitô sống lại; xin Chúa ban Thánh Thần tình yêu dẫn chúng con bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin...
Bài Ðọc I: Cv 9, 1-20
"Người này là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân tộc".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa, ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy bất luận nam nữ, ông trói đem về Giêrusalem. Ðang khi đi đường lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông thưa: "Lạy Ngài, Ngài là ai?" Chúa đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi". Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?" Chúa phán: "Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì". Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở, mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.
Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: "Anania". Ông thưa: "Lạy Chúa, này con đây". Chúa phán: "Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố "Thẳng", và tìm tại nhà Giuđa một người tên là Saolô, quê ở Tarsê; ông ta đang cầu nguyện". (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các vị thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa". Nhưng Chúa phán: "Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta". Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: "Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần". Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng: Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2
Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người.
Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời.
Alleluia: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia! - Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 6, 53-60
"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".
Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thánh hoá và chấp nhận của lễ này là biểu hiệu lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin...
Lời tiền tụng Phục Sinh
Ca hiệp lễ
Đấng chịu đóng đinh trên Thập giá đã phục sinh, và đã cứu chuộc chúng ta - Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin...
Suy niệm
TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG (Ga 6,53-60)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Tin Mừng hôm nay trình thuật lời tuyên bố của Đức Giêsu về một vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp tới Ngài và tới tất cả những ai tin Ngài, đó là “Bánh Hằng Sống”. Ngài không nói quanh co bóng gió, nhưng rõ ràng minh bạch: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Khi tuyên bố như thế, ngay sau đó, Ngài liền khẳng định: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
Như một sự tiệm tiến, Đức Giêsu không chỉ ao ước, cũng như không chỉ có ý định trở thành lương thực cho con người, nhưng Ngài còn thực sự muốn và thực hiện điều đó. Vì thế, Ngài nói: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống"; “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x. Ga 6, 54-56).
Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu cho thấy, lương thực Ngài ban tặng chính là lương thực Thần Linh, hoàn toàn khác biệt với những thứ lương thực trong đời thường, bởi vì Bánh mà Đức Giêsu trao ban chính là Ngài.
Khi trao ban cho con người chính bản thân mình, Đức Giêsu mong muốn được trở thành nguồn nuôi sống và nhất là thông truyền sự sống Thần Linh của Ngài cho nhân loại. Sự liên kết này được thể hiện qua việc ăn Thịt và uống Máu Chúa trong niềm tin. Chính vì thế, thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Côrintô: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”.
Nói như thế, thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến việc chuẩn bị và ý thức cách xứng đáng để tương xứng với hồng ân cao trọng mà vì yêu, nên Đức Giêsu sẵn sàng trao hiến cho con người.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con hiểu được sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể và ý thức được giá trị của việc đón nhận Mình Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Ngày 01/5: Thánh Giuse Thợ
Ca nhập lễ
Phúc thay tất cả những ai tôn sợ Thiên Chúa. Những ai ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may - Alleluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao phó hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành. Chúng con cầu xin...
Bài Ðọc I: St 1, 26 - 2, 3
"Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất". Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa. Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống thị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất".
Thiên Chúa phán: "Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất và mọi vật trang điểm của chúng đã hoàn thành.
Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó Người nghỉ việc tạo thành.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc: Cl 3, 14-15. 17. 23-24
"Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chớ không phải cho người đời".
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa.
Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chứ không phải cho người đời; vì anh em biết rằng anh em sẽ lãnh nhận phần thưởng gia nghiệp do Thiên Chúa trao ban, nên anh em hãy phục vụ Chúa Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 89, 2. 3-4. 12-13. 14 và 16
Ðáp: Lạy Chúa, xin củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở này qua thuở kia, vẫn có Ngài.
Xướng: Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".
Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài!
Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con được mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài.
Alleluia: Tv 67, 20
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Chúa trong mọi ngày, Thiên Chúa là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, Người vác lấy gánh nặng của chúng ta. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 54-58
"Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: "Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?" Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: "Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình". Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa là nguồn mạch lòng thương xót, xin đoái nhìn lễ vật chúng con dâng trước Thánh Nhan nhân ngày lễ thánh Giuse thợ. Chúng con khẩn khoản nài xin Chúa cho của lễ này trợ giúp chúng con. Chúng con cầu xin...
Ca hiệp lễ
Tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi việc anh em nhân danh Chúa mà thi hành, anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa - Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực bởi trời nuôi dưỡng chúng con, xin dạy chúng con biết noi gương thánh Giuse để lại mà làm chứng về đức ái Chúa đã đổ xuống tâm hồn chúng con, nhờ đó chúng con sẽ được hưởng bình an mãi mãi. Chúng con cầu xin...
Suy niệm
Thánh Giuse lao động
Hôm nay lễ Thánh Giuse Thợ, chúng ta đọc lại một vài suy niệm của ĐTC Phaolô VI về cuộc đời lao động của Thánh cả.
Trong bài giảng vào lễ Thánh Giuse năm 1969 (*), ĐTC Phaolô VI nói rằng: khi suy niệm về Thánh Giuse, ta tưởng chừng như thiếu chất liệu khai thác. Phúc Âm không ghi lại lời nào của Ngài, ngoại trừ vài ghi nhận: Ngài hoàn toàn yên lặng và lắng nghe tiếng Chúa qua những giấc mơ. Ngài mau mắn thi hành ý Chúa. Ngài chuyên chăm làm việc tay chân cách cần mẫn, khiến người đời chỉ biết về Chúa Kitô là con bác phó mộc. Tất cả chỉ vỏn vẹn có thế, và có thể nói: cuộc đời Thánh Giuse là một cuộc đời ẩn dật, lao công lam lũ, một đời bình thường không chút danh giá.
Nhưng, ĐTC Phaolô VI nhấn mạnh, nếu chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn cuộc đời ẩn dật của Thánh Giuse, chúng ta sẽ thấy một cuộc đời đầy nhân đức và công nghiệp, đầy hạnh phúc và đau khổ, đầy hy sinh và ơn thánh. Thánh Giuse đã dấn thân và đón nhận mọi gánh nặng gia đình. Ngài chỉ nghĩ đến phục vụ, chỉ biết làm việc và hy sinh trong khung cảnh thầm kín mà Phúc Âm đã diễn tả: mái ấm Nadarét với trẻ Giêsu và Đức Maria. Ngài thực đáng được ca ngợi là người diễm phúc và cực tốt lành.
Chính nơi Thánh Giuse, ta nhìn thấy những giá trị đích thực của đời sống con người, khác hẳn cách người đời thường thẩm định. Ở đây, cái nhỏ bé trở nên lớn lao. Ở đây, cái hèn hạ lại có địa vị xứng đáng trong xã hội. Ở đây, những kết quả lao công tầm thường và khó nhọc, lại trở nên hữu dụng cho công việc giảng dạy của Đấng Tạo Thành. Ở đây, những gì bị mất vì yêu Chúa thì lại tìm thấy, những gì hy sinh cho Chúa thì lại được nên dồi dào.
Thánh Giuse chính là tiêu chuẩn Phúc Âm, mà Chúa Giêsu - sau khi rời bỏ xưởng thợ Nazareth - đã rao giảng. Thánh Giuse là gương mẫu của lớp người khiêm hạ mà Kitô giáo đã phát hiện ra như những sự cả thể lớn lao.
Cuối cùng, ĐTC Phaolô VI kết luận, Thánh Giuse là biểu chứng cho thấy, muốn nên môn đệ Chúa Kitô thì không phải nhắm ra tay làm những sự lớn lao, mà chỉ cần tập làm những việc nhỏ mọn, đơn sơ xứng hợp với con người... Vậy Thánh Giuse là gương mẫu cho chúng ta bắt chước, là Đấng Bảo Hộ chúng ta cần cầu khẩn.
Lịch sử ngày lễ: Ngày 01/05 - Thánh Giuse Thợ
1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang lại cho lao động một chiều kích Kitô-giáo. Thật vậy, khuôn mặt thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiarét, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Từ Hy-lạp Tectôn được dịch là “thợ mộc” gán cho Giuse có lẽ chỉ định người thợ mộc, thợ đá hoặc thợ kim loại và cũng có thể là thợ xây dựng nhà cửa.
Do truyền thống gia đình, chắc chắn Đức Giêsu đã được hướng dẫn để làm nghề này. Vì thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng của Marcô: (Đức Giêsu) không phải là bác thợ, con Bà Maria sao ? (Mc 6,3). Đối với người Do Thái thuộc thời soạn thảo Kinh thánh, công việc tay chân cũng thánh thiêng, đối với các Rabbi hay các tư tế cũng thế. Các Rabbi bình giảng sách Giảng viên cũng nói: “Con hãy lo cho mình có được một nghề nghiệp, song song với việc học hỏi lẽ khôn ngoan”. Thế rồi, không những hành nghề mà thôi, song còn phải truyền nghề cho con cái vì như sách Talmud đã chép: “Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái”. Sách này còn nhấn mạnh đến tính chất thánh thiêng và giá trị của công việc tay chân: “Người thợ, trong lúc lao động, không buộc đứng dậy tiếp bậc kinh sư cho dù là vị cao trọng nhất... Kẻ nào giúp ích cho người đồng loại bằng sức lao động của mình thì cao trọng hơn người học biết Thiên Chúa... Kẻ nào nuôi sống mình bằng sức lao động thì cao trọng hơn người vô công rỗi nghề, chỉ biết giam mình trong các tâm tình đạo đức ...”
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện trong Thánh lễ gợi cho chúng ta “Gương thánh Giuse”, được Tin mừng gọi là “người thợ mộc” (Mt 13,55). Truyền thống cho thấy ngài sống thân tình với Đức Maria, hôn thê của mình và với trẻ Giêsu, chính Người cũng được gọi là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Như thế cả ba vị đều tôn vinh Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ; Người muốn con người lao động để tôn vinh Người và tiếp tục công trình sáng tạo của Người (lời nguyện nhập lễ).
b. Bài đọc - Kinh sách, trích Vaticanô II (Hội thánh trong thế giới ngày nay) làm nổi bật ý nghĩa Kitô giáo trong các sinh hoạt của con người. “Nổ lực này đáp ứng với ý định của Thiên Chúa... Điều ấy cũng bao gồm các sinh hoạt thông thường nhất. Vì con người, nam cũng như nữ, khi nuôi sống mình và gia đình, đều phải hoạt động phục vụ xã hội. Họ có quyền nghĩ rằng sức lao động của họ mở mang công cuộc của Đấng tạo hóa và mang lại hạnh phúc cho các anh chị em, cũng như khả năng riêng của mỗi người, cũng góp phần kiện toàn kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử”. Nơi khác, cũng Hiến chế này ghi nhận: “Nhờ việc làm của mình dâng lên Thiên Chúa, con người cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nâng cao giá trị của việc làm khi Người làm việc với chính hai bàn tay của mình tại Nagiarét. Do đó, mỗi người có bổn phận phải trung thành làm việc và cũng có quyền làm việc nữa” (Vaticanô II: LG 67,2).
Enzo Lodi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn