MỘT THOÁNG PHAN XI CÔ
Một chiều thu cuối tháng bảy năm ấy, nay đã qua ba mươi sáu mùa thu khác, sáu mươi mốt chú tiểu e dè theo chân các anh lớn, bước vào Chủng viện Lê Bảo Tịnh, gắn vào đời mình một danh hiệu: LỚP PHANXICÔ.
Để rồi từ đó, những hình ảnh về lớp Phanxicô lớn dần theo những trải nghiệm trong đời, dù chỉ là một phút chạnh lòng, hay xao xuyến khi ai đó nhắc về kỷ niệm một thời trai trẻ, hay đứa út thỏ thẻ xin ba kể chuyện ngày xưa. Ngày xưa, ngày xưa của ba... ừ thì là... Hai tiếng Phanxicô Lê Bảo Tịnh lại là gợi mở đầu tiên... trong muôn ngả ký ức, trong mớ bùng nhùng những hoài niệm, chẳng định tính cũng chẳng định hình, lại hiện rõ lên những hình ảnh của Chủng viện. Dẫu biết rằng, quãng thời gian ấy dưới mái nhà Lê Bảo Tịnh, từ 1971 đến 1975, 1978 rồi 1983, chỉ là dấu chấm nhỏ giữa muôn trùng xa ngái cuộc sống truân chuyên, chỉ còn là ngõ vắng trên vạn nẻo đường đời.
Sáu mươi mốt chú tiểu e dè nhút nhát buổi đầu, nhưng khi quen chó “Nhà Đức Chúa Trời” thì đã biến tấu nên những trò nghịch ngợm của lứa tuổi chỉ chịu đứng sau nhất quỷ nhì ma, và còn hơn thế nữa, lại là tổng hợp của những tinh hoa nhiều vùng xa lạ, cho những trò xuất quỷ nhập thần, đến từ Vinh Hương, Vinh An, Xã Đoài vùng Đức Lập, Vinh Quang, Vinh Đức, Vinh Phước vùng Hà Lan, Kim Châu, Kim Phát, Trung Hòa, Hòa Bình dọc theo quốc lộ đi Đà Lạt, hay Châu Sơn, Thánh Tâm, Kim Mai, Duy Hòa vùng Ban Mê nắng gió, cả những nơi xa Sài Gòn, Phước Long hội tụ nơi những trò đùa, mà chỉ có hồn nhiên tuổi học trò mới hiểu hết giá trị. Chính vì thế, cuối năm lớp sáu, gia đình Phanxicô tan tác chỉ còn lại bốn mươi mốt chú tiếp tục cuộc hành trình lên lớp bảy.
Phanxicô thay đổi theo từng năm, một số người tị nạn lớp Têrêxa, cùng một ít anh lớp Truyền Tin xin định cư vĩnh viễn. Thay cho những nghịch ngợm thuở đầu là được rèn dũa để đưa vào khuôn khổ. Các Cha giáo đã nỗ lực để giúp cho các chú tiểu sớm định hình nhân cách với những kiến thức cơ bản của giáo trình làm người và rèn luyện chủng sinh trở nên người Kytô hữu trưởng thành. Tất cả đã làm nên lớp Phanxicô.
Biến cố Bảy Lăm thế kỷ trước, cùng những hệ lụy bi thảm làm gián đoạn những ước mơ, tưởng chừng đã chấm hết. Nhưng chính trong nỗi tuyệt vọng, trong những tưởng chừng không thể, là lúc lòng chẳng dám ước mơ ta mới nhận ra được Thánh ý nhiệm mầu. Tám anh em Phanxicô đã được Chúa thưởng công cho những nỗ lực bền bỉ rnà tiến lên Bàn Thánh, trong đó có Cha Đặng Kim Hoàng ở mãi tận trời Tây, nghe theo tiếng gọi mời cho sứ vụ mới. Chất Phanxicô trong bảy anh em linh mục nơi miền cao Banmê vẫn hừng hực khí thế, quên ăn quên nghỉ cho những chương trình mục vụ và xã hội. Có thế ta mới hiểu không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được; Ngài đã biến đổi những con người tầm thường trở thành cao trọng. Còn lại tám mươi bảy phần trăm dân số của lớp, ra đi “nơi ấy hóa tâm hồn” đã phát triển lớp Phanxiô theo nhiều hướng khác nhau: Hai, Sơn, Khanh, Nhu, Đồng, Chính, Trung, và còn ai nữa chưa liên lạc được, đang định cư nước ngoài, với những tầm cao mới. Cầu chúc anh em và gia đình đạt nhiều thành quả và tràn đầy ơn nghĩa nơi quê hương mới.
Phanxicô năng động và thân tình gắn liền với nhiệt huyết của vợ chồng Công-Thu, Huấn-Lam, Khải-Loan trong thời gian sau này. Phanxicô với những doanh nhân thành đạt như vợ chồng Huấn, Hiển, Trạch, Toản, Thanh Hải…, cùng những anh hùng lao động trên mảnh đất phì nhiêu, những chủ trang trại tuy cơ ngơi chưa rộng lắm nhưng đã khởi đầu cho những toan tính lâu dài như Mệnh, Phương, Lưu, Luyến... và cả vợ con nhà Phương Mai. Những công chức tận tình với công việc, gương sáng nơi công sở như Khải… Những ngươi cho đời câu chữ như Lý, Ngữ… cùng những người góp sức cho đời và làm đẹp cho quê hương và xứ đạo như Việt Aùi, Tuấn Kiệt, Mạnh Trung..., những anh em định hướng ngành nghề làm nền tảng cho gia đình như vợ chồng Công, Mạnh Hùng… cùng những anh em khác chưa liên lạc được. Trên hết và trước hết, vẫn một tinh thần Phanxicô cùng linh đạo Lê Bảo Tịnh: lương tâm và trách nhiệm.
Thành quả của một đời tận tụy luôn gắn liền với tinh thần trách nhiệm, đã bắt đầu trổ bông nơi thế hệ con cái. Anh em lớp Phanxicô với tuổi đời xấp xỉ năm mươi, bắt đầu bóng ngả về chiều, đang nhìn thế hệ kế tục vươn mình, đã ít nhiều thấy bóng mình đâu đó, thấy nối dài một thoáng Phan sinh. Dấu ấn thời gian kéo dài đến hôm nay, khi gặp lại nhau vẫn xúc động bồi hồi, vẫn ôn lại những kỷ niệm thân thương và sẻ chia với nhau chút tình trong ngày giỗ tổ, lòng luôn nhớ về người đã ly biệt: Công Lý, Thế Hoàng, Hoàng Anh, Phương Mai đã mạo muội ra đi mà anh em không kịp nói lời từ giã. Nhưng gia đình Phan sinh lại được nối dài, khi vợ con và gia đình các bạn lại quần tụ trong tình thương mến của anh em để cùng chia ngọt sẻ bùi.
Phận người hòa nhịp phận đời. Có những nghịch cảnh tạo nên những phận người trắc trở. Có những thăng hoa từ nút thắt phận người để đổi thay số phận và cây đời mãi trổ bông. Xin được sẻ chia với nhau những oan trái của kiếp người dâu bể, gặp nhau mừng mừng tủi tủi để quên bớt nhọc nhằn, bởi có những người bạn đơn giản chỉ là ngươi quen, nhưng nhờ có họ, ta nhận ra mấy người bạn Phan-xi-cô của ta thật tuyệt vời.
Phan-xi-cô là thế đó cho những nỗi niềm tri ân.
- Tri ân quý Cha Bề trên và các Cha Giáo.
- Tri ân mái nhà chung Lê Bảo Tịnh, ở nơi đó tên Phan-xi-cô được gọi và được định hướng làm người.
- Tri ân những người bạn Phan-xi-cô, đã cho ta những thanh thản và niềm quí trọng nhau trong cuộc sống không ít những gian truân.
Antôn Nguyễn Ngọc Ngữ
Những tin mới hơn